Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

Điều Kiện Nhà Tù Ở Việt Nam Ra Sao?

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ tại Washington, DC, cùng bà Anke Opperman, thuộc văn phòng về tự do tôn giáo toàn cầu của Đức. 

TNLT NGUYỄN BẮC TRUYỂN: ĐIỀU KIỆN NHÀ TÙ Ở VIỆT NAM RA SAO?
Mạch Sống 

TNLT Nguyễn Bắc Truyển: Điều kiện nhà tù ở Việt Nam ra sao?

2025-03-03

Hải Di Nguyễn Trong phỏng vấn đăng trên Radio Saigon Houston ngày 18/2/2025, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển đã kể về các hoạt động đấu tranh của mình cho nhân quyền và tự do tôn giáo, nói về cách nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo Hòa Hảo, và cho biết cách tiếp tục hoạt động sau khi sang Đức. Trong phỏng vấn, ông cũng kể lại quãng thời gian bị tù đày ở Việt Nam.   Ông Nguyễn Bắc Truyển đi tù khi nào? Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt lần đầu năm 2006, bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCNVN” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Bị bắt lần hai năm 2017, bị tuyên án 11 năm tù giam, 3 năm quản chế vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.   Điều kiện nhà tù Việt Nam Lần tù đầu tiên, ông Nguyễn Bắc Truyển bị giam ở nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn. “Việc giam giữ ở đây khắc nghiệt lắm. Họ giam mình trong buồng rất nhỏ, thiếu thông thoáng không khí. Rất khó thở. Mình chỉ tìm được làn gió đi vào dưới khe cửa, mong có chút oxy để thở. Sau này tôi vẫn còn cảm giác ngợp thở đó,” ông kể lại. “Tôi từng nói chuyện nhiều với các anh, các em bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Họ đều khẳng định đó là một địa ngục trần gian… Nhà cầm quyền cộng sản giam giữ các nhà đấu tranh tại đó, và đối xử với họ rất khắc nghiệt.” Đó là lần đầu tiên. “Lần thứ hai, trong khoảng 4 năm rưỡi tôi sống ở trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, phải nói rằng họ biệt giam.” Theo một phỏng vấn đăng trên VOA Tiếng Việt ngày 21/9/2023, ông Truyển cho biết “13 lá thư tôi gửi về nhà thì tại giam An Điềm đã tịch thu một cách không có lý do.” Từ trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, ông bị chuyển sang trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai và không còn bị biệt giam. Trên Radio Saigon Houston, ông Nguyễn Bắc Truyển nói mặc dù mình không bị biệt giam, trại Gia Trung vẫn có buồng biệt giam cho tù nhân. “Khắc nghiệt hơn nữa là, theo tôi được biết, họ giam 24/24 người tù trong buồng giam, không cho họ ra ngoài để hít thở không khí trời, để có thể vận động, tập thể dục, hay đàn hát như trước đây tôi ở trại giam An Điềm.” Ông cũng nói thêm “Thường hệ thống nhà giam rất cũ kỹ, nên các đường ống thoát nước không còn tốt nữa, thường xuyên bị nghẹt, hoặc bị bể, chặn các đường thoát nước đi. Nên những mùi hôi xộc vào nhà tù, xộc vào trại giam, người tù phải hít không khí đó hàng ngày. Rất mất vệ sinh. Nó gây ra bệnh tật như viêm xoang mũi, hay bệnh về đường hô hấp, thậm chí có bệnh về đường tiêu hóa.”  Tuy nhiên, ông cũng nói “Nếu so cuộc sống tù hiện nay với các chú bác từng là sĩ quan hay viên chức của Việt Nam Cộng hòa, phải nói là nó không khắc nghiệt bằng.” Điều đó là vì hiện nay có internet, có mạng xã hội, và có sự lên tiếng và can thiệp của quốc tế.   Từng tuyệt thực trong tù Trong thời gian bị giam cầm, ông Nguyễn Bắc Truyển đã vài lần tuyệt thực để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 30/5/2019, tờ VOA Tiếng Việt đưa tin ông Truyển cùng một số tù nhân khác tuyệt thực để phản đối việc cán bộ trại giam An Điềm kỷ luật, biệt giam, và cùm chân tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa.  Ngày 14/12/2020, tổ chức Human Rights Watch đưa tin ông Truyển lại tuyệt thực vì “tình trạng ngược đãi, không giải quyết các khiếu nại” ở trại An Điềm: thu giữ thư từ không nêu lý do, không cho khám chữa bệnh dù ông bị đau khớp nghiêm trọng. Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders cũng lên tiếng là tình trạng sức khỏe của hai tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức bị “suy giảm trầm trọng” vì tuyệt thực phản đối điều kiện nhà tù.    Lên tiếng với quốc tế Sắp tới tại Geneva, Thụy Sỹ, ông Nguyễn Bắc Truyển sẽ có mặt tại phiên rà soát nhà nước Việt Nam về Công ước Quyền người khuyết tật, cùng đại diện của BPSOS. Hai tổ chức BPSOS và Đức tin & Công lý đã gửi một bản báo cáo chung cho Ủy ban trên về ba chủ đề chính: thương phế binh VNCH, nạn nhân bị tra tấn trong “trại cải tạo” hoặc nhà giam/nhà tù, và nạn nhân buôn người bị đánh đập và trở thành khuyết tật. Riêng ông Truyển, với tư cách là nhà hoạt động nhân quyền và cựu tù nhân lương tâm, sẽ phát biểu về vấn đề nạn nhân bị tra tấn (về thể chất, tâm lý, xã hội…) trong ngục tù ở Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng sẽ nói về thương phế binh VNCH, vì từng phối hợp chương trình trợ giúp thương phế binh VNCH của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng và biết rõ họ bị phân biệt đối xử thế nào trong suốt 50 năm qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về phiên rà soát trên Mạch Sống và trang Facebook BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam. Quý vị có thể xem trực tiếp phiên rà soát vào ngày 6-7/3 trên trang UN Web TV.

Mạch Sống 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét