Hình minh họa
HAI KẺ "ĂN MÀY"
Khuyết Danh
Vào ngày kết hôn, mẹ
hỏi tôi: “Hai người trông giống ăn mày ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?
Khi tôi nhìn sang,
chợt thấy một ông lão đang nhìn chằm chằm về phía mình, bên cạnh còn có một bà
lão. Thấy tôi nhìn sang, họ liền vội vã cúi gầm mặt xuống. Tôi không quen biết
gì với cả hai người, nhưng nhìn họ cũng không giống những người ăn xin, quần áo
họ mặc trông còn mới. Điều khiến mẹ nói họ giống ăn mày là vì cái lưng còng,
bên cạnh còn có cây gậy.
Mẹ bảo Thiên Trì vốn
là cô nhi, bên đó vốn không có người thân đến, nếu như không phải chỗ quen biết
gì thì hãy đuổi họ đi.
“Thời buổi này, những
người ăn xin rất là xấu nết, cứ thích đợi ở trước cửa nhà hàng, thấy nhà nào có
đám tiệc liền giả làm người thân đến ăn chực”.
Tôi nói: “Chắc không vậy
đâu mẹ, để con gọi Thiên Trì đến để hỏi thử xem sao?”
Thiên Trì giật mình
hoảng loạn khiến cho những bó hoa tôi đang cầm trên tay rơi “bịch” xuống đất,
cuối cùng anh ấp a ấp úng nói họ chính là ông chú và bà thím của mình.
Tôi khẽ liếc mẹ một
cái, ý nói rằng suýt chút nữa đã đuổi người thân đi rồi.
Mẹ nói: “Thiên Trì,
con không phải là cô nhi sao? Vậy thì người thân ở đâu ra vậy?”
Thiên Trì sợ mẹ, cúi
gầm mặt xuống nói đó là họ hàng xa của anh, rất lâu đã không qua lại rồi, nhưng
kết hôn là chuyện lớn, trong nhà ngay cả một người thân cũng không đến, trong
lòng cảm thấy rất đáng tiếc, vậy nên…..
Tôi dựa vào vai Thiên
Trì, trách anh có người thân đến mà không nói sớm, chúng ta nên đặt cho họ một
bàn, nếu đã là họ hàng thân thích thì không thể ngồi ở bàn dự bị.
Thiên Trì ngăn lại,
nói là cứ để họ ngồi ở đó đi, ngồi ở bàn khác họ ăn uống cũng không thấy thoải
mái.
Mãi đến lúc mở tiệc,
ông chú và bà thím cũng vẫn ngồi ở bàn đó.
Lúc mời rượu đi ngang
qua bàn hai người ngồi, Thiên Trì do dự một hồi rồi vội kéo tôi đi ngang qua.
Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy họ cúi mặt xuống đất, nghĩ ngợi một hồi, tôi kéo
Thiên Trì trở lại: “Ông chú, bà thím, chúng con xin kính rượu hai người!”.
Hai người ngẩng đầu
lên, có phần ngạc nhiên nhìn chúng tôi.
Đầu tóc hai cụ đều đã
bạc trắng hết cả, xem ra già nhất cũng đã bảy tám chục tuổi rồi, đôi mắt của
thím rất sâu, mặt tuy đối diện với tôi nhưng ánh mắt cứ lờ đờ, chớp giật liên
hồi.
Tôi lấy tay quơ qua
quơ lại vô định trước mặt bà thím, không thấy có phản ứng gì, thì ra bà thím là
một người mù.
“Ông…. ông chú…. bà
thím…., đây là vợ con Tiểu Khiết, bây giờ chúng con xin được kính rượu hai
người!”, Thiên Trì đang dùng giọng quê để nói chuyện với họ.
“Ờ….. ờ…..”, ông chú
nghiêng nghiêng ngả ngả đứng dậy, tay trái vịn vào vai của thím, còn tay phải
run run nhấc ly rượu lên, lòng bàn tay đều là những vết chai màu vàng, giữa
những khe móng tay dày cộm còn dính lại bùn đất màu đen.
Những tháng ngày bán
mặt cho đất bán lưng cho trời khiến cho họ bị còng lưng quá sớm. Tôi kinh ngạc
phát hiện rằng, chân phải của ông chú là một khoảng trống không.
Bà thím thì bị mù, ông
chú thì bị què, sao trên đời lại có một đôi vợ chồng như thế?
"Đừng có đứng nữa, hai
người hãy ngồi xuống đi”.
Tôi đi sang dùng tay
dìu họ. Ông chú loạng choạng ngồi xuống, lúc ấy không hiểu tại sao bà thím lại
nước mắt đầm đìa, chảy mãi không thôi, còn ông chú thì chẳng nói chẳng rằng lấy
tay vỗ nhẹ vào lưng bà. Tôi thật muốn khuyên họ vài câu, nhưng Thiên Trì đã kéo
tôi rời khỏi.
Tôi nói với Thiên Trì
rằng: “Đợi đến khi họ về nhà hãy cho họ chút tiền đi, tội nghiệp quá. Hai người
đều bị tàn tật cả, những tháng ngày sau này không biết ông bà phải sống thế nào
đây”.
Thiên Trì gật gật đầu
không có nói gì cả, chỉ ôm chặt lấy tôi.
Đêm trừ tịch đầu tiên
sau ngày cưới.
Thiên Trì bảo rằng dạ
dày bị đau nên không ăn cơm tối được, cứ thế đi về phòng ngủ. Tôi bảo mẹ hãy
nấu chút cháo, rồi cũng theo vào phòng. Thiên Trì nằm trên giường, trong mắt
vẫn còn đọng nước mắt.
Tôi bảo: “Thiên Trì
không nên như vậy, đêm trừ tịch đầu năm mà không ăn cơm tối với cả nhà, lại còn
chạy về phòng như thế nữa. Cứ như là cả nhà em bạc đãi anh vậy, cứ mỗi lần đến
ngày lễ Tết đều bị đau dạ dày, sao lại có chuyện như vậy được? Thật ra em biết
anh không phải là bị đau dạ dày, nói đi, rốt cuộc là có chuyện gì vậy?”
Thiên Trì rầu rĩ một
hồi lâu, rồi nói: “Xin lỗi, chỉ là anh nhớ đến ông chú và bà thím, còn có ba mẹ
đã mất của anh nữa. Anh sợ trong lúc ăn cơm không nhịn được, sẽ khiến cho ba mẹ
không vui nên mới nói là bị đau dạ dày”.
Tôi ôm chầm lấy anh,
nói: “Ngốc quá, nhớ họ thì khi đón Tết xong chúng ta sẽ cùng đi thăm họ là được
rồi, hơn nữa em cũng rất muốn biết là hai người họ sống thế nào”.
Thiên Trì nói: “Thôi,
đường núi đó rất khó đi. Em sẽ mệt, hãy đợi khi nào đường xá thông suốt, chúng
ta khi đó chắc cũng đã có con cái rồi, lúc đó sẽ dẫn em đến đó thăm họ vậy”.
Trong lòng tôi rất
muốn nói: “Đợi đến khi chúng ta có con rồi, chắc họ đã không còn nữa!”, nhưng
không dám nói ra, chỉ nói hãy gửi chút tiền và đồ dùng cho họ vậy!
Giữa kì trung thu năm
thứ hai
Tôi vừa khéo đang công
tác ở bên ngoài, Tết Trung Thu ngày đó lại không về nhà được.
Tôi rất nhớ Thiên Trì
và ba mẹ, nên liền gọi điện cho Thiên Trì nấu cháo điện thoại rất lâu.
Tôi hỏi Thiên Trì rằng
những lúc nhớ tôi ngủ không được thì làm thế nào đây?
Thiên Trì bảo là lên
mạng hoặc là xem ti vi, nếu như vẫn không được thì nằm ở đó, mở to mắt mà nhớ
tôi vậy.
Buổi tối hôm đó, chúng
tôi nói chuyện mãi đến khi điện thoại hết pin mới thôi.
Vốn dĩ muốn chọc ghẹo
chồng một chút, thật không ngờ...
Nằm trên giường ngủ
trong khách sạn, nhìn ánh trăng tròn bên ngoài cửa sổ, tôi làm thế nào cũng
không ngủ được. Mở to đôi mắt mà nước mắt cứ chảy mãi không ngừng, tôi thất sự
rất nhớ Thiên Trì, nhớ ba và mẹ.
Nghĩ rằng Thiên Trì
chắc cũng không ngủ được, nói không chừng vẫn còn đang ở trên mạng.
Tôi liền bật dậy mở vi
tính, tạo một cái nick mới tên là “lắng nghe lòng bạn”, để chọc ghẹo Thiên Trì
một chút. Dò tìm một chút, quả nhiên Thiên Trì vẫn còn ở đó, tôi chủ động nhập
nick của anh, anh chấp nhận.
Tôi hỏi anh: “Ngày Tết
trung thu muôn nhà đoàn viên như thế này, sao anh vẫn còn dạo chơi trên mạng
vậy?”
Anh trả lời: “Vì vợ
tôi đang đi công tác bên ngoài, tôi nhớ cô ấy đến không ngủ được, vậy nên lên
mạng xem thế nào”.
Tôi rất vừa ý với câu
nói này.
Tôi lại gõ tiếp: “Vợ
không có nhà, có thể tìm một người tình khác để thay thế mà, giống như nói
chuyện trên mạng vậy nè, tâm sự để tự an ủi mình một chút”.
Một lúc lâu, anh ấy
mới trả lời lại: “Nếu như cô muốn tìm người tình, vậy thì xin lỗi vậy, tôi
không phải là người cô cần tìm, tạm biệt”.
“Xin lỗi, tôi không
phải là có ý đó, anh đừng giận nha”, Pa… pa…pa… Tôi vội vàng gửi tin nhắn cho
anh.
Một lát sau, anh ấy
hỏi tôi: “Sao bạn lại dạo chơi trên mạng vậy?”
Tôi nói: “Tôi làm việc
bên ngoài, bây giờ cảm thấy rất nhớ ba và mẹ. Lúc nãy cũng vừa mới nói chuyện
với bạn trai xong, nhưng vẫn không ngủ được, liền lên mạng để giải trí một
chút”.
“Tôi cũng rất nhớ ba
và mẹ tôi, chỉ có điều là người thân đang ở bên ngoài, con muốn phụng dưỡng mà
không được”.
“Người thân ở bên
ngoài, con muốn phụng dưỡng mà không được. Nói vậy là sao?”.
Tôi lặp lại câu này
rồi gửi cho anh. Tôi có chút khó hiểu, Thiên Trì sao lại nói những lời như
thế?
“Bạn tên là ‘lắng nghe
lòng bạn’, hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe vậy. Có một vài chuyện mà để trong
lòng quá lâu thế nào cũng sẽ sinh bệnh, đem nói ra chắc sẽ dễ chịu hơn một
chút, dù sao đi nữa tôi và bạn cũng không biết gì nhau, bạn cứ xem như là nghe
một câu chuyện vậy”.
Thế là, tôi tình cờ
biết được câu chuyện mà Thiên Trì đã cất giấu trong lòng bấy lâu nay.
30 năm trước, cha tôi
lúc ấy đã gần 50 tuổi rồi mà vẫn chưa lấy được vợ, vì ông bị què cộng thêm gia
cảnh nghèo khó nên không có cô gái nào muốn gả về gia đình ông. Về sau, trong
làng có một ông lão ăn xin dẫn theo cô con gái bị mù. Ông già đó bị bệnh rất
nặng, ba tôi thấy họ đáng thương liền bảo họ vào nhà nghỉ ngơi.
Thật không ngờ vừa nằm
xuống thì không dậy được nữa, sau này con gái của ông già đó, cũng chính là cô
gái mù kia đã được gả cho ba tôi.
Hai năm sau thì sinh
ra tôi. Nhà chúng tôi sống rất kham khổ, nhưng trước sau tôi vẫn không hề
đói bữa nào.
Ba mẹ không thể trồng
trọt được, không có thu nhập, đành phải tách hạt bắp cho người ta, một ngày lột
đến cả mười ngón tay đều sưng rộp lên chảy cả máu, ngày hôm sau liền quấn tấm
vải rồi tách tiếp.
Vì để cho tôi được đi
học, trong nhà ba mẹ nuôi ba con gà mái, hai con đẻ trứng bán lấy tiền, con còn
lại đẻ trứng cho tôi ăn. Mẹ bảo rằng những lúc bà đi xin ăn ở trong thành phố,
nghe nói những đứa trẻ trong thành đi học đều được ăn trứng gà, con nhà chúng
ta cũng được ăn, sau này nhất định sẽ thông minh hơn cả những đứa trẻ khác
trong thành.
Vậy mà trước sau họ
đều không ăn, có lần tôi nhìn thấy mẹ sau khi đánh quả trứng vào nồi, bà đã
dùng lưỡi liếm liếm những lòng trắng còn sót lại trong vỏ trứng, tôi liền ôm
chầm lấy bà khóc sướt mướt. Dù nói thế nào, tôi cũng không chịu ăn trứng nữa,
ba tôi sau khi biết được đầu đuôi câu chuyện, tức giận đến mức muốn dùng gậy
đánh mẹ. Cuối cùng tôi đã thỏa hiệp, điều kiện tiên quyết chính là chia đều quả
trứng đó để ba người chúng tôi cùng nhau ăn. Tuy họ đã đồng ý, nhưng mỗi lần
cũng chỉ là dùng răng nhâm nhi một hai miếng cho có vậy thôi.
Những người trong thôn
trước giờ đều không hề gọi tên tôi, mà đều gọi tôi là con của ông chồng què bà
vợ mù. Ba mẹ chỉ cần nghe thấy có người gọi tôi như vậy, thì nhất định sẽ liều
mạng với người đó.
Mẹ nhìn không thấy thì
sẽ lấy miếng gạch mà ném loạn xạ cả lên, miệng chửi rằng: “Cái đồ trời đánh nhà
chúng mày, chúng tôi tuy bị què bị mù, nhưng con chúng tôi bình thường lành
lặn, nên không cho phép chúng mày gọi như thế. Sau này chúng mày sẽ chẳng có
đứa nào bằng được con tao cả”.
Kì thi trung học năm
đó, đứa con trai của vợ chồng què mù kia thi được giải nhất huyện, khiến cho họ
thật sự được nở mày nở mặt một phen. Mọi người trong thị trấn đã chu cấp tất cả
số tiền học phí thay nhà chúng tôi, ngày tiễn tôi đi lên thành phố học, ba tôi
cũng lần đầu tiền bước ra khỏi làng vùng sâu vùng xa này.
Lúc lên xe, nước mắt
tôi chảy mãi không dừng. Ba một tay chống gậy, một tay lau nước mắt cho tôi.
“Vào thành phố rồi hãy
cố gắng học hành, sau này sẽ tìm được việc làm và lấy vợ ở đó luôn. Người khác
mà có hỏi đến ba mẹ con thì con hãy nói rằng con là trẻ mồ côi, không có ba mẹ,
nếu không thì người khác sẽ xem thường con cho xem. Nhất là con sẽ không lấy
được vợ, người ta sẽ chê bai con. Nếu làm lỡ việc lấy vợ của con thì ba cũng
không còn mặt mũi nào để đi gặp tổ tiên nữa”.
“Ba!”, tôi bảo ông
đừng nói nữa, “đây là những lời gì thế, chỉ có những kẻ không ra gì mời không
chịu nhận ba mẹ thôi?”
Mẹ cũng nói: “Những
lời này đều đúng cả đấy, con phải nghe mới được. Con có còn nhớ lúc còn ở trong
trường hay không? Chỉ cần nói con là con cái của vợ chồng què mù trong làng,
mọi người thì lập tức khinh thường chế giễu con ngay. Lúc mới bắt đầu, ngay cả
thầy cô trong trường cũng không thích con. Sau này nếu con dẫn vợ thành phố về
thì hãy nói chúng ta chính là ông chú và bà thím của con”.
Nói xong, bà vừa khóc
vừa lau nước mắt.
Ba nó: “Tốt nhất là
đừng có dẫn vợ về nhà, hễ dẫn về nhà, mẹ con lại không nhịn được, như vậy sẽ lộ
tất cả thì nguy”.
Sau đó, ông liền dúi
mười quả trứng gà đã luộc chín sẵn vào lòng tôi, rồi dẫn mẹ đi mất. Tôi đứng
lặng nhìn theo hình bóng của họ, nước mắt chảy mãi không thôi.
Nghe kể đến đây, khóe
mắt tôi bỗng thấy cay cay, tàn tật không phải là lỗi của họ, đó chẳng qua chỉ
là số mệnh buộc họ phải thế, nhưng họ đã sinh cho tôi một Thiên Trì hoàn mỹ.
Thiên Trì ngốc nghếch
này, cha mẹ như thế này, thử hỏi còn có cha mẹ nào hoàn mỹ hơn thế nữa chứ.
Tôi rất tức giận, sao
anh ấy lại xem thường tôi như thế?
“Vậy sau đó, anh liền
nói với vợ anh rằng họ chính là ông chú và bà thím của anh sao?”. Tôi gõ câu
hỏi này rồi gửi cho anh.
“Vốn dĩ tôi không tin.
Người vợ tôi tìm là tôi, chứ không phải ba mẹ, tại sao ngay cả ba mẹ cũng không
thể nhận chứ?
Vậy mà tôi ở bên ngoài
mười năm, ba mẹ không hề đến trường thăm tôi dù chỉ một lần.
Năm đầu tiên làm việc,
tôi muốn dẫn họ vào thành phố chơi, họ đều không chịu, nói rằng nếu chẳng may
để cho người khác biết ba mẹ tôi là người tàn tật, họ sẽ bôi tro trát trấu lên
mặt tôi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lấy vợ của tôi”.
Người thân ở bên
ngoài, con muốn tận hiếu mà không được.
Cả đời họ đều ở trong
vùng núi xa xôi mà không muốn ra ngoài.
Mẹ có nói rằng bà
chính là từ thành thị đến đây, nhưng như vậy nào có ý nghĩa gì đâu.
Sau này, tôi đã quen
một người bạn gái, khi tôi cho rằng thời cơ đã chín muồi rồi, liền dẫn cô ấy về
thăm nhà một chuyến.
Nào có ngờ đâu, sau
khi đến nhà, cô ấy ngay cả cơm còn chưa ăn một bữa liền bỏ đi ngay, tôi vội
đuổi theo sau, cô ấy nói rằng, nếu phải sống với những người như thế, ngay cả
một ngày cô ấy cũng không sống nổi. Còn nói gien nhà chúng tôi có vấn đề, con
cái sau này nhất định cũng sẽ không được khỏe mạnh.
Nghe xong những lời
này, tôi tức đến nỗi bảo cô ấy rằng đi được bao xa thì cứ đi.
Về đến nhà, mẹ tôi đang
khóc nức nở, còn ba thì luôn miệng trách mắng tôi. Bảo tôi không nghe những lời
họ nói, không muốn đứt hương hỏa nhà chúng tôi.
Về sau, tôi đã quen
bạn gái thứ hai, chính là vợ tôi bây giờ.
Tôi rất yêu cô ấy,
ngay cả nằm mơ tôi cũng sợ mất cô ấy, nhà của cô ấy lại giàu có, họ hàng thân
thích đều là những người có địa vị trong xã hội.
Đã có vết xe đổ lần
trước rồi, tôi rất sợ, đành phải làm đứa con bất hiếu.
Nhưng mỗi lần đến ngày
lễ Tết tôi đều nhớ đến họ, trong lòng như có tảng đá lớn đè lên, rất khó chịu.
“Vậy anh trước giờ
không nói cho vợ anh biết sao? Biết đâu cô ấy sẽ thông cảm chuyện này thì sao?”
“Tôi chưa từng nói,
cũng không dám nói. Nếu như cô ấy chấp nhận, tôi nghĩ rằng mẹ vợ tôi cũng sẽ
không chấp nhận. Tôi sống cùng với họ, ba vợ là người rất có tiếng tăm bên
ngoài. Nếu như ba mẹ tôi đến rồi, không phải là bôi tro trát trấu vào mặt họ
sao? Tôi cũng chỉ có thể tranh thủ những lúc ra ngoài công tác, học tập mà lén
lén trở về thăm họ một lúc…
Cảm ơn bạn đã nghe tôi
nói nhiều như vậy, bây giờ lòng tôi đã thấy nhẹ nhõm thoải mái hơn nhiều rồi”.
Sau khi tắt máy rồi,
tôi vẫn không sao ngủ được.
Ai cũng bảo là con cái
không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo, nhưng hãy nhìn xem chúng tôi đã làm
gì đây?
Tôi hiểu được chỗ khó
xử của Thiên Trì, cũng hiểu được nỗi khổ tâm của ba mẹ anh.
Nhưng họ lại không
biết rằng cả hai đã đẩy người vô tội là tôi vào trong nghịch cảnh vô tình vô
nghĩa.
* * * * *
Trời vừa sáng, tôi
liền đến gõ cửa phòng ban giám đốc, nói với ông ấy rằng những sự việc còn lại
xin ông toàn quyền xử lý, tôi có chuyện vô cùng quan trọng cần phải làm ngay,
mọi chuyện giờ đều phải trông cậy vào ông ấy. Sau đó, tôi vội thu dọn ít đồ,
rồi đi thẳng ra trạm xe lửa. Cũng may, tôi đã bắt được chuyến xe lửa đầu tiên.
Con đường núi đó quả
thật là rất khó đi.
Vừa mới bắt đầu hai
chân đã mỏi đến không còn chút sức lực nào nữa, về sau bàn chân sưng phồng cả
lên, không thể nào đi tiếp được nữa.
Ngay lúc giữa trưa,
trời lại nắng gắt, tôi đành phải ngồi nghỉ bên đường một lúc.
Nước uống mang theo
trên người gần như sắp uống hết cả rồi, mà tôi cũng không biết phía sau còn bao
nhiêu lộ trình phải đi nữa.
Cởi giày, bóp cho mụn
nước dưới chân chảy ra, lúc đó đau đến nỗi tôi khóc bật thành tiếng, thật sự
muốn gọi điện bảo Thiên Trì đến rước tôi về nhà, nhưng lại thôi tôi phải có
chịu đựng. Tôi lấy tay tóm lấy một nắm hoa cỏ lau ở ven đường lót vào dưới
chân, cảm thấy bàn chân thoải mái hơn nhiều.
Nghĩ đến ba mẹ của
Thiên Trì, bây giờ vẫn còn làm việc vất vả ở nhà, bàn chân bỗng nhiên tràn trề
sức lực, đứng thẳng dậy mà tiếp tục đi tiếp về phía trước. Khi trưởng thôn dẫn
tôi đến trước cửa nhà của Thiên Trì, một vùng trời kia, ráng chiều đỏ rực đang
chiếu lên cây táo lâu năm trước cửa nhà họ.
Dưới cây táo, ông chú
của Thiên Trì, không phải, ba của Thiên Trì đang ngồi ở đó, nhìn ông còn già
hơn nhiều so với lúc đám cưới. Tay đang bóc những hạt bắp, cây gậy lặng lẽ dựa
vào cái chân tàn tật kia của ông.
Mẹ thì quỳ ở dưới đất
chuẩn bị thu dọn số bắp đã phơi xong, bàn tay bà đang gom những hạt bắp lại
thành đống.
Tựa một bức tranh, mà
trong bức tranh ấy chính là người cha người mẹ hoàn mỹ nhất trên đời này.
Tôi từng bước từng
bước đi về phía họ, ba vừa nhìn thấy tôi, quả bắp ông đang cầm trên tay liền
rơi xuống đất, miệng há thật to, giật mình hỏi: “Con, sao con lại đến đây?”
Mẹ ở bên cạnh hỏi dò:
“Ba nó à, ai đến vậy?”
“ Vợ… vợ của Thiên
Trì”.
“Hả. Ở đâu?”, mẹ hoảng
hốt dùng tay sờ soạng chung quanh để tìm về phía tôi.
Tôi khom lưng đặt hành
lí xuống đất, sau đó dùng tay nắm chặt tay bà, quỳ mọp xuống đất, nghẹn ngào
nói với ba mẹ rằng: “Ba! Mẹ! Con đến đón ba mẹ về nhà đây!”
Ba ho vài tiếng, nước
mắt chảy dài khắp gương mặt chi chít nếp nhăn.
“Tôi đã nói rồi mà,
thằng con của chúng ta không hề nuôi vô ích!”
Còn mẹ thì ôm chầm lấy
tôi, từng hàng từng hàng nước mắt từ trong hốc mắt của bà chảy xuống cổ tôi.
Khi tôi dẫn ba mẹ đi,
mọi người trong làng đều đốt pháo hoan hô.
Tôi một lần nữa lại
thấy tự hào vì ba mẹ.
Khi Thiên Trì mở cửa
ra, nhìn thấy ba và mẹ đứng ở bên trái bên phải tôi, không khỏi lấy làm kinh
ngạc, người anh ngây như khúc gỗ, không nói một lời nào.
Tôi nói: “Thiên Trì,
em chính là người đã đọc câu chuyện của anh đó, em đã đón ba mẹ chúng ta về rồi
này. Ba mẹ hoàn mỹ như thế, sao anh lại nỡ để cho họ ở trong vùng núi xa xôi
hẻo lánh được chứ?”
Thiên Trì khóc không
thành tiếng, ôm chặt lấy tôi, hai hàng nước mắt lăn dài xuống cổ tôi giống như
mẹ anh vậy.
Ba
và mẹ, hai từ ngữ thần thánh, thiêng liêng bao quát hết thảy tình yêu trên thế
gian này, thật đáng để cho chúng ta dùng cả đời để gọi.
Khuyết Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét