Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Cách Nào Để Đưa Việt Nam Vào Danh Sách CPC

 


CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯA VIỆT NAM VÀO DANH SÁCH CPC
Mạch Sống

Vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ có thể là một hồ sơ làm phép thử

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 31 tháng 7, 2022

Sau 2 lần, năm 2005 và năm 2006, bị liệt vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, chính quyền Việt Nam đinh ninh rằng không phải lo bị đưa trở lại danh sách này vì Hoa Kỳ đang muốn lôi kéo Việt Nam làm đồng minh đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, niềm tin này đã lung lay sau cú sốc Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Hạng 3, tức hạng thấp nhất, về buôn người và phải đối mặt nguy cơ bị chế tài theo luật Hoa Kỳ.

Đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC là hoàn toàn có thể với điều kiện làm đúng việc và đúng cách.

Làm đúng việc là chứng minh rằng tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam là:

1. Nghiêm trọng
2. Có hệ thống
3. Đang tiếp diễn

Đó là tiêu chuẩn theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, được Quốc Hội ban hành năm 1998.

Hình 1 – Thông tin về Ông Lê Tùng Vân trong hồ sơ nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế

Yếu tố nghiêm trọng

Nghiêm trọng có nghĩa bao gồm:

- Hành vi tra tấn, vô nhân đạo hoặc hạ nhân phẩm
- Giam giữ dài lâu không lý do chính đáng
- Ngang nhiên vi phạm quyền sống, quyền tự do, hoặc sự an toàn cá nhân

Một ví dụ về vi phạm nghiêm trọng là khi lực lượng công an dùng bạo lực tấn công Giáo Xứ Bình Thuận ở Nghệ An. Vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ cũng mang tính cách nghiêm trọng vì vi phạm cùng lúc nhiều lĩnh vực nhân quyền:

- Công an dùng tra tấn để bức cung, vi phạm Công Ước Quốc Tế về Chống Tra Tấn (CAT)
- Xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ, vi phạm Công Ước LHQ về Bài Trừ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Đối Với Phụ Nữ (CEDAW)
- Gây hậu quả dài lâu cho trẻ em, vi phạm Công Ước LHQ về Quyền của Trẻ Em (CRC)
- Triệt tiêu cả một nhóm tôn giáo độc lập và bỏ tù một cách tuỳ tiện những người chủ chốt, vi phạm Công Ước Quốc Tế về Quyền Dận Sự và Chính Trị (ICCPR)

Tính hệ thống

Hiểu nôm na, vi phạm mang tính hệ thống khi đó là chính sách xuyên suốt của nhà nước trung ương chứ không chỉ là việc làm tuỳ tiện của giới chức địa phương. Để chứng minh tính hệ thống, chần chứng minh rằng:

1. Chính sách nhắm vào nhiều tôn giáo, nhiều cộng đồng ở nhiều địa dư. Bộ hồ sơ dùng làm phép thử phải bao gồm các hồ sơ vừa tiêu biểu cho tình trạng chung của cả một cộng đồng, ví dụ như cộng đồng người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành, vừa bao hàm nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau ở nhiều miền dất nước. Trong 12 năm qua, BPSOS đã thực hiện khoảng 500 bản báo cáo vi phạm liên quan đến các cộng đồng Tin Lành Hmong, Tin Lành Tây Nguyên, Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Thống Nhất, Công Giáo… từ Bắc chí Nam. Từ số hồ sơ này, chúng tôi có thể lọc ra bộ hồ sơ tiêu biểu và đa dạng.

2. Chính quyền trung ương có trách nhiệm giải quyết chứ không thể đổ thừa địa phương làm sai. Nạn nhân bị vi phạm, hoặc cá nhân hoặc cộng đồng, phải có hành động pháp lý và leo thang hành động này đến cấp trung ương. Chẳng hạn, sau khi toà án Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An tuyên án vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, các nạn nhân cần kháng cáo lên toà cấp trên và cấp trên nữa cho đến khi lên đến cấp trung ương. Khi ấy, các quan chức ở Hà Nội không thể thoái thác trách nhiệm khi bị quốc tế đặt vấn đề.

Tính tiếp diễn

Cách tốt nhất để chứng minh tính tiếp diễn là thường xuyên bổ sung bộ hồ sơ làm phép thử với vài hồ sơ liên quan các sự kiện mới xảy ra nội trong 12 tháng.

Đồng thời, tiến trình leo thang hành động pháp lý kéo dài từ địa phương đến trung ương cũng góp phần chứng minh tính tiếp diễn.

Cách làm

Chứng minh tình trạng đàn áp tôn giáo ở quốc gia này mang tính hệ thống, nghiêm trọng và đang tiếp diễn là việc phải làm. Cách làm thì bao gồm các bước sau đây:

1. Lọc lựa khoảng 10 – 12 hồ sơ theo các tiêu chuẩn đã được mô tả (tiêu biểu và đa dạng, có một số hồ sơ liên quan sự kiện vừa xảy ra)

2. Hỗ trợ để các nạn nhân thực hiện các hành động pháp lý (khiếu nại, tố giác, tố cáo, kháng cáo, v.v.) theo phương thức leo thang từ địa phương đến trung ương

3. Vận dụng các cơ chế nhân quyền LHQ, các định chế bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo quốc tế theo dõi sát diễn tiến cuộc leo thang kể trên và đặt vấn đề với chính quyền trung ương. Các cơ chế nhân quyền LHQ bao gồm các uỷ ban theo dõi thực thi công ước và các báo cáo viên đặc biệt LHQ. Các định chế quốc tế bao gồm Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos, Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Quốc Tế (gồm 37 quốc gia), Ban Chỉ Đạo Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế…

4. Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trực tiếp và thông qua các thành viên của Quốc Hội có trách nhiệm và thẩm quyền giám sát việc thực thi Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế

Trước sự lên tiếng của nhiều cơ chế LHQ và định chế quốc tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ khó phủ nhận tính cách nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn của tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Hơn nữa, vì bộ hồ sơ làm phép thử do các thành viên Quốc Hội chuyển, Bộ Ngoại Giao không thể không giải trình khi báo cáo hàng năm với Quốc Hội.

Lộ trình đưa Việt Nam vào danh sách CPC như kể trên sẽ cần khoảng 24 đến 36 tháng.

Những tác động dọc lộ trình

Không phải chờ đến cuối lộ trình mới thấy những tác động của cách làm kể trên vì khi một hồ sơ đủ mạnh, chúng ta có thể vận dụng một số luật chế tài như Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Hoa Kỳ và những luật tương tự ở Anh, Canada, Úc, Liên Âu nhắm vào cá nhân các kẻ vi phạm. Ví dụ, trong vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đã xuất hiện một số cá nhân với thông tin cụ thể về nhân thân, dễ cho việc áp dụng các biện pháp chế tài. Chẳng hạn, bên chính quyền thì có một thượng tá giám đốc sở công an huyện, còn bên dân sự thì có một vị chức sắc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng có điều khoản chế tài cá nhân các thủ phạm.

Một ví dụ

Nếu lấy hồ sơ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ làm ví dụ minh hoạ, thì sau đây là những việc có thể và cần thực hiện:

1. Vận động Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission for International Religious Freedom, USCIRF) công nhận 6 thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ bị tuyên án tù là tù nhân lương tâm tôn giáo. Việc này đã xong; ngay khi bản án được tuyên bố, USCIRF đã đưa 6 nạn nhân này vào danh sách tù nhân lương tâm. Xem ví dụ về Ông Lê Tùng Vân: 
https://www.uscirf.gov/victims-list/prisoner/8064. Ghi chú: Vì USCIRF mới cập nhật thông tin nên chưa có hình ảnh cá nhân của từng tù nhân lương tâm thuộc nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Ai có hình ảnh, xin gửi cho chúng tôi: forb@bpsos.org.

2. Gộp 6 nạn nhân này vào Chiến Dịch Toàn Cầu cho Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo do BPSOS điều phối và được chính thức phát động tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ngày 28-30 tháng 6 vừa qua ở thủ đô Hoa Kỳ. Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam (Vietnam Coalition Against Torture, VN-CAT) phối hợp việc này.

3. Nêu tình trạng các trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, đời sống và tương lai với Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em. Nhóm lãnh đạo trẻ NextGen đang thực hiện bản báo cáo để nộp trước ngày 15 tháng 8 nhằm chuẩn bị cho cuộc giải trình bởi Việt Nam ngày 12 và 13 tháng 9 này. Xem các báo của BPSOS về nhiều vụ việc khác nhau đã nộp cho uỷ ban này tại: 

4. Lập hồ sơ yêu cầu Tổ Công Tác LHQ về Giam Giữ Tuỳ Tiện (UN Working Group on Arbitrary Detention) ra phán quyết. Một sinh viên luật đang thực tập với BPSOS nhận trách nhiệm lập hồ sơ. BPSOS đã nộp 8 hồ sơ như vậy trong 1 năm rưỡi qua: 

5. Nộp báo cáo về hành vi tra tấn để bức cung cho Uỷ Ban LHQ về Chống Tra Tấn (UN Committee Against Torture). Ngày 7 tháng 12, 2022 là thời hạn để Việt Nam báo cáo về thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn. Liền sau đó, các tổ chức xã hội dân sự có cơ hội để nộp báo cáo phản biện. VN-CAT có thể thực hiện việc này.

6. Nộp báo cáo cho Uỷ Ban LHQ về Bài Trừ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử với Phụ Nữ (UN Committee to Eliminate all forms of Discrimination Against Women, CEDAW). Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam có thể nhận trách nhiệm này.

7. Nộp báo cáo giữa kỳ cho cuộc Rà Soát Định Kỳ Phổ Quát đối với Việt Nam (Universal Periodic Review, UPR). Cuộc rà soát UPR kế đến cho Việt Nam sẽ là ngày 5 tháng 2, 2024. Chính phủ Việt Nam đã nộp bản báo cáo giữa kỳ vào cuối năm ngoái. Hiện nay là thời gian để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo phản biện. BPSOS sẽ thực hiện bản báo cáo này.

8. Vận động các phái bộ của 37 chính quyền trong Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Quốc Tế (International Religious Freedom or Belief Alliance) đồng loạt đặt vấn đề với Việt Nam tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào tháng 9 tới đây, khi Việt Nam ứng cử làm thành viên của hội đồng này. BPSOS đảm nhận việc này.

Mỗi trường hợp được lọc lựa cho bộ hồ sơ làm phép thử đều phải có một kế hoạch hành động tương tự.

Cách làm này tương tự công thức BPSOS đã sử dụng để thúc đẩy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người.

Hình 2 – Lịch trình rà soát Việt Nam về thực thi các công ước LHQ về nhân quyền

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ công bố các hồ sơ dùng làm phép thử và cập nhật diễn tiến thực hiện phép thử như đã trình bày khái quát ở trên. Mọi người quan tâm đến tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là những cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng, đều có thể góp phần mình cho kế hoạch đưa Việt Nam vào danh sách CPC.

Ngay trước mắt, chúng tôi kêu gọi sự tiếp tay phổ biến các thông tin cập nhật về thực hiện lộ trình kể trên đến rộng rãi người Việt ở trong và ngoài nước. Các thông tin cập nhật sẽ được đăng tải tại trang Facebook: https://www.facebook.com/VNFoRB. Xin đa tạ.  

Thông tin liên quan:

Bị đưa xuống Hạng 3 về buôn người, Việt Nam phải đối mặt với các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét