Gương Vỡ Lại Lành: CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÁC THÀNH ĐIỀU TỐT ĐẸP CHO NGƯỜI
Hoàng Mai
"Gương vỡ lại lành" là câu thành ngữ, nguyên văn "Phá kính trùng viên", có nguồn gốc từ câu chuyện đẹp về Việt Quốc Công Dương Tố triều Tùy đã tác thành điều tốt đẹp cho người.
Dương Tố tự Xử Đạo, trong khi phò tá Tùy Văn Đế Dương Kiên kết thúc cục diện cát cứ, thống nhất thiên hạ, ông đã lập được nhiều chiến công giành giang sơn cho nhà Tùy. Dương Tố không chỉ túc trí đa mưu, tài hoa tràn đầy, mà còn là người văn võ song toàn, phong lưu phóng khoáng, danh tiếng lừng lẫy trong và ngoài triều đình.
Năm Khai Hoàng thứ 9 đời Tùy (năm 589), Dương Tố và hai người con trai của Văn Đế Dương Kiên đem quân xuống phía nam tiêu diệt nước Trần, bắt được Hậu Chủ nước Trần là Thúc Bảo và phi tần, họ hàng, trong đó có em gái của Trần Thúc Bảo, và là vợ của Từ Đức Ngôn, viên quan Thái tử Xá nhân nước Trần, đây cũng chính là Công chúa Lạc Xương của nước Trần.
Do Dương Tố có công diệt Trần, hơn nữa Công chúa Lạc Xương tài sắc tuyệt thế, Tùy Văn Đế bèn đưa Công chúa Lạc Xương đến nhà Dương Tố, ban thưởng cho ông làm tiểu thiếp. Dương Tố ngưỡng mộ tài hoa của Công chúa Lạc Xương, lại yêu thích sắc đẹp của nàng, vì vậy càng sủng ái, còn xây dựng cung thất riêng cho Công chúa Lạc Xương. Nhưng Công chúa Lạc Xương ngày ngày rầu rĩ không vui, lặng lẽ chẳng nói năng gì.
Thì ra Công chúa Lạc Xương và chồng là Từ Đức Ngôn tình sâu nghĩa nặng, hai con tim cùng chung nhịp đập. Khi nước Trần sắp diệt vong, Từ Đức Ngôn rơi lệ nói với vợ rằng: "Nước đã vô cùng nguy cấp rồi, nhà làm sao có thể bảo toàn được. Nàng và ta ắt sẽ phân ly. Với dung mạo và tài hoa của nàng như thế này, sau khi nước mất ắt sẽ bị người ta cướp, đưa vào nhà quyền quý hào hoa. Vợ chồng chúng ta ly tán lâu dài, mỗi người một phương, chỉ có ngày đêm thương nhớ, gặp nhau trong giấc mộng. Nếu ông Trời nhủ lòng thương, không cắt đứt tình duyên đời này của hai ta, thế thì nàng và ta sau này nhất định sẽ có ngày gặp lại. Thế nên chúng ta cần có tín vật, để cầu sau này nhận ra để trùng phùng".
Nói rồi, Từ Đức Ngôn đem tấm gương soi bằng đồng chặt làm hai nửa, hai vợ chồng mỗi người cất giữ một nửa. Từ Đức Ngôn lại nói: "Nếu nàng thực sự bị cướp và đưa đến nhà quyền quý hào hoa, thế thì ngày rằm tháng Giêng sanh năm, hãy đem nửa tấm gương của nàng đến phố chợ rao bán. Nếu như ta may mắn còn ở nhân thế, ngày đó nhất định sẽ đến kinh đô, dựa vào tấm gương để hỏi thăm tin tức của nàng".
Cặp vợ chồng khi nước mất nhà tan, tuy còn giữ được tính mạng sau kiếp nạn, nhưng phải chịu hết nỗi khổ chia ly. Mong đợi mãi mới đến ngày rằm tháng Giêng năm sau, Từ Đức Ngôn chịu muôn ngàn cay đắng, long đong lận đận, cuối cùng cũng đến được kinh thành nước Tùy. Quả nhiên anh thấy một cụ già đang rao bán nửa chiếc gương bằng đồng, hơn nữa đòi giá cao ngất nên chẳng ai dám hỏi. Từ Đức Ngôn vừa nhìn thấy nửa chiếc gương đồng đó liền biết là của vợ, bất giác nước mắt rơi lã chã. Không dám chậm trễ, anh vội vàng trả tiền theo giá mà cụ già đòi, rồi lập tức dẫn cụ già đến chỗ anh trú ngụ. Sau khi ăn uống xong, Từ Đức Ngôn thuật lại câu chuyện gương vỡ năm trước, đồng thời lấy một nửa tấm gương quý báu mà anh cất giữ ra, hai tay run rẩy khớp lại với nhau, hai chiếc gương còn chưa khớp lại thì Từ Đức Ngô đã khóc không thành tiếng…
Cụ già bán gương cảm động bởi tình sâu nghĩa nặng của hai vợ chồng họ khiến lệ nóng lưng tròng. Cụ nhận lời với Từ Đức Ngôn, nhất định sẽ giúp hai người truyền tin tức, để hai vợ chồng sớm ngày đoàn tụ. Từ Đức Ngôn ngước nhìn vầng trăng tròn vành vạnh, đề một bài thơ, nhờ cụ già đưa cho Công chúa Lạc Xương. Bài thơ viết rằng:
Gương và người cùng đi
Gương về người chẳng về
Bóng Hằng Nga chẳng thấy
Lạnh lùng ánh trăng khuya
Nguyên văn:
Kính dữ nhân câu khứ
Kính quy nhân bất quy
Vô phục Thường Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy
Công chúa Lạc Xương xem bài thơ của chồng, nghĩ đến vợ chồng gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách trở, khó được gặp nhau, liền thương cảm khóc lớn, cả ngày dung nhân sầu khổ, chẳng ăn chẳng uống thứ gì. Dương Tố hỏi han mãi, cuối cùng biết được nguyên do sự tình, cũng bất giác cảm động sâu sắc bởi chân tình của họ. Dương Tố lập tức sai người đưa Từ Đức Ngôn vào trong phủ, để hai vợ chồng họ đoàn tụ.
Công chúa Lạc Xương thấy Từ Đức Ngôn năm xưa phong lưu phóng khoáng, giờ đây tóc đã pha sương, còn Từ Đức ngôn thấy Công chúa Lạc Xương giờ đã trở thành tiểu thiếp của người ta, hai người đều vô vàn cảm khái.
Dương Tố thấy tình này, cảnh này, thế là ông bảo Công chúa Lạc Xương làm một bài thơ về tình cảnh này. Công chúa Lạc Xương liền ngâm nga:
Hôm nay xấu hổ nhường nào
Chồng cũ chồng mới xiết bao tủi hờn
Khiến cho dở khóc dở cười
Giờ đây mới thấy làm người khó thay
Nguyên văn:
Kim nhật hà thiên thứ
Tân quan đối cựu quan
Tiếu đề câu bất cảm
Phương nghiệm tố nhân nan
Dương Tố nghe xong vô cùng cảm động, bèn quyết định thành tựu điều tốt đẹp cho người, trao trả Công chúa Lạc Xương cho Từ Đức Ngôn, đồng thời mở tiệc thết đãi và tặng họ nhiều tiền bạc để về quê sinh sống. Tất cả người trong phủ từ trên xuống dưới ai nấy đều cảm thán khôn nguôi về câu chuyện vợ chồng Từ Đức Ngôn và Công chúa Lạc Xương gương vỡ lại lành, cũng như sự khoan hồng đại lượng của Việt Quốc Công Dương Tố đã tác thành điều tốt đẹp cho người.
Tiệc tan, hai vợ chồng dắt tay nhau cùng về quê cũ Giang Nam. Câu chuyện tình đẹp này được lan truyền khắp nơi, và điển cố "gương vỡ lại lành" cũng được lưu truyền từ đó đến nay.
Hoàng Mai
Theo Secretchina
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét