Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Bà Pelosi Đến Đài Loan Trong Bối Cảnh Trung Quốc Đe Dọa Bạo Lực Quân Sự

 

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (ở giữa) đến Phi trường Tùng Sơn ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 02/08/2022. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan)

BÀ PELOSI ĐẾN ĐÀI LOAN TRONG BỐI CẢNH TRUNG QUỐC ĐE DỌA BẠO LỰC QUÂN SỰ 
Khánh Ngọc biên dịch

Hôm 02/08, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đến Đài Loan, bất chấp các mối đe dọa bạo lực liên tục từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các cơ quan tuyên truyền của đảng này.

Bà Pelosi đã đưa ra một tuyên bố công khai khi đến Đài Loan, kỷ niệm cam kết chung của Đài Loan và Hoa Kỳ đối với các giá trị dân chủ khi đối mặt với nghịch cảnh.

“Chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội của chúng tôi tới Đài Loan tôn vinh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ nền Dân Chủ sôi động của Đài Loan,” bà Pelosi nói trong tuyên bố.

“Các cuộc thảo luận của chúng tôi với giới lãnh đạo Đài Loan sẽ tập trung vào việc tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với đối tác của chúng tôi và thúc đẩy các lợi ích chung của chúng tôi, trong đó có việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Sự đoàn kết của Hoa Kỳ với 23 triệu người dân Đài Loan ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết, khi thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chế độ chuyên quyền và nền dân chủ.”

Bà Pelosi cũng tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không nào thay đổi chính sách lâu đời của mình về mối quan hệ Trung Quốc-Đài Loan, và sẽ tiếp tục tuân thủ hiện trạng.

Chuyến thăm Đài Loan diễn ra trong khuôn khổ một chuyến công du đến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, theo đó Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ sẽ thăm Singapore, Malaysia, Nam Hàn, và Nhật Bản.

Hoa Kỳ không lo ngại trước những lời đe dọa từ Trung Quốc

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện tới Đài Loan đã được lên kế hoạch chí ít là từ hồi tháng Tư khi bà dự kiến đến thăm Đài Bắc. Tuy nhiên, bà đã không thể thực hiện được chuyến đi do bị nhiễm COVID-19 vào phút chót.

Sau đó, ĐCSTQ đã biến chuyến đi này thành một thứ gì đó như một hồi trống trận và đã đưa ra một số lời đe dọa ngày càng hiếu chiến đối với Đài Loan và Hoa Kỳ.

Trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước (25-31/07), lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nói với Tổng thống Biden: “Đùa với lửa có ngày phỏng tay.” 

Tương tự, các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã đưa lên mạng xã hội một danh sách dài các bài đăng mang tính khiêu khích và đôi khi là bạo lực về chuyến đi này. Đáng chú ý nhất là việc khích động quân đội Trung Quốc bắn rơi phi cơ của bà Pelosi.

“Nếu chiến đấu cơ của Mỹ hộ tống phi cơ của bà Pelosi vào Đài Loan, thì đó là hành động xâm lược,” ông Hồ Tích Tiến (Xijin Hu), cựu biên tập viên Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, cho biết trong một tweet.

“PLA [quân đội Trung Quốc] có quyền xua đuổi phi cơ của bà Pelosi và các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bằng vũ lực, kể cả bắn cảnh cáo và thực hiện chiến thuật di chuyển chặn đường.” 

Những lời đe dọa này diễn ra theo một quỹ đạo khoa trương leo thang từ phía Bắc Kinh trong những tháng gần đây, khi ĐCSTQ cố gắng thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Hoa Kỳ mà không có hoạt động ngoại giao có ý nghĩa nào. Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đi xa đến mức đe dọa rằng chính quyền này sẽ “không ngần ngại mở màn một cuộc chiến tranh bằng bất kể giá nào” để ngăn việc Đài Loan được công nhận là một quốc gia trên trường quốc tế.

Đa phần các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều bình thản trước những lời đe dọa này. Hôm thứ Hai (01/08), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ không thay đổi bất kỳ chính sách nào liên quan đến Đài Loan.

Ông Kirby cho hay: “Nói một cách đơn giản, không có lý do gì để Bắc Kinh biến một chuyến thăm đơn giản, phù hợp với chính sách lâu đời của Hoa Kỳ thành một loại khủng hoảng hoặc một cuộc xung đột nào đó, hoặc sử dụng cái cớ này để gia tăng các hoạt động quân sự gây hấn trong hoặc xung quanh Eo biển Đài Loan.” 

“Chúng tôi sẽ không bị mắc bẫy hay vướng vào tranh luận qua lại. Đồng thời, chúng tôi sẽ không bị uy hiếp. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên các vùng biển và bầu trời ở phía tây Thái Bình Dương như chúng tôi vẫn làm trong nhiều thập niên.”

ĐCSTQ đã bắt đầu trừng phạt Đài Loan vì tiếp đón bà Pelosi. Trang web của tổng thống Đài Loan đã bị tấn công mạng hồi đầu tuần này. Đồng thời, cuộc tấn công đó diễn ra sau một lệnh cấm nhập cảng của Trung Quốc đối với hơn 100 công ty nông nghiệp và thực phẩm của Đài Loan.

Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ khoa trương và sẵn sàng gây tổn thất, các nhà lãnh đạo của cả Đài Loan lẫn Hoa Kỳ đều thể hiện sự đoàn kết trong việc không cúi đầu trước các yêu sách của ĐCSTQ.

“Các nhà lãnh đạo khác của thế giới tự do sẽ nhận được thông điệp gì nếu Chủ tịch nhánh lập pháp của một quốc gia lớn hủy một chuyến đi không báo trước tới Đài Loan vì CHND Trung Hoa đã đe dọa sử dụng vũ lực chống lại những người yêu tự do trên hòn đảo xinh đẹp này?” ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), một nghị viên Đài Loan, cho biết trong một tweet.

“Chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu rằng bà ấy [bà Pelosi] sẽ tự có những quyết định của riêng mình và Quốc hội là một nhánh độc lập của chính phủ,” ông Kirby nói. “Hiến Pháp của chúng tôi dựa trên sự phân lập quyền lực.”

“Điều này CHND Trung Hoa biết rất rõ, với hơn bốn thập niên bang giao giữa chúng tôi. Chủ tịch Hạ viện có quyền đến thăm Đài Loan, và một vị Chủ tịch Hạ viện đã từng đến thăm Đài Loan trước đây mà không có sự cố nào xảy ra, cũng như nhiều thành viên Quốc hội đã từng đến thăm, kể cả trong năm nay.”

Bà Pelosi đến bằng phi cơ quân sự

Có nhiều tin đồn cho rằng bà Pelosi đã ở trên một phi cơ của Không quân Hoa Kỳ, SPAR19, bay khỏi Malaysia hôm thứ Ba (02/08) mà không có điểm đến được liệt kê. Điểm đến của phi cơ này đã được cập nhật là Đài Bắc khi nó bay qua Philippines.

Chiếc phi cơ này đã thu hút sự chú ý của những người nóng lòng theo dõi tình hình Trung Quốc. Hàng trăm ngàn người đã theo dõi trực tuyến lộ trình của chiếc phi cơ này. Flightradar24, một trang web theo dõi phi cơ nổi tiếng, đã thông báo rằng sự quan tâm “chưa từng có” đối với chiếc phi cơ này đã gây ra tắc nghẽn trên các máy chủ của họ, khiến trang web này tạm thời không hoạt động.

“Việc Chủ tịch Hạ viện đi trên một chiếc phi cơ vận tải quân sự của Hoa Kỳ là chuyện bình thường,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong cuộc họp báo hôm 01/08. “Đó là chuyện rất bình thường.”

“Một phần trách nhiệm của chúng tôi là bảo đảm rằng bà ấy có thể đi lại một cách an toàn và an ninh và tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng bà ấy sẽ an toàn.”

Việc các thành viên đương nhiệm của Quốc hội đến thăm Đài Bắc là chuyện bình thường, và điều này đã xảy ra nhiều lần trong năm nay. Tuy nhiên, lần cuối cùng một Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm đến thăm Đài Loan là vào năm 1997.

Sau đó, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã điều động các khí tài quân sự vào khu vực xung quanh Đài Loan, gây ra cảm giác căng thẳng cho cả hai quốc gia.

Nhiều chuyên gia tin rằng những lời đe dọa của ĐCSTQ là rỗng tuếch, và chỉ nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ mà không cần phải thực sự dùng đến ngoại giao. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng những tình huống như vậy rất dễ dẫn đến hiểu lầm và các sự cố thảm khốc.

Ông Kirby cho biết hôm thứ Hai (01/08) rằng, “Không đến nỗi có thể xảy ra một cuộc tấn công trực tiếp, nhưng tình huống đó làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và nhầm lẫn, vốn cũng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.” 

Ông Kirby nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ đề phòng các hành động khiêu khích quân sự gia tăng từ phía ĐCSTQ, kể cả các hoạt động không quân và hải quân cũng như các vụ phóng hỏa tiễn.

Ông nói rằng có khả năng ĐCSTQ sẽ lặp lại các hành động của mình từ năm 1995 và 1996, khi nhà cầm quyền này phóng hỏa tiễn vào vùng biển xung quanh Đài Loan sau khi có thông báo rằng tổng thống Đài Loan sẽ đến thăm trường cũ của ông ở Hoa Kỳ.

Giới chức cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời đe dọa chung chung và hung hăng đối với Hoa Kỳ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn chuyến đi của bà Pelosi xảy ra, và không rõ nhà cầm quyền Trung Quốc có thể tiến xa tới mức nào với những luận điệu của họ mà không bị mất mặt trên trường quốc tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng những chuyến đi như vậy sẽ làm gia tăng mối bang giao giữa Đài Loan và Hoa Kỳ và tiếp tục hợp pháp hóa Đài Loan với tư cách là một quốc gia độc lập.

ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai cần phải thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Đài Loan đã được tự quản từ năm 1949, chưa bao giờ nằm ​​dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, và tự hào có một chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh.

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Khánh Ngọc biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét