Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Hết Chịu Nổi Rồi, Chánh Quyền Ơi!

 

Hình ảnh hai cô giáo và 19 em học sinh bị bắn thiệt mạng tại trường tiểu học Robb Elementary ở Uvalde, Texas được trưng tại địa điểm tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài trường học ngày 30 tháng 5, 2022. (Chandan Khanna/ AFP via Getty Images) 

HẾT CHỊU NỔI RỒI, CHÁNH QUYỀN ƠI!
Vi Anh 

Quá lố rồi, hết chịu nổi rồi, quí vị tổng thống, dân biểu, nghị sĩ liên bang ơi! Nạn thảm sát bằng súng đạn tại các truòng học, các nơi tụ họp đông không phải quá đủ rồi mà đã thái quá, quá lố rồi, vượt lằn ranh đỏ rồi, thưa quí vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong chánh quyền dân cử Mỹ, của dân, do dân và vì dân này.

Nếu cả một chánh quyền tam lập, Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, của Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ, được xem là đệ nhứt siêu cường thế giới mà cả mấy chục năm nay không giải quyết được cái nạn mua bán súng bừa bãi. Như chịu thua binh đoàn vận động hành lang của các tập đoàn làm súng, bán súng cho dân Mỹ để nạn thảm sát bằng súng giết trẻ em, thanh thiếu niên, sinh viên học sinh, đầu xanh vô tội, nam nữ giáo chức, phụ huynh học sinh, chết oan uổng vì bị thảm sát bằng súng, là điều người dân Mỹ chánh trực, kể cả người Mỹ thầm lặng không thể chấp nhận, không chịu nỗi nữa.

Hôm 24 tháng 5, 2022, một thanh niên 18 tuổi đã nổ súng bắn vào một trường tiểu học ở Uvalde, Texas, giết chết 19 học sinh và hai giáo chức, sau khi bắn chết bà ngoại tại nhà. Thảm kịch này khiến nước Mỹ lại rơi vào cơn ác mộng, rúng động xã hội Mỹ. Tổng Thống Joe Biden đang trên Air Force 1 trở về từ Á Châu, phải lên tiếng kêu gọi giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí. Xuống máy bay vào Tòa Bạch Ốc, ông nhấn mạnh như ra lịnh hành quân, “đã đến lúc biến đau thương thành hành động,” “Đến bao giờ, vì tình yêu của Chúa, chúng ta mới đối đầu với giới vận động hậu trường về vũ khí?”

Nghị Sĩ Texas, ông Ted Cruz, bày tỏ sự kinh hoàng trước sự kiện, nhưng cũng lập tức nói rằng theo ông, kiểm soát vũ khí không phải là giải pháp. Ông đề nghị nên có nhiều cảnh sát vũ trang hơn, nhất là tại các trường học.


Xin nhắc lại tin chấn động liên quan. Năm 2012 tại Connecticut, một người tâm thần đã sát hại 26 người trong đó có 20 trẻ em từ 6 đến 7 tuổi ở trường tiểu học Sandy Hook. Một vụ xả súng khác tại trường trung học Parkland ở Florida năm 2018 làm 17 người chết, hầu hết là vị thành niên. Vụ thảm sát mới, mà nạn nhân chánh yếu là trẻ em, làm dấy lên trở lại những tranh cãi bất tận về việc mang súng tại Mỹ.

Và tin Mỹ: Liên tiếp hai vụ xả súng ở Texas và Ohio trong vòng một ngày, gần 30 người bị thiệt mạng. Vụ thứ nhất xảy ra ở trung tâm thương mại Walmart tại El Paso, tiểu bang Texas (miền Nam) hôm 3 tháng 8, 2019. Vụ thứ hai xảy ra vào sáng sớm 4 tháng 8 tại Dayton, tiểu bang Ohio (đông bắc Mỹ). Theo thống đốc tiểu bang Texas, Greg Abbott, động cơ trong vụ xả súng ở El Paso là do thù hận và phân biệt chủng tộc. Trên Twitter năm đó, Tổng Thống Mỹ Donald Trump lên án "hành động đê hèn." "Sẽ không bao giờ có lý do hay lời xin lỗi để thanh minh cho việc sát hại những người vô tội."

Chưa đầy 24 giờ sau, một vụ xả súng thứ hai đã xảy ra vào 1 giờ sáng 4 tháng 8 (giờ địa phương) tại Oregon, nổi tiếng là “một khu vực rất an toàn ở trung tâm thành phố” Dayton. Trên Twitter, cảnh sát cho biết “có 9 người thiệt mạng, ít nhất 16 người bị thương phải nhập viện.” Thủ phạm cũng thiệt mạng vì bị cảnh sát bắn trả.

Nhiều dấu chỉ cho thấy các cuộc thảm sát bằng súng máy gây những cái chết thảm thương, oan uổng, nhân dân và chánh quyền Mỹ biến đau thương thành hành động kiểm soát súng mạnh nhứt từ đó đến giờ. Nhưng chỉ chém gió, đánh võ mồm, thực tế phủ phàng, không kết quả, không giảm sút.


Tổng Thống Barrack Obama tuyên hứa sẽ làm hết sức mình để vận động dân chúng ủng hộ các đề nghị được đưa ra, về việc gia tăng kiểm tra thân thế của những người tìm cách mua súng, và cấm các loại súng tấn công cũng như các tạp chí về súng đạn hạng nặng. Ông “sẽ liên lạc những người, cộng hoà cũng như dân chủ” để vận động. Ông nói, “Chúng ta không có quyền nói luật pháp hoá súng là chuyện quá khó và vì vậy chúng ta không làm thử. Phải làm một cái gì đó mới được.” Ông chỉ định Phó Tổng Thống Biden lúc bấy giờ thành lập một ủy ban, trình bày, tham khảo và hội ý đề ra luật lệ, nhằm chấm dứt các vụ bắn giết người hàng loạt ở Mỹ, nơi mà sở hữu súng là quyền được quy định trong Hiến Pháp.

Trong dĩ vãng súng tấn công chiến tranh đã bị cấm từ năm 1994 thời Tổng Thống Bill Clinton đến năm 2004 hết hạn mà không được Tổng Thống và Quốc Hội liên bang thời ấy và thời nay tái tục vì cuộc vận động hành lang của những nhà sản xuất, bán súng tràn lan.

Binh đoàn vận động hành lang là thế lực lắm của nhiều tiền, hoạt động công khai dùng “đa kim ngân phá luật lệ.” Chánh quyền dân cử cũng phải sợ họ trong các cuộc bầu cử. Sợ đến nỗi năm 2005 luật cấm súng tấn công hết hạn mà không gia hạn. Quốc Hội lại còn ra một đạo luật ít người biết nhưng quá tiện lợi cho giới làm và bán súng trên thiệt hại của toàn dân.

Một đạo luật hoàn toàn dị hợm. Đó là đạo luật “The Protection of Lawful Commerce in Arms Pact” (PLCAA). Nó bảo vệ những người làm và những người bán súng đối với những thưa kiện của người mua trước tòa án Mỹ. Như là luật bảo vệ những nhà sản xuất, phân phối và bán thuốc lá ở Mỹ vậy.


Truyền thông đại chúng Mỹ, đa số cũng ủng hộ việc kiểm soát súng, nhưng cũng thua. Nhiều nhà phân tích, bình luận, dẫn chương trình truyền hình công khai bày tỏ ủng hộ việc kiểm soát súng và tỏ ra bất mãn với nhưng thế lực và cuộc vận động của Hội Chủ Sở Hữu Súng. Như trưởng ban tin tức của đài truyền hình CNN là ông Piers Morgan tỏ ra rất giận dữ khi ông giám đốc Hội Chủ Sở Hữu Súng Mỹ Larry Pratt nói rằng, nhiều súng hơn mới là giải pháp. Nhà dẫn chương trình trên CNN không kềm lòng được, đã thể hiện niềm đau, nỗi khổ, sự bất mãn của công chúng sau vụ thảm sát ở trường học ở Newtown. Ông nói thẳng vào mặt ông Chủ Tịch Hội Sở Hữu Súng, "Ông là một con người ngu không tưởng tượng đựơc. Ông tuyệt đối không có lý luận mạch lạc. Ông bất chấp thực tại về con số những người bị giết bằng súng trận ngày càng tăng ở Mỹ.” Để kết luận cuộc đối thoại gay cấn hơn 10 phút, nhà báo này nói thêm, “Ông là một người nguy hiểm gây ra những oan nghiệt nguy hiểm. Ông là nỗi nhục cho đất nước ông.”

Hội Chủ Sở Hữu Súng phản ứng “dùng” một nhà báo ở Texas vận động động lấy chữ ký cho một kiến nghị trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc, yêu cầu trục xuất nhà báo Morgan,viện lẽ “làm hại Tu Chính Án Thứ Hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ.” Khi nghe tin có ký kiến nghị đòi trục xuất mình, ông Morgan của CNN viết trên mạng xã hội Twitter rằng, “Cuộc vận động của những người ủng hộ quyền sở hữu súng, cáo buộc tôi tấn công các quyền theo Tu Chính Án Thứ Hai, vậy quyền phát biểu ý kiến của tôi có được bảo vệ theo Tu Chính Án Thứ Nhất hay không? Tôi bất cần kiến nghị trục xuất tôi. Tôi tha thiết nghĩ đến hai người cứu hỏa ở New York bị bắn giết bằng súng trường ngày hôm nay.”


Một bài xã luận của báo Pháp Le Monde chỉ trích rằng 8 vụ xả súng kinh hoàng trong vòng 13 năm dường như không thay đổi gì. Vào năm 2021, hơn 20 triệu khẩu súng được bán ra tại Mỹ và không thể nhắc đến con số 20,000 người thiệt mạng vì súng, chưa kể những người tự tử.

Báo La Croix cho rằng việc tiếp cận vũ khí và những thông tin đi kèm cũng khá dễ dàng qua các nền tảng mạng xã hội như Tiktok và Youtube. La Croix cho biết họ thường là người da trắng ít học, chưa có tiền án tiền sự, là nhóm người có vũ trang cao nhất so với các chủng tộc khác ở Mỹ.

Theo Lauric Henneton, giảng viên tại đại học L’université de Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines, đối với cử tri và ứng viên đảng Cộng Hòa, đây là quyền tự do căn bản. Họ cho rằng giáo viên cần trang bị vũ khí trong trường hợp bị tấn công.

Luật sư Olivier Piton, làm việc tại Washington trả lời Figaro giải thích, rất khó có thể thay đổi chỉnh sửa luật về sử dụng vũ khí cũng như về vận động hành lang trong lĩnh vực này. Hiến Pháp không dễ dàng và phải đáp ứng được hai điều kiện: Quốc Hội phải thông qua sửa đổi theo nguyên tắc hai phần ba số dân biểu ủng hộ. Sau đó, bản sửa đổi phải được chấp thuận bởi ba phần tư số tiểu bang của Hoa Kỳ. Sự cân bằng quyền lực chính trị khiến cả hai điều kiện trên gần như không thể đáp ứng được.

Quá lố rồi thưa quí vị có thẩm quyền và trách nhiệm với nhân dân Mỹ trong chánh quyền dân cử Mỹ ơi. Kiểm soát súng là chuyện phải làm, làm ngay, khó cũng phải làm vì sinh mạng của nhân dân. Hiến Pháp do người Mỹ làm thì người Mỹ phải sửa khi bất lợi cho dân. Không có đảng phái nào quan trọng hơn quốc gia dân tộc. Không gì quí hơn mạng sống của nhân dân.


Tổng thống thực sự vì dân, vì nước có thể không để đảng phái, tài phiệt chánh trị hóa cái chết oan uổng của nhân dân bằng súng đạn, có thể ban hành một sắc luật bãi bỏ quyền sở hữu súng, mua bán súng cho nhân dân. Để các tiểu bang hay đảng phái kiện trước Tối Cao Pháp Viện để cơ quan đệ tam quyền này từng tìm cách thích nghi, nhật tu hiến tính xa xưa với nhu cầu bảo vệ sinh mạng hiện thời của nhân dân Mỹ.


Vi Anh - Viễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét