Trần Sistine giữa năm 1508-1512 của Michelangelo. Fresco, Nhà nguyện Sistine, Vatican. (Phạm vi công cộng)
BỨC HỌA TRẦN NHÀ NGUYỆN SISTINE - KIỆT TÁC CỦA TRÍ TUỆ VÀ NIỀM TIN
Vân Sơn
Ròng rã suốt bốn năm, Michelangelo đã không ngừng trau dồi và liên tục vẽ trần nhà nguyện Sistine. Mặc dù không phải là một họa sĩ qua đào tạo, nhưng cuối cùng ông đã hoàn thành một trong những bức tranh bích họa lớn nhất và phi thường nhất trong lịch sử.
Nghệ thuật của nhân loại có một bề dày truyền thống thấm đượm trí tuệ vô biên của cổ nhân. Chúng ta hãy mở lòng và chiêm nghiệm những bài học lịch sử văn hoá của loài người từ quá khứ hào hùng. Quả thực, thời kỳ Phục hưng ở nước Ý thơ mộng chất chứa biết bao câu chuyện ly kỳ, cũng từ đó tạo nên những phong cách nghệ thuật trác tuyệt. Và nghệ thuật của Michelangelo là một trong những ví dụ điển hình, sống mãi với thời gian.
Vào thế kỷ 16, Rome nhanh chóng trở thành trung tâm văn hoá của thế giới phương Tây. Cũng vào lúc 33 tuổi, Michelangelo được Giáo hoàng Julius II triệu tập để vẽ trần nhà nguyện Sistine. Michelangelo không phải là một họa sĩ – mà là một nhà điêu khắc – và khi được yêu cầu vẽ trần nhà, ông ấy trả lời: “Hội họa không phải là công việc của con”.
Chúng ta thử đặt câu hỏi vì sao khi đó Giáo hoàng lại yêu cầu Michelangelo vẽ chứ không phải điêu khắc? Theo cuốn “Cuộc đời của các nghệ sĩ” của Giorgio Vasari, Michelangelo nghi ngờ rằng Bramante, một kiến trúc sư tầm cỡ đã từng làm việc cho Giáo hoàng, muốn hủy hoại danh tiếng của ông bằng cách bắt ông vẽ.
“Bằng thủ đoạn này, Bramante và các đối thủ khác có thể làm huỷ hoại thanh danh của Michelangelo, đẩy ông vào tuyệt vọng, không còn được hoàn hảo hay tiếp tục được trọng dụng nữa.”
Đúng là Michelangelo không có kinh nghiệm vẽ bích họa, nhưng điều này không làm ông nản chí. Tiến sĩ William Wallace, chuyên gia hàng đầu về Michelangelo, nhận xét rằng “vào thời Sistine, Michelangelo vẫn luôn cố gắng trở thành nghệ sĩ vĩ đại nhất. Hành động này tương tự như nghệ nhân đã tạo tác hình tượng ‘David’: “Tôi là nhà điêu khắc giỏi nhất. Bây giờ, tôi sẽ trở thành họa sĩ giỏi nhất. Tôi sẽ trở thành nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại.” Về một khía cạnh nào đó, ông vẫn luôn có những khao khát của tuổi trẻ, là muốn khẳng định bản thân.
Ròng rã suốt bốn năm, Michelangelo đã không ngừng trau dồi và liên tục vẽ trần nhà nguyện Sistine. Mặc dù không phải là một họa sĩ qua đào tạo, nhưng cuối cùng ông đã hoàn thành một trong những bức tranh bích họa lớn nhất và phi thường nhất trong lịch sử. Đó quả thực phải là một nhiệm vụ to lớn với trách nhiệm nặng nề. Theo cuốn sách của Ross King “Michelangelo và trần nhà nguyện,” thì Michelangelo thực sự phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ cả phía gia đình, sự cạnh tranh giữa các nghệ sỹ, rồi rủi ro kỹ thuật trong công việc và thậm chí cả về mặt chính trị. Trong sổ tay cá nhân của mình, Michelangelo nhiều lần đề cập đến những điều này: “Ở đây, dường như cuộc sống của tôi bị cái bóng của sự sợ hãi bao trùm; ngay cả thân thể cũng như bị kiệt quệ. Chẳng có bạn, mà cũng chẳng muốn có. Thậm chí, đến ăn cũng không có đủ thời gian.”
Không bị chùn bước, mà ông còn coi đó là những động lực để sáng tác, và tạo ra những hình hoạ về các vị Thần. Ross King nói rằng Michelangelo không hài lòng với thiết kế ban đầu với 12 tông đồ, và đã xin phép Giáo hoàng chuyển thành một thiết kế phức tạp bao gồm hơn 300 hình vẽ và sử dụng hình thể người nhằm khám phá mối tương quan giữa người và Thần.
Michelangelo không chỉ lột tả các chủ đề của Cơ đốc giáo, mà còn bao gồm các nhân vật từ Do Thái và ngoại giáo. “Bức họa trần nhà nguyện Sistine không chỉ là chín câu chuyện của Genesis.” Wallace giải thích. “Đó là tất cả mọi thứ. Đó không phải là sự tách biệt giữa Cơ đốc giáo và ngoại giáo. Đó là sự sáng tạo của Chúa, và Chúa đã tạo ra ngoại giáo trước khi tạo ra Cơ đốc giáo. Chúa đã tạo ra thế giới. Các ông đồng bà đồng có thể được đặt ngang hàng với các nhà tiên tri; họ là thế giới ngoại giáo trước khi Cơ đốc giáo xuất hiện. Vì vậy, giống như cách chúng ta thấy xuất hiện các ông đồng bà đồng ngoại giáo [trên Sistine], chúng ta cũng thấy xuất hiện những câu chuyện Do Thái trên Sistine. Bức họa trần nhà nguyện Sistine không dành cho một đạo riêng lẻ nào cả, nó không chỉ là đạo Thiên chúa, Do Thái hay ngoại giáo; đó là tất cả của tạo hóa.”
Trong bức họa “Sáng tạo Adam”, hình ảnh của Chúa đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất thế giới. Michelangelo đã vẽ Adam trong khoảnh khắc thức tỉnh khi anh gặp được Đấng sáng tạo ra mình. Một Adam nằm nghiêng nhìn vào mắt Chúa và đưa tay ra để chạm vào người tạo ra mình. Đức Chúa Trời – cùng với những nhân vật trong Kinh thánh bao quanh Ngài – di chuyển hướng về phía Adam. Ngài thực sự hài lòng với sáng tạo của mình, Đức Chúa Trời đưa tay chạm vào Adam.
“Sáng tạo Adam”, 1508-1512 của Michelangelo. Fresco, Nhà nguyện Sistine, Vatican. (Phạm vi công cộng)
Khoảng cách giữa các ngón tay của Adam và Chúa rất gần, nhưng xem ra lại rất xa: “Vài cm ngăn cách giữa các đầu ngón tay của họ như làm cho thời gian ngừng trôi và nó như là một sự thể hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật,” Wallace nói trong cuốn sách “Michelangelo: Nghệ sĩ, Con người, và Thời đại”, “giá như Adam cố gắng hơn một chút, thì có vẻ như anh ta sẽ chạm được vào Chúa, và sự ngăn cách sẽ không còn nữa”.
Khi hoàn thành, Giáo hoàng Julius II đã rất hài lòng, và trần nhà Sistine đã được công bố vào Ngày các Thánh, ngày 1 tháng 11 năm 1512.
Wallace nhận xét: “Chúng ta quả thực ngưỡng mộ nghệ sỹ Michelangelo. Bản chất vẽ trần nhà là một công việc nghệ thuật cực kỳ gian truân, đòi hỏi rất nhiều tài năng và nguồn lực. Vậy mà ngay cả dưới không chỉ những áp lực đó, mà còn phải đối mặt với những thách thức không thể tưởng tượng khác nữa – điều mà khiến người ta sẽ hoàn toàn bỏ cuộc; thì Michelangelo lại không”.
Câu chuyện của Michelangelo là một câu chuyện trí huệ: với niềm tin và khát vọng cháy bỏng, ông đã vượt qua những gian nan để khắc hoạ các hình ảnh thần thánh một cách sống động và trực quan. Mặc dù điều đó là vượt qua khả năng của ông, song ông lại thành công hơn cả mong đợi. Với sự nỗ lực không ngừng cùng cảm hứng tuôn trào, Michelangelo đã tạo ra một kỳ quan hiện đại mà sau 500 năm chúng ta tiếp tục ngưỡng mộ.
Nguồn: Tạp chí Radiant Life.
Theo Eric Bess, The Epoch Times
Văn Sơn biên dịch - DKN.TV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét