BS Bùi Văn Rậu
XIN CÁM ƠN EM...
BS Bùi Văn Rậu
Các bạn cao tuổi nên đọc bài này
Sự trợt té của Bác sĩ Bùi-Văn-Rậu
Có lẽ một số các anh chị đã thắc mắc chuyện gì đã xảy đến cho tôi vậy? Tôi xin tóm lược diễn tiến sau đây.
Số là vợ chồng chúng tôi đã cùng một số bạn rủ nhau đi du lịch Nhật-Bản bằng tàu. Vào ngày thứ hai của chuyến đi, chúng tôi đến cư ngụ tại một khách sạn nằm dưới chân núi Phú-Sĩ, chờ sáng hôm sau lên thăm núi.
Tối hôm đó từ phòng tắm đi ra, vì phải bước qua cái ngạch cửa hơi cao tôi bị trượt chân nên ngã bật ngửa ra sau, đầu đập vào ngạch cửa! Tôi nằm im cố kiểm soát ngũ quan, tứ chi xem có bị gì không thì bà xã tôi vào nâng tôi dậy!
Thấy máu chảy lênh láng trên sàn, vội dùng khăn băng đầu tôi lại để cầm máu rồi nhờ một anh bạn cùng đoàn sang khám cho tôi!
Anh bạn này là chuyên khoa cấp cứu của các nhà thương ở California.
Sau khi khám xong thấy tôi không có triệu chứng gì, chỉ bị nứt da sau ót thôi, nên anh an ủi bà xã tôi và dặn chỉ canh chừng tôi mà thôi, sau đó tôi hoạt động như thường, vẫn theo đoàn đi tiếp!
Sáng hôm sau, chúng tôi lên núi Phú-Sĩ… Sau đó chúng tôi lên tàu đi Osaka và Kobe… Rời Kobe tàu ghé Nagasaki… Rời Nagasaki tàu chúng tôi ghé Shanghai… Chúng tôi rời Okinawa để đến Taipei… Sau hai ngày ở Taipei tàu ghé Hong-Kong là trạm chót của chuyến hải hành. Tại Hong-Kong… Chúng tôi rời Hong- Kong bay tới Tokyo đổi máy bay để về thẳng Mỹ!
Về đến San Jose, tôi đã trở lại công việc thường ngày, đi làm như thường, vẫn không có triệu chứng gì, không thấy nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa!!! Cho đến chủ nhật 23 tháng 11, tức là 4 tuần sau ngày xảy ra tai nạn:
- Tôi bắt đầu thấy hơi bị chúi về phía trước mỗi khi di chuyển
- Qua thứ hai tôi gọi cho bác sĩ gia đình xin đi chụp CT scan đầu. Tuy nhiên cơ quan Xrays hẹn vào chiều hôm sau, vì không có chỗ! Buổi chiều hôm ấy trên đường về nhà thấy tôi đi hơi loạng quạng, bà xã tôi đã nhất định chở tôi đến phòng cấp cứu mặc cho tôi nói rằng hãy chờ đến ngay mai chụp hình xong mới tính!
Tại phòng cấp cứu sau khi khám và chụp hình bác sĩ cho biết:
- Có máu trong đầu, bác sĩ liền cho nhập viện và sắp xếp cho giải phẫu vào sáng hôm sau.
Cuộc giải phẫu kéo dài khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, lúc tỉnh dậy bác sĩ giải phẫu cho biết:
- Ông đã khoan hai lỗ trên đầu của tôi và đã hút được hơn 200 ml máu!
- Ông đã đặt hai ống để rút máu bầm ra...!
Sau khi mổ, tôi cả thấy nhẹ nhõm, không còn thấy chóng mặt, nhức đầu gì cả! Nói tóm lại là cuộc mổ thành công! Sau 3 đêm nằm bệnh viện, hai ống hút trên đầu được tháo ra và tôi đã được cho xuất viện vào ngày lễ tạ ơn!
Tới đây thì có lẽ nhiều bạn đã thắc mắc tại sao tôi không đi chụp hình ngay sau khi bị tai nạn! Xin thưa với các bạn là trong cơ thể học
- Não bộ chúng ta được bao bọc bởi màng óc và được bảo bọc bằng hộp xương sọ!
- Khi lớn tuổi thì não bộ của chúng ta bị teo nhỏ lại, do đó được treo lơ lửng bằng những mạch máu nhỏ. Khi bị chấn động mạnh như bị đánh vào đầu, hay té ngã:
- Não bộ bị giao động và vì thế có thể một hay vài mạch máu bị đứt
- Máu bị chảy ra tuy nhiên vì mạch quá nhỏ!
Nên MÁU CHẢY RẤT CHẬM RẤT ÍT, chỉ vào khoảng gần 1/12 tới 2 ml mỗi giờ, lúc này nếu làm CT scan CŨNG KHÔNG THẤY GÌ CẢ.
- Chỉ khi nào lượng máu đủ để ép vào não bộ, thì lúc đó TRIỆU CHỨNG MỚI XÃY RA.
- Chuyện này thường xảy ra khỏang từ 4 -12 TUẦN, sau khi bị chấn động như trong trường hợp của tôi.
Bác sĩ cho biết với số lượng máu nhiều như thế, người trẻ tuổi có lẽ đã bị hôn mê, não bộ đã bị thương tổn rồi!
Thật là may mắn cho tôi, vì đã được bình phục hoàn toàn, không hề có dư chứng gì cả!
Qua kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các bạn là ở vào tuổi của chúng ta, nên cố gắng tránh tối đa các tai nạn!
Tuy nhiên, nếu có tai nạn xảy ra nên cho người thân biết để theo dõi, người có khả năng nhất là người bạn đời của ta, không ai săn sóc ta, hiểu ta hơn chính ta bằng bà xã của ta!
Câu này rất đúng với trường hợp của tôi!
Xin được cám ơn em, người bạn đời! Nếu không có em, chưa chắc tôi có thể viết ra, được những giòng chữ này
BS Bùi Văn Rậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét