Ảnh: Megan Varner/Getty Images
Bầu Cử Mỹ: ĐẢNG CỘNG HÒA NHẤN GA TĂNG TỐC
Nhà phân tích chính trị David Wasserman của Báo cáo Chính trị Cook (Cook Political Report) đã khuấy động chính trường Mỹ vào tuần trước khi ông dự đoán đảng Cộng hòa sẽ giành được từ 20 đến 35 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.
Cử tri Cộng hòa tại Plainville (Georgia) biểu thị ủng hộ “đảng nhà” (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Nếu lịch sử là một hướng dẫn giá trị cần tham khảo, số ghế gần như chắc chắn sẽ tăng lên sau Ngày bầu cử. Nhiều nhà phân tích chính trị mô tả “làn sóng” (wave) hay “cơn thuỷ triều” chính là cú đánh để một đảng đạt được lợi thế vượt trội trong các cuộc bầu cử. Điều đó rất đúng: Các trào lưu chính trị tạo ra “làn sóng” thường phát triển tốt trước các cuộc bầu cử. Làn sóng tập hợp sức mạnh khi ngày trọng đại đến gần và sau đó lao vào bờ với sức mạnh to lớn, phá hủy bất cứ điểm yếu nào dễ bị tổn thương nhất mà đảng đối lập đang nắm giữ.
Điểm yếu ở đây là ghế dân biểu hay thượng nghị sĩ Quốc hội. Chìa khóa để hiểu rõ làn sóng này là qui luật: Một khi sóng đã được hình thành, phía bên kia sẽ không thể làm gì được để ngăn chặn nó cho đến khi sự tức giận của cử tri đưa ra phán quyết cuối cùng. Câu hỏi còn lại duy nhất không phải là phía bị tấn công có thể triệt hạ làn sóng không mà sóng sẽ cao đến mức nào và sẽ huỷ diệt bao nhiêu điểm yếu, tức là có bao nhiêu ghế (kể cả những ghế trước đây được cho là không thể thách thức) sẽ bị cuốn trôi.
Stacey Abrams (Dân chủ) – ứng cử viên ghế thống đốc Georgia (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Đó là hoàn cảnh của Đảng Dân chủ hiện nay dù nhiều đảng viên không muốn tin điều này sẽ xảy ra với họ. Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn như các khẩu hiệu: “Better messaging! A new Build Back Better bill! Attack ‘ultra MAGA’ Republicans!”, tức là bất cứ thứ gì có thể để thuyết phục bản thân đảng viên và các cử tri ủng hộ rằng “Ngày tận thế chính trị” có thể tránh khỏi. Nhưng nhìn vào tình hình thực tế sẽ thấy, điều này rất có thể sẽ chỉ là kỳ vọng.
The Washington Post cho biết, lịch sử chính trị gần đây cho thấy diễn biến cuộc bầu cử mùa Thu hầu như luôn được ấn định bởi Memorial Day. Gần đây, Sean Trende, nhà phân tích bầu cử cấp cao của tổ chức RealClearPolitics lưu ý: “Kết quả bầu cử ít nhiều đã được xác định và sẽ thể hiện vào cuối quý thứ hai của năm bầu cử”.
Ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra sau Memorial Day cũng không thể ảnh hưởng đáng kể đến dự báo bầu cử vào Tháng Năm đó. Để đảo ngược dự báo, có lẽ người ta cần tìm ra một sự kiện lớn (giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962) vào đêm trước Ngày bỏ phiếu mới có thể giúp đảng cầm quyền tiếp tục nắm quyền tại Quốc hội.
Các làn sóng chính trị đang diễn ra theo hướng có thể đoán trước, và kết quả cuối cùng hầu như luôn tồi tệ hơn cho bên thua cuộc so với dự đoán của các nhà phân tích vào Memorial Day. Nói rõ hơn là sáu tháng sau dự đoán Memorial Day, chính trị Mỹ sẽ không có nhiều thay đổi. Vào Tháng Năm 2010, Báo cáo Chính trị Rothenberg (Rothenberg Political Report – nay là Inside Elections with Nathan L. Gonzales) đã dự báo một năm quan trọng đối với GOP khi đảng sẽ giành thêm từ 20 đến 30 ghế Hạ viện. Dự báo cuối cùng trước Ngày bầu cử cho thấy GOP tăng từ 55 đến 65 ghế. Và cuối cùng, GOP đã lấy được 63 ghế Đảng Dân chủ đang giữ.
Cựu Phó Tổng thống Mike Pence tham gia chiến dịch vận động cho Cộng hòa (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Trong “làn sóng” Dân chủ năm 2018, dự báo ngày 1 Tháng Sáu của Cook cho biết bảy ghế do GOP đang giữ tại các cứ địa Dân chủ sẽ chuyển về tay Dân chủ và GOP sẽ mất thêm 23 ghế nữa. Phân tích cuối cùng trước Ngày bầu cử cho thấy Đảng Dân chủ sẽ lấy lại 18 ghế GOP đang giữ trong các cứ địa Dân chủ và lấy thêm 29 ghế khác. Cuối cùng Đảng Dân chủ đã giành được thêm 40 ghế và lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Hoàn toàn có thể hiểu được tại sao các nhà phân tích bầu cử thường thận trọng, ngay cả khi họ nghĩ rằng quá trình tranh cử đang phát triển theo một hướng cụ thể khó có thể đảo ngược. Luôn có khả năng một cái gì đó hay một sự kiện bất ngờ nào đó sẽ can thiệp vào cả tiến trình hoặc các cuộc đua cá nhân.
Ngay cả trong những năm đảng đối lập tạo được “làn sóng” chính trị có lợi cho họ, một số ứng viên đảng cầm quyền vẫn có thể giữ được ghế hoặc chiến thắng nhờ giữ vững các nguyên tắc cơ bản của đảng, gặp may mắn hoặc gặp một đối thủ cực kỳ yếu. Điều đó đã xảy ra cho một số ghế Thượng viện năm 2010, khi hai ứng cử viên GOP Sharron Angle ở tiểu bang Nevada và Christine O’Donnell ở tiểu bang Delaware đều thua khi họ chắc thắng! Lý do chỉ vì họ đi quá xa với các nguyên tắc chính trị cơ bản (O’Donnell đã phải đăng một quảng cáo để chứng minh bà không phải… phù thủy sau khi xuất hiện các clip nói bà đã tham gia thế giới phù thủy!).
Không một nhà phân tích nghiêm túc nào dám đưa ra kết quả chính xác của một cuộc chạy đua trước khi phiếu được kiểm. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể đưa ra những dự báo mang tính tham khảo. Các tổng thống hiếm khi cải thiện được tỷ lệ chấp nhận trong thời gian trước cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, và những người không tán thành cách tổng thống đang thực hiện công việc thường quyết định chiến thắng của bên kia.
Một số người đương nhiệm dễ bị tổn thương sẽ cố chống lại làn sóng hay cơn thủy triều chính trị, nhưng nếu làn sóng quá lớn sẽ gây bất ngờ cho cả những người được cho là an toàn nhất, ở đây là chiếc ghế Quốc hội của họ. Kết quả là tỷ lệ cược sẽ nghiêng nhiều về các nhà phân tích đưa ra dự đoán có lợi cho GOP khi chiến dịch tranh cử đạt cao trào vào mùa Thu.
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét