Xin hân hạnh giớ thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Bài TUỔI THƠ VÀ HIỆN TƯỢNG THỜI ĐẠI. Tác giả Lê Nguyễn Hằng chia sẻ (CHS-NH Khóa 57-64)
Trân trọng
NHHN
Hình minh họa - internet
TUỔI THƠ VÀ HIỆN TƯỢNG THỜI ĐẠI
Lê Nguyễn Hằng
Đang loay hoay dọn dẹp
sau bữa cơm tối chủ nhật của đại gia đình, bà Tâm nghe từ máy truyền hình đang
nói về “hiện tượng thời đại,”
bà dừng tay tò mò nhìn xem.
Những bài phóng sự liên tục ào ạt chạy trên màn hình. Nào
là cảnh mấy người vừa đang băng qua đường vừa chúi mũi vào điện thoại cầm tay, mặc kệ xe cộ đang chạy tấp nập ngược
xuôi.
Rồi cảnh một gia đình
bước vào tiệm ăn. Sau khi chọn xong món ăn, tất cả năm người đều dán mắt vào
chiếc điện thoại trên tay của mình mà không thèm để ý gì đến người khác và những
sinh hoạt chung quanh.
Kế đến, hình ghi lại một đám con cháu về thăm ông bà, sau lời
chào hỏi vắn tắt sơ sài là cả bố mẹ lẫn con cái đều chăm chăm nhìn vào những
chiếc cell phone mà không ai
nói
chuyện gì với ông bà.
Bà Tâm nghĩ mà thương cho những ông bà nội ngoại này. Chắc là họ thất vọng
ghê lắm! Hàng tuần nhớ con nhớ cháu biết bao, mong đợi biết bao, chờ đến cuối
tuần có dịp chơi đùa trò chuyện cùng tụi nhỏ. Còn lui cui nấu nướng các món ngon mà các con cháu thích để chờ. Vậy mà khi về chúng chẳng thèm ngó ngàng gì đến cả.
Đang vẩn vơ suy nghĩ “thương vay khóc mướn” cho thiên hạ, bà Tâm chợt nghe
tiếng lao xao từ phòng khách, bà bước
ra
xem thì thấy hai thằng cháu ngoại Nam và Bắc đang quay hình bằng iPad và ghi âm
những lời diễn giải chúng nó “tự
biên tự diễn.”
Bà xoay qua hai đứa cháu gái, Sương và Linh. Mỗi đứa ngồi một đầu ghế sofa, mấy ngón
tay đang vừa bấm
thoăn thoắt lên chiếc iPhone vừa tủm tỉm cười. Bà Tâm hỏi:
- Hai đứa có chuyện gì vui thế! Sao không
kể cho nhau và cho bà nghe ké luôn?
Sương chỉ vào chiếc
phone tay và nói:
- Thì cháu đang kể cho Linh nghe bằng text
đây nè bà.
Bà Tâm lắc đầu... hết biết:
- Trời
đất! Hai
đứa đang ngồi trước mặt, sao không nói với nhau mà lại phải kể bằng điện thoại?
Linh đáp:
- Text dễ hơn là nói, còn có hình nên vui
hơn, bà ạ
Bây giờ bà Tâm mới vỡ lẽ
ra. “Căn bệnh thời đại,” họ gọi thế
thật quả không ngoa. Căn bệnh này đã... lây lan tới tận góc nhà của bà từ khuya rồi, mà lâu nay bà nào đâu để ý. Cả
bốn đứa cháu đang ngồi trong cùng một căn phòng mà dùng những dụng cụ điện tử của
thời đại để liên lạc và đối thoại thay vì nói trực tiếp với nhau. Như thế này thì chẳng mấy chốc con người không còn dùng ngôn ngữ để nói chuyện với nhau
nữa sao hả trời! Bà đau lòng nghĩ.
Hình minh họa - internet
***
Chuyện này làm bà Tâm thao thức mãi khi vào giường ngủ.
Nhìn thấy các cháu say sưa với những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền, những mất cả ngôn ngữ, bỗng nhiên bà
nghĩ đến tuổi thơ của mình. Tuổi
thơ thời bà tươi đẹp biết bao, thánh thiện biết bao.
Thuở nhỏ, bà Tâm là con
của một công chức, gia đình đông anh em, tuy không đói khổ nhưng cuộc sống rất
thanh bạch. Ăn tiêu dè sẻn, sách vở, vật dụng, quần áo đều lưu chuyền từ anh chị
xuống các em. Khi còn nhỏ, ngày ngày cùng bạn bè tung tăng vui đùa đi bộ đến
trường, lớn lên đứa nọ đèo đứa kia trên xe đạp chạy thành hàng. Không được cha
mẹ chở đi và cũng chẳng có xe buýt của trường đón về.
Thời
cắp sách đến trường tiểu học, sau giờ học, đám bạn con trai chơi đánh đáo, đánh khăng, bắn bi, những
hòn bi càng nhiều vân đẹp càng quý. Đám
con
gái thì chụm
đầu mải mê chơi chuyền, ô quan, rải ranh, hoặc hai đứa căng giây nhảy thoăn thoắt
theo đường quay nhịp nhàng đều đặn… Lớn hơn tí nữa, con trai tham gia những trò
chơi mạnh dạn như đánh cầu, quay vụ, đá banh, con gái đã biết mắc cỡ nên chỉ
túm năm tụm ba chuyện trò và ăn me ăn ổi chấm muối ớt.
Những buổi chia tay nghỉ hè, đám học trò chuyền nhau những tập lưu
bút có giấy pelure đủ màu, một loại giấy thật mỏng và mịn làm bằng những sợi
bông tinh khiết, nắn nót viết những giòng chữ ngây thơ nói lên sự lưu luyến,
tha thiết nhớ nhung bạn bè trong những ngày xa cách suốt ba tháng nghỉ hè, vì
không biết sang năm có còn gặp lại, được học chung lớp, hay sẽ đổi trường hoặc
theo cha mẹ dời đi tỉnh khác.
Có những câu trong lưu
bút rất văn hoa chải chuốt, nhưng cũng có những câu thật ngây ngô, ngớ ngẩn của
những anh chàng thiếu niên to xác, nghịch ngợm, phá phách, đọc tới ai cũng phải
phá lên cười. Lưu bút ngày xanh quả thật gói ghém nhiều màu sắc, chan chứa bao
tình cảm thơ ngây vụng dại. Trải qua bao nhiêu năm, thỉnh thoảng bà Tâm và mấy
người bạn khi gặp nhau lại
lôi ra đọc và cùng cười rũ rượi với nhau, cười rồi thì buồn vì
làm sao tìm thấy lại “cái
tuổi học trò ngây thơ ấy” nữa?
Bà bâng khuâng nhớ lại những ngày nghỉ hè, đám kẹp tóc dịu dàng,
đuổi bướm hái hoa để ép vào vở, đôi khi ngồi yên lặng đọc truyện hay cặm cụi
làm thơ, chép thơ của những thi sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,
Chế Lan Viên… Trong khi đám húi cua lội sông, tắm biển, chạy đua xe đạp, hoặc
chia làm hai đội đá banh, bầu không khí lúc nào cũng náo nhiệt, chẳng biết có
phải các cậu muốn làm le với bọn học trò con gái không, nhưng trong đám bạn gái của bà cũng có vài đứa âm thầm ái mộ các “tay
thể thao nhà vườn” và để lạc nhịp tim đâu đó...
Có nhiều đứa được về
thăm quê nội, ngoại ở xa. Thỉnh thoảng nhớ
nhà, nhớ trường, viết thư cho bạn thân hay người mình mến mộ, chọn lựa
loại giấy, màu mực để nói lên tấm lòng, ý tưởng của mình, ngồi nghĩ ngợi tìm từng
chữ, lập từng câu, xé đi viết lại nhiều lần, gửi đi rồi thì hồi hộp, chờ mong hồi
âm. Không biết bạn mình nghĩ gì hay có hiểu được tâm ý mình gói ghém trong thư.
Thời ấy, khoảng cách xa xôi mà phương tiện di chuyển khó khăn,
nên lâu lắm thư mới đến tay người nhận.
Ngày ngày nhìn ra cửa ngóng chờ ông đưa thư đi ngang nên sự mong đợi càng lâu
càng nung nấu hơn để rồi thất vọng khi ông ấy hôm nay không ghé qua, rồi lại tiếp
tục chờ đợi. Khi nhận được hồi âm thì ấp ủ lá thư, đọc đi đọc lại gần như thuộc
lòng từng chữ từng câu.
Nghĩ mà buồn, bây giờ thời đại văn minh cái gì cũng
dùng điện tử và kỹ thuật cao, nó đã thay đổi một trời một vực cái cách người ta liên lạc với nhau.
Người gửi không còn mân mê tờ giấy viết thư gửi gấm tấm lòng vì thư qua bưu điện
mất thời gian quá lâu, lỗi thời rồi. Đến email cũng chậm và bất tiện nên phần lớn
người ta gửi “tin nhắn” (text) là phương cách như là trực thoại, vừa nhanh, ngắn
gọn, có hiển thị hình ảnh hoặc âm thanh.
Theo trào lưu tiến bộ của
kỹ thuật điện tử, cái cell phone ngày xưa chỉ dùng để gọi điện thoại, bây giờ
ngoài nhiệm vụ ấy, phần lớn là lướt trên mạng, nhất là để gửi và nhận email
cũng như text.
Nghe tiếng “boong
boong,” mở điện thoại ra là thấy ngay lời nhắn hiện trên màn hình chứ không phải
qua bao nhiêu bước mới đọc được như email. Viết trả lời xong, chỉ một cái click
là lời nhắn gửi đi ngay tức khắc. Con người hiện đang trở nên vô cùng vội
vàng, nóng nẩy, không còn kiên nhẫn nữa.
Ngày xưa trong gia đình
có người thân đi du học là hoàn cảnh xa xôi vạn dặm, đi tàu thủy hay gửi thư phải
đợi thời gian cả tháng mới tới nơi. Bây giờ, sự tiện lợi của phương tiện truyền
thông xã hội đã nối kết con người trên toàn thế giới với nhau quá nhanh nên đã
làm giảm mất sự trông chờ, lãng mạn của thời xưa.
Riêng đối với các em nhỏ,
tuổi thần tiên thơ ngây của các em đã bị rút lại quá ngắn, các em trở thành người
lớn quá sớm. Những cách hành xử,
ứng đối của các em giống như người máy. Nhanh, lẹ, chính xác, nhưng quá vô tình. Những
đồ dùng, đồ chơi các em có được một cách dễ dàng, nên các em không biết quý trọng
nó như thời đó của bà.
Ngày xưa cha mẹ không có tiền mua đồ chơi nên các
em trẻ phải vận dụng đầu óc, tìm sáng kiến, lấy những thứ có sẵn trong nhà hay
đi tìm kiếm nhặt nhạnh, để tự chế ra đồ chơi. Những món đồ chơi đầy óc sáng tạo và tình cảm mà bọn trẻ
bỏ bao tâm huyết vào đó. Con gái thì vo báo cũ cho tròn rồi lấy dây
thun cuốn chung quanh làm trái banh và lấy những đôi đũa đã cũ hay sứt mẻ để
chơi chuyền, nhặt từng viên sỏi đá về chơi ô ăn quan, rải ranh, lấy giây thừng
chơi nhảy giây… Con trai hơ lửa quả bưởi cho mềm thay trái banh để đá, lấy giây
nối hai vỏ lon sữa bò làm phương tiện liên lạc với nhau, dán giấy làm diều thả
cho những mơ ước của tuổi thơ được bay cao, bay xa… Thần tiên là ở chỗ chúng dùng sự suy nghĩ, thông minh và
sáng tạo, tự làm ra được những thứ đồ chơi để khoe và chơi chung với bạn bè.
Cho đến khi đồ chơi bị
bể, bị hư, là cả bọn xúm nhau lại, đứa nào cũng đưa ra sáng kiến, nào sửa, nào
dán, nào cột, nào túm… Khi không còn cách nào cứu nổi, bất đắc dĩ lắm mới chịu
vứt đi mà trong lòng tiếc ngẩn ngơ.
Đâu có như bây giờ, hễ hư, hỏng là bị quẳng vào thùng rác ngay, không cần biết món hàng đó đắt giá đến bao nhiêu...
Nghĩ để mà nghĩ, nhớ để mà buồn, chứ cái thân già làm được chi đây cho lớp
mầm non hậu thế.
Hiện tại bà Tâm đã về hưu, được hưởng an nhàn, không còn
phải lo toan với cuộc sống bon chen cơm áo gạo tiền ngoài kia nữa. Thỉnh
thoảng, bà đi bộ trên những con đường nhỏ trong công viên, dẫm nhè nhẹ lên những
cành lá khô xào xạc, thấy lòng mình hòa cùng với thiên nhiên, đất trời, quên đi
những khó khăn, mất mát trong cuộc đời. Mỏi chân thì ngồi nghỉ trên ghế đá nhìn
các em bé chơi đùa trên cầu tuột hoặc chạy theo những cánh diều, để hồn mình
nghe và nhớ lại thuở ấu thơ thiếu thốn đã mờ nhạt theo năm tháng dài mà thấy
lòng rưng rưng.
Hình minh họa - interent
***
Thứ
Hai vừa rồi, ngày gặp nhau hàng tháng của nhóm bạn già. Bà Tâm ra bàn trang điểm, thoa một tí kem, dồi một
tí phấn. Dù
gì cũng phải trông tươm tất một
chút chứ, “đẹp lão” vẫn hơn là
bèo nhèo nhăn nheo như quả táo tầu khô thì
coi làm
sao được. Giấy
rách vẫn giữ
lấy lề mà! Bà mỉm cười thầm
nghĩ.
Bà vừa
chuẩn bị xong là nghe tiếng chuông cửa, vội
chạy ra đón các bạn. Mới ngồi xuống bà Hồng đã than thở:
- Chuyện từ hôm qua mà bây giờ vẫn còn thấy buồn và lo. Con gái tôi nó
phàn nàn là thằng con
trai của nó cả ngày ngồi ôm cái điện thoại, hỏi gì nó cũng ngơ ngơ ngác ngác, mặt
mày “nghệt” ra đờ đẫn, trông nó cứ “mụ” đi, cái gì cũng phải lập đi lập lại nó
mới hiểu.
Bà Tâm gật đầu tán đồng:
- Tôi
cũng đang lo đây các bà ạ! Vấn đề này đang là một “căn bệnh thời
đại” chứ chẳng phải chuyện chơi! Dạo
này khắp thế giới mà thiên hạ cho là “văn minh” này, cả
người lớn và trẻ em đều mê mệt với những thiết bị điện tử và các trang mạng xã
hội.
Những người quyền cao chức trọng cũng
không xoay lưng trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngay cả Tổng Thống
Hoa Kỳ cũng thế kìa.
Đang ấm ức chuyện mấy đứa cháu, bà Tâm bắt đầu thao thao bất tuyệt. Bà kể cho mấy bà bạn nghe những thông tin mà
bà tìm hiểu trong mấy ngày qua. Theo đó, ông Andy Kiersz của
Business Insider cho biết,
kể từ tháng 1, 2017 đến tháng 7, 2017 ông Donald Trump đã gửi 920 tweets (những
lời viết đăng trên mạng xã hội Twitter), trung bình hơn 5 tweets một ngày (1).
Mạng xã hội chính là
công cụ hữu hiệu giúp ông Trump trong việc tranh cử, trong lúc truyền thông đa
phần không đứng về phía ông.
Ra vẻ thành thạo, bà nói tiếp, ông Nicholas Carr của
Politico Magazine còn cho
biết, trong một bài diễn văn ở Rhode Island ngày 22 tháng 4 năm 2016, ông Trump
tuyên bố sau khi trở thành Tổng Thống sẽ từ bỏ, không tweet nữa, thế mà chỉ một
giờ sau khi làm Lễ Tuyên Thệ nhậm chức, ông đã gửi cái tweet đầu tiên với tư
cách của Tổng Thống (2)
Điều này cho thấy sự hấp
dẫn và cái bệnh “nghiện” mạng
xã hội nó ăn sâu như
thế nào, cho dù đối với một
nguyên thủ quốc gia. Bà kết luận, rồi nói: “Theo tôi thấy, người lớn hiểu biết và có kinh
nghiệm để tự chọn lựa và quyết định những gì mình muốn làm, tôi không cần quan tâm. Tôi chỉ ưu tư đến
đám con cháu các thế hệ sau này
của chúng ta mà thôi.
Bà Quỳnh cũng phụ họa:
- Bây giờ ta thường bắt gặp những em bé mới
ba, bốn tuổi đã dùng iPhone, iPad một cách thông thạo rồi các bà ơi.
Bà
Mai cho biết:
- Tại trường học, trong giờ break, tôi thấy học sinh cũng chúi mũi
vào cái iPhone nhỏ bé để text, chơi game, hoặc liên lạc về gia đình, bạn
bè... thậm chí thay vì mang những cuốn sách to, nặng đến lớp, chúng chỉ copy
những chapter, hoặc phần của bài học để đọc khi cần đến.
Bà Ngà nghe vậy gật gù:
- Truyền thông mạng đã trở thành một phần
tất yếu của cuộc sống hiện tại với những thăng trầm và chúng ta phải đối phó nó
với tất cả khả năng của mình. Không ai chối bỏ sự đắc lực, hữu hiệu, sinh động
và phong phú của truyền thông xã hội. Nó có khả năng gần như thay thế được rất
nhiều phương tiện thông tin khác mà ngày xưa chúng ta chỉ có thể tìm thấy trên
sách vở, báo chí, hay đài phát thanh, truyền hình. Ngày nay, bạn có thể nhắn
tin trên mạng, xem xin tức, đọc truyện, nghe nhạc, xem kịch, mua sắm, hẹn hò,
chuyện trò, tâm sự với bạn bè hay cả người không quen và học nấu ăn nữa. Bạn
cũng có thể vào “Yahoo” hoặc “Google” để tìm hiểu về bất cứ chuyện trên trời dưới
đất từ ngày xửa ngày xưa.
Bà
Hồng cũng ra vẻ hùng hồn:
- Trong cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay, chúng ta những người lớn, là bà nội bà ngoại thì phải
làm sao cho việc bảo vệ con cháu sử dụng mạng xã hội là ưu tiên hàng đầu! Việc đó không đồng nghĩa với cấm đoán
trẻ em tuyệt đối việc dùng những thiết bị điện tử, mà chỉ nên tìm cách giới hạn thôi, vì càng cấm đoán tụi nhóc càng phản ứng mạnh và ngược lại,
nên sẽ nguy hiểm hơn. Điều quan trọng là phải giải thích cho chúng hiểu sự nguy hiểm của việc chia sẻ
những tin tức cá nhân trên mạng vì lũ
trẻ chưa
đủ khả năng để có thể sàng lọc những thông tin hữu ích hoặc sai lạc.
Bà Tâm càng hào hứng hơn, vừa nói tay bà vừa lướt nhanh trên mạng internet:
- Có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về
những hệ lụy của việc đam mê sử dụng thiết bị điện tử. Để xem trên mạng họ nói
những gì nào.
Thế là lập tức năm lão bà đều
dán mắt vào điện thoại của mình.
Bà Tâm mở đầu:
- À đây rồi, phe chống đối cho rằng bỏ quá
nhiều thì giờ vào thiết bị điện tử khiến các em xao lãng chuyện chú tâm vào việc
học hỏi những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Tệ hơn nữa, nó còn ảnh
hưởng đến sức khỏe vì thiếu vận động. Nhất là ngồi dán mắt vào màn hình sẽ làm
hại mắt và não bộ của các em.
Bà Mai tiếp theo:
- Đây,
đây là nghiên
cứu tôi kiếm được, họ cho
thấy xử dụng mạng nhiều và ít giao tiếp với người chung quanh có những ảnh hưởng
tâm lý tiêu cực cho các em như lo âu, trầm cảm và thấy cô đơn. Nhất là chỉ nói
chuyện bằng máy và với máy, sẽ lảm giảm khả năng đối đáp lanh lợi khi giao tiếp
và phải đối diện với một người bằng xương bằng thịt. Sự đối mặt giúp con người ta đọc và hiểu được tâm
ý của người đối diện, cho ta những cảm xúc chân thật và thân thiết hơn.
Tới lượt bà Quỳnh:
- Trong quyển sách iGen, Twenge cho biết
những đứa trẻ bỏ quá nhiều thì giờ vào điện thoại và mạng xã hội không cảm thấy
hạnh phúc bằng các em theo đuổi những hoạt động ngoài trời, đọc sách hay giao
tiếp với bạn bè. Tôi tuyệt đối tin vào điều này!
Bà Tâm chợt la lên:
- Nữa
nè! Ông
Jim Steyer, sáng lập viên của Common Sense Media đã cho biết trong bài nghiên cứu
của ông là, “Các em thiếu niên đã thú nhận rằng chúng đã rối trí và xao lãng việc
học, nghỉ ngơi và ngay cả xa cách bạn bè. Nhiều em cảm thấy đã ‘nghiện’ truyền
thông xã hội. Nó đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người nhất là thanh thiếu
niên.”
Lâu nay ông Jim Steyer cũng thường nói, người ta cứ tưởng là
các em không lưu ý đến những hệ lụy của việc dùng quá nhiều thì giờ trên
internet, nhưng trên thực tế cuộc khảo sát đã cho thấy là các em rất hiểu cái sức
hấp dẫn của những thiết bị điện tử đã khiến các em xao lãng những ưu tiên quan
trọng như làm bài tập ở nhà, ngủ và dành thì giờ cho gia đình, bè bạn. Các em
thích text hơn là nói chuyện mặt đối mặt hay trên điện thoại.
Bà Hồng tán đồng:
- Phải, phải, tôi cũng có đọc, có một số em cho biết là chúng rất bực
mình với những người bạn đã cứ chúi mũi vào chiếc điện thoại khi nhóm bạn gặp
nhau.
Tuy
nhiên, chúng ta không
nên đổ bao thứ tội cho chiếc điện thoại một cách oan uổng, nhất là nó không phải
là thủ phạm của sự xuống dốc của một thế hệ, như đã bị buộc tội, mà là do sự lạm dụng của con người. Điều quan trọng là phải tìm cách nào để giảm bớt sự say
mê đến nỗi ảnh hưởng đến việc học hành và sự phát triển của bọn trẻ.
Bà Mai cãi:
- Nhưng nhóm ủng hộ thì căn cứ vào những
cuộc nghiên cứu của Sierra Filucci, Tổng Biên Tập của Common Sense cho thấy kết
quả ngược lại. Sự hữu dụng của thiết bị điện tử và dùng mạng xã hội đã được một
số các em cho biết là làm giảm thiểu sự lo lắng, buồn rầu và cô đơn. Biết tin ai đây trời! Hãy nghe đây, “Nhiều nghiên cứu khác thì cho thấy, chiếc điện thoại đã tăng
cường sự liên hệ với gia đình và bạn bè vì các em “thư từ” và “nói chuyện” nhiều
hơn khiến cho các em bớt cảm thấy cô đơn, và các em cũng hiểu được sự nguy hại
của việc xao lãng việc học và không gặp mặt gia đình và bạn bè. Chiếc điện thoại
đặc biệt hữu hiệu góp ích trong trường hơp đi lạc hay tai nạn
nơi vắng vẻ. Nó là phương tiện duy nhất để cầu cứu.
Common
Sense cũng cho biết là các em thiếu niên cũng cố gắng tự kiềm chế và tuân theo
lời khuyên của cha mẹ trong việc sử dụng điện thoại trong lúc ăn uống cùng gia
đình, lúc gặp bạn bè hay giờ đi ngủ.
Có lý quá đi chứ.
Bà Tâm bỗng cắt ngang:
- Đây nè, phe
ủng hộ thì còn
có Mizuko Ito của trường Đại Học California nói rằng, “Dùng thì giờ trên mạng rất
cần thiết cho trẻ em thâu lượm được kỹ năng xã hội và công nghệ cần thiết để trở
thành một công dân có khả năng trong thời đại kỹ thuật số và có thể hoàn toàn
tham dự vào xã hội tân tiến ngày nay.
Thầy
cô và người lớn không còn là nguồn hiểu biết duy nhất nữa mà mạng xã hội đã
giúp các em kết nối hơn bao giờ hết và làm bạn với nhiều người trên toàn thế giới,
chuyện này không thể nào xẩy ra nếu không có những tiến bộ công nghệ này.”
Bà Ngà cộng thêm:
- Các
bà ơi! Họ nói dịch vụ trực tuyến cũng đem lại nhiều
chương trình giáo dục và phim tài liệu hữu ích cho các em.
Điện
thoại không còn là một xa xỉ phẩm mà là một dụng cụ cần thiết, giúp bảo vệ sự
an toàn cho con người, nhất là nó giúp ta định vị được người dùng điện thoại
đang ở đâu trong trường hợp tai nạn hay khẩn cấp. Người ta thấy yên tâm hơn khi
có thể liên lạc với con em bất cứ lúc nào...
Bà Mai nối lời:
- Chuyện
này có lý nè! Theo như bác sĩ Candice Dye, Giáo Sư Trường
Đại Học Alabama, để có thể bảo vệ sự an toàn cho con trẻ, điều quan trọng nhất
là đối thoại với con về việc sử dụng truyền thông và để ý xem chúng làm gì và
dùng bộ lọc để chặn đứng những nội dung không thích hợp, cũng như thiết lập sự
riêng tư nghiêm nhặt để theo dõi và giám sát những hoạt động của con em. Nên
có những cuộc đối thoại thường xuyên với con để đặt giới hạn mà con nên tuân thủ
và cho con cảm giác là lúc nào cũng có thể bàn bạc hay tâm sự với cha mẹ khi có
điều muốn nói hay phiền lòng.
Nên dạy bảo con
cái rằng:
- Không nhận lời xin làm bạn của người nào
con không biết rõ về họ.
- Nếu thấy hoặc biết người nào nói hoặc
làm những chuyện không đúng thì phải chấm dứt liên lạc ngay.
- Không bao giờ chia sẻ tin tức cá nhân,
ký hiệu và mật khẩu với ai, đó là chuyện riêng tư của từng cá nhân,
- Tránh dùng điện thoại trong bữa cơm gia
đình hay bữa tiệc với bạn bè.
- Tuyệt đối tuân thủ luật lái xe, không điện
thoại hoặc text khi đang lái xe.
- Phải cất điện thoại một tiếng đồng hồ
trước khi đi ngủ và không được để nó trên giường.
- Giới hạn thời gian và nội dung truy cập
trên mạng...
Bà Quỳnh nhẩy vào chận ngang:
- Phần cha mẹ chúng ta cũng nên bỏ chút thời giờ trong cuộc
sống tất bật hằng ngày để ngồi xuống chuyện trò tạo niềm thông cảm với các con,
và thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động gia đình như cắm trại, câu cá, thả diều,
đi du thuyền, nghỉ phép đi thăm thắng cảnh, thăm bà con…khiến các em cảm thấy gần
gũi và dễ tâm sự với gia đình hơn. Những kỷ niệm này sẽ tồn tại lâu dài trong
trí óc non nớt của các em. Tôi
thấy điều này hay đó!
Bà Ngà phụ họa:
- Tôi thấy mình nên khuyến khích các em
tham dự vào những sinh hoạt hằng ngày, như con trai có thể cùng với bố lắp ráp
hoặc sửa chữa những đồ dùng như máy hát, máy cắt cỏ, vòi tưới cây…, con gái phụ
mẹ việc bếp núc như thái thịt, nhặt rau, rửa bát…Nếu không thì sau này ra đời
các em sẽ lúng túng khi phải làm những việc nhỏ nhặt này.
Cuối cùng, bà Tâm nói với
một vẻ chắc chắn:
- Kết luận cuộc bàn luận này là chúng ta
đã hiểu được cái lợi cái hại, điều tốt điều xấu của việc dùng truyền thông xã hội.
Dù thế nào chúng ta cũng không thể tách
rời mà phải sống theo văn minh nhân loại, không thể cổ lỗ sĩ và lạc hậu. Cho
nên chỉ còn có cách là người lớn phải thường xuyên nói chuyện với con em để
chúng hiểu và giúp chúng tiết chế sinh hoạt truyền thông để giữ gìn sức khỏe và
sự minh mẫn, cũng như tránh khỏi cạm bẫy của kẻ gian.
Năm
bà nội, bà ngoại, đã đem những ưu tư lo lắng của mình về “chứng bệnh thời đại” làm
ảnh hưởng đến các con cháu ra bàn cãi, tìm mưu tính kế để… dẹp giặc giúp các
cháu.
Các bà đã tìm tòi, dẫn chứng mạnh
mẽ những lời ủng hộ cũng như phản đối và chia sẻ cảm nghĩ của mình một cách hào
hứng. Sau đó thấy nhẹ nhõm trong lòng và
hân hoan chia tay ra về.
Các
bà cũng quên là chính các bà cũng bị “dính” cái chứng bệnh thời đại này, bởi vì
suốt cả buội họp bàn tròn hôm ấy, các bà “ôm phone” của mình và dán mắt vào đó
không rời…
***
Mấy
bà bạn đi rồi, bà Tâm ngồi lại một mình tiếp tục mơ về thời tuổi nhỏ. Bà ước gì
các cháu bà không vội vã lăn theo thời đại mà thong thả hưởng thụ tuổi hồn nhiên.
Bà ước gì tụi nhỏ có thêm thời gian để thỉnh thoảng cùng gia đình thưởng thức
mùi hương phảng phất trong gió từ những khóm hoa sau vườn hay trong công viên
vào những ngày lễ, buổi nghỉ hè hay họp mặt cùng gia đình nướng thịt ngoài trời
và cùng nhau tham dự những cuộc vui chơi lành mạnh như thả diều, đá banh, câu
cá, những chuyến dã ngoại thảnh thơi, hấp dẫn, giúp chúng khám phá mở mang hiểu
biết, gần gũi và yêu mến thiên nhiên, yêu mến cái diễm kiều của đất trời… như
thuở xưa. Vì những kỷ niệm tuyệt vời này sẽ là niềm hạnh phúc sống mãi trong
lòng các cháu. Bà cầu mong tuổi thơ của
các cháu, của các thế hệ sau sẽ đầy an lành và hạnh phúc, sẽ mãi mãi là ngưỡng
cửa vào đời cho một tương lai sáng lạn.
Lê
Nguyễn Hằng
Tháng
6, 2019
Tài liệu tham khảo:
https://www.businessinsider.com/president-trump-twitter-by-subject-2017-7
https://www.politico.com/magazine/story/2018/01/26/donald-trump-twitter-addiction-216530
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét