Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Thơ Tô Đông Pha - Bài 35, 36 Và 37

 


THƠ CỦA TÔ ĐÔNG PHA - BÀI 35, 36, VÀ 37
Thầy Dương Anh Sơn

THƠ CỦA TÔ ĐÔNG PHA

Bài 35

THỨ VẬN KHỔNG NGHỊ PHỦ
CỬU HẠN DĨ NHI THẬM VŨ (KỲ TAM)
次韻孔毅甫久旱已而甚雨 期三

Thiên công hiệu lệnh vũ bất xuất,                                              天公號令雨不出,
Thập nhật sầu lâm tính vi nhất.                                                  十日愁霖併為㇐。
Quân gia hữu điền thuỷ mạo điền,                                             君家有田水冒田,
Ngã gia vô điền ưu nhập thất.                                                    我家無田憂入室。
Bất như Tây châu Dương đạo sĩ,                                               不如西州楊道士,
Vạn lý tuỳ thân duy lưỡng tất.                                                   萬里隨身惟兩膝。
Duyên lưu bất ố tố diệc giai,                                                      沿流不惡泝亦佳,
Nhất diệp biển chu nhiệm phong đột.                                        ㇐葉扁舟任風突。
Sơn khung mạch khúc đô bất dụng,                                           山芎麥麴都不用,
Nê hành lộ túc chung vô tật.                                                      泥行露宿終無疾。
Dạ lai cơ trường như chuyển lôi,                                               夜來飢腸如轉雷,
Lữ sầu phi tửu bất khả khai.                                                       旅愁非酒不可開。
Dương sinh tự ngôn thức âm luật,                                             楊生自言識音律,
Đỗng tiêu nhập thủ thanh thả ai.                                                洞蕭入手清且哀。
Bất tu cánh đãi thu tỉnh tháp,                                                     不須更待秋井塌,
Kiến nhân bạch cốt phương hàm bôi.                                        見人白骨方銜杯。

Dịch nghĩa:

Ông trời công bằng ban lệnh không cho tuôn mưa nữa! - Một lần (mưa) buồn sầu dầm dề suốt cả mười ngày. – Nhà anh có ruộng vườn, nước xông xáo tràn ngập ruộng vườn, - Nhà của ta không có vườn ruộng, lo nước sẽ vào trong phòng. (c.1-4)
Không như Dương đạo sĩ đất Tây Chu, - Vạn dặm đường đi theo tấm thân chỉ có hai đầu gối! – Thuận theo dòng chẳng ghét, ngược dòng cũng tốt đẹp cả! – Một mảnh buồm của chiếc thuyền con chịu đựng những cơn gió luồn qua. (c.5-8)
Thuốc cây cỏ ở núi, men lúa mạch đều không cần dùng! – Đi chốn bùn lầy, ngủ với sương móc rốt cùng chẳng bệnh tật gì! – Đêm đến, bụng cồn cào như sấm chuyển động, - Nỗi sầu của kẻ đi xa không có rượu, chẳng thể dứt bỏ đi được. (c.9-12)
Ông họ Dương tự nói là hiểu rành âm luật, - Cây sáo vào tay, tiếng trong trẻo lại vừa đượm buồn! – Chẳng cần chờ đợi thêm (tiếng sáo) đã rơi xuống giếng nước thu, - Thấy người xương trắng đang còn ngậm cái chén. (c.13-16)

Tạm chuyển lục bát:

HỌA THƠ CỦA KHỔNG NGHỊ PHỦ
“HẠN ĐÃ LÂU, RỒI MƯA RẤT LỚN” (BÀI BA)

Lệnh trời chẳng để mưa tuôn,
Dầm dề buồn suốt mười hôm một lần.
Nước xông lên ruộng nhà anh,
Nhà ta không ruộng, lo dâng vào phòng.
Không như đạo sĩ họ Dương,
Theo thân hai gối dặm đường mà thôi!
Ngược đều tốt, chẳng ghét xuôi!
Thuyền con một lá gió vời phá tung.
Thuốc non, men lúa chẳng dùng,
Ngủ sương, bùn lội rốt cùng bệnh đâu!
Đêm về bụng réo sấm gào,
Chốn xa không rượu chẳng sao trừ sầu!
Ông Dương âm luật hiểu nào,
Sáo buồn trong lắng khi vào đến tay.
Giếng thu chẳng đợi ,xuống đây,
Thấy người xương trắng ngậm đầy chén kia!

Chú thích:

- thiên công 天公: ông trời công bằng...
- vũ bất xuất 雨不出: mưa không tuôn ra nữa, không mưa nữa...
- sầu lâm 愁霖: mưa dầm dề, mưa suốt kèm theo sự buồn bã...
- tính 併: gộp lại, dồn lại, đều cùng, bài trừ, liều lĩnh...
- thủy mạo 水冒: nước xông lên, nước dâng lên mạnh mẽ...
- duyên lưu 沿流: thuận theo dòng chảy của con sông...
- tố 泝: ngược dòng nước, ngoi lên mặt nước...
- nhậm phong đột 任風突: chịu đựng, gánh lấy (nhậm) cơn gió luồn qua phá tung (đột)
- sơn khung 山芎: tức cây xuyên khung trên núi hái để làm thuốc. Nói chung cây cỏ hái trên núi để làm thuốc...
- mạch khúc 麥麴: men lúa mạch để làm rượu...
- lộ túc 露宿: sương móc (lộ) giăng trải khi nghỉ lãi đêm (túc)...
- cơ trường 飢腸: cơn đói trong ruột. Nói chung là khi bụng đói...
- lữ sầu 旅愁: nỗi buồn sầu của khách đi xa ...
- bất khả khai 不可開: không thể xả ra hay mở ra được, không thể nguôi ngoai, không thể trừ bỏ được....
- đỗng tiêu 洞蕭: cây sáo có đục những lỗ (đỗng) để thổi cao thấp theo âm luật...
- thả 且: vừa này vừa kia....
- bất tu cánh đãi 不須更待: không chậm trễ chờ đợi thêm, không chờ đợi thêm...
- tỉnh tháp 井塌: rơi xuống giếng, buông đổ xuống giếng...
- phương 方: phương hướng, nơi chốn, đang còn, đầy nơi, khắp nơi, trói buộc, lúa mới đâm bông, so sánh, phía, hướng, ngang nhau, mới, ngang nhau....
- hàm bôi 銜杯: ngậm lấy cái chén cái ly . “Người xương trắng” là những xương cốt trắng phau của những người đã chết do đói kém vẫn còn đang ngậm cái chén thôi....

BÀI 36

TỰ ĐỀ KIM SƠN HỌA TƯỢNG                                             自題金山畫象

Tâm tự dĩ hôi chi mộc ,                                                              心似已灰之木,
Thân như bất hệ chi châu.                                                          身如不繫之舟。
Vấn nhĩ bình sinh công nghiệp,                                                 問汝平生功業,
Hoàng Châu, Quỳnh Châu, Huệ Châu!                                      黃州瓊州惠州。

Dịch nghĩa:

Tâm tựa như tro tàn của cây gỗ, - Thân như chiếc thuyền chẳng buộc ràng. – Hỏi ông rằng sự nghiệp cả đời như thế nào? – Hoàng Châu, Quỳnh Châu, Huệ Châu...!

Tạm chuyển lục bát:

TỰ ĐỀ CHÂN DUNG MÌNH Ở CHÙA KIM SƠN

Tâm như cây củi tro tàn,
Thân như thuyền chẳng buộc ràng thả trôi.
Hỏi ông sự nghiệp suốt đời,
Châu Hoàng, Quỳnh, Huệ khơi vơi những vùng...

Chú thích:

** Bài thơ này là bài thơ “tự trào” của Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) khi đề vào bức chân dung của mình được vẽ của chùa Kim Sơn, Kinh Nam, Trung Hoa. Nhà chùa vì trọng vọng nhà thơ nên đã cho họa bức chân dung này để lưu niệm.
- tâm 心, thân 身: khái niệm “tâm’ và “thân” thường được sử dụng trong đạo Phật. Đó là hai yếu tố căn bản để hình thành một con người. Trong Thiền tông thời Ngũ tổ Hoàng Nhẫn (601-674) bên Trung Hoa, hai khái niệm này được thiền sư Thần Tú (mất 706), đệ tử của Ngũ tổ rất chú trọng pháp môn tu Tiệm ngộ (tu dần dần từ thấp lên cao để đến chỗ giác ngộ) trong quá trình tu tập, ông có bài kệ nổi tiếng:” Thân thị bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài. Thời thời thường phất thức, Mạc khiển hữu trần ai” (Thân như cây bồ đề, Tâm như đài gương trong sáng. Mỗi thời siêng quét dọn, Chớ để nhuốm trần ai). Tô Đông Pha cũng sử dụng khái niệm đó để miêu tả con người của mình trong bước đường lênh đênh của mình khi bị biếm trích từ châu này sang châu kia! Tuy nhiên, Đông Pha Cư sĩ 東坡居士 vẫn có những chất Phật đậm nét Thiền tông theo lối Đốn ngộ (giác ngộ bằng cái tâm thấy ngay cốt tủy của lẽ đạo theo tinh thần của Lục tổ Huệ Năng (638-713), Trung Hoa (cũng là đệ tử của Hoàng Nhẫn) với ngụ nghĩa trong hai câu đầu: xác thân có thể bị buông lỏng trôi theo dòng đời (bất hệ 不繫) như chiếc thuyền phiêu dạt không định hướng nhưng lòng chẳng có gì vướng bận vì tấm thân như thanh củi đã cháy tàn còn tro nguội, không để những tác động của cuộc sống làm dậy cái tâm đã lắng đọng. Ít nhiều kinh nghiệm thiền tập của nhà thơ chịu ảnh hưởng của pháp tu Đốn ngộ của tổ Huệ Năng (giác ngộ tức thời trong tu tập để thấu rõ chân như) dù là mức độ của Tục đế (giác ngộ ở mức độ còn thấp, đòi hỏi phải vượt qua để đạt đến mức cao hơn là Chân đế nhưng cũng phải tu tập để đạt mức cao hơn nữa vì Chân đế sẽ trở thành Tục đế nếu không đạt đến đại giác của chư bồ tát)....
- nhữ 汝: đại từ nhân xưng ngôi thứ hai như ông, mày, ngươi, chúng mày, anh, chị...; sông Nhữ bên Trung Hoa
- Quỳnh Châu 瓊州: tên gọi khác của đảo Hải Nam 海南, Trung Hoa là nơi Tô Đông Pha bị biếm trích một thời gian dài. Có bản ghi ở câu 4 là: “Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu 黃州惠州儋州” là ba châu Tô đông Pha từng ghé đến trên bước đường bị biếm trích được đề cập nhiều trong đó có Quỳnh Châu tức đảo Hải Nam

Bài 37

THIÊN TRÚC TỰ                                                                     天竺寺

Hương Sơn cư sĩ lưu di tích,                                                      香山居士留遺跡,
Thiên Trúc thiền sư hữu cố gia.                                                 天竺禪師有故家。
Không vịnh liên châu ngâm điệp bích,                                      空詠連珠吟疊璧,
Dĩ vong phi điểu thất kinh xà.                                                    已亡飛鳥失驚蛇。
Lâm thâm dã quế hàn vô tử,                                                       林深野桂寒無子,
Vũ ấp sơn khương bệnh hữu hoa.                                              雨浥山姜病有花。
Tứ thập thất niên chân nhất mộng,                                             四十七年真㇐夢,
Thiên nhai lưu lạc lệ hoành tà.                                                   天涯流落淚橫斜。

Dịch nghĩa:

Cư sĩ Hương Sơn đã lưu lại dấu tích, - Thiền sư người Thiên Trúc xưa kia ở chùa này. – Ngâm nga kinh của đạo không (đạo Phật) lần chuỗi hạt như nhựng viên ngọc bích chồng chất lên nhau, - Chim đã bay đi mất, con rắn cũng rất kinh sợ! (c.1-4)
Nơi rừng sâu, loài quế hoang dã với cái lạnh (nên) không còn hạt giống, - Mưa đẫm ướt ,cây gừng núi để trị bệnh đã ra hoa. – Bốn mươi bảy năm thực là một giấc mộng! - Lưu lạc nơi góc trời lệ tràn ngang chảy nghiêng xuống. (c.5-8)

Tạm chuyển lục bát:

CHÙA THIÊN TRÚC

Dấu còn cư sĩ Hương Sơn,
Thiền sư Thiên Trúc xưa từng nhà đây.
Đạo Không, chuỗi ngọc ngâm vầy,
Rắn đâm hoảng sợ, chim bay ngút ngàn!
Lạnh không còn giống quế hoang ,
Mưa dầm gừng núi hoa đang nở rồi.
Bốn mươi bảy, giấc mộng thôi,
Lệ tràn ngiêng chảy, nổi trôi góc trời!

Chú thích:

** Theo “Lời dẫn” của Tô Đông Pha khi làm bài thơ này, ông đã viết:” Năm tôi 12 tuổi, cha tôi từ Kiền Châu về đã nói rằng:” Trong núi gần thành có chùa Thiên Trúc, trên một tấm đá có bài thơ của Bạch Lạc Thiên tự tay viết:

Nhất môn tác lưỡng sơn môn,
Lưỡng tử nguyên tòng nhất tự phân.
Đông giản thủy lưu tân giản thủy,
Nam sơn vân khởi bắc sơn vân.
Tiền đài hoa phát,hậu đài kiến,
Thượng giới chung thanh,hạ giới văn.
Diệu tưởng ngô sự hành đạo xứ,
Thiên hương quế tử lạc phân phân.
(Thư Thiên Trúc Tự)

Bút thế kỳ dật, dấu vết như mới.Nay đã 47 năm rồi ,tôi đến hỏi thăm thì thơ đã mất, chỉ còn tấm đá khắc mà thôi. Ngậm ngùi nước mắt chảy nên làm bài thơ này.”
Bài thơ nói đến Bạch Lạc Thiên tức là Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự là Lạc Thiên 樂天 (nghĩa là: vui với sự sắp đặt của trời mà không oán thán). Ông nổi tiếng thời Trung Đường, hiệu là Hương Sơn cư sĩ 香山居士, Túy ngâm tiên sinh 醉吟先生. Ông cũng là một trong những nhà thơ hàng đầu được yêu thích của Trung Hoa chỉ xếp sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Bạch Cư Dị có bài thơ “Thư Thiên Trúc tự 書天竺寺”. Đây là ngôi chùa cũ vốn có tên là Tu Cát 修吉, về sau có cao tăngThao Quang đại sư 韜光大師 thời nhà Đường, người gốc bên Ấn Độ mà người Trung Hoa xưa gọi là nước Thiên Trúc, từ Hàng Châu chuyển đến tu tập tại đây nên được đổi thành Thiên Trúc Tự 天竺寺. Năm 1094, đời Tống Huy Tông bên Trung Hoa, ông bị đày đi Huệ Châu và làm bài thơ này khi qua Kiền Châu.... [ Nguồn: Thơ Đường của Trần Trọng San, Q.II, NXB Bắc Đẩu, Saigon, 1970 (tái bản) và Thivien.net]
- thiền sư 禪師: vị cao tăng ở chùa Thiên Trúc đời nhà Đường được Tô Đông Pha nói rõ là một “thiền sư”một tông phái tu theo lối của tổ thứ nhất dòng Thiền tông Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma cũng từ nước Thiên Trúc sang truyền đạo Phật bên Trung Hoa. Thiền tông cũng theo đường lối của phái Đại thừa Trung Hoa nhưng chú trọng đến việc chứng ngộ Niết bàn ngay trong cuộc sống. Bồ Đề Đạt Ma 菩提達磨(470-543) từ Ấn Độ (Thiên Trúc) sang truyền giảng đạo Phật bên Trung Hoa đã dạy: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật 不立文 字, 教外別傳. 値 指人心,見性成佛.” (Không lập văn tự, Riêng truyền ngoài giáo. Chỉ thẳng tâm người, Thấy tính thành Phật). Đó là tôn chỉ của Thiền tông mà Bồ Đề Đạt Ma được xem như tổ thứ 28 tính từ thời Đức Phật cách đó hơn ngàn năm....
- Không vịnh 空詠: tức là tụng đọc, ngâm kinh nói về “tính không 性空” theo tinh thần của Thiền tông (Như: Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh hay Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, Kinh Lăng Già... v.v...). Chữ “Không” là một thuật ngữ căn bản nhất để nói về đạo Phật....
- liên châu 連珠: các hạt gỗ tốt xoan lỗ nối với nhau thành xâu chuỗi phụ trợ cho việc tụng niệm kinh Phật được xem như những hạt châu ngọc.
- điệp bích 疊璧: khi tụng ngâm, các sư tăng lần tràng hạt như những viên ngọc bích lần lượt chồng nối nhau trong xâu chuỗi...
- hàn vô tử 寒無子: cái lạnh giá (hàn) làm cho cây quế hoang dã cũng không thể (vô) cho lại hạt hay cây giống (tử). (tử: con cái, giống loài, chủng tử, cây hay hạt giống...)
- vũ ấp 雨浥: mưa ướt át, thấm đẫm, mưa dầm dề...
- sơn khương 山姜: củ gừng núi dùng để trị bệnh rất tốt.....
- chân nhất mộng 真㇐夢: thực sự là một giấc mộng, đúng là một giấc mộng...
- lưu lạc 流落: trôi nổi, lênh đênh, rày đây mai đó không có chỗ ở nhất định...
- lệ hoành tà 淚橫斜: nước mắt chảy ngang rồi chảy nghiêng xuống....

(Lần đến: THƠ CỦA TÔ ĐÔNG PHA- Bài 38, 39 và 40)

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét