Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Chấn Động Với Phán Quyết Của TCPV Về Quyền Phá Thai

 

Người dân Mỹ biểu tình trước trụ sở TCPV ở thủ đô Washington DC để phản đối quyết định bãi bỏ án lệ Roe v. Wade đã có từ 50 năm nay, trong đó quy định phá thai là một quyền của người phụ nữ được Hiến Pháp bảo vệ. Nhiều cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở các thành phố lớn của Mỹ trong buổi chiều ngày thứ Sáu 24 tháng Sáu 2022. Ảnh Brandon Bell/Getty Images

CHẤN ĐỘNG VỚI PHÁN QUYẾT CỦA TCPV VỀ QUYỀN PHÁ THAI
Hiếu Chân

TCPV quyết định bãi bỏ án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai đã gây một làn sóng chấn động khắp nước Mỹ

Ngày thứ Sáu 24 tháng Sáu 2022, nước Mỹ chấn động khi Tối Cao Pháp Viện (TCPV) – mà các thẩm phán có quan điểm bảo thủ chiếm đa số – ra phán quyết lật ngược một án lệ Roe v. Wade mà chính tòa này đã đặt ra gần năm mươi năm trước, bác bỏ quyền quyết định chấm dứt thai kỳ của người phụ nữ mà án lệ này coi là một quyền được hiến pháp bảo vệ. 

Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở các thành phố lớn khắp nước Mỹ để phản đối quyết định này. Lãnh đạo một số nước đồng minh của Hoa Kỳ như Canada, Pháp bày tỏ “nỗi kinh hoàng” trước sự thay đổi đột ngột của luật pháp Mỹ. Nhiều nhà phân tích dự báo quyết định của TCPV hôm nay không chỉ có tác động lâu dài đến cuộc sống của các gia đình Mỹ mà còn có thể kích hoạt một cao trào chống phá thai, hạn chế tự do của người phụ nữ trên khắp thế giới.

Để hiểu phần nào sự kiện quan trọng này, trước tiên cần xem lại án lệ Roe v. Wade là gì. Với số phiếu 7-2 TCPV năm 1973 đã thông qua phán quyết của vụ án Roe v. Wade, thiết lập quyền phá thai là một quyền hợp hiến, bãi bỏ những đạo luật trái ngược của các tiểu bang vào thời điểm đó, và trở thành nền tảng pháp lý cho quyền lựa chọn thai sản của phụ nữ suốt 50 năm qua. 

Đa số người biểu tình đòi bảo vệ quyền phá thai là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ảnh Nathan Howard/Getty Images

Án lệ Roe v. Wade nói gì?

Tuy nhiên, án lệ Roe v. Wade không có nghĩa là việc phá thai hoàn toàn tự do, không bị kiểm soát. TCPV cho rằng các tiểu bang không thể cấm phụ nữ quyết định chấm dứt thai kỳ (phá thai) trước thời điểm thai nhi có thể tồn tại bên ngoài tử cung, tức là đã hình thành một sinh mệnh. Thời gian đó là khoảng 23-28 tuần lễ từ ngày thụ thai.

Phán quyết của TCPV chia thai kỳ thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn ba tháng. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hầu như không có quy định nào mà việc phá thai hay không là quyền quyết định của người mẹ. Sang tam cá nguyệt thứ hai, TCPV cho phép có các quy định để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, tức là được phép thực hiện phá thai có điều kiện. Còn trong tam cá nguyệt thứ ba, thời điểm đã hình thành một sinh mệnh, các tiểu bang được ra luật cấm phá thai, chỉ trừ một ngoại lệ là bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người mẹ.

Trong vụ án Planned Parenthood v. Casey năm 1992, TCPV đã loại bỏ việc chia thai kỳ thành ba giai đoạn nói trên nhưng vẫn giữ nguyên cái mà người ta gọi là “cốt lõi” của án lệ Roe, rằng phụ nữ có quyền theo hiến pháp để chấm dứt thai kỳ của họ cho đến khi bào thai có thể tự sống.

Xung đột quan điểm

Phá thai là một vấn đề đạo đức sâu sắc và quan điểm của người Mỹ cũng chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này. Một số người tin rằng, sinh mệnh một con người bắt đầu khi có sự thụ tinh và phá thai là chấm dứt một sinh linh vô tội. Những khác cho rằng, mọi quy định hạn chế phá thai là vi phạm quyền của người phụ nữ được kiểm soát cơ thể của chính họ, ngăn cản người phụ nữ có được sự bình đẳng hoàn toàn với nam giới. Một nhóm thứ ba cho rằng, không nên cho phép phá thai nhưng phải cho người mẹ quyền chấm dứt thai kỳ trong một số hoàn cảnh nào đó, chẳng hạn như để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người phụ nữ, loại bỏ những bào thai do bị hãm hiếp hoặc loạn luân mà có v.v…

Án lệ Roe vs Wade đã bị chỉ trích rộng rãi, kể cả từ những người ủng hộ việc tiếp cận phá thai như một vấn đề chính sách. Dưới khẩu hiệu “thân với sự sống” (pro-life) các tổ chức chính trị khuynh hữu của đảng Cộng Hòa, các thành phần tôn giáo bảo thủ đã ra sức phản đối và đấu tranh đòi hủy bỏ án lệ này trong suốt mấy chục năm qua. Ngược lại, những người đấu tranh cho nữ quyền đòi phải tôn trọng quyền lựa chọn của nữ giới (pro-choice) cho nên phá thai phải được coi là một quyền hiến định và không bị luật lệ của các tiểu bang điều chỉnh. 

Phụ nữ Vương quốc Anh biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở London để biểu thị sự đoàn kết với phụ nữ trong vấn đề bảo vệ quyền chấm dứt thai kỳ. Ảnh Guy Smallman/Getty Images.

Ý kiến người dân

Cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm kéo dài suốt mấy chục năm nay bất phân thắng bại. Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Reuters/Ipsos, công bố hôm 24 tháng Sáu 2022 cho biết có 71% người Mỹ nói quyết định chấm dứt thai kỳ nên thuộc về người phụ nữ và bác sĩ của họ hơn là bị điều chỉnh bởi quy định của chính quyền; 26% nói rằng nên coi phá thai là hợp pháp trong tất cả các trường hợp; 10% nói nên coi phá thai là bất hợp pháp trong mọi trường hợp; còn hơn 50% nói phá thai là hợp pháp hay bất hợp pháp nên tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Một cuộc khảo sát ý kiến khác của Viện Gallup, thực hiện thường xuyên từ năm 1975 đến nay, ghi nhận tới 85% số người Mỹ cho rằng phá thai nên coi là hợp pháp trong tất cả các trường hợp hoặc ở một số trường hợp nhất định; con số này đã tăng thêm 10 điểm phần trăm kể từ khi bắt đầu khảo sát năm 1975; và cho thấy số người cho rằng phá thai là bất hợp pháp đã giảm từ 23% năm 1975 xuống còn 12% hiện nay.

Phán quyết của TCPV

Gần đây TCPV phải thụ lý vụ kiện Dobbs v. Jackson, liên quan tới đạo luật Mississippi’s Gestational Age Act năm 2018 của tiểu bang Mississippi, theo đó việc phá thai là bất hợp pháp và bị cấm kể từ khi bào thai được 15 tuần tuổi trở về sau.

Phán quyết của TCPV hôm thứ Sáu 24 tháng Sáu không nhằm giải quyết vụ kiện Dobbs vs Jackson mà quyết định giao cho các tiểu bang ban hành luật về chấm dứt thai kỳ, nghĩa là bác bỏ “phá thai là quyền hiến định” trong án lệ Roe vs Wade và công nhận tính hợp hiến của đạo luật Gestational Age Act của Mississippi và các luật tương tự của một số tiểu bang khác.

Phán quyết “đảo ngược án lệ Roe” được TCPV thông qua với số phiếu 6-3, trong đó 6 thẩm phán bảo thủ tán thành một dự thảo quan điểm do Thẩm phán Samuel A. Alito Jr. chấp bút (và đã bị tiết lộ vài tuần trước), 3 thẩm phán cấp tiến ra một văn bản phản đối.

Ngay sau khi TCPV ra quyết định đảo ngược án lệ Roe, nhiều cuộc biểu tình đã bùng phát trên khắp các thành phố lớn của Mỹ, những người ủng hộ quyền phá thai, chiếm đa số, phản đối quyết định của TCPV, đòi giải tán cơ quan cao nhất của ngành tư pháp mà họ cho là thiên vị và không do người dân bầu lên; một số ít những người chống phá thai thì tổ chức tuần hành ủng hộ TCPV và ăn mừng “chiến thắng”.

Sắp tới là gì?

Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo, tỏ ra thất vọng với phán quyết của TCPV. “Đây là một ngày buồn cho đất nước chúng ta… Chúng ta cần phục hồi sự bảo vệ của Roe như là luật lệ của đất nước”, ông Biden nói và cho rằng cuộc đấu tranh chưa kết thúc, ông hứa dùng thẩm quyền của hành pháp để bảo vệ quyền phá thai và kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho những ứng cử viên pro-choice trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Mười Một sắp tới.

Phán quyết của TCPV đặt các tiểu bang vào tình huống phải chuẩn bị ban hành hoặc thực hiện các đạo luật mới về vấn đề phá thai. Theo thống kê của báo chí, hiện có 16 tiểu bang, theo đảng Dân Chủ, tập trung ở Bờ Tây và vùng Đông Bắc chiếm khoảng 38% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, công nhận quyền phá thai là hợp pháp; 26 tiểu bang phần lớn theo đảng Cộng Hòa, chiếm 39% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đã hoặc sắp thực hiện những đạo luật cấm phá thai ở các mức độ khác nhau. 

Báo The New York Times đã lập một bảng kê cho thấy thái độ của từng tiểu bang, trong đó các tiểu bang Cộng Hòa có luật chống phá thai khắc nghiệt nhất là Oklahoma, Florida, Idaho và Kentucky cấm phá thai từ khi bào thai được sáu tuần tuổi, nghĩa là trước khi phần lớn thai phụ nhận biết mình mang thai; ngược lại một số tiểu bang Dân Chủ như California, New York, Maryland và Connecticut không chỉ công nhận quyền phá thai là hiến định mà còn lập các quỹ tài chính hỗ trợ việc phá thai của những phụ nữ thu nhập thấp.

Hiếu Chân - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét