- Hiệp thông giữa mọi tôn giáo và sắc dân cho nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo
Mạch Sống, ngày 18 tháng 6, 2022
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022 (International Religious Freedom Summit 2022), tổ chức Bảo Vệ Đức Tin và Công Lý tại Việt Nam (Advocates for Faith and Justice in Vietnam, AFJV) sẽ thực hiện một buổi cầu nguyện đa tôn giáo lúc 8pm ngày 29 tháng 6. Nơi tổ chức là khách sạn Renaissance ở gần Quốc Hội và Toà Bạch Ốc.
Đây là một hoạt động nhằm hiệp thông mọi người đến từ các tôn giáo khác nhau cùng chia sẻ sự cảm thông và nâng đỡ tinh thần cho các tù nhân lương tâm tôn giáo đang bị giam cầm trong lao tù và cầu nguyện cho các nạn nhân bị tước đoạt mạng sống do chính sách dung dưỡng hận thù
tôn giáo của một số chính quyền quốc gia.
Tiến sĩ Phan Quang Trọng, đồng sáng lập viên của tổ chức AFJV và là người điều phối công việc tổ chức buổi cầu nguyện, giải thích:
“Chúng tôi thực hiện buổi cầu nguyện chính là để những nạn nhân và người thân của họ không thấy cô đơn giữa cuộc đời này. Và hơn thế, chúng tôi muốn bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn những hành vi tấn công tôn giáo và chà đạp quyền con người một cách tinh vi của nhà nước Việt Nam hoặc các chính quyền khác trên thế giới trong thời kỳ họ buộc phải hội nhập toàn cầu này. Để từ đó mỗi người phải có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ niềm tin tôn giáo cho mọi người.”
Hầu như tôn giáo nào ở Việt Nam cũng có những người đã bị bách hại đến thiệt mạng như Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Linh Mục Giuse Trần Ngọc Thanh, Hoà Thượng Thích Thiện Minh, tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn, Mục Sư Tin Lành người Thượng Ksor Xiêm, tín đồ Đạo Tin Lành người Hmong Hoàng Văn Ngài, tín đồ Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo Đoàn Đình Nam…
Những cái chết của Hoà Thượng Thích Thiện Minh, tín đồ Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo Đoàn Đình Nam là hậu quả của chính sách giam cầm tù nhân vô nhân đạo trong các trại tù Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Họ bị bỏ đói, bị giam cầm trong tình trạng mất vệ sinh và bệnh tật trầm trọng dẫn tới chết mòn theo năm tháng.
Những cái chết như của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn hoặc tín đồ Đạo Tin Lành Hoàng Văn Ngài lại là bằng chứng khẳng định sự vi phạm Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia đầy đủ từ năm 2014.
Với cái chết thảm của Linh Mục Giuse Trần Ngọc Thanh thì lại cho thấy thái độ nuôi dưỡng lòng hận thù tôn giáo khi các cơ quan chức năng không chịu điều tra vụ án hình sự theo chuẩn mực luật pháp dù người thân của nạn nhân đã phải gửi đơn tới nhiều nơi.
Cũng theo Tiến Sĩ Phan Quang Trọng cho biết thì buổi lễ cầu nguyện đặc biệt này tuy do các thành viên nhóm Công Giáo Việt Nam đảm nhiệm, nhưng nhóm đã mời gọi những vị chức sắc của mỗi tôn giáo cùng tham gia trong vai trò tổ chức để buổi lễ thực sự là sắc thái liên thông đa tôn giáo.
Các chức sắc tôn giáo đã xác nhận tham gia buổi cầu nguyện gồm có: LM Trần Xuân Tâm, Chánh Xứ Giáo Xứ Mẹ Việt Nam (Maryland), Hoà Thượng Thích Huệ Sơn thuộc Trung Tâm Vạn Hạnh (Virginia), Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên A Ga (North Carolina), Mục Sư Tin Lành Hmong Vàng Chí Mình (Minnesota) và Lễ Sanh Hương Muội thuộc Thánh Thất Cao Đài Mountain Veiw (Texas).
Nhóm tổ chức cũng mời các chức sắc tôn giáo và các tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế tham dự và góp lời cầu nguyện.
Tổ chức AFJV được thành lập sau cái chết của LM Trần Ngọc Thanh với sứ mệnh đẩy lùi chính sách kích động hận thù và bạo lực của nhà nước Việt Nam.
BPSOS là thành phần đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh và, cùng với tổ chức 21Wilberforce, điều hợp Chiến Dịch Toàn Cầu cho Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo của hội nghị.
Mời quý vị tiếp tục theo theo dõi hội nghị và truyền bá những thông tin về hội nghị qua những bản tin tiếp theo của BPSOS đăng tải trên các trang mạng:
https://machsongmedia.org/
https://www.facebook.com/
https://www.facebook.com/
Ngoài ra, nhiều kênh thông tin, với tổng cộng gần 1 triệu người xem, cũng sẽ tiếp vận truyền thông về buổi lễ cầu nguyện đa tôn giáo cũng như các sinh hoạt của đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022. Chúng tôi đang cập nhật danh sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét