MỘT NÉN NHANG CHO QUÁ KHỨ
Thu Tuyết
Trời đổ mưa chiều, những
hạt mưa không lớn nhưng cái lạnh giữa đông làm tâm hồn tôi se lại. Có phải
ngẫu nhiên khi có nhiều cái chết liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải với lý do:
“Tai nạn giao thông và đột tử”! Chưa nói đến những vụ án khác như té từ lầu
cao của một số quan chức cao cấp, những cái chết đột ngột này đã khơi lại
trong tôi một câu chuyện buồn cuả gia đình.
Bây giờ ba tôi không còn nữa, Mẹ tôi cũng đã ra đi, chỉ còn lại trong tôi một ký ức về tuổi thơ. Những buồn vui như những gợn lăn tăn của sóng phủ dài trên lối đi thánh thiện. Thời gian như vạt nắng chiều nhẹ nhàng tan biến để trả lại bóng đêm tĩnh lặng với trời sao, với tiếng gọi của không gian sâu thẳm màu cuộc đời.
Biến cố 1975, mọi việc thay
đổi. Gia đình tôi trở về làng quê, một ngôi làng xinh xắn có luỹ tre bao
quanh với cánh đồng lúa mênh mông yên bình cùng những kỷ niệm của thời thơ
ấu. Tuy nhiên, làng tôi hôm nay không như ngày xưa tôi còn bé; bởi tiếng
kẻng, tiếng điểm danh người lao động ra đồng vào mỗi sáng, và đánh giá phê
bình thành tích vào mỗi chiều. Hầu như mọi thứ là của tập thể.
Hai người anh tôi đi học
tập cải tạo, chị tôi mất việc làm, anh kế tôi bị cho thôi học vì lý lịch xấu.
Tôi và hai em vẫn ở lại thị xã để tiếp tục việc học (vì chúng tôi ở bậc trung
học nên còn được ngồi lại ghế nhà trường), một phần vì gia đình tôi không ai
được phép bỏ học nửa chừng.
Tôi học không tệ, nếu không
nói là xuất sắc thì cũng kế người xuất sắc. Tôi tham gia mọi sinh hoạt của
trường lớp, nhưng không được cho vào hội đoàn lúc bấy giờ (vì điều này có ảnh
hưởng tới việc học tiếp sau đó), lý do: không đủ tiêu chuẩn. Tôi ngơ ngác như
con nai lạc bầy, nhưng vẫn ngây thơ chờ đợi một sự công bằng.
Vào một sáng trong sân
trường rợp hoa phượng, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn để nghe thầy cô có đôi lời
trước khi kết thúc một niên khoá và phát thưởng cho những học sinh xuất sắc.
Tôi hồi hộp chờ đến tên mình để lên nhận phần thưởng của năm cuối cùng ở bậc
phổ thông. Nhưng phần thưởng ấy được trao cho bạn lớp phó học tập với thứ
hạng không nằm trong số 3 người đứng đầu lớp!
Tôi buồn bã thất thểu về
nhà ngồi khóc, khóc như cô Tấm mồ côi bên thềm giếng khi bị mất con bống,
khóc như đứa trẻ bị tước lấy cây kem vào một trưa hè nóng rực và khóc vì sự
rạn nứt của một tâm hồn còn lóng lánh pha lê. Mãi đến 30 năm sau, tôi mới
biết lý do: “Con nhà ngụỵ làm gì có thưởng!”. Đó là lời phát biểu của cô giáo
chủ nhiệm, người từ phía Bắc vào để “cải tạo” giáo dục. Tôi nào biết đó chỉ
là một bắt đầu cho những sóng gió đời mình.
Rồi chuyện đó cũng qua, tôi
nộp đơn để thi vào một trường Đại học với bao náo nức của tuổi đầu đời. Ngày
thi, tôi được gia đình, người thân và bạn bè chăm sóc chu đáo với kỳ vọng tôi
sẽ đạt kết quả tốt. Nhưng điều ấy không xảy ra. Bạn bè tôi lần lượt vào
trường nhập học. Tất cả đều có giấy báo điểm kể cả thi rớt, nhưng với tôi thì
biệt tin. Tôi vẫn tiếp tục đợi chờ cho dẫu mong manh. Phải chăng Thượng đế
bắt tôi thực tập bài học này vì Ngài biết rằng tôi sẽ còn “nhiều cơ hội” để
đợi chờ.
Gia đình tôi luôn sống
trong tình trạng căng thẳng. Ba tôi suốt ngày lo viết đơn khiếu nại để đòi
lại sự công bằng cho chúng tôi được đi học. Giai đoạn đó có được tiếp tục học
hay không là phụ thuộc vào lý lịch. Mẹ tôi bỏ rất nhiều thời gian để chăm sóc
ba tôi, nhưng càng ngày ông càng yếu thêm vì những lo âu.
Sau năm 1975, chính quyền
địa phương đưa ba tôi vào một nơi để giữ những thứ họ thu được của những
người di tản từ các tỉnh miền trung và cao nguyên vào Nam. Lúc ấy tôi ngạc
nhiên vì chứng kiến sự bắt bớ và tịch thu tài sản. Việc bắt người tôi có thể
hiểu, nhưng lấy tài sản của những người dân vô tội thì vẫn là một dấu hỏi
trong tôi.
Bản chất ngay thẳng và
trung thực cùng những hiểu biết về lý thuyết của giai đoạn 1945 -1954; ba tôi
là người duy nhất không dính vào vụ tham ô tài sản đang thu giữ. Ông cũng là
người biết rõ việc bê bối của họ (một số người nòng cốt trong chính quyền địa
phương và các cấp lãnh đạo cao hơn). Vì vậy, để sự chia chác được suôn sẻ và
tránh hậu hoạ về sau, họ đã gán ghép ba tôi rất nhiều tội lỗi, truất quyền
công dân (không được bầu cử) và buộc ông đi học tập cải tạo. Với sức khoẻ
yếu, ba tôi sẽ chết trong tù. Đó là mục tiêu họ muốn.
Tuy nhiên, may mắn cho gia
đình tôi là đã xuất hiện một vị cứu tinh, một người liêm chính còn sót lại
trong hệ thống chính quyền lúc bấy giờ đã điều tra sự việc. Cuối cùng hai
trong số bọn họ bị bắt giam và 3 ngày nữa vụ khiếu kiện này sẽ được đưa ra
xét xử.
Suốt nhiều năm, gia đình
tôi luôn bị canh giữ ngày đêm bởi những người được gọi là “du kích”. Thời
gian gần xét xử, họ canh gác ba tôi kỹ hơn cùng những lời hăm doạ. Chúng tôi
đã luôn sống trong nỗi lo âu, sợ hãi. Tôi khóc nhiều vì chứng kiến sự bất
công, vì bị đàn áp và vì không thực hiện được ước mơ đơn giản nhất là được
học.
Vào một sớm đầu mùa hạ, tôi
mang ba lô lên rừng để lao động (lao động và sinh hoạt văn hoá là việc bắt
buộc của thanh niên lúc ấy). Mặt trời chưa lên, hàng cây còn lặng gió, vài
con bồ câu mẹ dậy sớm để tìm mồi. Chúng chạy lúp xúp trong sân, quanh quẩn
chỗ ba tôi ngồi để chờ những hạt thóc; bởi ông thường cho chúng ăn vào mỗi sáng,
chiều. Ba tôi ngồi ở bậc thềm nhà nhìn tôi với đôi mắt buồn sâu thẳm. Ánh mắt
ấy nằm sâu trong ký ức và mãi mãi tôi không quên. Tôi chào ba để ra đi nào
biết rằng đây là lần vĩnh biệt!
Con đường lên vùng kinh tế
mới, một vùng miền núi, hun hút gió rừng. Những ổ gà ổ voi làm chậm tốc độ
chạy xe. Đi được vài giờ, chúng tôi rẽ vào một con đường mòn mà có lẽ chỉ
dành cho người dân tộc thiểu số để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. May không
là mùa mưa nên chỉ có bụi đường che mờ lối đi. Tôi ngắm nhìn bầu trời xuyên
những cành cây kẽ lá và hứng lấy ánh nắng nhạt dần qua bóng râm. Tôi cảm nhận
khí trời đầy oxy và nhẹ nhàng hít thở. Tôi quên những gì xảy ra phía sau chỉ
biết rằng tôi đang tiến dần đến nơi an toàn nhất - núi rừng. Bởi thiên nhiên
không làm tổn thương tôi, thiên nhiên không chất chứa hận thù, không lọc lừa
gian dối, không đố kỵ ghen tuông, không rập rình nhà tôi sớm tối và cũng
không đòi hỏi lý lịch trong sạch mới được học hành.
Mặc dầu bên đường là hố
thẳm, nhưng núi rừng đã che chở chúng tôi suốt chặng đường đi. Thỉnh thoảng
bắt gặp những đôi mắt ngơ ngác của lũ trẻ con mặc khố dừng lại bên đường để
nhìn con quái vật ồn ào khuấy động không gian yên tĩnh của họ. Một sự xâm
nhập không được phép, nhưng vẫn cứ nghênh ngang như sự nghênh ngang chiếm giữ
tài sản của người dân vô tội. Đàn chim rừng ríu rít bay ngang, có phải chúng
chào đón hay đuổi xua khách lạ? Vài con chồn, con sóc chạy băng qua đường rồi
sợ hãi đứng nhìn. Vẫn bụi mịt mù bao phủ chúng tôi khi xe lao qua những chỗ
trũng trên đường.
Trời sụp tối, chúng tôi đến
một láng trại, nơi dành cho những người đi khai phá thiên nhiên. Đêm núi rừng
khủng khiếp làm sao. Chỉ nghe gió gào và tiếng tru tréo của thú dữ. Tôi nằm
suy nghĩ miên man về thân phận mình, về gia đình. Ánh mắt ba tôi vẫn nhìn tôi
trong đêm tối. Tôi nóng lòng như có điều gì bất ổn, rồi trở mình trong bóng
đêm để nghe hơi thở của núi rừng, để tức tưởi với cuộc đời ở tuổi xấp xỉ đôi
mươi, cái tuổi đầy đam mê náo nức thực thi những mơ ước đầu đời. Giờ này có
lẽ bạn bè tôi đang ngủ say để mỗi sáng mai thức dậy thấy cuộc đời xanh hơn
với cỏ cây sân trường, sách vở, thầy cô và bè bạn. Còn tôi, trong đêm đen
hoang dại của núi rừng.
“T ơi, thức dậy lấy ba lô
đi về” tiếng gọi của anh trưởng đoàn phá tan sự ma quái của màn đêm. Như một
linh cảm, có điều gì rất lạ. Tôi bước ra gặp ngay một người bà con đang đứng
đợi:
“Mình về, ba em bị tai nạn
đang nằm viện”.
“Có nặng không anh?” tôi hỏi.
“Không sao, chỉ gãy chân thôi”, anh đáp ngắn gọn và lạnh lùng. Chúng tôi quay về trong bóng đen, đen như cuộc đời tôi lúc ấy. Im lặng, anh chở tôi trên chiếc Honda quá cũ. Cũng may nó không nằm lại dọc đường, nếu không đã là mồi ngon cho những con cọp đói. Đầu óc tôi quay cuồng với những ý nghĩ gàn dở. Ba tôi đã vì chúng tôi mà phải bạc đầu đối phó với một thế lực hung tàn của chính quyền địa phương. Nếu ông có mệnh hệ nào, chúng tôi sẽ ra sao? Mẹ tôi một mình tần tảo chỉ đủ để nuôi sống gia đình. Hai anh tôi vừa về từ trại cải tạo phải sống chui rúc như con vật. Anh chị em tôi chưa quen với cuộc sống mới. Áp lực xã hội như những bóng mây che khuất lối đi. Tương lai mờ mịt!
Về đến cổng nhà, tôi thấy
mọi người đông đúc, đèn đuốc sáng choang. Có một nhóm người đang đục đẽo:
đóng hòm! Tôi nghĩ. Thế là hết, ba tôi bị tai nạn và qua đời! Tôi lững thững
bước vào trong. Chị tôi gào lên trong nỗi uất hận: “Em ơi, Ba bị thằng Hải
con bà hai Phố bắn chết rồi! Vào đi để nhìn mặt ba lần cuối”. Tôi bước đi
trong vô định. Đến bên giường, chiếc giường đơn nơi ba tôi đang ngủ yên, vĩnh
viễn. Trên ngực áo còn lại vài vệt máu đã khô. Ôi! Ba tôi! Đôi mắt hiền từ,
dáng đi khoan thai, luôn nhân từ và rộng lượng với cuộc đời. Tôi gục xuống
bên chiếc giường lạnh lẽo trong tiếng nấc nghẹn ngào, Ba ơi!
Những ngày sau cuối, ba phờ
phạc vì thức đêm để suy nghĩ: cách nào đưa ra ánh sáng thế lực tham ô, cách
nào lấy lại sự công bằng cho chúng tôi đi học. Ôi! cái lý lịch chết tiệt ấy.
Giá mà không phải nó thì giờ này ba tôi đang ung dung với cuộc sống cho dẫu
đầy khó khăn phía trước.
Một tháng trước khi bắn,
chúng đã rình rập chờ ba tôi ra đường vào ban đêm để thủ tiêu (vì sau bữa cơm
chiều, ba tôi thường lui tới nhà một vài người bạn thân). Nhưng có lẽ người
lành nên thượng đế đã khiến ông không ra đường vào đêm tối trong thời gian
đó. Để hôm nay, lộ diện kẻ hung tàn, một cách trân tráo và dã man. Chúng đến
nhà và ngang nhiên bắn ba tôi tại chỗ với lời lẽ hống hách của kẻ có quyền:
“Tại sao ông kiện để cậu và anh tôi bị bắt giữ?”.
Sau khi bắn xong, hắn bước
ra chĩa súng vào cả nhà tôi đang ngồi ăn sáng: “Đứa nào cử động, tao bắn chết
hết”. Rồi hắn leo lên chiếc xe đạp, đạp tới nhà một người đàn bà là hội
trưởng hội phụ nữ lúc ấy: “Tôi đã giải quyết xong ông LBN.” hắn nói với bà ta
một cách sung sướng và đầy hãnh diện. Xong việc, hắn quay về huyện tiếp tục
“sự nghiệp của một tên vệ sĩ bảo vệ ông Bí thư!”.
Khoảng 5 tháng sau đó,
chính quyền đưa vụ án giết người công khai ra xét xử. Loa phóng thanh được
gắn khắp nơi cho người dân lắng nghe nếu không có thời gian đến xem trực tiếp
tại sân vận động của thị xã. Công an dẫn hắn ra với một vẻ mặt thản nhiên,
thản nhiên như một cuộc “giao lưu” của người nghệ sĩ với khán giả. Một cuộc
xét xử đã được sắp đặt. Hắn nhận tội rằng: tự đi bắn ba tôi mà không ai sai
bảo hay bắt buộc. Gia đình tôi biết rất rõ kẻ chủ mưu nên kháng án. Lần xét
xử sau tại Toà án Nha Trang (tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ), chỉ vài người trong
gia đình tôi tham dự. Hắn vẫn nét mặt thản nhiên, không thay đổi lời khai.
Như lần trước, toà cũng tuyên án tử hình. Thế là kết thúc một tấn tuồng mà
đằng sau cánh gà là những nụ cười hả hê của kẻ chủ mưu và đồng bọn, đối
nghịch là cảnh tang thương của một gia đình!
Ông ngoại tôi thường xuyên
lui tới hơn để an ủi mẹ và là chỗ dựa tinh thần cho gia đình tôi. Bằng mọi
giá, chúng tôi phải sống, cho dẫu như những con giun oằn lưng chịu đựng. Cứ
mỗi ngày qua đi, tôi cảm nhận rõ nét hơn sự suy yếu của một gia đình mồ côi
cha. Những khó khăn vật chất không làm tôi gục ngã, nhưng những tổn thương
tinh thần đã làm tôi đau đớn. Một tâm hồn pha lê vỡ nát bởi những va đập của
trần gian. Tin ai bây giờ?
Tôi vẫn phải tiếp tục những
sinh hoạt của địa phương dưới sự quản lý của chính quyền, chỉ khác là gia
đình tôi không còn bị rình rập bởi những du kích. Vì có một chút năng khiếu
về âm nhạc nên người ta đưa tôi vào một đội văn nghệ. Mang trong lòng đầy mặc
cảm của một cô gái không được đi học, của một gia đình suy sụp cả vật chất
lẫn tinh thần; tôi làm việc như một người máy. Tôi phải hát, làm xướng ngôn
viên và còn cả thuyết trình trước hàng ngàn thanh niên những đề tài như:
“Tình yêu và hôn nhân trong xã hội mới…”! Thật buồn cười, một cô gái 18 tuổi
chưa một lần biết yêu! Vậy mà, phải nói về kinh nghiệm yêu! Có phải vì những
"nổi bật" này mà tôi biến thành tâm điểm tập trung sự chú ý của
những tấm lòng đố kỵ, hẹp hòi; nên tiếp tục chịu đựng những vùi dập cuộc đời.
Điều này đã ảnh hưởng rất sâu đến cách sống của tôi trong một thời gian dài
sau đó. Tôi lại tiếp tục ngơ ngác trước lòng dạ thâm hiểm của con người!
Rồi một ngày mùa đông, bầu
trời u ám. Tôi đếm từng giọt mưa rơi trên lá trước hiên nhà. Những cơn gió lạnh
rít qua làm tâm hồn tôi thêm tê buốt. “Con ơi, có giấy báo đi học” Mẹ gọi
tôi. Có phải đây là sự xoa dịu của chính quyền địa phương vì cái chết của ba
tôi?
Tôi vào một trường sư phạm
nơi tôi không hề nghĩ đến trước đó. Nhưng để thoát khỏi địa phương, thoát
khỏi sự ám ảnh của tang tóc, đau thương; tôi phải đi. Suốt thời gian học tại
NhaTrang, một thành phố biển êm ả với rặng dừa xanh và màu nước biếc; tôi
chưa đủ bản lĩnh để thoát khỏi những đau buồn. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi những
bạo tàn của đồng loại đã trút xuống chúng tôi, những con người vô tội. Sự hồn
nhiên trong sáng trong tôi không còn nữa. Tôi ít nói và sống thu mình để gặm
nhấm nỗi buồn từng ngày tháng ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Sau khi tốt nghiệp, tôi về
một ngôi trường gần nhà được hai năm và hầu như chỉ để làm văn nghệ cho ngành
giáo dục. Bởi môn học của tôi đã bị giới hạn theo quy định lúc ấy, học trò
chỉ học ngoại ngữ là tiếng Nga mà không phải tiếng Anh. Sau đó, tôi về sống
tại Sài Gòn. Đấy là lúc tôi thực hiện được đam mê duy nhất của mình là tiếp
tục việc học.
Hai mươi năm sau, tôi quay
lại quê nhà trong một chương trình từ thiện cho Hội trẻ em khuyết tật. Từ
chuyến đi này, dần dần gặp lại bạn bè, và được biết người bắn ba tôi đã bị tử
hình thật sự ngay sau đó! Không như những kẻ chủ mưu trong vụ án đã hứa với
hắn và gia đình hắn rằng: “sẽ lo cho hắn đi vượt biên”! Một kế hoạch hoàn
hảo. Lần thứ hai, thêm một mạng người, chúng đã giải quyết xong“con tốt”!
Phải chăng đây là thói quen giết người để bịt đầu mối của họ?
Từ nơi rất xa, tôi vẫn về thăm mộ ba khi có thể. Với tôi, đó là ngôi mộ đẹp
nhất, không phải vì nó đồ sộ nguy nga, mà vì nó rực rỡ môt cái hồn: công
minh, chính trực và nhân ái. Mỗi lần đốt nén nhang, tôi thầm thì với Người
rằng: “Ba ơi, kỷ niệm buồn con đã quên, nhưng những gì đẹp nhất của tuổi ấu
thơ nơi đồng nội sẽ mãi mãi theo con đến cuối cuộc đời”.
Melbourne,
2020
THU TUYET |
Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020
Một Nén Nhang Cho Quá Khứ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét