Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Đời Và Phim



Tản Mạn Cuối Tuần - ĐỜI VÀ PHIM
Quang Đặng

Năm 2019 có một bộ phim mà những người yêu thích điện ảnh không thể bỏ qua là KÝ SINH TRÙNG. Ngoài các yếu tố như kịch bản logic, âm nhạc hay, đạo diễn giỏi, dàn diễn viên xuất sắc phim còn phản ảnh sâu sắc sự khác biệt giữa hai tầng lớp giàu và nghèo điển hình ở Hàn Quốc. Phim sau đó đoạt giải Cành Cọ Vàng liên hoan phim Cannes ở Pháp và thắng bốn giải Oscar trong đó có Oscar danh giá phim hay nhất.

Truyện phim được tóm tắt như sau: Gia đình họ Kim sống nghèo khổ dưới một tầng hầm tồi tàn ở Seoul. Từ ô cửa kính nhìn ra đụng ngay mặt đường và những người tiểu bậy. Người con trai của họ tình cờ được một người bạn giới thiệu làm gia sư cho con gái một gia đình giàu có. Choáng ngợp vì cuộc sống xa hoa của gia chủ, anh ta cùng cha, mẹ, cô em gái lần lượt giở các âm mưu và thủ đoạn để có mặt ở ngôi biệt thự trong vai trò tài xế, quản gia, gia sư. Mọi việc suông sẽ cho đến khi bà Moon - gwang người quản gia cũ và chồng xuất hiện. Bộ mặt thật của nhà họ Kim cùng vợ chồng bà Moon- gwang đều bị bóc trần sau đó là cảnh tiêu diệt lẫn nhau của hai gia đình cùng khổ dưới tầng hầm ngôi biệt thự. Trong bữa tiệc sinh nhật của con trai chủ nhà, chồng bà Moon gwang tức giận vì cái chết của vợ đã dùng dao đâm chết con gái họ Kim. Ngay sau đó ông ta cũng bị bà Kim giết chết. Chứng kiến cảnh hỗn loạn, con trai của chủ nhà bị ngất xỉu. Giám đốc Park trong lúc lấy chìa khóa từ xác chồng bà Moon - gwang để chở con trai đi cấp cứu đã bịt mũi vì mùi hôi bốc ra từ xác chết. Phẫn nộ trước thái độ khinh miệt cũng từng xảy ra với mình, ông Kim đã đâm chết giám đốc Park. Phim kết thúc bằng qui luật trả vay: những kẻ ăn bám (Ký Sinh Trùng) không thoát khỏi số phận của mình, trở về nơi xuất phát thậm chí còn nghiệt ngã hơn.

Trong phim có nhiều chi tiết rất đắt và "mùi nghèo" là một trong số đó. Đó có thể là mùi của những ngôi nhà ẩm thấp thiếu ánh sáng, mùi xà bông rẻ tiền, mùi quần áo giặt phơi thiếu nắng, mùi mồ hôi… và cái chun mũi hít hít của những người ở tầng lớp thượng lưu khi phát hiện mùi này đã đẩy bộ phim lên cao trào bằng một bữa tiệc sinh nhật đẫm máu. Tuy chỉ một chi tiết nhỏ nhưng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản phim Bong Joon - ho đã khai thác tâm lý nhân vật rất hiệu quả. Tài xế Kim thật ra không thù oán gì với giám đốc Park và không giết chủ của mình trừ phi giám đốc Park không đưa tay bịt mũi. Tiếc thay cử chỉ này từng lặp lại nhiều lần và mũi dao oan nghiệt chính là giọt nước tràn ly của mặc cảm đói nghèo.

Sài Gòn những ngày công trình metro chưa rào chắn khu trung tâm quận Một. Hàng đêm cỡ 9, 10g ai đi ngang qua bùng binh Quách Thị Trang đều thấy một cảnh tượng se lòng.
Chừng mươi đôi quang gánh quà vặt tụ tập trên khoảng đất trống trước công viên 23/9 cách chợ Bến Thành và khách sạn năm sao New World vài bước chân. Những người bán xếp các đôi quang gánh thành một vòng tròn, ngày nắng cũng như ngày mưa đều lấy áo mưa che kín phía ngoài để bảo vệ số vốn liếng ít ỏi đồng thời sẽ ngủ trong vòng tròn ấy. Theo một bài báo tất cả đều là đồng hương một tỉnh miền Trung. Ban ngày họ chia nhau rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn với các gánh cóc, ổi, đậu phụng, bánh tráng trộn, trứng cút… ban đêm để tiết kiệm tiền trọ rủ nhau về đây ngủ giữa trời. Nhiều người miền Trung thành đạt ở đất này bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ai dám chắc không có những mầm ươm đại học, bác sĩ, kỹ sư trong đôi mắt của các bà, mẹ, chị đang nằm thao thức dưới khách sạn ngàn sao? Sài Gòn là nơi hội tụ của dân tứ xứ, cơ hội chia đều cho bất cứ ai. Ngược lại mọi người góp phần vào sự phát triển của thành phố, một sự hổ tương qua lại.

Mới nghe qua hai đề tài nói trên chẳng liên quan gì đến nhau. Động lực kiếm sống của mỗi bên rất rõ ràng. Một bên là đời thật mưu sinh bằng chính sức lao động của mình, một bên là hư cấu sống bám vào người khác để tồn tại. Thế nhưng từ khóa "ký sinh trùng" nóng lên thời gian gần đây cho thấy có vài sự trùng hợp. Dựa vào nội dung phim có tên "Ký Sinh Trùng" là chính xác nhưng cũng mấy từ đó gán cho những người bán hàng rong lao động chân chính ngoài đời rõ thật là… Sự nhầm lẫn tai hại này dẫn đến một sự trùng hợp khác: đừng chạm đến lòng tự trọng của người nghèo thông qua thông điệp ở cuối phim và sự phẫn nộ của dư luận. Cuối cùng là sự trùng hợp tất yếu: sau khi phim trình chiếu và phát ngôn lệch lạc cả hai đều nổi tiếng!

QUANG ĐẶNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét