Hình Bìa Cuốn Ức Trai Thi Tập
VÀI NÉT VỀ NGUYỄN TRÃI VÀ ỨC TRAI THI TẬP (1380-1442)
Thầy Dương Anh Sơn
Nguyễn Trãi (阮廌) hiệu là Ức Trai (抑齋). Tiên sinh người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là phủ Thường Tín, Hà Đông). Năm 21 tuổi (1400) ông thi đậu Thái-Học sinh (tương đương Tiến Sĩ các thời trước) năm đầu đời Hồ Quý Ly (niên hiệu Thánh Nguyên) được bổ làm Ngự sử đài chính chưởng. Cha ông là Nguyễn Ứng Long hiệu là Nhị Khê, sau đổi là Nguyễn Phi Khanh, là một nho sinh học giỏi được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán mời dạy trong tư dinh rồi kết hôn với Trần Thị Thái, con gái thứ ba của hoàng thân nhà Trần này.
Khi nhà Minh thôn tính nước ta, bắt những người tài giỏi sang Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, ông theo lời cha lo việc phục thù, giúp nước. Ông từng bị quân Trương Phụ bắt đưa về thành Đông Quan (tức Thăng Long) sau được tha và tìm cách vào Lam Sơn (Thanh Hóa – 1418) giúp Lê Lợi mười năm khởi nghĩa chống quân Minh. Nguyễn Trãi là một nhà mưu lược và giỏi chính trị trong việc lập kế sách, vận động quân sĩ, đấu trí với quân xâm lược. Khi Lê Lợi lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ (1428), nhờ công lớn, ông được đổi theo họ nhà vua là Lê Trãi, được phong tước Quan Phục Hầu và làm quan Nhập nội hành khiển (Tể tướng). Năm 1429, tướng Trần Nguyên Hãn, anh em bên ngoại của ông, đang là Thượng thư Bộ Binh bị Lê Thái Tổ nghi ngờ làm phản bắt phải tự vẫn. Nguyễn Trãi bị bắt giam, sau được trả tự do nhưng bị thất sủng. Năm 1439 (60 tuổi) ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn, nơi ông ngoại mình là Trần Nguyên Đán từng ở ẩn. Khi Lê Thái Tông trưởng thành nắm lại quyền vua từ tay phụ chính chuyên quyền là Lê Sát, ông theo lời mời của vua ra giúp nước. Nhưng Lê Thái Tông là một ông vua đam mê tửu sắc, không quan tâm lo lắng việc nước, nên Nguyễn Trãi một lần nữa xin về trí sĩ ở Côn Sơn. Dầu vậy, năm sau, vua lại triệu ông về giữ chức giám sát vùng Đông Bắc và được lấy Côn Sơn làm dinh. Năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần thú vùng Chí Linh, có một người thiếp xinh đẹp của Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Khi nghỉ đêm ở Lệ Chi viên, Lê Thái Tông bị bệnh và mất tại đây. Triều đình do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nắm giữ, vì thù ghét Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã cứu cung phi Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao (là mẹ của vua Lê Thánh Tông sau này) thoát tội chết nên đã làm án vu cho hai người tội âm mưu giết vua phải “tru di tam tộc”. Ông mất vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm-Tuất (19-9-1442) thọ 63 tuổi. Năm 1464, Lê Thánh Tông khi nắm quyền bính đã thấy rõ nỗi oan của ông nên xuống chiếu giải oan và truy tặng chức Vinh Lộc Đại Phu, tước Tế Văn Hầu.
* * * * *
Nguyễn Trãi không những là một người giỏi chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận xuất chúng nữa. Tiếc thay, văn thơ của ông sau vụ án Lệ Chi viên đã bị thất lạc rất nhiều. Mãi đến những năm thời Minh Mạng, Tự Đức triều Nguyễn (tức gần 400 năm sau khi ông mất), các ông Dương Bá Cung, Nguyễn Định và Ngô Thế Vinh mới sưu tập và khảo chính được các văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi tập họp thành bộ ỨC TRAI DI TẬP cho khắc in vào năm 1868.Tổng quan,các tác phẩm còn lại của Nguyễn Trãi gồm:
1) Về Hán Văn : gồm các tác phẩm chính còn lại:
a- Ức Trai Thi Tập (抑齋時集) hay còn gọi là Ức Trai Tập (抑齋集) : gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn bát cú ,thất ngôn tứ tuyệt hoặc ngũ ngôn. Tác phẩm chỉ có hai bài thơ thể loại trường thiên là "Côn Sơn Ca" và " Đề Hoàng Ngự sử Mai tuyết hiên " .Nhà sưu tầm và khảo cứu Dương Bá Cung đã tìm thấy tập thơ quan trọng này của Nguyễn Trãi vào năm 1823 .Năm 1830 ,ông đã đưa cho Nguyễn Năng Tĩnh xem và nhờ sắp xếp ,biên soạn và đề lời tựa . Sách biên tập xong ,Dương Bá Cung lại nhờ nhà nho nổi tiếng Ngô Thế Vinh sắp xếp và hiệu đính cho hoàn chỉnh .Đến năm 1836 ,Dương Bá Cung lại đem đến cho Ngô Thế Vinh xem lại và bàn chuyện công bố tác phẩm này . Mãi đến năm Tự Đức 21 (1868- Mậu Thìn), Ức Trai Thi Tập mới được nhà in Phúc Khê in xong khi Dương Bá Cung đã qua đời từ 7 tháng trước .
b- Văn loại (文類): gồm các bài viết quan trọng như:
- Bình Ngô Đại Cáo (平吳大誥) , là một bản tuyên cáo được Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân 1428 thay lời Bình Định Vương Lê Lợi thông báo với toàn dân chiến thắng của cuộc kháng chiến gian khổ chống bọn giặc Minh xâm lược . Đồng thời, Bình Ngô Đại Cáo cũng là một bản Tuyên ngôn khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Có thể nói đây là một bản hùng văn nêu cao tinh thần độc lập và tinh thần nhân nghịa, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Đại Việt có một không hai trong lịch sử nước ta.
- Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi ký : còn gọi là Bia Vĩnh Lăng hay Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi 藍山永陵碑). Bia do Nhập Nội Hành Khiển Tri Tam Quán Sự Nguyễn Trãi thừa lệnh triều đình phụng soạn đặt ở lăng vua Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam ,huyện Thọ Xuân ,tỉnh Thanh Hóa vào năm 1433 để ghi nhận và tuyên dương sự nghiệp của Lê Thái Tổ từ khi khởi nghĩa chống quân Minh ở đồn Lại Thủy , Lam Sơn cho đến khi toàn thắng giặc Minh xâm lược lên ngôi xây dựng triều Lê.
- Băng Hồ di sự lục ; 冰壺詒事錄: là tản văn chữ Hán viết về cuộc đời quan Tư đồ Trần Nguyên Đán biệt hiệu Băng Hồ là ông ngoại của Nguyễn Trãi.
- Chí Linh Sơn Phú 至靈山賦 được cho là của Nguyễn Trãi .(Một số tài liệu lại nói đó là tác phẩm của Lý Tử Tấn 李子 晉(1378-1457) ,tác giả tập thơ Chuyết Am cùng với hai bài phú nổi tiếng là Chí Linh Sơn Phú và Xương Giang Phú được sáng tác để ca ngợi các chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn.Ông có tên tự là Tử Tấn ,người làng Triều Đông,huyện Thượng Phúc ,Hà Đông . Ông đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn thời Hồ Quý Ly ,Sau này ông làm quan cho triều Lê trải qua ba đời vua Lê Thái Tổ ,Lê Thái Tông ,Lê Nhân Tông.)
- Lam Sơn Thực lục ((藍山實錄) : do Nguyễn Trãi soạn và vua Lê Thái Tổ đề tựa ghi lại quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ lúc khởi sự cho đến giai đoạn chiến thắng, đánh đuổi quân Minh về nước (1418-1427)
- Quân Trung từ mệnh tập (軍中詞命集): do Trần Khắc Kiệm sưu tầm thời Hồng-Đức (Lê Thánh Tông) gồm các thư gởi cho tướng nhà Minh và các bài hịch tướng sĩ. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời hậu Lê.
- Dư địa chí (與地志) : còn được gọi là Ức Trai Di Tập Nam Việt Dư Địa Chí 抑齋遺集南越輿地誌 hay Đại Việt Địa Dư Chí 大越地輿誌 là bài văn khảo sát sơ lược về địa dư nước ta được Nguyễn Trãi dâng lên Lê Thái Tông năm 1435.
2) Về văn Nôm:
- Quốc Âm Thi Tập (國音詩集) được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất sau các bài thơ rải rác của các tiền bối như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Quý Ly, Chu Văn An… đời nhà Trần. Quốc Âm Thi Tập gồm 254 bài thơ còn lại của Nguyễn Trãi được sưu tầm lần lượt nhờ công của Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh, Dương Bá Cung ở thời vua Minh Mạng và Tự Đức. Năm 1956, hai ông Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm đã phiên âm, chú giải và xuất bản tập thơ Nôm này.
- Gia Huấn Ca 家訓袈: là tác phẩm quốc âm gồm những bài học với lời thơ song thất lục bát được viết bằng lối văn giản dị như ca dao gồm những lời dạy dỗ phụ nữ ,con cái trong gia đình hay các học trò . Đây có phải là tác phẩm văn Nôm của Nguyễn Trãi hay không vẫn chưa có biên khảo nào xác thực . Các nhà khảo cứu văn học tạm cho là của Nguyễn Trãi.
* * * * *
Đọc ỨC-TRAI THI-TẬP, trước hết, chúng ta nhận thấy ở nơi con người Nguyễn Trãi đã có một niềm tự hào sâu sắc về việc gìn giữ nền độc lập của dân tộc và đất nước. Lòng yêu nước của Ức Trai tiên sinh đã tiếp nối truyền thống anh hùng từ các bậc hào kiệt đi trước như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo v.v… Với công cuộc đánh đuổi giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, rửa được mối nhục ngàn năm trước. Chúng ta đã thấy rõ niềm tự hào ấy trong nhiều đoạn thơ:
“…Quốc thù tẩy tận thiên niên sỉ,
Kim quỹ chung tàng vạn thế công
Chỉnh đốn càn khôn tùng thử liễu,
Thế gian na cánh sổ anh hùng”
(Đề kiếm)
Dịch thơ:
“…Nghìn năm thù nước rửa rồi,
Tráp vàng cất giữ muôn đời chiến công.
Đất trời xếp đặt đã xong,
Cõi đời đếm được anh hùng bao lăm”
(Đề kiếm)
Cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc đầy gian lao của Lê Lợi đi đến thành công có sự đóng góp to lớn của mưu thần Nguyễn Trãi. Sử sách muôn đời sau chắc chắn sẽ ghi nhận công lao và chiến tích này. Con người tiên sinh luôn luôn thể hiện tinh thần của một nhà nho chân chính, một kẻ sĩ đúng nghĩa luôn đề cao lòng nhân nghĩa trong việc bảo vệ đất nước cũng như khi đất nước được hưởng thanh bình:
“Quyền mưu bổn thị dụng trừ gian,
Nhân nghĩa duy trì quốc thế an”
(Hạ quy Lam Sơn –I)
Dịch thơ:
“Trừ gian dùng đến mưu quyền,
Lẽ nhân nghĩa giữ nước yên vui đời”
(Mừng về Lam Sơn – Bài 1)
Và để giữ cho nước được yên ổn, quê hương được thanh bình luôn luôn là niềm mong ước của dân tộc ta nên việc rèn luyện binh sĩ, tăng cường quân bị là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, việc đánh tan giặc phương Bắc hùng mạnh từng bao lần rắp tâm xâm chiến nước ta đã là nỗi tự hào cao độ tràn ngập trong giọng thơ Ức Trai tiên sinh:
“…Sóc tẩm dĩ thanh kình lãng tức,
Nam châu vạn cổ cựu giang san”
(Hạ quy Lam Sơn – I)
Dịch thơ:
“Sóng kình, khí Bắc lặng hơi,
Đất Nam vẫn giữ muôn đời nước non”
(Mừng về Lam Sơn – Bài 1)
“Kình” là con cá voi to lớn, mạnh mẽ, khi bơi tạo ra lớp sóng cuồn cuộn, “sóc tẩm” là khí xấu từ phương Bắc. Cả hai đều chỉ về một thế lực thường xuyên đe dọa nền độc lập và hòa bình của đất nước ta. Kinh nghiệm của cha ông ta xưa kia và kế tục ở thế hệ Nguyễn Trãi cũng như về sau là luôn luôn cảnh giác đề phòng những toan tính của ngoại bang tìm cách uy hiếp hoặc xâm chiếm đất nước. Việc một nước nhỏ sống bên cạnh một nước lớn từ mấy ngàn năm nay mà vẫn tồn tại đã cho thấy tinh thần quật cường mãnh liệt của một dân tộc. Và tồn tại được là nhờ một phần có sự đóng góp không nhỏ của các bậc anh hùng, hào kiệt như Nguyễn Trãi và biết bao sự hy sinh của con dân nước Việt. “Nam châu vạn cổ cựu giang san” là tiếng nói hào hùng, đầy khí phách của một kẻ sĩ đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ giành lại được đất nước sau khi bị giặc Minh xâm lấn. Vì thế, nếu muốn bờ cõi trời Nam được yên ổn muôn đời sau thì việc phải sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện binh sĩ trong thời bình phải được chú trọng:
“Bắc Hải đương niên dĩ lục kình,
Yến an do lự cật nhung binh”
(Quan duyệt thủy trận)
Dịch thơ:
“Năm xưa biển bắc giết kình,
Dẫu yên phải nghĩ sửa binh luyện rèn”
(Xem bày trận dưới nước)
Đất nước xinh đẹp đã sạch bóng quân thù và là một thực thể thống nhất từ Nam chí Bắc. Các nước chung quanh ở phía nam hay phía tây, biển đông hay bờ bắc đều giao hảo tốt đẹp. Trong không khí hòa bình ấy, Ức Trai tiên sinh đã viết:
... “Hồ Việt nhất gia kinh hạnh đổ,
Tứ minh tùng thử tức kình ba”
(Quá Thần Phù hải khẩu)
Dịch thơ:
… “Một nhà may thấy Việt Hồ,
Sóng kình bốn bể lặng lờ từ nay”
(Qua cửa biển Thần Phù)
(Còn Tiếp)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét