Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Năm Hổ Nói Chuyện Điển Cố Thành Ngữ Về Hổ

 

Tranh hổ của Mai Khê Tử. (Ảnh: Epochtimes)

NĂM HỔ NÓI CHUYỆN ĐIỂN CỐ THÀNH NGỮ VỀ HỔ 
Trung Hòa 

Hổ là vua của bách thú. Lịch sử lưu lại khá nhiều điển cố thành ngữ về hổ, diễn tả ý nghĩa cả chính diện và phản diện.

Hổ giữ rừng hạnh (Hổ thủ hạnh lâm)

Thời Tam Quốc, có vị Đạo y (Đạo sĩ kiêm thầy thuốc) tên là Đổng Phụng, tự Quân Dị. Ông sống ở trong núi, thường chữa bệnh cho người, và chưa từng nhận tiền tài hay lễ vật, ông chỉ yêu cầu người được chữa khỏi bệnh trồng mấy cây hạnh. Người bệnh nặng được ông chữa khỏi thì trồng 5 cây, người bệnh nhẹ được ông chữa khỏi thì trồng 1 cây. Cứ như thế qua mấy năm, người được ông chữa khỏi bệnh đã trồng 10 vạn cây hạnh, cây lên tươi tốt, trở thành rừng hạnh. Chim thú trong núi cũng lũ lượt di cư đến rừng hạnh. Khi những quả hạnh chín, Đổng Phụng làm một nhà kho bằng cỏ trong rừng hạnh, trong đó đặt một cái giỏ và một cái gáo. Ông nói với mọi người rằng, ai muốn mua hạnh thì đong 1 giỏ thóc đổ vào kho rồi tự đi hái một giỏ quả hạnh.

Nếu có người bỏ ít thóc mà lại hái nhiều quả hạnh, thì sẽ có 3, 4 con mãnh hổ từ trong rừng xông ra, đuổi theo người gian dối đó. Người đó kinh hoàng chạy thục mạng, những quả hạnh trong giỏ rơi ra, đến khi chạy về đến nhà, thấy số quả hạnh đem về nhà bằng đúng với số thóc đã bỏ vào kho.

Do có mãnh hổ trông coi rừng hạnh, những người mua hạnh đều tự giác giữ gìn cái tâm, không ai dám gian lận lừa dối. 

Đổng Phụng đem số thóc nhờ đổi quả hạnh mà có được đó đi cứu tế người dân nghèo khổ, hoặc cung cấp cho khánh đi đường. Mỗi năm, Đổng Phụng đều phát trên 3000 hộc thóc (mỗi hộc bằng 10 đấu), nhưng vẫn còn thừa rất nhiều. 

Trên đây chính là nguồn gốc điển cố “Hổ giữ rừng hạnh” (Hổ thủ hạnh lâm), cũng bởi điển cố này mà người ta gọi nghề y xưa là “hạnh lâm”.

Một phần bức tranh "Tùng gian ngọa hổ đồ" của A Nhĩ Bại đời Thanh. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Làm ma tràng cho hổ (Vị hổ tác tràng)

Một số người có căn cơ đặc biệt, hoặc người tu luyện, có thể nhìn được sinh mệnh người ta sau khi từ trần, và đưa vào trong thành ngữ. Câu thành ngữ “làm ma tràng cho hổ” (vị hổ tác tràng) cũng là một trong số đó.

Trong “Thái Bình quảng ký”, một trước tác thời nhà Tống, và một số trước tác cũng như câu chuyện dân gian khác, đều viết rằng: “Người bị hổ ăn thịt thì sẽ thành ma tràng, sẽ dẫn đường cho hổ”. Có nghĩa là người bị hổ ăn thịt trở thành ma tràng cho hổ, tức là nô dịch cho hổ. Trước khi hổ đi, nó sai ma tràng đi trước để dụ dỗ người. Sau câu chuyện này được đưa vào làm thành ngữ “Làm ma tràng cho hổ” (Vị hổ tác tràng), để ví những người xấu làm việc cho kẻ ác.

Hổ dữ vượt sông (Bạo hổ bình hà)

Hổ là tượng trưng cho cho sức mạnh oai hùng, ai cũng biết đến sự dũng mãnh của hổ. Nếu một người chỉ có dũng mãnh mà không có mưu trí, hành sự lỗ mãng, thì Khổng Tử không coi là bạn bè, người cùng hội cùng thuyền.

Hổ dữ vượt sông (Bạo hổ bình hà) là câu thành ngữ có nguồn gốc từ “Luận ngữ” của Khổng Tử. Có một lần, Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa thầy, nếu thầy dẫn 3 quân, thì thầy sẽ chọn người như thế nào?”.

Khổng Tử đáp: “Người tay không đấu hổ dữ, thân trần vượt sông, chết mà không hối hận, thì ta không sử dụng”.

Câu nói Khổng Tử có nghĩa là, ai cũng biết hổ dữ, nhưng người thể hiện mình dũng mãnh, không cần binh khí, tay không đấu với hổ; ai cũng biết vượt sông nguy hiểm, nhưng người thể hiện mình dũng cảm, không cần thuyền bè, một thân một mình vượt sông, dẫu chết cũng không hối tiếc. Những người như thế thì Khổng Tử sẽ không cùng mưu sự, không trọng dụng, mà cần tìm những người hành sự cẩn thận tỉ mỉ, giỏi mưu lược hoạch định kế sách, để hoàn thành nhiệm vụ. 

Từ câu chuyện trong Luận Ngữ, người sau này dùng thành ngữ “hổ dữ vượt sông” (bạo hổ bình hà), để ví những người hữu dũng vô mưu, biết rõ nguy hiểm mà vẫn lỗ mãng lao vào làm.

Ngồi trên núi xem hổ đấu (Tọa sơn quan hổ đấu)

Trong văn hóa truyền thống Á Đông, Tứ tượng gồm Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ (hổ trắng), Chu Tước (công đỏ), Huyền Vũ (rùa đen), thì Bạch Hổ ứng với phương Tây, chủ về những việc như chiến tranh, sát phạt. Do đó, có khá nhiều điển cố lịch sử về hổ có liên quan đến việc nhà binh.

Thời kỳ Chiến Quốc, hai nước Hàn Ngụy đánh nhau, cả hai đã đánh nhau được gần một năm ròng mà vẫn chưa phân thắng bại. Tần Huệ Văn Vương muốn hòa giải cuộc chiến giữa hai nước này, ông bèn trưng cầu ý kiến quần thần. Có người nói rằng, không nên khuyên can hòa giải, cứ để họ đánh nhau. Có người người nói, hòa giải chấm dứt xung đột thì có lợi cho nước Tần. Ý kiến quần thần chia làm 2, đều xấp xỉ như nhau, khiến Tần Vương không biết định đoạt thế nào.

Lúc đó đúng lúc Trần Chẩn đi sứ nước Tần. Trần Chẩn vốn là đại thần của nước Tần, sau không được nước Tần trọng dụng nên đã bỏ đến nước Sở làm quan. Lần này, Trần Chẩn phụng mệnh Sở Vương đi sứ nước Tần. Tần Huệ Văn Vương trông thấy ông liền hỏi: “Khanh rời bỏ ta đến nước Sở, có nhớ đến quả nhân không?”

Trần Chẩn viện dẫn chuyện Trang Tích nước Việt, rằng Trang Tích tuy đến nước Sở làm quan nhiều năm, hưởng vinh hoa phú quý, nhưng khi ông bị bệnh, ông vẫn nói tiếng nước Việt. Trần Chẩn nói: “Tuy thần bị đuổi đến nước Sở, nhưng thần vẫn nói tiếng nước Tần”.

Tần Vương lượng thứ cho Trần Chẩn, và mời ông giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại, Hàn Ngụy tương tranh thì nước Tần nên làm gì. Trần Chẩn kể một câu chuyện cho Tần Vương như sau:

Biện Trang Tử muốn giết một con hổ. Có người khuyên can ông, nói rằng, hai con hổ cùng ăn thịt một con trâu, ắt sẽ đánh nhau. Hai hổ đánh nhau, con hổ to khỏe hơn ắt sẽ bị thương, con hổ nhỏ yếu hơn ắt sẽ bị chết. Thế là Biện Trang Tử ngồi xem hổ đấu, đợi đến khi một con hổ bị chết và một con hổ bị thương, ông mới xông ra giết chết con hổ bị thương. Thế là ông thu hoạch được cả 2 con hổ, được ca ngợi là đã giết chết 2 con hổ.

Trần Chẩn cho rằng, hai nước Hàn Ngụy đánh nhau, cũng giống như 2 con hổ tương tranh. Tần Vương nghe xong liền hiểu rõ. Chờ đến khi hai nước đánh nhau tổn thương nặng, nước Tần mới xuất quân, cuối cùng giành chiến thắng dễ dàng. Câu thành ngữ “Ngồi trên núi xem hổ đấu” (Tọa sơn quan hổ đấu) có nguồn gốc từ điển cố này.

Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con (Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử)

Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con. (Ảnh: Epochtimes)

Năm Vĩnh Bình thứ 16 thời Đông Hán (năm 73), Phong xa Đô úy Đậu Cố (?-88) phụng mệnh chinh phạt Hung Nô. Ban Siêu (32-102) đi theo xuất chinh, lập được chiến công. Đậu Cố đánh giá cao Ban Siêu, phái ông và Quách Tuân cùng đi sứ Tây Vực. Ban Siêu dẫn 36 tráng sĩ, trước tiên đến nước Thiện Thiện (tên cũ là Lâu Lan). Trong thời gian vài ngày, quốc vương nước Thiện Thiện rất nhiệt tình, nhưng sau đó bỗng nhiên trở nên lạnh nhạt. Ban Siêu suy đoán, nhất định là sứ giả Hung Hô đã đến, và đã thuyết phục được vua Thiện Thiện, khiến ông ta thay đổi thái độ, vốn ban đầu ủng hộ nhà Hán, giờ quay sang ủng hộ Hung Nô, do đó mới thay đổi thái độ đối với sứ thần nhà Hán.

Triều Hán và Hung Nô là kẻ thù không đội trời chung. Nếu quốc vương Thiện Thiện bắt giam sứ thần nhà Hán rồi giao cho Hung Nô, như thế họ nhất định phải chết. 

Thế là Ban Siêu mời các tráng sĩ uống rượu, và hỏi mọi người đối sách. Trong thời khắc nguy cấp này, các dũng sĩ không còn nghĩ gì đến sống chết nữa, họ đều bày tỏ nguyện nghe theo mệnh lệnh của Ban Siêu. Ban Siêu nói một câu, sau này thành một câu lưu truyền thiên cổ, rằng: “Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con” (Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử).

Thế là Ban Siêu hoạch định kế sách, đêm đó tập kích sứ đoàn Hung Nô, giết chết sứ giả và tùy tùng. Sứ thần nhà Hán đã thể hiện uy dũng, rạng danh quốc gia, khiến quốc vương và triều thần nước Thiện Thiện đều kinh sợ. Cuối cùng quốc vương nước Thiện Thiện quyết định quy phục nhà Hán, còn đưa con trai đến triều Hán làm con tin.

Hổ báo giữ cổng (Hổ báo thủ hôn)

Hổ uy phong, để hổ giữ cổng thì người phàm tuyệt đối không dám gây chuyện. Truyền thuyết dân gian kể rằng, trên Thiên giới có 9 cổng Trời, đều do Thần Hổ Thần Báo canh giữ. 

Trong Sở Từ của Khuất Nguyên có viết: “Hồn ơi hãy trở về, không lên Thiên giới được, có hổ báo giữ 9 cổng, ăn thịt người phàm”.

Sở Từ Chương Cú của Vương Dật có viết: “Nói cổng Trời có 9 tầng cửa, sai Thần Hổ Báo canh giữ, chuyên bắt và ăn thịt người cõi phàm muốn lên Trời”.

Những câu nói trên có nghĩa là, người không đạt được tiêu chuẩn lên Trời, mà cứ vọng tưởng muốn lên, thì sẽ bị Thần Hổ Báo bắt ăn thịt.

Thế là dần dà trở thành câu thành ngữ “hổ báo giữ cổng” (hổ báo thủ hôn), và mang ý nghĩa mới. Trong bài thơ “Phản tao” của Tống Kỳ đời Tống có viết: “Nói cổng có 9 quan, hổ báo canh giữ cổng. Thè lưỡi và nhỏ dãi, động cái là hại người”.

Câu thành ngữ “hổ báo giữ cổng” dùng để ví những kẻ gian thần nắm quyền triều chính, những kẻ tàn ác nắm giữ quyền lực quốc gia, gây họa hại cho nước cho dân.

Trung Hòa - NTD Việt Nam
Theo Epochtimes

Tài liệu tham khảo
- Thần Tiên truyện - Quyển 10
- Luận Ngữ - Thuật nhi
- Hậu Hán Thư - Ban Siêu truyện - Quyển 47
- Sử Ký - Trương Nghi liệt truyện đệ 10 - Quyển 70


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét