Trọng tâm của năng lượng xanh là các công nghệ bao gồm tua bin gió, tấm pin mặt trời và xe điện - những thứ phụ thuộc vào một số nguyên liệu thô quan trọng chẳng hạn như than chì (graphite) và các nguyên tố đất hiếm. Đối với nhiều loại nguyên liệu này, Trung Quốc – đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ – là nhà cung cấp và nấu luyện chủ chốt của thế giới.
“Tôi nghĩ chiến lược của họ là khiến thế giới phương Tây phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ. Đó là một cuộc chiến mà không cần phải chiến đấu", ông Malloy nói thêm.
Trung Quốc độc quyền
Ông Malloy dẫn ra một ví dụ về đất hiếm, nhóm gồm 17 nguyên tố mà Trung Quốc gần như độc quyền toàn cầu.
Ông nói: “Tất cả những loại đất hiếm này đều được sử dụng trong công nghệ điện gió, công nghệ điện mặt trời, xe điện, cũng như điện thoại di động và máy tính của chúng ta. Cả thế giới thực sự phụ thuộc vào Trung Quốc vì đất hiếm".
Đất hiếm thực sự không hiếm. Trên thực tế, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) mô tả trữ lượng đất hiếm là “tương đối dồi dào”.
Ông Malloy giải thích: “Chỉ là chúng hiện diện trong đất với hàm lượng rất thấp. Vì vậy, bạn phải khai thác lộ thiên để có được chúng”.
Lý do khiến phương Tây ngừng khai thác đất hiếm, theo ông Malloy, là do áp lực phải bảo vệ môi trường, vì những hoạt động như vậy sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
“Nhưng bạn có thể khai thác lộ thiên ở Trung Quốc. Họ không có quy định về môi trường”, ông nói. “Trung Quốc đã tình nguyện làm việc này”.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu, theo dữ liệu do USGS tổng hợp. Theo một nghiên cứu năm 2019 của công ty tư vấn Adamas Intelligence, Trung Quốc vào thời điểm đó chiếm 85% năng lực toàn cầu trong việc biến các khoáng sản được khai thác này thành các dạng có thể sử dụng được cho các nhà sản xuất.
Phần lớn đất hiếm của Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc, dù sự phụ thuộc này đã giảm bớt trong những năm gần đây. Dữ liệu của USGS cho thấy, từ năm 2018 đến 2021, Trung Quốc cung cấp 74% đất hiếm nhập khẩu vào Hoa Kỳ, giảm từ mức 80% trong giai đoạn 2014-2017.
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng cắt nguồn cung những nguyên liệu mà có tính quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Năm 2019, giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm, cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc đã đe dọa sẽ hạn chế bán đất hiếm cho Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đưa Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với quân đội nước này - vào danh sách đen.
Đó không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng sự độc quyền đối với các kim loại quan trọng để có được đòn bẩy. Năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã tạm thời chặn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á leo thang liên quan đến các hòn đảo tranh chấp sau vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc.
Hoa Kỳ sẽ ngày càng phụ thuộc
Trong cuộc phỏng vấn, ông Malloy đã bày tỏ lo ngại về nỗ lực của chính quyền Biden trong việc chuyển đổi nước Mỹ sang các nguồn năng lượng xanh.
Tổng thống Joe Biden đã công bố các quy định liên bang mới, trong đó cấm mua xe chạy bằng xăng dầu vào năm 2035. Bang California đang cấm ô tô hạng nhẹ chạy bằng xăng dầu, trong khi các bang khác, như Virginia và New Jersey, đang rục rịch đi theo hướng đó.
Ông Malloy nói: “Thật vô cùng khó chịu khi thấy các chính trị gia của chúng ta đưa ra các yêu cầu bắt buộc liên quan đến năng lượng gió, năng lượng mặt trời và xe điện này. Xe điện đến từ đâu? Chúng ta sẽ sản xuất chúng như thế nào nếu chúng ta không có mối quan hệ tốt với Trung Quốc?".
Những nguy cơ khi dựa vào Bắc Kinh để có được các loại nguyên tố kim loại then chốt đã một lần nữa được chú ý khi Trung Quốc công bố kiểm soát xuất khẩu than chì - nguyên liệu cần thiết cho các phương tiện chạy điện.
Trung Quốc kiểm soát hơn 65% nguồn cung than chì của thế giới. Lệnh kiểm soát này cấm các nhà xuất khẩu Trung Quốc xuất đi than chì tự nhiên và nhân tạo cũng như các sản phẩm của họ kể từ ngày 1/12, trừ khi họ có được giấy phép. Bắc Kinh ban hành lệnh này chỉ 3 ngày sau khi Washington công bố các biện pháp hạn chế mới đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Bộ thương mại Trung Quốc cho biết lệnh của họ là để "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia", nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ gọi lệnh này là bằng chứng mới nhất về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vũ khí hóa thương mại qua các điểm thắt trong chuỗi cung ứng.
Ông Malloy lưu ý: “Trung Quốc là nhà sản xuất duy nhất than chì tinh chế dùng cho mọi loại pin xe điện. Vì vậy, nếu ngay bây giờ Trung Quốc ngừng xuất khẩu than chì tinh chế thì sẽ không có pin xe điện nào được sản xuất".
Trong khi một số công ty và chính phủ ở phương Tây đang tìm cách thâm nhập thị trường than chì, ông Malloy cho rằng phải mất nhiều năm để xây dựng một ngành công nghiệp mà Trung Quốc đã dẫn đầu trong nhiều thập kỷ.
Ông Malloy nói, cách ĐCSTQ tiếp cận thế giới “hoàn toàn khác” với cách của người phương Tây, đồng thời tin rằng dường như không có nhiều người ở Đồi Capital (Mỹ) hiểu được chiến lược của chế độ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Ông Malloy cho biết: “Mục tiêu Trung Quốc công bố là trở thành siêu cường toàn cầu duy nhất vào năm 2049”, trong khi Hoa Kỳ lại đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi quốc gia sang công nghệ năng lượng xanh và hướng tới đạt được “trung hòa carbon” vào năm 2050. “Thực ra chúng ta đang hoạt động theo cùng hướng” với ĐCSTQ.
“Chúng ta [Mỹ] có đối thủ địa chính trị ngoài kia, nếu không muốn nói là kẻ thù không đội trời chung, được gọi là Trung Quốc. Chúng ta đang khiến mình phụ thuộc nhiều hơn vào họ về mặt kinh tế ”, ông Malloy nói.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét