Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Hàng Hóa Nga Vẫn Đổ Vào Mỹ

 

Minh họa: Cảng Bayonne, New Jersey (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

HÀNG HÓA NGA VẪN ĐỔ VÀO MỸ 
Việt Bình 

Bất luận biện pháp cấm vận ngặt nghèo, hàng hóa Nga vẫn nhập vào Mỹ khá nhiều. AP cho biết, hơn 3,600 chuyến hàng các loại, từ gỗ, kim loại, cao su đến cả đạn dược Nga vẫn nhập cảng Hoa Kỳ kể từ khi nước này bắt đầu phóng tên lửa vào nước láng giềng Ukraine hồi Tháng Hai. Đó là mức giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, khi có khoảng 6,000 lô hàng Nga nhập cảng Mỹ, nhưng chúng vẫn mang lại giá trị thương mại hơn $1 tỷ mỗi tháng.

Vấn đề chính nằm ở chỗ, trong không ít trường hợp, một số nhà nhập khẩu Hoa Kỳ không thể tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế. Chẳng hạn gỗ, các khu rừng bạch dương dày đặc của Nga tạo ra loại gỗ cứng và chắc đến mức hầu hết đồ nội thất trong học đường và sàn nhà khắp nước Mỹ đều được làm từ gỗ nhập từ Nga. Những container vận chuyển hàng Nga – gạo lứt, giày tập tạ, thiết bị khai thác tiền điện tử, thậm chí gối – đều đang nhập vào Mỹ mỗi ngày. Dưới đây là một số hàng hóa Nga nhập vào Mỹ:

KIM LOẠI

Nga là nước xuất khẩu chính các kim loại như nhôm, thép và titan. Hầu hết công ty Mỹ kinh doanh kim loại đều có mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp Nga. Hoạt động buôn bán như vậy, đặc biệt nhôm, hầu như không bị gián đoạn kể từ đầu cuộc chiến Ukraine. Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm chưa gia công lớn nhất ngoài Trung Quốc và là nhà xuất khẩu quan trọng hàng đầu thế giới xét về giao dịch toàn cầu. AP cho biết, hơn 900 lô hàng với hơn 264 triệu tấn kim loại Nga đã được nhập vào Mỹ kể từ Tháng Hai. Nhôm của Nga được dùng trong các bộ phận xe hơi và máy bay, lon nước ngọt, dây cáp, thang và giá đỡ pin năng lượng mặt trời. Khách hàng lớn nhất tại Mỹ vào đầu năm 2022 là một công ty con của tập đoàn nhôm toàn cầu Rusal do Nga sở hữu. Vào Tháng Tư, nhóm điều hành cấp cao của công ty Rusal America đã mua lại bộ phận có trụ sở tại Hoa Kỳ và đổi tên nó thành PerenniAL. Chỉ trong Tháng Bảy 2022, PerenniAL đã nhập hơn 35,000 tấn nhôm từ Nga.

Ngoài ra, trong số công ty tư chọn nguồn nguyên liệu từ Nga còn có các nhà thầu lớn cho chính phủ Hoa Kỳ. Boeing (nơi ký hợp đồng với chính quyền liên bang trị giá $23.8 tỷ vào năm 2021) đã nhập 20 tấn nhôm vào Tháng Sáu từ Kamensk-Uralsky Metallurgical Works. Vào Tháng Ba, chính phủ Mỹ đã cấm xuất sang Kamensk-Uralsky vì công ty này cung cấp kim loại cho quân đội Nga, nhưng Washington lại không đưa ra hạn chế đối với nhập khẩu. Một đại diện Boeing cho biết công ty đã quyết định chấm dứt thương mại với Nga vào Tháng Ba và giải thích rằng lô hàng trên đến vào Tháng Sáu vốn đã được mua trước đó bốn tháng.

Một nhà nhập khẩu kim loại khác ở Mỹ là Tirus US, vốn thuộc sở hữu công ty Nga VSMPO-AVISMA, nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới. VSMPO là nơi cung cấp kim loại cho quân đội Nga để chế tạo máy bay chiến đấu. Hoạt động rộng khắp toàn cầu của VSMPO với sản phẩm titan cho thấy sự khó khăn trong việc cô lập Nga một cách tuyệt đối khỏi các gắn kết thương mại là điều không đơn giản. Tirus US bán titan cho hơn 300 công ty ở 48 quốc gia, trong đó có nhiều người mua ở Hoa Kỳ, từ các nhà sản xuất đồ trang sức đến các công ty hàng không vũ trụ.

GỖ

Sau Canada, Nga là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ hai thế giới và chỉ họ mới có một số nhà máy sản xuất ván ép bạch dương Baltic cứng chắc để làm ván sàn được sử dụng trên khắp nước Mỹ. Năm nay, chính quyền Biden bắt đầu áp thuế đối với gỗ xuất khẩu của Nga, một động thái gây tức giận cho nhiều nhà cung cấp gỗ ở Mỹ, chẳng hạn Ronald Liberatori, một đại lý gỗ có trụ sở tại Nevada, nơi cung cấp gỗ bạch dương Baltic trồng ở Nga cho thị trường Mỹ. Ronald Liberatori nói: “Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới làm ra sản phẩm này. Không có nguồn thay thế.”

NHIÊN LIỆU

Ngày 8 Tháng Ba 2022, Tổng thống Biden loan báo Mỹ cấm tất cả hoạt động nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga, “nhắm vào động mạch chính của nền kinh tế Nga”. “Điều đó có nghĩa dầu của Nga sẽ không còn được nhập vào các cảng Hoa Kỳ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào cỗ máy chiến tranh của Putin” – Tổng thống Biden nói. Vài giờ sau, có những báo cáo cho biết một con tàu chở một triệu thùng dầu Nga dự định đến Mỹ đã phải đổi hướng sang Pháp. Tuy nhiên, nhiều tàu dầu khác vẫn… hoạt động bình thường.

Ngay trong tuần đó (sau thời điểm Tổng thống Biden tuyên bố), khoảng một triệu thùng dầu thô của Nga đã cập cảng Philadelphia, đến nhà máy lọc dầu Monroe Energy của hãng hàng không Delta Airlines. Cùng lúc, một tàu chở dầu với khoảng 75,000 thùng hắc ín Nga cập cảng Texas và được chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Valero sau chuyến vượt biển dài qua Bắc Đại Tây Dương. Các chuyến hàng tiếp tục đến Valero, ExxonMobil và một số công ty khác. Julie King, giám đốc truyền thông của ExxonMobil, nói với AP rằng chuyến giao dầu vào Tháng Bảy thật ra có nguồn gốc từ Kazakhstan và không nằm trong lệnh cấm vận. Người phát ngôn của Monroe Energy, Adam Gattuso, cho biết công ty đã không nhập thêm nhiên liệu Nga và không “làm như vậy trong tương lai gần”.

NHỮNG HÀNG HÓA KHÁC

Tính từ đầu năm đến nay, gần 4,000 tấn đạn của Nga đã đến Mỹ và được phân phối cho các cửa hàng súng đạn khắp nước Mỹ. Một số được bán cho người mua ở Hoa Kỳ bởi các công ty nhà nước Nga, trong khi số khác đến từ ít nhất một nhà tài phiệt Nga đang nằm trong danh sách trừng phạt. Hãng tin AP cũng dò ra được lô hàng uranium hexafluoride phóng xạ trị giá hàng triệu đôla từ công ty Tenex thuộc sở hữu nhà nước Nga bán cho công ty điện lực Westinghouse ở Nam Carolina. Vật liệu hạt nhân không nằm trong danh sách trừng phạt. Ngoài ra, cũng có một số sản phẩm được nhập vào Mỹ từ các cảng Nga sau đó được chuyển tiếp đến Mexico và Canada. Chẳng hạn lô hàng phụ tùng xe Toyota đến New Orleans vào tháng trước và sau đó được chuyển đến một nhà máy Toyota ở Mexico.

Trong khi đó, chất phóng xạ (radioactive material) nhập từ Nga được chuyển lên Bắc Mỹ, nơi nó được dùng khử trùng vật tư y tế đóng gói. Và mặc dù việc nhập một số mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn hải sản và vodka, bị hạn chế nhưng vào tháng trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết nhiều mặt hàng nông sản Nga vẫn được phép nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Tại Brooklyn, New York, Grigoriy Katsura thuộc hãng Nga Krasnyi Oktyabr Inc, cho biết họ tiếp tục nhập khẩu chocolate và bánh kẹo để bán cho người Mỹ gốc Nga.

Việt Bình - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét