ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN MỘT - VỀ NGUYỄN DU
CHƯƠNG I
NGUYỄN DU VÀ TÁC
PHẨM
Đáng lẽ nhan đề chương
này phải đặt một cách rõ nghĩa là “Tiểu sử về Nguyễn Du”, nhưng con đường cũ
giờ đây đã mờ dấu, có chăng vài vết tích lạc lõng không đủ để xác nhận hình
bóng người xưa. Căn cứ vào huyền thoại, vào các sử liệu đáng tin cậy… để vẽ lại
cuộc đời một thi sĩ cũng chỉ là những công trình và những cố gắng dựng lại một
chân dung đã phôi pha quá nhiều. Thành thử, chúng ta chỉ nói về, bàn về hành
trạng và thân thế Nguyễn Du trong chiều hướng tìm lại ít nhiều cuộc đời tiên
sinh đã ảnh hưởng và phô diễn trong những tác phẩm để lại. Cạnh đó, công việc
tìm hiểu này sẽ nhắm đến chân trời tư tưởng của Tố Như, trong đó cuộc đời và
đạo Phật có những tương quan như thế nào, liên hệ ra sao? Nguyễn Du tiên sinh
đã chịu ảnh hưởng đạo Phật hay là đạo Phật đã là một nguồn sống đối với thi sĩ?
Các câu trả lời sẽ được xác minh ngay trên những tác phẩm của tiên sinh được
lưu truyền cho đến ngày nay qua hai mục:
- Điểm
thứ nhất: Tìm hiểu thân thế và hành trạng Nguyễn Du.
- Điểm
thứ hai: Sẽ bàn về ảnh hưởng đạo Phật qua các tác phẩm chữ
Hán và chữ Nôm của Tố Như.
MỤC 1: THÂN THẾ VÀ HÀNH TRẠNG
TIẾT 1:
THÂN THẾ
Tác
giả Đoạn Trường Tân Thanh húy là Nguyễn Du (阮攸), tự là Tố Như Tử (素如子), hiệu là Thanh Hiên (清軒), lại có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ (鴻山獵户) và Nam Hải Điếu Đồ (南海釣徒). Tiên sinh quán làng Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh,
sinh năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 26. [1]
Thân
mẫu tiên sinh là bà Trần Thị Tần, người huyện Đông Ngạn, trấn Kinh Bắc. Thân
phụ là cụ Nguyễn Nghiễm (阮儼) đậu Hoàng giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ, tước là
Xuân quận công. Anh cả của tiên sinh là Nguyễn Khản (阮侃), đồng tiến sĩ xuất thân, làm Lại bộ thượng
thư, sung chức tham tụng ở triều đình với thân phụ. Anh thứ là Nguyễn Điều (阮條), đậu Hương cống, sung chức Trấn thủ Sơn Tây,
tước Điền nhạc hầu, thuộc đời Lê Cảnh Hưng. Ngoài ra, các anh em khác và họ
hàng đều là những người có khoa hoạn nức tiếng khắp nơi, đến nỗi có câu ca dao
miền Nghệ Tĩnh: “ Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước, họ này hết quan
”.
Nguyễn
Du mồ côi cha năm 10 tuổi (1775) và ba năm sau mất bà thân (1778). Tiên sinh về
ở với Nguyễn Khản và có lẽ đã thụ giáo trực tiếp với người anh này.
Một
số tài liệu gần đây [2] cho
biết, sau khi thôi học với các anh trong nhà. Nguyễn Du tiên sinh lại tiếp tục
với cụ Nguyễn Hành, quán xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh
Hà Tĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Dần (1734) đời vua Lê Thuần Tông năm thứ 3, sau
cụ Nguyễn Nghiễm một khoa. Cụ Nguyễn Hành từng làm quan đến chức Án Sát tỉnh
Thái Nguyên, sau cụ cáo quan về quê mở trường dạy học, đào luyện được nhiều
nhân tài. Hai học trò nổi tiếng của cụ là Nguyễn Thiếp tự Hạnh An, hiệu La Sơn
Phu Tử và Nguyễn Du tiên sinh.
Tiên
sinh được học chữ Nho từ 6 tuổi, thiên tư vốn thông minh lại ham xem sách,
không những đọc sách Nho mà các sách Phật, Lão, binh thư cũng để tâm đến. Ngoài
tài học rộng văn hay, chữ tốt, tiên sinh cũng theo đuổi các môn như cầm, kỳ,
thi, họa, cũng như am tường võ nghệ quyền thao nữa. Theo truyền thuyết, bình
sinh tánh tình tiên sinh điềm đạm, chuộng sự yên tĩnh, thích tư lự hơn là nói
năng. Nguyễn Du được 19 tuổi, đi thi Hương, khoa Quí Mão (1783), niên hiệu Cảnh
Hưng thứ 44, đậu Tam trường (khoa Giáp Thìn, trường Sơn Nam) và chứng kiến gia
đình ly tán mỗi người một ngả khi loạn kiêu binh nổi lên ở kinh đô, lấy danh
nghĩa phế con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải, vì Trịnh Sâm mất đã lập di chúc
bỏ con trưởng, lập con thứ là Trịnh Cán, con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đồng
thời bấy giờ tướng quân Tây Sơn khởi đánh Phú Xuân. Đến năm 1786, Tây Sơn đã
chiếm được các phần đất của chúa Nguyễn rồi kéo thẳng ra Bắc hà. Trịnh Khải
không cậy vào quân Tam Phủ được nên chạy trốn, rồi bị bắt nộp cho quân Tây Sơn.
Trong những giai đoạn biến động này, cửa nhà của Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du đều
bị tan nát. Năm 1789, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lãnh lại tiến ra Bắc hà
lần nữa đại phá quân Thanh, bình định lại vùng đất cựu trào này. Nguyễn Du lui
về quê vợ, nương thân ở xã Quỳnh Côi, huyện Hải An, Thái Bình và ở đó khoảng 10
năm sống đời ẩn dật tại núi Hồng Lĩnh, vui thú săn bắn, thả câu. Danh xưng Hồng
Sơn Liệp Hộ (kẻ săn bắn núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ (kẻ chài ở miền Nam) có từ
lúc này. Và đây cũng là thời kỳ được xem như biến chuyển nhất trong việc hình
thành tư tưởng của ông thể hiện qua các thi ca để lại. Trước đó, theo truyền
thuyết, Nguyễn Du cũng đã bôn ba mưu việc khôi phục nhà Lê, nhưng việc không
thành, mặc dầu lúc ấy anh thứ là Nguyễn Nễ đã cùng một số cựu thần nhà Lê chịu
ra làm quan với Tây Sơn. Ông cũng đã có lần mưu tính vào Gia Định để giúp
Nguyễn Ánh nhưng việc bại lộ, tướng Tây Sơn trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Thận đã
bắt giam ông tại Nghệ An ngót ba tháng trời. Về sau, phần vì mến tài, phần có
chỗ giao tình với Nguyễn Nễ nên đã tha ra (1796).
Nhưng
rồi thế cuộc thêm một lần đổi thay nữa, khoảng năm 1800, Nguyễn Ánh nhân cái
chết của Quang Trung Nguyễn Huệ và nội bộ lủng củng của triều Tây Sơn, đã dần
dần tiến chiếm Bình Định ra tới Phú Xuân, rồi lấy Bắc hà xong vào tháng 6 năm
Nhâm Tuất (1802). Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và xuống chiếu trưng
triệu những cựu thần nhà Lê, trong đó có Nguyễn Du. Sau nhiều lần từ chối không
được, bất đắc dĩ ông phải ra làm quan với nhà Nguyễn để khỏi bị phiền lụy. Tháng
8 năm Gia Long nguyên niên, ông được bổ làm tri huyện Phù Dung, thuộc trấn Sơn
Nam, qua đến tháng 11 thì thăng tri phủ Thường Tín. Năm Giáp Tỵ (1804), Nguyễn
Du tiên sinh được cử lên ải Nam Quan để nghênh tiếp sứ nhà Thanh sang sắc phong
cho Gia Long. Xong việc, ông cáo bệnh về quê nhà, nhưng chỉ được hơn một tháng
trời thì có chỉ triệu về kinh. Sau đó, ông được thăng chức Tham Tri, hàm Đông
Các học sĩ và được phong tước Du đức hầu.
Đến
năm Kỷ Tỵ (1809), ông được bổ giữ chức cai bạ ở Quảng Bình, nổi tiếng là chính
sách giản dị được sĩ dân yêu mến. Niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), ông lại xin
nghỉ về quê (tháng 9), rồi đến tháng chạp lại bị triệu dụng về kinh thăng Cần
chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ sang triều Thanh tuế cống. Mất ngót
hơn 13 tháng, từ tháng 2 năm Quý Dậu (1813) đến tháng 4 năm Giáp Tuất (1814),
ông mới trở về nước. Trên đường đi sứ sang Trung Hoa, ông đã có dịp chứng kiến
nhiều điều mới mẻ, cũng như là nhiều cơ hội để tư tưởng của ông được bồi dưỡng
và thực chứng những thắc mắc lo nghĩ trong tâm từ bao lâu nay.
Sau
khi được nghỉ 6 tháng ở quê, năm sau ông được thăng chức Lại bộ hữu tham tri.
Qua đến năm Minh Mạng nguyên niên (1820), lại được cử làm chánh sứ sang Trung
Hoa cầu phong, nhưng chưa kịp lên đường thì bị bệnh mất ở kinh vào ngày mồng 10
tháng 8 Canh Thìn (1820), thọ 56 tuổi.
TIẾT 2 : HÀNH TRẠNG
Bên
cạnh những nét chính yếu về cuộc đời của Nguyễn Du ở trên, chúng ta sẽ đề cập
đến một vài sự kiện. Vài giai thoại có liên quan ít nhiều trong việc phác họa
và tìm lại chân dung tiên sinh; đồng thời qua đó tìm hiểu sự hình thành tư
tưởng của ông.
Thực
vậy, tư tưởng của Tố Như tiên sinh, nói một cách chung đã được hình thành một
phần do sự thực chứng của tiên sinh nơi dòng đời biến chuyển. Ngay từ khi bước
vào đời qua con đường loạn ly, tiên sinh đã được chứng kiến và tham dự trong
bao cảnh đổi thay liên tiếp gây ra bởi sự tranh giành quyền lợi, tranh ngôi đổi
chủ xảy ra khắp nơi. Cả một gia đình tiên sinh êm ấm bỗng chốc ly tán vì sự nổi
loạn của quân Tam Phủ. Cạnh đó, nạn kiêu binh cũng khởi đầu cho cảnh loạn lạc,
phá vỡ trật tự nơi chốn triều nghi và bao nhiêu nỗi đau thương khác nữa cho dân
chúng. Tiếp đến, khi quân Tây Sơn ra Bắc hà dứt nhà Trịnh, vua Lê cũng gây nên
bao cảnh thương tàn, xâu xé nơi nơi. Có thể nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử
đất nước đã xảy ra cảnh binh đao, chinh chiến và tranh chấp quyền lợi một cách
hỗn tạp như lúc này.
Trước
cảnh tượng đau lòng như thế, nhà thơ đã nảy sinh mối thương tâm cảm khái không
thôi. Để rồi trong giai đoạn lưu lạc, lui về quê nhà tìm vui nơi săn bắn, ngao
du sơn thủy, tiên sinh đã thức ngộ phần nào trước những câu hỏi đặt ra từ cuộc
đời và bức tranh vân cẩu tang thương đó. Đây là giai đoạn có thể xem là quan
trọng trong việc hình thành tư tưởng của tiên sinh, những văn thơ để lại đã xác
định hành trạng của tiên sinh trong những lúc ẩn dật này (Ký Hữu, U Cư, Mạn
Hứng, Sơn Cư, Tự Thán, Ngọa bệnh, Sơn Thôn… trong “Thanh Hiên Thi Tập”). Hầu
như tiên sinh luôn mang tâm trạng bi quan, băn khoăn giữa hai quan niệm “dấn
thân” vào chốn quan trường và “thân ngoại vật”.
Ná đắc khiêu ly phù thế
ngoại,
Trường tùng thụ hạ tối
nghi nhân
(Sơn thôn)
那 得 跳 離 浮 世 外
長 松 樹 下 最 宜 人
(山村)
(Nhiều
khi muốn rời bỏ đường trần tục
Dưới
cội tùng làm người hóng mát thì phù hợp hơn)
Tạm
chuyển lục bát:
Mong sao thoát khỏi lụy trần,
Gốc tùng ngồi mát vô cùng sướng vui.
Hoặc:
“Hà
năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa
thính tùng phong hưởng bán vân.”
(Tự
thán kỳ nhị)
何 能 落 髮 歸 林 去
臥 聼 松 風 響 半 雲
(自嘆其二)
(Nếu
có thể gọt tóc vào rừng,
Nằm
nghe gió thổi tùng reo lưng chừng mây)
Tạm
chuyển lục bát:
Những
mong gọt tóc vào rừng,
Nằm
nghe thông lộng nửa chừng trời mây.
“…
Phù lợi vinh danh chung nhất tán,
Hà
như cập tảo học thần tiên”
(Mộ
Xuân Mạn Hứng) [3]
浮 利 榮 名 終 一 散
何 如 及 早 學 神 仙
(幕 春 漫 興)
Tạm
chuyển lục bát:
Rốt cùng danh lợi cũng tan,
Sao bằng sớm học đạo thần tiên kia.
Danh
lợi phù du rốt cùng cũng tan tành, sao bằng kịp thời học đạo thần tiên. Và có
lẽ trước sự giằng co như thế, trong những năm tháng ở núi Hồng sông Lam, tiên
sinh đã có dịp tìm câu trả lời và chọn cho mình một con đường để tiến bước,
không những cho thời kỳ ẩn dật ở đây mà cả mai hậu nữa. Phải chăng đó là hàm ý
mà tiên sinh đã hướng đến trong Đoạn Trường Tân Thanh:
“Từ rày khép cửa phòng
thu (c.3107)
Chẳng
tu, thì cũng như tu mới là”.
Một
số tài liệu gần đây cũng cho thấy tâm trạng của tiên sinh ở giai đoạn này xuyên
qua các câu đối để ở thảo xá dựng ở rừng sâu. [4]
“Vong
bần cánh hảo yên bần hảo,
Đại
ẩn lương nan tiểu ẩn nan”
忘 貧 更 好 安 貧 好
大 隱 良 難 小 隱 難
Nghĩa
là: Quên cái nghèo là tốt, vui cái nghèo cũng tốt.
Làm
người đại ẩn rất khó, mà làm người tiểu ẩn cũng khó.
và:
“Thử
giang sơn vạn đại trường tồn, nhựt lâm nguyệt chiếu.
Dữ
thảo thụ quần sinh cộng lạc, đông khứ xuân lai”.
此 江 山 萬 代 長 存,日 臨 月 照
與 草 樹 群 生 共 樂,東 去 春 來
Nghĩa
là:
Giữa
non sông muôn thuở vững bền, nhựt nguyệt đôi dòng soi dọi.
ùng
cây cỏ muôn loài vui sống, đông xuân mấy độ đổi thay.
Nhưng
giang sơn bấy giờ thay ngôi đổi chủ, chìm đắm trong tao loạn; ý nguyện của tiên
sinh rốt cùng chỉ là những ước vọng và là giấc mơ của một cõi miền nào đó mà
thôi. Dù sao chăng nữa, qua các bài thơ làm khi ở dãy núi Hồng sông Lam này và
trong những bước ngao du đây đó, cũng cho thấy phần nào phong thái của tiên
sinh. Nó đánh dấu thời kỳ tư tưởng tiên sinh đang có một sự chuyển hướng quan
trọng và đầy rẫy những âm hưởng của đạo thiền. Trong đó có con người nghệ sĩ Tố
Như đã có dịp gần gũi với thiên nhiên, với vạn vật, truy nhận cái tâm và lắng
mình trong niềm vui thanh thoát của lẽ đạo [Ký Hữu, Đạo Ý, Ngọa Bệnh, Tạp
Ngâm, Tạp Thi, Ngẫu Hứng…(Thanh Hiên Tiền Hậu Tập)].
Thế
rồi, những tháng ngày xuân “nghêu ngao vui thú yên hà” cùng với “mai
là bạn cũ hạc là người quen” [5] cũng
qua đi, “phường săn ở núi Hồng”(Hồng Sơn liệp hộ) và “kẻ chài ở biển
Nam” (Nam Hải điếu đồ) đành phải gác bỏ cuộc đời ẩn dật dù chịu nhiều khổ
cực, nghèo túng và bệnh hoạn liên miên nhưng phóng khoáng tự do để ra làm quan nhà
Nguyễn. Cuộc sống quan trường của tiên sinh tuy hanh thông, được sĩ dân yêu
mến, vua trọng dụng, nhưng có những chỗ khe khắt hiềm tị khiến ông thường buồn
rầu, ít nói, ít tham dự vào bàn bạc quốc sự. Mặt khác, có lẽ một phần do tính
điềm đạm, thích trầm tư mặc tưởng, không thích khoe khoang, chuộng đời sống
giản dị nên tiên sinh khó hòa mình vào chỗ ồn ào náo nhiệt của đời sống quan
cách được. Ngoài 30 tuổi, đầu tóc của tiên sinh do việc lo nghĩ luôn nên đầu
tóc đã bạc (Tự thán, Mạn hứng/Thanh Hiên Thi Tập), lại hay tìm đọc sách chẳng
những của Nho, mà còn của Lão, Phật nữa. Tánh tình của tiên sinh một phần nào
đó có lẽ do sự thấm nhuần triết lý của các loại sách này. Một bộ Kinh Kim Cương
của nhà Phật, tiên sinh cũng đọc hơn cả ngàn lần (Lương Chiêu
Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài/Bắc Hành Tạp Lục) đã cho thấy sự am tường
hiểu đạo của tiên sinh dù trên phương diện tri thức. Do đó, bên cạnh công việc
của một người ra làm quan thì sách vở là bạn hữu thân thiết nhất của tiên sinh
mà thôi.
Tương
truyền trong thơ phòng, tiên sinh đã đề một câu đối được nhiều người biết đến
sau đây:[6]
“Nhất
chức bất hiềm ti, chỉ vị mễ ngũ đấu chiết yêu, dụy dụy tiến, nặc nặc thối.
Bán
sinh không hạo tưởng, yêu đắc hạ vạn gian tí sĩ, lạc lạc hậu, ưu ưu tiên.
一職不嫌卑,只為米五斗折腰,唯唯進,諾諾退。
半生空浩想,要得厦萬間庇士,樂樂後,憂憂先
Xin tạm lược dịch:
Một quan chức chẳng nề chức nhỏ nhen, chỉ vì năm đấu gạo phải uốn
cong tấm lưng, dạ dạ lên, vâng vâng xuống.
Nửa đời người không tưởng việc to tát, sao được vạn gian nhà để
chở che kẻ sĩ, lo lo trước, vui vui sau.
Phải
chăng tâm trạng của tiên sinh trong thời kỳ này cũng chất chứa nhiều lo nghĩ,
việc to lớn của tiên sinh thường băn khoăn là làm thế nào để cho kẻ sĩ luôn
luôn được yên tâm, không lo lắng trước công danh, cơm áo hầu giữ được tiết tháo
của người quân tử. Cái lo của kẻ thức thời sĩ khí phải đi trước cái lo của kẻ
khác và chỉ hưởng niềm vui sau khi đã hoàn thành chức trách của mình vậy. Qua
đó, chúng ta cũng nhận ra được phần nào quan niệm xử thế của tiên sinh khi ra
làm việc cai trị. Câu phê bình “chính sự giản dị sĩ dân yêu mến” không
phải là câu nói bỗng dưng mà tiên sinh được ban tặng vậy.
Ngoài
ra, sống trong chốn quan trường, tiên sinh đã thấu hiểu sự mất mát của thời
“nghêu ngao” và còn giữ được tiết khí của mình:
“Thái
phác bất toàn chân diện mục (Ký Hữu)[7]
太 璞 不 全 真 面 目 (寄友)
Và
nếu “Viên ngọc phác không giữ được gương mặt đích thực của mình” thì
cảnh vật bên ngoài vẫn tịch tĩnh như từ thuở nào. Cảnh vật thay đổi hay lòng
người thay đổi?!
“Nhân
tự tiêu điều xuân tự hảo
(Xuân tiêu lữ thứ) 1
人 自 蕭 條 春 自 好
(春宵旅次)
hoặc
:
“Niên
niên thu sắc hồn như hử
Nhân
tại tha hương bất tự tri
(Giang
đầu tản bộ, Kỳ nhất)[8]
年 年 秋 色 渾 如 許
人 在 他 鄉 不 自 知
(江 頭 散 步)
“Người
riêng buồn bã, riêng xuân vẫn tốt tươi”
“Năm
đi năm lại sắc thu vẫn hồn nhiên như thuở nào, người nơi đất khách không tự
biết mà thôi.”
Tạm
chuyển lục bát:
Sắc thu vẫn thế mỗi năm
Quê người khách có biết chăng nỗi mình.
Tuy
nhiên những băn khoăn lo nghĩ của tiên sinh trong các giai đoạn trên chỉ là mối
ưu tư của bậc thức giả . Phải đợi đến khi chịu mệnh đi sứ tuế cống bên Tàu thì
những điều đó mới kiểm chứng một cách xác thực. Đồng thời, đây mới là cơ hội
giúp cho tư tưởng của tiên sinh khai mở và thức ngộ sau bao năm tháng đầy rẫy
mối tư lự giữa sự ngổn ngang của sách vở cũng như bao cảnh tượng khổ đau mà
tiên sinh từng tham dự chứng kiến.
Trên
đường đi sứ ghé Thăng Long, tâm sự của tiên sinh đã nảy sinh ra bao nỗi niềm
cảm khái không nguôi. Chính nơi đây, trong thời kỳ thanh niên, tiên sinh đã
từng thấy bao cảnh tượng phế hưng, thay chủ đổi ngôi cùng với bao cảnh tượng
đau lòng đã vang vọng vào tâm trí như chứng tích của cuộc đời không thể tẩy xóa
được. Bây giờ trở lại chốn xưa, thời gian thấm thoát đã hai mươi năm rồi. Cảnh
vật người cũ nay đã phôi pha và nhuốm biết bao nhiêu sự đổi thay (Thăng Long /
BHTL).** Nhưng mối xúc động sâu xa nhất đối với tiên sinh trên đường đi sứ
ngang qua thành Thăng Long là việc gặp lại một ca nhi trong đám tiệc của quan
Tuyên phủ sứ khoản đãi. Đó là nàng “Con gái đất Long Thành”, giỏi đàn hát mà
ông đã có dịp trông thấy cách hai mươi năm trước, giờ đây vẫn là người cũ nhưng
nhan sắc tiều tụy, hao gầy. Và ở giữa đó, tiên sinh đã hình dung lại một thời
dĩ vãng vàng son nay đã tàn phai, đã mất mát như những nét vô thường của cuộc
đời. Biết rằng cuộc đời vô thường, nhưng những gì mất mát phôi pha cũng gây cho
tiên sinh bao niềm bồi hồi xúc cảm không thôi.
“Thế
sự phù trầm hưu thán tức
Tự
gia đầu bạch diệc tinh tinh.
(Thăng
Long, kỳ nhị)[9]
世 事 浮 沉 休 嘆 息
自 家 頭 白 亦 星 星
(昇龍其 二)
Tạm
chuyển lục bát:
Chớ than chìm nổi chuyện đời,
Tóc mình đốm bạc kia rồi lơ thơ.
(Thăng Long - Bài 2)
“Ngồi
im lặng ở cuối bàn tiệc, không nói cũng không cười, trông tình trạng thật bất
nhẫn, không còn nhận ra là ai nữa, duy nghe trong tiếng đàn tựa như đã từng
quen biết. Trong lòng cảm thấy đau xót. Tiệc tan bèn hỏi người nhạc công. Thì
ra là nàng đó. Than ôi! Người này sao đã đến nỗi thế ư! Bồi hồi quanh quẩn, hết
cúi lại ngẩng, than thở mãi không thôi, không sao hết được nỗi cảm xúc của ngày
hôm đó. Con người ta sống trăm năm, những nỗi vinh nhục buồn vui. Ai có thể
lường trước được chăng? Sau khi từ biệt trên đường càng nghĩ, mối cảm xúc càng
sâu. Nhân đấy làm bài ca này để gửi nỗi lòng cảm hứng”.
(Long
Thành Cầm Giả Ca – Tiểu dẫn trong Bắc Hành Tạp Lục)[10].
Phải
chăng đó cũng là mối cảm hoài trước thân thế nàng Kiều của Phong Tình Cổ Lục đã
gây cảm hứng nơi tiên sinh để sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh? Khi đến Lạng
Sơn, đứng trước cảnh vật đổi thay, bao nhiêu câu hỏi đặt ra từ những sách đạo
Phật đã đọc, khiến tiên sinh thêm lần nữa nảy ra bao mối thắc mắc, băn khoăn.
Và càng ưu tư, lo nghĩ về sự khác biệt giữa cuộc đời và sách vở, giữa thực và
mộng thì nỗi thắc mắc ấy càng sâu xa hơn:
“Vạn
ban thủy thạch thiện đại xảo
Nhất
lạp càn khôn khai tiểu thiên
Mãn
cảnh giai không hà hữu tướng
Thử
tâm thường định bất ly thiền”.
萬 般 水 石 擅 大 巧
一 粒 乾 坤 開 小 天
滿 境 皆 空 何 有 相
此 心 常 定 不 離 禪
và :
Đại
sư vô ý diệc vô tận
Phủ
thán thành trung đa biến thiên
(Đề
Nhị Thanh Động)[11]
無 意
亦 無 盡
俯 嘆
城 中 多 變 遷
(題二青洞)
Lược
dịch:
Hằng muôn đá nước sắp đặt khéo léo
Một hạt càn khôn mở ra cõi trời nhỏ
Khắp cảnh vật đều là không có hình tướng
Lòng này thường định không rời thiền
Và:
Ý của đức Phật là
KHÔNG cũng là KHÔNG CÙNG
Cúi đầu than thở, bên trong thành biết bao sự đổi thay
Những
trải nghiệm từ biết bao sự biến dời trong cuộc đời đã hình thành một kinh
nghiệm sống. Và dưới sự soi chiếu từ đạo Phật, những kinh nghiệm học hỏi từ
sách vở, từ thiên nhiên và cuộc sống đã cho tiên sinh một cách nhìn vững chải:
đó là lấy sự thiền định làm nơi an trú cho cõi lòng của mình. Những mất mát hay
bao nỗi tang thương tiên sinh đã chứng kiến, đã trải qua sẽ hòa cùng lẽ đạo
đang từ từ hé lộ trong tâm thức tiên sinh để đi đến sự “thực chứng” nghĩa là
thấy rõ không còn mơ hồ nữa về ý nghĩa của kinh điển và cuộc đời.
Cuộc
sứ trình này đã đem lại cho tiên sinh sự khai mở tâm thức sau
bao nỗi băn khoăn, khúc mắt. Đó cũng là cơ hội để tiên sinh đi sâu vào cõi lòng
của chính mình và chứng thực ý nghĩa của đời sống mà mỗi kinh nghiệm đoạn
trường, kinh nghiệm từng trải nơi cuộc đời trầm luân phù thế, kinh nghiệm của
những bước đi chiêm ngưỡng vết tích các danh nhân, của sự lầm than nghèo khó
nơi nhân gian, đã là những bài học có một vị thế đặc biệt trong tâm thức tiên
sinh. Để rồi sau khi hoàn tất công việc ở Bắc Kinh trở về Nam Kinh, tâm thức Tố
Như mới thật sự mở rộng và chứng ngộ được huyền nghĩa của đạo thiền khi đến
dưới Phân Kinh Thạch Đài:
“Ta nghe Đức Thế Tôn tại Linh Sơn, thuyết pháp cứu người hằng hà
sa số, người có lòng muốn giải thoát, Linh Sơn cũng chỉ ở lòng ta, đài gương
trong cũng chẳng có, cây bồ đề vốn cũng không. Ta đọc kinh Kim Cương trên nghìn
lượt, áo nghĩa bên trong phần nhiều chưa được rõ, kịp tới lúc đến dưới Phân
Kinh Thạch Đài này, mới biết kinh không chữ mới là chân kinh.
Và
đây là biến cố lớn lao đối với tiên sinh, một người từng đọc Kinh Kim Cương Bát
Nhã trên một ngàn lần, đến Phân Kinh Thạch Đài mới có cơ duyên giác ngộ lẽ sâu
xa của Kinh Kim Cương. Từ đây, trên đường đời, tiên sinh đã thấu hiểu ý nghĩa
của chữ Tâm mà trước kia vẫn còn trong sự tìm kiếm: Đạo Phật vốn không,
không chấp trước vào vật, sao lại còn chia cắt phân kinh? Ý nghĩa linh diệu
của kinh không ở ngôn ngữ, chất liệu; Ai là kẻ sáng tác ra kinh Kim Cương và
Pháp Hoa?… (Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài /BHTL).
Những thắc mắc về cuộc đời khổ đau về đạo Phật khi còn ở Lạng Sơn nay đã được
giải quyết… Lòng tiên sinh trên đường về nước thanh thản hơn, người đã hết rầu
rĩ “cảnh xuân vẫn tốt tươi” như tự bao giờ. Giờ đây, Tố Như đã thấu hiểu hay
nói cho đúng là đã NGỘ được KINH KHÔNG CHỮ MỚI LÀ CHÂN KINH!
Những
năm kế tiếp (từ 1814-1820), cuộc đời của Tố Như ít được các sử liệu đề cập một
cách rõ ràng cũng như không có một chứng tích nào xác thực, để có thể suy diễn
về hành trạng của tiên sinh. Trong cuộc đời làm quan, tiên sinh thường hay ốm
đau, lương bổng chỉ đủ việc thuốc than, cảnh nhà rất giản dị, thanh bần… Theo
gia phả[12] Nguyễn
Du đã chép: mặc dù làm đến chức Á khanh, ông vẫn giữ vẻ thanh nhã, đơn giản như
một người học trò nghèo. “Ông có ba vợ. Bà cả sanh được một trai, bà kế cũng
sanh được một trai. Bà thiếp sanh 10 trai, 6 gái”. Xem thế cũng đủ biết gia
đình của tiên sinh cũng đông đúc, khi ông làm quan ở kinh đô Phú Xuân, thì vợ
con ông ngoài kia vẫn nghèo khổ.
Thập
khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc,
Nhất
thân ngọa bệnh đế thành đông
(Ngẫu
đề /Nam Trung Tạp Ngâm)
十 口 啼 饑 穔 嶺 北
一 身 臥 病 帝 城 東
(偶題)
Tạm
chuyển lục bát:
“... Hoành Sơn mười miệng đói rần
Thành vua nằm bệnh một thân nơi này.
(Tình cờ làm thơ)
Hoặc:
Cố hương cang hạn
cửu phương nông,
Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng [13]
(Ngẫu hứng, bài 4)
故 鄉 亢 旱 久 妨 農
十 口 孩 兒 菜 色 同
(偶興,其四)
Tạm
chuyển lục bát:
“… Quê nhà mùa mất, hạn lâu,
Trẻ mười đứa dáng sắc rau cùng nhà …
(Ngẫu
hứng, Bài 4)
Đến
năm Minh Mạng nguyên niên, lại được chiếu chỉ cử đi sứ cầu phong lần nữa, nhưng
chưa kịp khởi hành thì tiên sinh ngọa bệnh mất. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt
Truyện, lúc đau nặng sắp mất, tiên sinh không chịu uống thuốc. Lúc hấp hối, bảo
người nhà sờ tay chân xem lạnh chưa, người nhà thưa “đã lạnh rồi”. Tiên sinh
nói “Được, được” rồi tắt thở không trối một lời. Trên án thư bấy giờ đang để
bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” (讀小青記) trong đó có hai câu thơ bất hủ:
Bất
tri tam bách dư niên hậu
Thiên
hạ hà nhân khấp Tố Như!
不 知 三 百 餘 年 後
天 下 何 人 泣 素 如
(讀小青記)
Tạm
chuyển lục bát:
Ba trăm năm nữa biết chăng,
Người đời ai khóc lệ hằng Tố Như.
Qua
những dòng sơ lược về hành trạng của Tố Như tiên sinh, chúng ta nhận ra một vài
nét chính phác họa chân dung tiên sinh. Ngoài ra, trong một ý tưởng nhằm soi rõ
tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh sau này, hành trạng ấy cho phép
chúng ta thấy được phần nào sự cấu thành tư tưởng của tiên sinh; trong đó, tư
tưởng đạo Phật đã được thăng hoa để trở thành đạo thiền cho phù hợp với kích
thước của người nghệ sĩ Nguyễn Du hơn. Nếu chân nhận kỹ càng, chúng ta
sẽ tưởng rằng đó là đặc chất của tư tưởng Lão Trang, nhưng ở cuộc đời của Tố
Như qua phần hành trạng bên trên, đã cho thấy tư tưởng cốt yếu của tiên sinh
nằm trong tư thế của thiền gia (Thử tâm thường định bất ly thiền).
Và ảnh hưởng của tâm thái thiền sẽ đánh dấu đây đó trong Đoạn Trường Tân Thanh
mà chúng ta đề cập sau này. Mặt khác, công tâm mà nhận định đạo Thiền được coi
là tinh hoa của đạo Phật ít nhiều có điểm gần với đường lối Lão Trang và phù
hợp với phong thái phóng khoáng của những thi gia, văn gia ở Đông phương như
Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam… cho nên nó dung hòa được hai quan niệm
xuất xử của đạo Nho. Nếu xét kỹ càng các tác phẩm của Tố Như, chúng ta sẽ nhận
rõ ảnh hưởng đạo Phật, đặc biệt là tư tưởng thiền trong con người Nguyễn Du,
một người từng băn khoăn bao lần giữa thân ngoại vật và sự dấn thân vào tục
lụy.
------------
[1] Xem Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Nguyễn Du và
Truyện Thúy Kiểu hiệu khảo (Đoạn Trường Tân Thanh), Sài Gòn, Tân Việt tái
bản lần 8, 1968.
[2] Xem Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Đệ nhất thi hào
nước Việt Nam, Văn hóa tập san số 4/1970, trang 13.
[3] Quách Tấn, Tố Như thi, Sài Gòn, An Tiêm
xb, tr.3, 46, 1973.
[4] Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Nhắc lại vài mẩu
chuyện tâm tình của Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh, Văn hóa tập san 3/1973,
Sài Gòn, NVHGD&TN ấn loát, tr.17.
[5] Vương Hồng Sển, Nguyễn Du và bộ chén trà Mai
Hạc (năm đi sứ Quí Dậu 1813), Tạp chí Bách Khoa số 209 ngày 15/91965,
tr. 63-71.
[6] Hồng Liên Lê Xuân Giáo. S.đ.d.
[7] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr. 87, 96,
140.
[8] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr. 87,96,
140.
[9] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr.
168.
[10] Đào Duy Anh, S.đ.d.
[11] Nguyễn Đăng Thục, S.đ.d, tr. 172-173
[12], Quách
Tấn, S.đ.d, trang XXIV, XXV, trang 131.
[13] Quách Tấn, S.đ.d, trang XXIV, XXV, trang 131.
** Thời điểm biên soạn
tiểu luận này (1973-1974) , số lượng THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du ở miền Nam có
được chưa đầy đủ lắm nên việc trích dẫn cho việc tìm hiểu về Tố Như vẫn còn
nhiều hạn chế).
(Lần tiếp theo : MỤC II : VĂN NGHIỆP CỦA NGUYỄN
DU )