- Bắt đầu thủ tục xin tại ngoại cho các đồng bào sau khi ở tù
BPSOS, ngày 24 tháng 3, 2025 http://machsongmedia.org Dưới đây là thông tin cập nhật về số đồng bào Thượng bản địa bị cảnh sát Thái Lan bắt ngày Chủ Nhật 23 tháng 2. - Tổng cộng có 65 người bị bắt, không phải 68 như chúng tôi loan tin lúc đầu. Trong đó 47 người có hồ sơ với văn phòng Center for Asylum Protection (CAP) do BPSOS thành lập và tài trợ.
- Liền sau đó, 7 người được thả ra vì đã từng đóng tiền thế chân để tại ngoại trong một lần bị bắt trước đây. Đồng thời, 10 trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi được chuyển vào Trung Tâm Các Bà Mẹ và Trẻ Em vì không có người lớn ở ngoài trông nom. Các trẻ em sẽ được giao trả khi bố hoặc mẹ được thả ra.

Hình 1 – Các đồng bào Thượng bản địa cầu nguyện cho sự bình an sau khi bị bắt, ngày 23/02/2025 - Ngày 25 tháng 2, 43 người lớn gồm 24 nữ và 19 nam cùng 5 trẻ nhỏ từ 4 tháng đến 4 năm tuổi phải ra toà di trú vì nhập cư bất hợp pháp. Họ bị phạt phải đi tù. Có mặt tại phiên tòa là luật sư của CAP và Asylum Access Thailand (AAT), nhân viên của tổ chức Cross Cultural Foundation và đại diện của Ủy Hội Nhân Quyền Quốc Gia Thái Lan, một Mục Sư Tin Lành người Thái, và một số thông dịch viên tình nguyện.
- Trong số 43 người này, 25 người đã có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ, 9 người đã vào sơ vấn với CUTN/LHQ, 2 người đã ghi danh với CUTN/LHQ nhưng chưa được vào sơ vấn, 3 người đang xin mở lại hồ sơ sau khi bị CUTN/LHQ đóng hồ sơ, 4 người bị đóng hồ sơ và chưa xin mở lại. 20 người là thành viên của Hội Người Thượng Vì Công Lý.
- Sau thời gian ở tù, 37 người đã được chuyển đến Trung Tâm Giam Giữ của Sở Di Trú (Immigration Detention Center, IDC); 6 bà mẹ có con nhỏ được chuyển đến Trung Tâm Các Bà Mẹ và Trẻ Em.
- Tính đến ngày 20 tháng 3, nhiều tổ chức đã góp đủ số tiền thế chân, 50.000 Baht (tương đương 1,500 USD) mỗi người, để xin tại ngoại cho 43 người kể trên: tổ chức Freedom Seekers International của các tín hữu Tin Lành người Mỹ ở Bắc Texas lo cho 22 người; một hội thánh Tin Lành người Mỹ ở North Carolina lo cho 15 người; một tổ chức nhân quyền người Thái lo cho 2 người. Số 4 người còn lại tự lo.
- Ngày 18 tháng 3, 2 luật sư người Thái thuộc bộ phận bảo vệ của CAP tiến hành làm đơn xin tại ngoại cho 16 người đã có người Thái đứng ra bảo trợ và chịu trách nhiệm. Những người bị nguy hiểm cao được ưu tiên. Số 27 người còn lại sẽ được tuần tự lập hồ sơ tại ngoại nếu đủ điều kiện và có người bảo trợ; phụ nữ có con nhỏ sẽ được ưu tiên.
- Các luật sư thuộc bộ phận bảo vệ của CAP cùng với thông dịch viên của BPSOS thăm viếng đều đặn các người bị giam giữ khi ở trong tù và nay ở trại giam IDC và Trung Tâm Các Bà Mẹ và Trẻ Em, chuyển thông tin qua lại với thân nhân ở ngoài và cung cấp một ít trợ giúp tài chính và vật thể từ gia đinh hoặc các nhà hảo tâm.
- Song song, bộ phận pháp lý của CAP làm việc trực tiếp với CUTN/LHQ để đề phòng trường hợp bị cướng bách hồi hương bất ngờ, đốc thúc CUTN/LHQ thực hiện sơ vấn trong trại giam IDC những người ghi danh nhưng chưa được sơ vấn, bổ sung hồ sơ cho những trường hợp đã sơ vấn nhưng chưa được cứu xét tư cách tị nạn. Đó là cho số 47 người đã có hồ sơ với CAP.
Dưới đây là một số điểm lưu ý: Công an Việt Nam áp lực hồi hương: Ngày 13 tháng 3, một nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Bangkok đã đưa Đại Tá Y Lương Nie thuộc Sở Công An Tỉnh Đắk Lắk cùng với công an viên A Trung vào trại giam IDC để “làm việc” với 2 đối tượng trong số người Thượng bản địa bi giam. Một cán bộ tên Hải ở Toà Đại Sứ đã gặp vợ của Ông Y Quynh Bdap. Họ khuyến dụ các đồng bào Thượng bị giam hãy ghi danh hồi hương và đe dọa bằng không sẽ cử công an sang Thái Lan bắt về. BPSOS đã báo cáo sự việc này với CUTN/LHQ, các bộ phận nhân quyền của LHQ, và Bộ Ngoại Giao và Ủy Hội USCIRF của Hoa Kỳ. Điều kiện để xin tại ngoại: Để xin tại ngoại, đương sự phải có hồ sơ hiệu lực với CUTN/LHQ; nếu hồ sơ đã bị đóng thì phải ghi danh với Cơ Chế Sàng Lọc Quốc Gia (National Screening Mechanism, NSM) của chính phủ Thái Lan. Sau khi được cho ghi danh, họ có thể xin tại ngoại và chỉ phải đóng 20.000 Baht tiền thế chân thay vì 50.000 Baht. Thời gian từ khi ghi danh với NSM cho đến khi được chấp nhận phải mất 2 đến 3 tháng. Các hồ sơ bị đóng chưa thể làm đơn xin tại ngoại ngay lúc này. Rủi ro khi ghi danh với NSM: Hiện nay, chương trình NSM mới chỉ trong giai đoạn ghi danh. Sau đó, chưa biết lúc nào, sẽ là giai đoạn xét duyệt. Ai được xét là “người cần bảo vệ” (Person Needing Protection, PNP) thì tiếp tục được ở lại Thái Lan, bằng không thì có thể bị trục xuất lập tức. Đây là yếu tố rủi ro cần quan tâm. Chúng tôi mong việc triển khai giai đoạn xét duyệt càng chậm trễ càng tốt. Quyết định không đóng phạt: Ngày 25 tháng 2, các luật sư người Thái thuộc bộ phận bảo vệ của CAP cùng với nhân sự của một số tổ chức bạn vào phút chót quyết định không đóng tiền phạt để không phải đi tù. Lý do là ở trong tù thì rủi ro bị trục xuất bất ngờ thấp hơn so với bị giam ở trại IDC hoặc ở Trung Tâm Các Bà Mẹ và Trẻ Em. Thời gian các đồng bào Thượng ở tù cho phép các luật sư CAP ở Thái Lan và chúng tôi ở hải ngoạii chuẩn bị biện pháp đề phòng cưỡng bức hồi hương khi đồng bào bị chuyển sang IDC hoặc Trung Tâm Các Bà Mẹ và Trẻ Em. Việc Hoa Kỳ mới đây quyết định chế tài các quan chức Thái Lan vì trục xuất 43 người Duy Ngô Nhĩ về China làm giảm đáng kể nguy cơ cho số đồng bào Thượng bản địa này. Khó khăn về nhân sự: Trong tình hình chính phủ Hoa Kỳ đóng băng hầu hết các khoản viện trợ cho chương trình tị nạn, nhiều tổ chức bảo vệ người tị nạn ở Thái Lan đã phải cắt giảm hoạt động đáng kể. Tổ chức duy nhất ngoài CAP có luật sư giúp lập hồ sơ xin tị nạn cũng đã tạm ngưng dịch vụ pháp lý này. Vì BPSOS tài trợ hoạt động của CAP hoàn toàn nhờ vào các nhà hảo tâm đóng góp, đến nay CAP chưa bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp vì các luật sư CAP cả bộ phận bảo vệ lẫn pháp lý đang bị quá tải. Bài liên quan: Thông Báo về 68 đồng bào Thượng bị bắt ở Thái Lan Chế tài các quan chức: Hoa Kỳ mở đường cho quốc tế “chiếu tướng” Thái Lan https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2376-che-tai-cac-quan-chuc-hoa-ky-mo-duong-cho-quoc-te-chieu-tuong-thai-lan.html Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét