Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

Một Khi Tơ Hồng Đã Buộc, Sẽ Không Thể Nào Chạy Thoát Mối Lương Duyên

 

Ngàn dặm nhân duyên chung một đường, chính là nói rằng đại sự hôn nhân đã được định trước từ lâu. Ảnh minh họa Hồng Lâu Mộng được vẽ bởi tác giả Tôn Ôn thời nhà Thanh.( Ảnh: Tài sản công)

MỘT KHI TƠ HỒNG ĐÃ BUỘC, SẼ KHÔNG THỂ NÀO CHẠY THOÁT MỐI LƯƠNG DUYÊN
Xuân Hoàng biên dịch

Tơ hồng của Nguyệt lão dùng để buộc vào chân của đôi phu thê. Dù cho hai nhà là thù địch, hay giàu nghèo cách biệt, hoặc xa cách nghìn núi nghìn sông, chỉ cần tơ hồng buộc rồi thì sẽ không thể chạy thoát, ắt sẽ thành vợ chồng.

Vào thời nhà Đường, ở huyện Đỗ Lăng có một người tên là Vy Cố, anh ta mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, muốn kết hôn sớm nhưng nhiều lần cầu hôn đều không thành.

Vào năm Trinh Quán thứ 2, Vy Cố đi đến Thanh Hà du ngoạn, giữa đường trọ ở một lữ quán tại phía nam Tống Thành. Thế rồi bỗng có người mai mối, nói đó là con gái của Tư Mã Phan trước đây ở Thanh Hà. Người mai mối bảo Vy Cố sáng sớm hôm sau đến trước cổng miếu Long Hưng gặp mặt người nhà họ Phan.

Vy Cố như cầu được ước thấy, sáng sớm hôm sau đã vội vã khởi hành, khi đến cổng miếu thì trăng vẫn còn đang treo trên cao. Anh nhìn thấy một ông lão đang dựa vào túi vải, ngồi trên bậc thềm, mượn ánh trăng đọc sách.

Vy Cố từ bên cạnh nhìn trộm, nhưng lại không hiểu được chữ trong sách, bèn hỏi ông lão: “Sách lão tiên sinh đọc là sách gì vậy? Tôi từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, không có chữ nào là tôi không biết, ngay cả tiếng Phạn tôi cũng có thể xem được. Duy chỉ có chữ trên sách này là chưa từng thấy qua, chuyện này là thế nào vậy?”

Ông lão cười nói: “Đây không phải là sách ở nhân gian, cậu sao có thể từng thấy được”.

Vy Cố lại hỏi: “Vậy là sách ở nơi nào?”

Ông lão nói: “Sách của u minh (âm phủ).

Vy Cố hỏi: “Vậy đã là người của u minh, sao lại còn đến đây?”

Ông lão đáp: “Là cậu tới quá sớm, không phải ta không nên tới. Phàm là quan viên của dương gian đều quản chuyện của dương gian. Quản lý chuyện của nhân gian, làm sao có thể không hành tẩu ở nhân gian được?”

Vy Cố gặng hỏi tiếp: “Vậy ngài quản chuyện gì?”

Ông lão từ tốn đáp: “Đại sự hôn nhân của người trong thiên hạ”.

Vy Cố mừng rỡ, bèn nói: “Tôi từ nhỏ đã mất cha mẹ, muốn sớm lấy vợ để truyền tông nối dõi. Hơn 10 năm nay, tôi đi khắp nơi cầu thân nhưng vẫn không thể như ý. Hôm nay có người đến đây mai mối cho tôi, đối tượng là con gái của Phan Tư mã, chuyện hôn sự này có thể thành không?”

Ông lão trả lời: “Không thể thành, thê tử của cậu vừa tròn 3 tuổi, đợi đến 17 tuổi mới có thể tiến vào cửa nhà cậu”.

Vy Cố bán tín bán nghi, tò mò hỏi: “Trong túi vải của ngài có gì vậy?”

Ông lão điềm nhiên trả lời: “Tơ hồng! Dùng để buộc vào chân của đôi phu thê. Chờ đến khi họ đã kết nhân duyên, ta sẽ lặng lẽ đem tơ hồng buộc vào chân của họ. Dù cho hai nhà là thù địch, hay giàu nghèo cách biệt, hoặc là xa cách nghìn núi nghìn sông, chỉ cần tơ hồng buộc rồi thì sẽ không thoát được nữa. Chân của cậu với chân của cô ta đã buộc cùng nhau rồi, cậu đi tìm người khác có ích gì?”

Vy Cố nôn nóng hỏi tiếp: “Thê tử của tôi là ai? Nhà ở đâu?”

Ông lão lật giở sách rồi đáp: “Con gái của nhà bán rau ở phía bắc lữ quán”.

Vy Cố lại sốt ruột hỏi: “Có thể đi xem một chút không?”

Ông lão nói: “Lão bà bà thường bế cô ấy theo đi bán rau, cậu đi theo ta, ta chỉ cho cậu xem”.

Chờ đến khi trời sáng, người mà Vy Cố đợi mãi không xuất hiện, Vy Cố dứt khoát rời đi cùng ông lão.

Ông lão thu sách lại, lưng đeo túi vải, cùng với Vy Cố đi đến chợ rau. Đến nơi, nhìn thấy một lão bà đã bị mù một con mắt, đang ôm một đứa trẻ 3 tuổi, đứa bé nhìn rất bẩn thỉu và khó coi.

Ông lão chỉ vào đứa bé rồi nói với Vy Cố: “Đó chính là thê tử của cậu”. Vy Cố nhìn thấy “thê tử” trước mắt thì rất không bằng lòng, thầm nghĩ: Kết hôn cần môn đăng hộ đối, ta xuất thân nhà sĩ phu, há có thể cưới vợ là nữ nhi thô tục như thế này sao?

Vy Cố tức giận hỏi rằng: “Tôi giết cô ta được hay không?”

Ông lão cười nói: “Trong mệnh đứa bé này đã định trước là có đại phú quý, còn cùng cậu hưởng phúc, tại sao lại giết?”

Nói xong ông lão liền biến mất.

Vy Cố sau khi quay về đã mài một cây dao rồi giao cho đầy tớ, đồng thời nói rằng: “Ngươi xưa nay rất làm nên chuyện, nếu như ngươi vì ta giết đứa bé đó, ta thưởng cho ngươi một vạn tiền”.

Người đầy tớ đồng ý, bèn giấu cây dao vào trong tay áo rồi đi thẳng đến chợ, lợi dụng lúc nhiều người hỗn loạn, đã ra tay đâm đứa bé một nhát dao. Chợ rau lúc này rất hỗn loạn, người đầy tớ nhờ thế mà thoát thân.

Sau khi người đầy tớ quay lại, Vy Cố hỏi: “Ngươi có đâm trúng hay không?” Người đầy tớ nói: “Mới đầu tôi muốn đâm vào tim con bé, nhưng đâm không chuẩn, đã đâm vào giữa hai lông mày”.

Về sau, Vy Cố tiếp tục cầu hôn mấy mối nhưng đều không thành công.

Một khi tơ hồng đã buộc, sẽ không thể nào chạy thoát mối lương duyên

Chợ rau lúc này rất hỗn loạn, người đầy tớ nhờ thế mà thoát thân. (Ảnh minh họa: Tài sản công)

Mười năm sau, Vy Cố nhờ quan hệ của phụ thân mà đến được Tương Châu làm dưới trướng của Sâm quân Thích sử Vương Thái, chuyên phụ trách thẩm vấn tù phạm. Vương Thái thấy Vy Cố được việc, bèn hứa gả con gái cho anh ta.

Vị thê tử tân hôn của Vy Cố tầm 16, 17 tuổi, dung mạo mỹ lệ. Vy Cố rất bằng lòng, nhưng anh phát hiện giữa hai lông mày của thê tử luôn dán một miếng hoa giấy nhỏ, dù là tắm rửa hay đi ngủ cũng không tháo ra.

Một năm sau, Vy Cố nhớ đến chuyện năm xưa người đầy tớ đã đâm bị thương đứa bé, thế là ép hỏi thê tử. Thê tử nước mắt lã chã, nói: “Thiếp là cháu gái của Quận thủ Đại nhân, không phải là con đẻ của ngài ấy. Phụ thân của thiếp lúc còn sống là huyện lệnh Tống Thành, mất lúc đang nhậm chức. Lúc đó thiếp vẫn còn trong nôi, mẫu thân và ca ca cũng lần lượt qua đời. Trong nhà chỉ còn lại một trạch viện ở nam Tống Thành, thiếp và nhũ mẫu họ Trần cùng nhau sống ở đó, dựa vào bán rau sống qua ngày. Nhũ mẫu thương thiếp còn quá nhỏ, nên luôn mang theo thiếp ở bên. Năm ba tuổi khi nhũ mẫu đang bế thiếp đi trong chợ rau, đột nhiên có một tên côn đồ dùng dao đâm trúng giữa trán của thiếp, đến nay vẫn còn lưu lại một vết sẹo, vậy nên thiếp ngày ngày đều phải dùng hoa giấy để che lại. Bảy, tám năm sau, thúc thúc đến Lư Long nhậm chức và đón thiếp đến ở cùng, đồng thời lấy danh nghĩa con gái của thúc ấy để gả cho chàng”.

Vy Cố hỏi: “Nhũ mẫu họ Trần có phải bị mù một mắt không?” Thê tử nói: “Đúng, chàng làm sao mà biết được?”

Vy Cố đành thật lòng nói: “Người đâm nàng là ta phái đi, đây quả thật là một chuyện kỳ lạ!” Vy Cố bèn đem ngọn nguồn sự tình nói cho thê tử.

Phu thê hai người từ đó càng tương kính như tân, về sau sinh hạ một bé trai đặt tên là Vy Côn. Vy Côn lớn lên học hành đỗ đạt, làm đến chức Thái thú Nhạn môn. Nhờ vậy, thê tử của Vy Cố được phong làm Thái phu nhân quận Thái Nguyên.

Sự việc trong mệnh đều đã định, sức người dẫu lớn đến đâu cũng không thể nào cải biến. Quan huyện Tống Thành sau khi nghe được chuyện này đã đặt tên cho lữ quán nọ là “Định hôn điếm”.

Từ đó người ta bèn đem người mai mối, thay đôi nam nữ bắc cầu nối duyên gọi là “Nguyệt hạ lão nhân” (ông lão dưới trăng), hay gọi tắt là “Nguyệt lão”.

Người xưa rất tin vào “thuyết định mệnh”, cho rằng vạn vật trên đời đều đã có định số, do đó bớt tranh giành thì nghiệp chướng sẽ ít. Các câu thành ngữ như “Nguyệt hạ lão nhân”, “Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên” (ngàn dặm nhân duyên chung một đường), chính là nói rằng đại sự hôn nhân đã được định trước từ lâu.

(Theo “Tục huyền quái lục – Định hôn điếm”)

Thái Bình, Vương Cận thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét