Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Ngày Tháng Chưa Phai

 


Chúc Mừng Tháng 10-2020

CHÚC MỪNG THÁNG 10-2020

Trân trọng

NHHN



Chúc Mừng Tết Trung Thu - Tết Nhi Đồng 2020

CHÚC MỪNG TẾT TRUNG THU - TẾT NHI ĐỒNG 2020

Kính chúc quý Thầy Cô, Đồng Môn, Thân Hữu và gia đình vui hưởng Tết Trung Thu đầm ấm và hạnh phúc.

Trân trọng

NHHN



Tết Trung Thu Trong Văn Học - Nghệ Thuật

 

TẾT TRUNG THU TRONG VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

Wikipedia

Thơ về Tết Trung Thu

Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:

Thu cảnh kim tiêu bán
Thiên cao nguyệt bội minh
Nam lâu thùy yến hưởng
Ty trúc tấu thanh thanh

Bản dịch của Thái Giang:

Cảnh thu nay đúng nửa rồi
Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao
Lầu nam ai rót rượu đào
Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng

Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Nguyễn Du

Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Câu hát về Tết Trung thu

Đèn ông sao bằng giấy kính
Các loại đèn lồng
Lồng đèn xếp
Đèn con cá bằng giấy bóng kính

Bài Chiếc đèn ông sao: (Nhạc sĩ: Phạm Tuyên)

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan... tùng dinh dinh là tùng tùng dinh

Bài Đêm trung thu: (Nhạc sĩ: Phùng Như Thạch)

Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang

Bài Rước đèn tháng tám: (Nhạc sĩ Đức Quỳnh (tên thật là Vân Thanh)

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn "Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.....Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".

Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng có tác phẩm Cắc tùng cắc tùng về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi: "Cắc tùng cắc cắc tùng, Em đi chơi trung thu này, Cắc tùng tiếng trống lân tưng bừng...."

Wikipedia

Đêm Trung Thu Xóm Nghèo

 

Truyện ngắn: Đêm Trung Thu xóm nghèo (tranh minh họa)

ĐÊM TRUNG THU XÓM NGHÈO

Nguyễn Thị Mây

Như cơn lốc, một lũ con nít xộc vào nhà tôi hét toáng lên:
- Anh A Bu ơi, anh Bu ... mùa thu tới rồi!
Chống nạnh, tôi hất hàm, hách dịch:
- Mùa thu tới...kệ mùa thu. Mắc mớ gì bọn bây mà gào lên vậy hả?

Thằng Cu Bi bước tới một bước, tròn mắt chỉ tay ra cổng và... cà lăm:
- Người... người... người.... ta bán... bán... bánh... bánh... trung thu rồi kìa!

Cả nhóm cười rộ. Tôi cũng cười, nhận xét:
- Mày nói dứt một câu là đã sang mùa đông rồi.

Cũng chưa bỏ tật ham nói, thằng Chí Lùn giở giọng ngọng ra:
- Anh U ơi, ... ó... ồng... èn ... on ... á, ... ồng ... èn ... on ... ướm, ... ồng ... èn ... ông... ao ... ữa.

Nhướng mắt, tôi chế giễu:
- O... ồng... èn ... ọng không?
Chí Lùn ngây thơ đáp: “Ông” làm cả lũ bò ra cười.

Tựa lưng vào vách, Quế An lên tiếng:
- Đi coi lồng đèn không, A Bu?
Tôi phát cáu, quát:
- Bu Bu hoài hà! Tao đã bảo tụi bây bao nhiêu lần rồi. Phải gọi tao là anh Khanh, nghe chưa! Đứa nào kêu tao là A Bu nữa, tao lấy cái móc, tao móc lưỡi ra ngoài, cắt cái cụp cho hết nói luôn.

Đứa nào đứa nấy tiu nghỉu, sợ sệt khiến tôi vừa tức cười vừa khoái chí. Không có gì thích cho bằng hù con nít. Cái gì chúng cũng sợ. Tôi đế thêm một đòn nữa:
- Tao nói là tao làm đó!
Quế An bĩu môi:
- Xí, dám không? A Bu thì gọi là A Bu chứ gọi bằng gì nữa? Bày đặt bắt chặt bắt lỏng . Đó, mợ ba một tiếng cũng A Bu, hai tiếng cũng A Bu, giỏi thì cắt lưỡi mợ ba đi.
Nhỏ nầy độc chiêu thiệt. Bộ nó muốn trời đánh tôi bảy búa hay sao mà bảo tôi cắt lưỡi mẹ.

Nhưng nghĩ lại tôi cũng buồn lắm. Hết tên thân mật rồi sao mà chọn cái tên A Bu không biết nữa. Để cho mấy thằng bạn học của tôi cứ gọi A Bú, lúc thì A Bù, khi thì Ốc Bu. Năm nay, tôi đã mười ba tuổi rồi chứ còn con nít, con nôi gì đâu. Mắc cỡ gần chết! Không hiểu sao, người lớn thích gán cho xấp nhỏ những cái tên ngộ nghĩnh, lạ lùng. Như Quế An nó còn được mẹ âu yếm gọi là Dế Mèn. Thằng Huy là Cu Tĩn. Hồng Hạnh là Cái Tủn, Khánh là Chuột Con. An Tân là Mèo Mướp, Minh Khoa là Cu Đen... Những cái tên gợi hình khiến cho người mang nó phải đỏ mặt khi có ai gọi. Nhất là lúc có con gái, dân kẹp nơ tha hồ che miệng cười khúc khích. Và sau đó, cái tên thân mật lại được cải biên càng thêm quái dị.

Cu Tĩn kéo tay tôi, nũng nịu:
- Đi coi đèn, anh Ba.
- Ừ, vậy nghe được không. Đi thì đi!

Cả bọn kéo nhau ra phố. Đứa nào cũng ngạc nhiên, chỉ trỏ. Chẳng biết tự bao giờ quầy bán hàng và lồng đèn mọc lên đến trời. Cứ vài chục thước lại có một cái giá treo đèn. Oi thôi lủ khủ lù khu đèn! Từ những con vật quen thuộc như gà, cá, bướm cho đến những vật hiện đại như máy bay, tên lửa...
Cái nào cũng đẹp, màu sắc rực rỡ, thấy mê!

Cu Đen chắc lưỡi:
- Ước gì em có một cái đèn!
Cu Tĩn chen vào:
- Ước gì em có hai cái đèn!
- Ước gì em có ba cái!

Tôi hét lên:
- Nín! Ước... ước cái con khỉ khô! La rùm trời không sợ mấy bà bán chửi. Về nhà xin tiền mua thì có, chớ ước cái nổi gì.
- Nhưng má em không có tiền.
- Sao mầy biết?

Cu Đen mếu máo:
- Hồi nãy em đòi mua bánh, má nói không có tiền. Em khóc, má tát cho mấy cái.
Nửa tức cười, nửa tội nghiệp, tôi cặp cổ nó:
- Tội nghiệp không! Thôi về, để tao nghĩ cách “chế lồng đèn” khỏi tốn tiền cho tụi mầy chơi.
Cả nhóm mừng rỡ, reo hò ầm ĩ. Chúng làm như thể tôi đã đưa ra trước mắt chúng hàng loạt đèn tuyệt đẹp.

Hứa thì hứa vậy, về nhà nằm cả buổi tôi vẫn không biết làm sao. Tôi thương lũ trẻ xóm tôi. Toàn con nhà nghèo như tôi. Mỗi ngày được hai bữa cơm no đủ và được cắp sách tới trường là đã may mắn lắm rồi. Để đổi những thứ đó, ba mẹ chúng tôi phải chịu nhiều vất vả, cực nhọc. Còn những món đồ chơi đắt tiền, những thứ bánh “quí tộc” ít khi nào chúng tôi dám đòi hỏi. Thích thì có thích nhưng tự bảo:” Không có cũng không chết”. Lâu dần thành quen.

Tuy vậy, những đứa “Nhi đồng“ nầy làm sao nghĩ được như bọn “Thiếu niên” chúng tôi. Chúng còn bé quá, thấy cái gì lạ cũng mê, cũng muốn, cũng đòi. Rốt cuộc chỉ làm khổ ba mẹ và làm khổ mình vì... bị ăn tát tai.
- A Bu, con đi mua cho mẹ hai hộp sữa cô Gái Hà Lan để mẹ biếu bác hai đang bị bệnh, nằm viên.

Lồng đèn bằng lon

Tôi ngồi bật dậy. Đúng lúc đó tôi nghĩ ra một loại đèn độc đáo.

Theo yêu cầu của tôi, mỗi đứa mang đên nhà tôi vài cái lon sữa bò hay lon bia, một sợi dây chì loại to và một đoạn cây trúc. Như một cơ sở sản xuất lồng đèn. Lũ nhỏ, Quế An và tôi hăm hở bắt tay vào việc . Tôi phân công cho Quế An và lũ nhỏ đục thủng đáy lon nhiều vết đều đặn. Ở hai bên hông thì hai lỗ đối diện nhau.
Quế An thắc mắc:
- Chi vậy ông tướng?
- Để xỏ dây chì vào, như vậy nó mới xoay khi xe lăn chứ. Còn mấy cái lỗ ở đáy lon giúp không khí tràn vào nến mới cháu khi tháp lửa.
Tôi uốn những cọng dây chì thành hình chữ nhật, chiều dài hơn bề cao của hai cái lon sữa bò. Chiều rộng hơn đường kính của đáy lon.

Loáng cái, mấy cái xe lon đã hình thành. Cả nhóm hoan hô vang dậy khi thấy hai cái lon nằm song song như hai bánh xe hủ lô lăn rỏng rẻng khiến cho hai cái lon bị xỏ ngang hông nằm phía trên xoay tít và một cái lon ở trên cùng đứng yên, mang một ngọn nến hồng lung linh sáng.

Trẻ em chơi lồng đèn lon

Nhóm con gái cũng có những cái đèn lồng tuyệt đẹp làm bằng lon bia cắt dọc thành nhiều sọc đều đặn rồi nhận xuống. Chúng giống như những cái hũ nhỏ, Có hoa văn được cuộn bằng phần nhôm của lon bia. Trông chúng cũng đẹp như đèn lồng thời xưa mà còn tiện lợi vì không thể bốc cháy khi có gió to.

Đêm về. Xóm nghèo thầm lặng, yên tĩnh bấy lâu chợt náo động, rộn ràng. Tiếng cười, tiếng nói hòa lẫn tiêng xe loong coong, lẻng xẻng vui nhộn. Anh điện soi rõ những ngọn lửa nhỏ trong mấy chiếc đèn lồng duyên dáng.
Trên cao, trăng chênh chếch phả ánh sáng dịu dàng, huyền ảo và cảm thông.

Nguyễn Thị Mây

Chuyện Yêu... Tinh!

 


Xúc Động Trước Hình Ảnh Làng Quê Việt Nam

 

Bức tranh gợi hình ảnh thân thương về làng quê Việt Nam, những người bà, người mẹ già ở miền quê. (Ảnh: Trần Nguyên)

XÚC ĐỘNG TRƯỚC HÌNH ẢNH LÀNG QUÊ VIỆT NAM THÂN THƯƠNG QUA NHỮNG BỨC TRANH VẼ TAY

An Lê

TGVN - Gần đây, mạng xã hội đã chia sẻ tích cực những bức tranh vẽ lại hình ảnh làng quê thân thương với nhiều ký ức xa xưa của họa sĩ trẻ Trần Nguyên.

Họa sĩ Trần Nguyên cho biết đây là series với những bức tranh sáng tác về chủ đề Quê nhà và Gia đình. Với anh, “một góc quê nhỏ nhưng là cả một bầu trời tuổi thơ với rất rất nhiều thương nhớ”.

Có thể thấy, qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, bình yên hiện lên trong trẻo khiến người xem như lắng đọng về cuộc sống bình yên không chút ồn ào, vội vã... Những bức tranh phác hoạ gần gũi hình ảnh bình dị của làng quê Việt Nam khiến mỗi chúng ta như chợt nhớ lại quê hương bình yên ngày thơ ấu.

Facebook Bui Thu Trang chia sẻ: “Có những thứ vẫn ở trong tiềm thức, chỉ có điều bộn bề cuộc sống làm mình tạm quên thôi. Từ ánh nắng đến con đường trong làng và nhiều thứ nữa, mình ko còn nhớ rõ như thế nào cho đến khi xem lại những bức tranh này”.

Bày tỏ sự ngạc nhiên trước những nét vẽ như thật, facbook Giang Nguyen viết: "Thiếu quê hương, ta về đâu?" là câu trong một bài hát của cố nhạc sỹ Phó Đức Phương lại càng quằn quại hơn khi soi vào những bức họa sơn dầu của họa sĩ Trần Nguyên, tái hiện sinh động hình ảnh làng quê Bắc Bộ mà bất cứ ai nhìn vào cũng có thể thấy quê hương, nguyên quán hay bố mẹ ông bà mình”.

Còn facbook Thao Nguyen cho rằng: “Xem tranh của bạn ấy thấy quá đỗi thân thương, giống như chứa đựng cả khoảng trời ấu thơ của mình. Nhớ quê, nhớ ông bà, nhớ mẹ... kinh khủng. Làng quê Việt Nam bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Vì vậy, những bức vẽ này sẽ còn có giá trị lưu giữ lại kí ức về một giai đoạn “nghèo nhưng bình yên” của nông thôn Việt Nam”.

Dưới đây là những bức tranh dưới nét vẽ tài ba của họa sĩ Trần Nguyên. (Ảnh: Trần Nguyên)















Vui Trung Thu

 




Đêm Trăng Tháng Tám

 



Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

A Trip Through Paris, France in late 1890s / Un voyage à trave...

A TRIP THROUGH PARIS, FRANCE IN LATE 1890s / UN VOYAGE À TRAVES PARIS, 1890
Tran Phung chia sẻ

Trân trọng
NHHN


Xin mời quý vị xem video



Niềm Tin



NIỀM TIN
Minh Niệm

Tự ái và thiếu tự tin chính là hai thủ phạm thường xuyên đánh cắp niềm tin ta dành cho kẻ khác.

Sống với nhau thì phải tin tưởng nhau. Dù ta với người kia không phải là liên hệ thân thích, nhưng nếu ta gửi niềm tin cho nhau tức là ta đã thể hiện lòng kính trọng và công nhận sự có mặt của nhau trong cõi đời này.

Cuộc sống đang trôi theo hướng bon chen vì bản năng sinh tồn và bảo vệ cái tôi và của tôi, tôi và khác tôi. Ai ai cũng tranh thủ tích góp thật nhiều quyền lợi cho bản thân, đến mức đôi khi phải dùng tới những chiêu thức tinh xảo, kể cả sự dối trá. Cho nên thật khó khăn để ta đặt vào ai đó niềm tin của mình.

Đành rằng vì để bảo vệ quyền lợi cho bản thân, nên đôi khi ta cũng cần phải suy xét cẩn thận khi trao gửi niềm tin. Song, cuộc sống là tương tác, là liên hệ, là phải có trách nhiệm nâng đỡ nhau mới có thể giữ được thế cân đối và hòa điệu lâu bền.  Thật may mắn khi có được một người rất tin tưởng ở ta. Dù họ chỉ trao cho ta ánh mắt cảm thông hay vài lời động viên an ủi, cũng đủ khiến ta ấm áp và có thêm sức mạnh để tiến bước. Cho nên khi không thể tin vào ai thì ta hãy tự hỏi mình có đang vướng kẹt vào nhận thức sai lầm nào về họ không, có thành kiến với những vụng về hay lầm lỡ của họ trong quá khứ không, có lo sợ họ không mang lại quyền lợi cho ta mà còn lợi dụng ta không, có phải vì họ thiếu kính trọng hay làm tổn thương ta không, hay có phải vì ta đang thiếu niềm tin vào chính bản thân mình? Quả thật, tự ái và thiếu tự tin chính là hai thủ phạm thường xuyên đánh cắp niềm tin của ta dành cho kẻ khác.

Còn tin vào con người là ta còn tìm thấy chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời này. Vì tin nhau tức là gắn kết với nhau; ngờ nhau tức là cắt đứt nguồn năng lượng hỗ trợ vốn rất cần thiết cho sự tồn tại của nhau.


Không tự có mặt một mình
Tất cả tương tác như hình với gương

Nhiều người đã đánh mất niềm tin vào cuộc đời, vì họ đã trải qua những thất bại chua cay hay bị nhiều kẻ xấu hãm hại. Họ sống trong định kiến nặng nề, tin chắc rằng trên đời này không có ai là chân thật cả, tất cả những lời nói hay hành động dễ thương kia cũng chỉ là những màn trình diễn giả tạo. Từ nhận thức đó, họ khư khư xác quyết rằng cuộc đời này chẳng khác gì những vở tuồng bi hài trên sân khấu, nên không cần phải thiết tha duy trì hay xây đắp thêm chi nữa. Một số người quan niệm như thế có lối sống bất cần đời, thích làm gì thì cứ làm mà không cần quan tâm đến hậu quả hay phản ứng của những người xung quanh. Số người khác thì ẩn dật, sống trong u uất lạnh lùng, sợ tiếp xúc và nghi ngờ tất cả mọi người. Số còn lại thì gửi linh hồn mình cho một đấng quyền năng nào đó để mong mỏi được cứu rỗi về một thế giới không còn bóng dáng của sự giả dối.


Nên nhớ thành bại, được mất, hợp tan là những cặp thăng trầm mà bất kỳ ai trong đời này cũng phải nếm trải. Tất cả những gì xảy ra với ta hôm nay đều tuân theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh, vì vũ trụ vốn không ưu tiên cho bất cứ ai và cũng không ghét bỏ ai. Do ta chưa đủ trí tuệ để có thể hiểu rõ tiến trình vận hành của nguyên tắc ấy, ta đã gây ra nhân gì mà phải gánh chịu hậu quả như vậy, nên ta mới tin rằng số phận của mình đã được an bài bởi một đấng tối cao. Đó là cách lý giải rất con người, của những tâm hồn còn đầy dẫy năng lượng tham-sân-si bảo vệ cái tôi bé nhỏ. Vì nếu có một đấng quyền năng thật sự, thì đấng quyền năng ấy phải xử sự công bằng và hợp lý. Không thể vì sự tin tưởng nhiệt tình của ta mà đấng quyền năng mới chịu chú ý và ưu đãi ta hơn. Chính vì tâm hồn đang quá yếu đuối và hụt hẫng điểm tựa, nên đã khiến ta đặt niềm tin một cách mù quáng và mê muội. Một khi cái tôi bất ngờ được nâng niu, được hứa hẹn với những quyền lợi hấp dẫn trong tương lai thì sự mê tín sẽ được đẩy lên tới mức cuồng tín - sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho đối tượng tin tưởng mà bất chấp mọi lẽ phải trên đời.

Đừng bao giờ cưới một bà thánh, Bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để biến mình trở thành một người vì tử đạo.


Ta hãy nghĩ rằng mình là một bãi cát chứ không chỉ là một hạt cát. Khi gió bão thổi vài hạt cát từ nơi này đến làm đầy chỗ khác, thì gió bão cũng sẽ đưa những hạt cát từ nơi khác đến lấp đầy chỗ khuyết ở nơi này. Chỗ khác hay chỗ này cũng đều thuộc bãi cát, vậy thì ta đâu cần phải nao núng, lo sợ. Nếu ta có khả năng vượt ra khỏi phạm vi bé nhỏ của cái hình hài này để thấy mình cũng đang đồng thời có mặt ở khắp muôn nơi, vì sự thật là ta không ngừng tương tác với vạn sự vạn vật để tồn tại, thì ta sẽ không bao giờ thấy đau khổ hay hụt hẫng niềm tin khi đi qua những thăng trầm vốn phải có trong cuộc đời này. Hãy đừng vội oán trách vô thường. Bởi nếu không có vô thường thì nụ hoa không thể nở, tuyết không thể tan, em bé không thể trở thành người lớn, chế độ độc tài không thể tan rã và kẻ đau khổ sẽ chìm mãi trong khổ đau. Vậy nên, chỉ khi nào ta bớt nghĩ cho quyền lợi cá nhân, biết nhìn cuộc đời bằng con mắt thương yêu và nâng đỡ thì niềm tin của ta sẽ vững mạnh và không bao giờ bị ngã đổ. Ta tin vào con người vì ta đã thấy được bản thiện của họ; ta tin vào cuộc đời vì ta đã thấy được cái tôi rộng lớn bao la của mình.

Minh Sư cùng vài đệ tử dạo chơi dọc theo bờ sông. Ngài nói: "Các con hãy xem, cá tung tăng lội bằng thích. Chúng khoái trá thật.” Có người khách lạ nghe trộm như thế liền nói: "Làm sao ngài biết cá khoái trá ,ngài có phải là cá đâu?" Các đệ tử kinh ngạc vì sự hỗn xược đó. Minh Sư mỉm cười về điều mà ngài nhận ra là thái độ vô uý trong vấn đề học hỏi .  Ngài đáp trả cách nhã nhặn: "Còn bạn, làm sao bạn biết tôi không phải là cá, bạn có phải là tôi đâu?" Các đệ tử cười khoái trá, cho đó là một câu trả đũa đích đáng. Riêng người khách lạ cảm thấy bàng hoàng vì những lời nói thâm thúy đó. Ông ta suy nghĩ suốt ngày rồi tìm tới tu viện và nói: "Có lẽ ngài không khác loài cá như tôi đã tưởng. Và tôi cũng không khác ngài."

Thật khó có thể chấp nhận rằng, khi ta đánh mất niềm tin vào con người hay cuộc đời này là do ta đã không có đủ niềm tin vào chính mình. Nhưng đó lại là sự thật. Vì ta tin rằng những điều kiện thuận lợi may mắn từ bên ngoài sẽ mang tới sự an toàn và hạnh phúc lâu bền, nên ta mới ra sức rượt đuổi, nắm bắt, nâng niu và bám chặt vào nó. Bỏ tâm chạy theo cảnh như thế, nên khi cảnh bị dao động hay biến mất thì tâm trở nên bơ vơ lạc lõng cũng là lẽ đương nhiên. Dù biết rằng ta không thể sống tách rời với ngoại cảnh, nhưng ta phải cố gắng luyện tập cho mình khả năng bớt lệ thuộc vào sự may rủi của hoàn cảnh bằng cách tin tưởng vào chính bản thân mình. Tất nhiên, phải hiểu được giá trị đích thực của mình thì ta mới tin tưởng mình được. Còn lỡ như không thấu hiểu hết con người của mình thì ta cũng nên nhờ những bậc có hiểu biết lớn chỉ điểm cho. Để từ đó ta tìm cách phát huy những ưu điểm nổi bật và tìm cách khơi dậy những năng lượng tiềm ẩn. Tin sâu vào thực lực chính mình, ta sẽ có đủ bản lĩnh để đương đầu với mọi tình huống.

Con ơi, có phải ánh sáng thầy làm lóe mắt con rồi không, nên con đành không nhận ra ánh sáng ở trong con.

Người trẻ bây giờ thường làm ra vẻ rất tự tin, nhưng niềm tự tin của họ thật đơn điệu. Chỉ vì kiến thức của họ được một ngôi trường danh tiếng xác nhận qua bằng cấp, tài nói năng của họ mang lại nhiều mối quan hệ tốt, vóc dáng cao ráo của họ được nhiều người để ý, hay chỉ vì quần áo của họ thuộc hàng hiệu đắt tiền là họ đã tràn đầy tự tin và vênh mặt trước mọi người. Thật tội nghiệp! Những kẻ chỉ thấy được giá trị của mình qua sự công nhận hời hợt của người khác thì phải đành chấp nhận thường xuyên lạc mất cái tôi linh thiêng của mình thôi. Vì nhận xét và tình cảm của người khác cũng rất vô thường, luôn biến đổi. Huống chi, khi ta chỉ tập trung vào những điểm chỉ đem lại cảm xúc yêu thích từ kẻ khác trong nhất thời thì thế nào ta cũng sẽ bỏ bê những giá trị sâu sắc bên trong. Sống giữa cuộc đời đầy biến động này mà lại thiếu đi những đức tính quan trọng như bình tĩnh, nhẫn nại, khiêm cung, bao dung, lạc quan, uyển chuyển...thì làm sao ta đứng vững được?

Cho nên tin vào chính mình là tin vào tài năng và cả đức hạnh của mình nữa. Tài năng không chỉ để kiếm được nhiều tiền hay khiến người khác ngưỡng mộ, mà còn phải đem tới nhiều an vui cho chính mình và những người thân sống bên cạnh. Tài năng mà không có đức hạnh, chỉ để phục vụ cho cái tôi ích kỷ bé nhỏ của mình thôi thì tài năng ấy sớm muộn gì cũng sẽ đưa ta đến chỗ hủy diệt vì sự chủ quan và kiêu ngạo. Đức hạnh mà không có tài năng thì tuy không làm nên sự nghiệp lớn hay không giúp đỡ được nhiều người về phương diện vật chất, nhưng chính đức hạnh mới đem lại giá trị bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn. Khi ta có bình an và hạnh phúc thật sự, tự nó sẽ tỏa chiếu đến mọi người xung quanh qua thái độ sống của mình. Điều ấy không nhất thiết phải có nhiều tài năng mới làm được. Hãy bình tâm nhìn lại! Đừng mê mải chạy theo xu hướng chung nữa. Hãy quay về khơi dậy giá trị chân thật của mình để vững tin đi tới.

Một chiếc bình cổ rất quí được bán đấu giá rất cao. Chiếc bình đó trước kia thuộc về một anh bụi đời đã chết trong cảnh nghèo nàn mà hoàn toàn không hay biết giá trị của chiếc bình bát anh dùng để đi xin từng đồng xu. Tất cả sự chú ý của các con đều tập trung vào cái kiến thức đáng một xu mà các con thu nhặt được qua sách vở hay các giáo sư. Các con nên để tâm vào chiếc bình mà trong đó các con chứa mọi tri thức.

Nên nhớ, tâm mới là nguồn gốc sinh ra mọi cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, còn hoàn cảnh chỉ đóng vai trò tác nhân mà thôi. Thay vì cứ chạy theo những vọng tưởng điên đảo, vắt kiệt sức ra để chụp bắt hết đối tượng này đến đối tượng khác, thì ta hãy trở về làm tan biến đi những đòi hỏi không cần thiết hay không hợp lý của tâm mình. Dù trong giờ phút này tâm ta đang rất xáo động hay đang rớt xuống những cung bậc rất thấp vì đã lỡ gây ra rất nhiều lầm lỗi, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ quay về chính mình cộng với những bài thực tập rèn luyện thân tâm đúng đắn, thì chắc chắn ta sẽ mau chóng chữa lành những vết thương ấy và khôi phục lại vị trí làm chủ cuộc đời mình. Hãy tin vào bản chất thanh tịnh và mầu nhiệm vốn có của mình. Nó không bao giờ bị hư hao hay hủy diệt.

Đừng buồn nhìn xơ xác
Đời cần chút đổi thay
Hoa xưa rồi thắm lại
Vườn cũ ngát hương bay.

Mùa xuân trên cánh đồng tương, hãy thay áo mới.

Xuân Nguyễn chia sẻ

Biển Xanh

BIỂN XANH
Ý thơ: Quỳnh Lê
Nhạc: Thiên Phương
Ca sĩ: Đông Nguyễn
Thực hiện: Mai Thiên Phương
Trân trọng
NHHN

Xin mời quý vị thưởng thức



Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Tạ Ơn


Hiểu Về Trái Tim - TẠ ƠN
Minh Niệm

Nếu chúng ta luôn biểu lộ lòng biết ơn với nhau thì vết thương nào cũng chữa lành, khó khăn nào cũng vượt qua và đỉnh cao nào cũng vươn tới.

Đạo đức truyền thống Việt Nam thường hay nhắc nhở câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Khi cầm trái cam lên có bao giờ ta tự hỏi trái cam này từ đâu mà ra vậy? Dĩ nhiên là từ cây cam. Đó là cách trả lời rất đơn giản của ta. Nhưng sự thật là trái cam đang có mặt trên tay ta phải trải qua một quá trình sống rất gian nan, không thua gì kiếp sống của bất cứ sinh vật nào. Bắt đầu từ hạt cam, rồi phải hấp thụ vô số yếu tố của thiên nhiên thì nó mới trở thành cây và cho ra lá, ra hoa, ra trái. Rồi phải nhờ vào tình thương của nước, của gió, của mặt trời, của khoáng chất và đặc biệt là của người trồng trọt, thì trái cam mới trở thành thực phẩm bổ dưỡng cho ta hôm nay. Mặc dù trong câu tục ngữ ấy chỉ nhắc ta hãy nhớ đến công sức của người đã trồng cây, nhưng kỳ thực là muốn khơi dậy lòng biết ơn trong ta với tất cả những điều kiện đang không ngừng nuôi dưỡng ta.

Không tự có mặt một mình

Tất cả tương tác như hình với gương

Cũng như câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn" nhắc nhở ta mỗi khi mở vòi nước ra để uống hay tắm rửa.

Thấy nước mà chẳng thấy nguồn, cũng như thấy trái mà chẳng thấy kẻ trồng cây thì đó là cái thấy rất cạn cợt, thiếu hiểu biết. Theo kinh nghiệm của những bậc trí tuệ và đức hạnh, một trong những cách phá vỡ nhận thức sai lầm ấy để tạo ra thế cân đối và bền vững cùng đất trời và vũ trụ, đó chính là lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là thái độ rung cảm chân thành trước một sự hiến tặng, được ghi khắc sâu đậm trong tâm và có ý muốn đền đáp bằng cách này hay cách khác trong tương lai. Năng lượng biết ơn khi được phát sinh, không những tạo nên sự điệu hòa trong các mối liên hệ mà còn có công năng đánh thức những hạt giống cao quý trong tâm hồn, và đốt cháy những năng lượng độc hại do ta vô tình lầm lỡ gây ra trong quá khứ. Chỉ cần duy trì ý niệm biết ơn là ta đã thừa hưởng rất nhiều rồi. Huống chi, khi ta biến nó thành hành động cảm ơn hay tạ ơn thì năng lượng ấy sẽ lớn mạnh gấp bội. Nó khiến kẻ đền đáp và người tiếp nhận đều được an vui và hạnh phúc.

Vậy trước khi cảm ơn một người nào, ta cần phải có ý niệm biết ơn sâu sắc trong lòng. Một cái chắp tay, một cái cúi đầu, một nụ cười rạng rỡ, một món quà tinh ý đều góp phần tạo nên năng lượng cảm ứng cho người hiến tặng.

Ở Mỹ người ta đón nhận ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) rất có ý nghỉa cho mọi người . Người Việt Nam tuy có nhiều cách thể hiện lòng biết ơn, nhưng vẫn chưa có một ngày chính thức để mọi đối tượng cùng thực tập như một phong tục cao quý. Thiết nghĩ ngày giỗ tổ Hùng Vương, mồng 10 tháng 3 Âm lịch, là một trong những ngày trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam, nên ta có thể chọn ngày ấy làm ngày tạ ơn những bậc tiền nhân trong quá khứ và các bậc ân nhân trong hiện tại. Ngày giỗ cũng là ngày tạ ơn thì ý nghĩa sẽ rất lớn lao.

Để ngày lễ Tạ Ơn được thể hiện thật ý nghĩa,  hãy dành trọn ngày hôm ấy cho mục đích chính, đó là thể hiện lòng biết ơn với những đối tượng có ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Ta nên tổ chức buổi họp mặt gia đình. Nếu đang ở nơi xa thì ta cũng có thể tham dự cùng với gia đình của người bạn thân nào ở gần đó. Không gian yên tĩnh sẽ khiến cho năng lượng trong phòng được quy tụ mạnh mẽ và nhờ như thế mọi người sẽ cảm nhận rõ nét sự hiện diện quý giá của nhau hơn.

Nếu còn thời gian thì ta có thể kể cho nhau nghe về tình thương và đức hy sinh của những bậc ân nhân đã đi qua đời mình, dù họ đang có mặt ở đây hay ở nơi xa. Thỉnh thoảng, có thể hát chung vài bài cho không khí thêm chan hòa và đầm ấm.

Ngày lễ Tạ Ơn sẽ trở thành ngày đặc biệt để mọi người thực tập tha thứ và xích lại gần nhau hơn. Ngày ấy, chắc chắn ai nấy cũng sẽ rất hạnh phúc và thấy cuộc đời đáng yêu hơn, vì cõi lòng ngập tràn năng lượng tình thương. Nếu không thể đến trực tiếp thì ta cũng có thể gọi điện thoại hay viết thư. Nhưng người kia sẽ hạnh phúc hơn nếu thấy được nụ cười và ánh mắt ta trong lời tạ ơn đó.

Ta hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, ở chính nơi không gian nhỏ của gia đình mình, nếu ta thật sự thấy được giá trị thiết thực của ngày lễ Tạ Ơn. Những chuyển biến tốt đẹp sau ngày thực tập ấy sẽ mau chóng lan tỏa đến khắp mọi nơi và chẳng bao lâu sẽ được chấp nhận là ngày lễ chính thức của dân tộc. Nếu người Việt Nam nào cũng luôn biểu lộ lòng biết ơn nhau thì vết thương nào cũng chữa lành, khó khăn nào cũng vượt qua, và đỉnh cao nào cũng vươn tới. Đỉnh cao nhất của dân tộc thuộc dòng giống Lạc Hồng chính là tình huynh đệ vững bền, mà không có bất cứ chủ thuyết hay thế lực nào có thể chia cắt nổi. Tinh thần này sẽ góp phần soi sáng cho đức tin của nhân loại rằng, sức mạnh tình thương có thể xua tan mọi bóng tối khổ đau trên thế gian này.

*Listen patiently, learn diligently, live adventurely, love completely, laugh heartedly, giving a smile to all living creatures .

Không bao giờ bắt lỗi ai

Wear cheerful expression at all time

Trân cảm tất cả share thời sống

Luôn hưởng sáng vui sống giờ đây

Trân Cảm: Trân quý, Cảm tạ.

Cảm tạ tất cả vui sống trọn ngày

Trân quý tất cả hưởng sáng giờ đây

Cảm tạ: Cảm thông nhửng khuyết điểm, và tạ ơn nhửng ưu điểm của sự sống.

Trân quý: Nhửng năng lượng tương tác không phải của ta và vạn hửu, đang ở trong ta và vạn hửu . Cái có nó bó cái không (Sắc tức thị không), cái không nằm trong cái có (Không tức thị sắc).

Tạ ơn người hiến tặng

Hạnh phúc lẫn thương đau

Để sớm mai thức dậy

Còn nhớ gọi tên nhau.

Có đó rồi mất theo năm tháng

Chỉ còn tình thương ở lại đời

Cảm ơn đời mổi sớm mai thức dậy

Ta có thêm ngày nửa để yêu thương

Xuân Nguyễn chia sẻ

Chỉ Là Rêu Xanh

 


Chân Mạng Đế Vương

 

CHÂN MẠNG ĐẾ VƯƠNG

BS Đỗ Hồng Ngọc

Ai mắc bệnh Gút thì hình như ít nhiều đều có “Chân Mạng Đế Vương” cả! Bằng cớ là bệnh thường luôn bắt đầu từ dưới chân, ở ngón chân cái trước rồi mới lan đi các nơi, và mặt khác, từ xa xưa, người ta cũng đã gọi Gút là bệnh của Vua (maladie des rois). Lịch sử y học cũng đã ghi nhận Alexandre le Grand, Charlemagne, Louis XIV… đều bị Gut!

 

Vua Chúa hay đi săn bắn, ăn thịt rừng, uống nhiều rượu nên dễ bị Gut. Về sau, những người giàu có cũng hay mắc phải bệnh này do những bữa ăn “Đạm-Bạc” đầy rượu thịt của họ (theo cách giải-thích bây giờ thì đó là những bữa ăn nhiều ĐẠM và tốn bạc!) nên Gut cũng là bệnh của nhà giàu! (maladie des riches).



Đau khủng khiếp! À không, nhức nữa, nhức khủng khiếp. À mà không đúng, buốt nữa, buốt khủng khiếp. Đau. Nhức. Buốt. Nhích qua nhích lại nhích tới nhích lui gì cũng đau cả. Chân sưng một cục, nóng đỏ. Mất ngủ. Mất ăn. Vua cũng phải kêu Trời!



Tôi vừa bị một vố. Đau sưng ngón chân cái của bàn chân phải. Đúng truyền thống: “Chân” của “Mạng Đế Vương” rồi còn gì! Nhưng oan quá, lâu nay ăn uống cẩn thận mà, có săn bắn có nội tạng động vật gì đâu… Từ lâu đã bỏ THỊT! Chỉ còn Rau, Cá, Củ, Quả! Chắc tại già. Già, Thận yếu, thải không kịp độc chất chăng?


Độc chất ở đây là Acid Uric, sinh ra từ chuyển hóa Protein có chứa nhiều Purin trong thức ăn. Acid Uric lắng đọng tạo thành muối Urat, quyện quanh và chèn vào giữa các khớp, đại khái như cho cát vào các khớp xe rồi nổ máy, rồ ga cho nó chạy vậy!



Các thức ăn chứa nhiều purin là thịt rừng, hải sản, kèm với bia rượu, dzô dzô 100% thì dễ có “Chân Mạng Đế Vương” lắm vậy. Lúc còn trẻ, còn khỏe thì Thận tốt, thải độc rất nhanh, nhưng vẫn tích tụ đó, chờ có tuổi, sinh sự! Gút có thể dẫn tới biến dạng bàn chân bàn tay với những u, những cục, những hòn, đúng là “Lục-cục lòn-hòn”… lổn nhổn làm hạn chế cử động và đau nhức kinh niên!

 

Thuốc trị Gút thì đã có, nhưng nhiều thứ có hại, thứ thì gây loét bao tử (dạ dày), làm mục xương, hội chứng cổ trâu, tăng huyết áp (Cushing), thứ thì gây nhiều tác dụng phụ, tương tác thuốc tùm lum nên cần có Hướng-Dẫn của Bác-Sĩ!


Nghe tôi bị Gút, các bạn đồng nghiệp, học trò… hỏi thử máu chưa? Uống thuốc chưa? Rồi đem cho mấy thứ! Ông bạn nhà thơ từ bên Mỹ cũng gởi mấy bài thơ bảo đọc đi cho mau khỏi bệnh. “Tiếng còi xe lửa ôi ồn quá, anh giụi vào em mái tóc thề,  Huế của em đây, trong mái tóc, em thơm lừng ôi em hương quê!  Em của anh à, em của anh… Nắng hình như làm lá thêm xanh, nắng hình như làm môi em đỏ, nắng  hình như mắt em long-lanh…” (TVL). Có bạn còn kêu đọc thần chú, niệm Nam mô… Có bạn bên trời Tây viết “…Ở Thế-Kỷ 21 này mà không có cái gì làm cho người ta không bị 'Đau nhức kinh-khủng' sao? Ở bên Mỹ họ có cái thuốc 'Painkiller' (Sát-Sanh kiểu này thì chắc không có tội!), có Hữu-Hiệu không?”. Dĩ nhiên là hữu hiệu, nhưng tạm thôi, không dứt hẳn được, lại cũng sinh lắm biến chứng, Side-effects. Còn cái “Painkiller” này có sát sanh không ư? Thì… có! Bởi cái “Pain” này hẳn phải do nhiều yếu tố hợp thành, do duyên sanh cả đó thôi, nên chắc chắn cũng là một thứ “Chúng Sanh”! Tốt nhất là làm sao cho nó “Vô Sanh” thay vì “Kill” nó!

Nghĩ lại, đúng là có chuyện “Duyên Sanh” thiệt. Mấy ngày trước ăn nhiều cá thu quá!  Cá thu chiên, cá thu xốt cà, cá thu kho, cá thu “Muối Sư”… (do mấy bà chị ở quê thương tình, mang cho). Mình lại quên cá thu có rất nhiều Purin! Vậy là đáng đời! Tôi nhất định không uống thuốc, “Để xem con Tạo xoay vần đến đâu!”. Tôi hiểu cơ thể phải có một cơ chế “Sưng nóng đỏ đau” (viêm) nào đó để chống bệnh, nếu dùng thuốc kháng viêm chẳng hóa ra triệt tiêu mất cái cơ chế tự nhiên rất quý này của cơ thể sao?  Vậy, chuyển hẳn qua ăn rau củ quả xem sao? Có hiệu nghiệm! Thế nhưng nghe có bạn chỉ ăn toàn đậu với đậu mà cũng bị Gút Cấp-Tính! Thì ra các thứ đậu cũng có nhiều Purin, đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, đậu Hoà-Lan… kể cả hạt Điều! Ăn vừa vừa thôi thì không sao! Các loại thịt rừng, nội tạng động vật (Thận, Tim, Gan, Pâté Gan, Xúc-Xích…) và các loại hải sản như cá thu, cá hồi, tôm hùm… đều chứa rất nhiều Purin cần tránh!



Qua ngày thứ ba thì bớt đau, bớt sưng, nhưng mất cả tuần mới bình phục hẳn! Dĩ nhiên đây chỉ là một cơn Gút Cấp-Tính, không cẩn thận thì tái phát như chơi và trở thành kinh niên!

 

May quá, Rau, Trái, Sữa, Yaourt, Fromage, Kem…  Trà, Cà-phê đều rất ít Purin!



Tóm lại, nếu ai có cái «Chân Mạng Đế Vương» thì NÊN TỪ BỎ SỚM!!!

  

BS Đỗ Hồng Ngọc - Báo Mai