Minh họa: Nicolas J Leclercq/Unsplash
KHI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG MỸ TRỞ THÀNH CHIẾN TRƯỜNG
Lê Tây Sơn
Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng vất vả tìm và giữ công nhân. Thị trường lao động Mỹ đang thiếu nguồn cung trầm trọng…
Biến thể Omicron được cho là sẽ tàn phá thị trường lao động giống như các đợt dịch trước, nhưng nó lại đi theo hướng khác. Nhu cầu tuyển dụng tăng vọt trong Tháng Một đã cho thấy triển vọng của nền kinh tế. Không giống những làn sóng coronavirus trước đây, nhiều công ty chuyển sang “sống chung với Covid” và tìm mọi cách để giữ số công nhân hiện có. Dự báo 2.3 triệu người mất việc làm vì Omicron (do các công ty sản xuất và dịch vụ đóng cửa) đã không xảy ra. Sự thích nghi của thế giới công ty với đại dịch đã khiến dự báo trên phá sản.
Nhìn chung, các công ty Mỹ đã thêm 467,000 việc làm trong Tháng Một, đa số thuộc khu vực khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và một số dịch vụ khác. Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của công ty tuyển dụng ZipRecruiter nhận định: “Omicron dẫn đến hai hình ảnh đối nghịch. Trong khi hàng triệu công nhân phải tạm nghỉ vì nhiễm virus thì nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động hay mở cửa trở lại. Hoạt động tuyển dụng vươn hết công suất và nền kinh tế hầu như không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch mới, dù lây lan nhiều hơn”.
Ví dụ, các nhà hàng và cửa hàng thay vì thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa vì Omicron lại tăng cường mô hình bán mang đi, trong khi nhiều công ty cho phép nhân viên quay lại làm việc từ xa. Vaccine và các biện pháp phòng ngừa khác như khẩu trang cũng giúp người lao động tiếp tục làm việc trong an toàn thay vì phải nghỉ việc. “Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động đã học được cách sống chung với virus – Bộ trưởng Lao động Marty Walsh nói trong một cuộc phỏng vấn – Các công ty đã thích nghi và điều chỉnh. Họ đang học cách sống chung an toàn với dịch bệnh”.
Thời kỳ đầu đại dịch, các công ty Mỹ đều sử dụng biện pháp sa thải hàng loạt, khiến tỷ lệ thất nghiệp đạt hai con số trong những tháng đầu đại dịch; trái với các quốc gia giàu có khác, nơi nhiều công ty vẫn giữ người lao động trong bảng lương, ngay cả khi họ có rất ít việc để làm. Tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2021 cho thấy các công ty gặp khó khăn thế nào khi chấp nhập sống chung với Covid. Đa số gọi lại không đủ số nhân viên cũ để đáp ứng đà phục hồi nhanh của nền kinh tế. Thị trường lao động đã trở thành chiến trường.
Các nhà tuyển dụng cho biết có 10.9 triệu tuyển dụng mới vào cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch, chủ yếu là nhà hàng, quán bar, khách sạn. Cùng lúc đó, có hơn bốn triệu người Mỹ bỏ việc hoặc thay đổi công việc trong Tháng Mười Hai. Các nhà kinh tế dự báo những ngành như bán lẻ, giải trí và khách sạn vốn có xu hướng sa thải nhiều lao động thời vụ trong Tháng Một năm nay sẽ không làm thế vì sợ mất người. Mickey Levy, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Capital Markets cho biết: “Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang ‘tích trữ’ lao động để chờ bùng nổ hoạt động trong tương lai gần. Khi mức cung lao động yếu như hiện nay, không doanh nghiệp nào dám sa thải nhân viên vì chi phí tuyển mới là rất cao”.
Tính đến nay, nền kinh tế Mỹ chỉ còn mất ba triệu trong số 22 triệu việc làm bị mất vào đầu năm 2020, nhưng tốc độ phục hồi nhanh hơn so với sau cuộc Đại suy thoái. “Nước Mỹ đã trở lại làm việc – Tổng thống Biden phát biểu hôm Thứ Sáu – Đất nước chúng ta đang lấy lại mọi thứ mà Covid đã lấy đi và trỗi dậy mạnh mẽ hơn”. Nói thế không có nghĩa là biến thể Omicron không gây ra xáo trộn đáng kể. Tháng Một, số người có việc làm nhưng làm việc ít giờ hơn hoặc vắng mặt vì nhiễm bệnh, phải ở nhà chăm sóc con cái đạt mức cao nhất trong đại dịch: 4.6 triệu người, tăng từ 2.6 triệu người so với Tháng Mười Hai. Số người mất việc vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã tăng gấp đôi từ Tháng Mười Hai đến Tháng Một (khoảng hai triệu lên hơn bốn triệu).
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với số công nhân mất việc trước đó trong đại dịch. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do Omicron tăng tốc vào tháng trước, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ vẫn ấn tượng.
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét