- Ngày 12-13 tháng 9 Việt Nam phải giải trình với Uỷ Ban LHQ về Quyền của Trẻ Em
Mạch Sống, ngày 15 tháng 8, 2022
Khoảng không đầy một tháng nữa, Việt Nam sẽ phải qua cuộc rà soát tại Geneva về thực thi Công Ước LHQ về Quyền của Trẻ Em. Đón trước cuộc rà soát này, hôm nay BPSOS đã nộp bản báo cáo dày 46 trang với tựa đề “Các tác động xấu của sự đàn áp tôn giáo lên 10 chú tiểu ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.”
“Qua hồ sơ này, quốc tế sẽ thấy rất rõ là chính các chức sắc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước dựng lên năm 1981 đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của Việt Nam và Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Sự vi phạm này tác động tai hại và dài lâu lên 10 trẻ em từ 8 tháng đến 8 tuổi được nhóm Phật tử này cưu mang.”
Đến nay, 6 người của TABBVT đã bị xử án tù dựa vào cáo buộc của 2 nhà sư nắm vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Họ cáo buộc rằng TABBVT đã báng bổ Đức Phật và xúc phạm phạm niềm tin của 550 triệu tín đồ Phật Giáo toàn cầu khi diễn giảng một cách trào phúng lời Phật dạy; dám cạo đầu, mặc áo nhà tu, và tự nhận là “Thầy”, là “Sư Cô” dù chưa được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam công nhận.
“Giáo hội này đã áp đặt tín lý và quy tắc của riêng mình lên một nhóm người không liên hệ và có niềm tin khác biệt,” Ts. Thắng nói. “Nghĩa là họ đã vi phạm Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như Điều 5 của Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của Việt Nam.”
Theo Ts. Thắng, nhà nước Việt Nam lẽ ra phải xử trị mấy vị chức sắc ấy, nhưng lại toa rập với họ để trừng phạt các nạn nhân.
Riêng Ông Trần Nhật Thảo, tức Thượng Toạ Thích Nhật Từ, còn cáo buộc TABBVT đã xúc phạm danh dự và nhân phảm của ông ta khi nhận xét rằng ông ta “ngu như bò”.
“Việc bày tỏ quan điểm, dù mang tính miệt thị, không cấu thành tôi phạm và được bảo vệ bởi Điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị,” Ts. Thắng giải thích. “Chỉ khi nào vu cho người khác các hành vi phạm pháp như biển thủ, chiếm đoạt tài sản, loạn luân, giết người, v.v. thì mới bị xem là phỉ báng.”
Chính ông Trần Nhật Thảo đã vi phạm điều này khi tố giác rằng các trẻ em ở TABBVT có cha mẹ nhưng đóng vai mồ côi để trục lợi, rằng các trẻ em này được sinh ra từ quan hệ loạn luân giữa Ông Lê Tùng Vân và các sư cô vốn là con gái ruột của ông ấy, rằng phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Nếu tuân thủ tính cân xứng trong luật pháp thì ông ta đã phải bị truy tố và xử án nặng gấp chục lần so với mức án gán cho những thành viên của TABBVT.
Bản báo cáo mô tả lời kể của các nhân chứng về cuộc bố ráp ngày 4 tháng 1, với nhiều trăm công an và cảnh sát cơ động, cùng với chó nghiệp vụ, và drones tấn công cơ sở của TABBVT, tạo nên sự khủng hoảng tinh thần của các chú tiểu. Bản báo cáo thuật lại lời của một nhân chứng:
“Buổi sáng ngày 01-04-2022 …bất ngờ từ đâu mà cả hàng trăm công an, hàng trăm cảnh sát cơ động mang theo súng ống xông vào nơi ở chúng tôi. Họ tịch thu tất cả điện thoại, laptop - vi tính máy móc điện tử và các đồ dùng cá nhân của chúng tôi mà không hề có bất cứ 1 biên bản nào…”
“Bọn họ bắt ép chúng tôi ký tên và lăn tay vào những tờ giấy gì đó không rõ. Chúng tôi không đồng ý thì công an bọn họ đè đầu chúng tôi xuống bàn, tự ý cầm tay tôi lên để ép tôi ký cho được những tờ giấy đó. Chưa hết, bọn công an đã ngang nhiên vào phòng sư phụ tôi (92 tuổi) CƯỚP đi số tiền khổng lồ mà sư phụ tôi đã dành dụm 1 đời để có được… Đó là số tiền chúng tôi dự định xây lại căn nhà để tránh mưa tránh nắng cho các bé (căn nhà hiện tại chúng tôi đang ở đã mục nát, có thể đổ sập bức tường bất cứ lúc nào). Thời điểm đó số tiền ấy là tài sản duy nhất chúng tôi có để mua gạo mua sữa cho các bé.”
Bản báo cáo cũng bao gồm kết quả chẩn định của Tiến Sĩ Roy Smith, chuyên gia tâm lý. Theo Ông, các trẻ em ở TABBVT có các triệu chứng tâm lý đáng lo ngại như: trằn trọc trong giấc ngủ, lo lắng, buồn bã và thay đổi thái độ.
Cuối cùng, bản báo cáo đề ra 4 khuyến nghị cho Uỷ Ban LHQ về Quyền của Trẻ Em:
1. Yêu cầu nhà nước Việt Nam chấp nhận cho các chuyên gia độc lập tiếp cận các trẻ em ở TABBVT để chẩn định về sức khoẻ, tâm lý và tình trạng nói chung.
2. Yêu cầu nhà nước Việt Nam giải toả các cáo buộc về loạn luân nếu như không có các chứng cứ mang tính kết luận.
3. Phối hợp chặt chẽ với các định chế nhân quyền khác của LHQ đẻ bảo đảm rằng nhà nước Việt Nam ngưng sự ngược đãi và bách hại TABBVT, tuân thủ đầy đủ các cam kết trong các công ước LHQ, và tôn trọng quy trình hợp lệ và sự công tâm trong thực thi luật pháp quốc gia.
4. Lắng nghe tiếng nói và lời thỉnh cầu của các nhân chứng là nạn nhân.
Theo Ts. Thắng, bản báo cáo này sẽ được bổ sung để dùng vận động quốc tế cũng như để đưa vào bộ hồ sơ nhằm vận động Hoa Kỳ xếp hạng Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng.
"Vì sự an toàn của một số nguồn cung cấp thông tin, chúng tôi yêu cầu LHQ bảo mật bản báo cáo này," Ts. Thắng cho biết.
Đây là bản báo cáo thứ 6 mà BPSOS đã nộp cho Uỷ Ban LHQ về Quyền của Trẻ Em để chuẩn bị cho cuộc rà soát sắp đến.
Thông tin liên quan:
Cách nào để đưa Việt Nam vào danh sách CPC
https://machsongmedia.org/
Các bản báo cáo để chuẩn bị cho cuộc rà soát đối với Việt Nam:
https://tbinternet.ohchr.org/_
Mạch Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét