Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Bài RICE! CHÀO ĐỜI. CHS-NH Lê Mỹ Hoa chia sẻ. Tác giả là một trong những cây viết 'chủ lực' của NHHN. Với lối hành văn rất đặc biệt nên thu hút được cảm tình và yêu mến của nhiều độc giả trong nước cũng như hải ngoại.
Trân trọng
NHHN
Hình tác giả cung cấp
Lê Mỹ Hoa
Cuộn xong những cái bánh ướt cuối cùng cho buổi trưa, chả lụa từng khoanh tròn chia nửa vầng trăng, giá trụng, rau thơm, và nhúm hành phi rải trên dĩa. Vỏ bánh mỏng tang hiện rõ nào tôm thịt mấm mèo, trông hấp dẫn làm sao.
Từng sợi nhỏ cà rốt bào sẵn thêm màu trăng trắng của đu đủ non, chén nước chấm đủ màu sắc chua ngọt, gia vị mặn nồng cho món ăn quyến rũ.
Chị Liễu ở tầng trên đi xuống nhỏ nhẹ nói vào tai chị à, sáng giờ cháu đau lưng. Đầu óc đang suy diễn say sưa sẽ có một buổi trưa lạ miệng ngon lành, câu nói như thức tỉnh nghề nghiệp đã mười lăm năm ngủ quên, bỗng trổi dậy.
Vội bước một bước hai lên tầng trên, con vào phòng ngủ cho mẹ khám, không quên xỏ nhanh găng tay sát khuẩn, niềm vui đến cộng một chút hồi hộp cháu nội sắp chào đời.
Nhà tổng cộng năm thành viên mỗi người một dĩa ăn nhanh nuốt vội, thật sự mà nói không cảm nhận món ăn nó ngon hay dở như thế nào, nhìn mẹ bầu bắt đầu đau và nhăn nhó, mọi người như no theo từng cơn đau, tâm trạng ai cũng rối bời lo lắng.
Bữa ăn còn nhiều nhưng thôi kệ, chị Liễu vội nhắc con gái đi tắm và thay áo đầm, con trai thì nói mọi người bình tĩnh, nếu được đi xa, không được sanh gần.
Bữa trưa đặc biệt vội vàng qua nhanh, cơn đau mỗi lúc một hối hả, để quyết định vượt một trăm cây số trong tình thế như này, Bà nội là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Tuổi đời đã khá cao, lúc này là lúc sống chậm và chất lượng, với bà không có gì phải hấp tấp, hối hả việc gì rồi cũng đến rồi cũng qua, có gian truân như cuộc đời bà cuối cùng cũng an yên.
Kinh nghiệm dày dạng mấy mươi năm trong ngành sản đã cho bà sự tự tin lạ thường hay nói như con trai cả , “kinh nghiệm từng trải vẫn còn, cộng với giác quan giữa nội và cháu nên mới đưa ra quyết định chuẩn xác“ .
Mọi thứ đã chuẩn bị xong, bà muốn có sự chắc chắn trên đoạn đường dài không để có tình trạng không mong muốn xảy ra. Gần như một chuyến du lịch tốc hành cho cả nhà năm thành viên trong những ngày cuối tháng bảy.
Thăm khám lần chót, vẫn sự tự tin như ban đầu. Bà quyết định hành trình đến một thành phố mới thực hiện mơ ước của con dâu, được sanh ở một bệnh viện cách quê nhà hai giờ đường bộ xe hơi.
Không duyên cớ gì đi xa để sanh đẻ nhiêu khê, đó là dấu chấm hỏi của bạn bè. Một thực trạng tiêu cực những thành phố chưa muốn vươn lên hay còn vướng mắc những công trình hoa mỹ quên đi điều nhỏ nhặt.
Đến Qui Nhơn bờ biển hiền hoà xinh đẹp được con người đầu tư khá kỷ lưỡng, biển đã xanh cây cối mát mắt còn xanh hơn, điểm bông hoa vàng rực cả thành phố đầy sức sống và năng lượng. Có lẽ đánh giá những vị quan nên đánh giá từ cái tâm.
Hết con đường biển đẹp, rẽ trái một đoạn đến bệnh viện mười bốn từng, xe lên dốc dừng ngay trước sảnh lớn, bảo vệ bước tới mở cửa xe hộ người nhà và yêu cầu gia đình mang khẩu trang, thái độ của bảo vệ rất hợp tác làm tan biến mệt mỏi suốt hành trình, ân cần mời mọc và hướng dẫn vào nơi khám nhanh nhất.
Một cảm giác chỉ biết nói rất hiện đại, từ kiến trúc thiết kế cho đến trang trí nội thất toát lên một màu rất gần gũi và văn minh, không phải sợ hải hai từ lạnh lùng khi nói đến bệnh viện từ cái thuở xa xưa .
Quầy căn tin, như một nhà hàng nho nhỏ bên phố đông người qua, ánh sáng vàng vừa đủ để thấy mọi thức ăn đều hấp dẫn khi bụng cồn cào.
Phòng tiếp nhận sang trọng, ghế ngồi chờ đẹp, hàng salon ấm áp màu sắc trang nhã cho người nhà cạnh những bồn hoa lan, có thể check-in vài tấm hình để ghi nhớ khoảnh khắc này, máy điều hoà vẫn phủ khắp toà nhà mát rười rượi.
Đối diện quầy đóng tiền viện phí những cô gái trẻ thân thiện chào đón, mình như đang lạc vào khách sạn của chuyến đi du lịch mùa hè.
Dọc đường giồng xốc, mẹ bầu ra nước, bà giải thích với các cô ở quầy không cần phải qua phòng khám cho đến thẳng phòng sanh để khỏi mất thời gian thủ tục đi khám, được các cô lắng nghe và đồng ý, rải rác các anh bảo vệ lúc nào cũng như sẵn sàng hướng dẫn khách lạ vào sáu thang máy rộng mát, sang đẹp.
Tầng thứ mười một đón cả gia đình đi đến đâu cảm giác thoải mái đến đó và đúng như Bà chẩn đoán, mở ba phân ối vỡ vào phòng đợi sanh.
Chiếc ghế nệm cho người nhà ngã lưng chốc lát trong không gian thoải mái, thi thoảng mấy anh bảo vệ đi tới đi lui nhắc nhở những vị khách ra ngoài khung cửa kính ngắm biển quên đóng cửa và hành lý của người nhà để ngăn nắp trong những cái ô quanh bộ salon, tuyệt đối không để giữa nền nhà, từng chi tiết nhỏ đủ chứng minh một nơi thật văn minh, sạch sẽ xứng tầm vóc ở thế kỷ XXI.
Một góc nhỏ khiêm tốn, bàn ăn gọn gàng cho người nhà xử dụng.
Nhìn những mẹ bầu rất trẻ trong bộ đồ ngắn của bệnh viện níu những bước chân chịu đựng cơn đau qua cửa kính trong suốt phòng sanh, một cảm giác yêu thương ngập lòng và cuộc đời gian nan nuôi con khôn lớn còn đang phía trước.
Bà đã đi qua cái tuổi sanh đẻ nhìn lại đoạn đường cam go những lần vượt cạn không tả nỗi những cơn đau xé thịt da người mà dân gian hay nói.
“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình“
Giông tố hiểm nguy ngoài biển cả đàn ông có bạn. Mẹ bầu đau mấy không có ai gánh vác, mặc dù lúc sắp lâm bồn họ mời chồng hoặc mẹ vào động viên nói những lời xoa dịu, cơn đau tưởng chừng dìm mình như gục ngã, cái chết cận kề em bé mới lọt lòng, ai rồi cũng chịu đựng, và ai rồi cũng qua con đường làm mẹ.
Bà phải về nhà trong đêm, chia sẻ với con dâu bà nói “mẹ chịu được, con chịu được cố lên con nhé!
Ngược dòng hai giờ chạy về nhà cảm giác khó tả, vui mừng sắp có thêm cháu gái nhưng cũng đầy lo âu vì không ở lại cùng con.
Cháu chào đời sau ba tiếng ÔB ra về, chiếc áo đầu
tiên cháu khoát lên người và chiếc khăn có thêu tên Bệnh viện món quà nhỏ kỷ niệm
nhưng rất nhân văn của thành phố láng giềng.
Hình tác giả cung cấp
Một nhà thương tư suốt ba mươi năm trong ngành
bà đã chứng kiến biết bao nhiêu ca sanh đẻ, động viên, vuốt ve, chia sẻ sản phụ
vơi bớt đau đớn nhưng chưa lần nào chuyển viện để sanh mổ và những điều đáng tiếc
xảy ra.
“Cái khó bó cái khôn“, chỉ hai bàn tay cái thời
bao cấp làm bà mụ phải kiên nhẫn, kiên trì, chịu khó, chịu đựng, nhẫn nại giúp
mẹ bầu vượt qua khó khăn và cuối cùng ai cũng sanh được không hề dễ dàng.
Trào lưu của giới trẻ bây giờ là vậy không phải
chịu đau đớn nhiều, hai chục ca hôm qua đã có mười tám ca mổ rồi trong năm Chuột.
Không biết nên buồn hay vui, nhưng điều đó có lẽ
bớt áp lực cho Y, Bác sĩ khoa Sản, bây giờ dân số cả tỷ người.
Bà trưởng khoa vẫn thuyết phục con dâu cố gắng đẻ
bình thường. Một việc làm rất nhân tâm.
Bà nhớ lại ngày xưa hiếm ai đến đẻ buổi sáng,
chiều hoặc trước 12h đêm xong xuôi là mừng lắm, vì đêm nay được ngon giấc.
Thời còn trẻ ngủ ngon hơn ăn, phần nhiều sanh
vào ban đêm, thức trắng đêm, cùng với trách nhiệm, sáng mai bơ phờ đi chân thấp
chân cao, cuộc sống luôn gập ghềnh để mưu sinh.
Nửa đêm sản phụ gọi cửa, đôi khi giả bộ không
nghe để bà mẹ chồng đỡ sanh cùng các cô phụ tá, kiếm một giấc ngủ ngon.....,
thèm ngủ quá.
Những ca trần ai một ngày một đêm, sáng mai mới
sanh xong mình mệt nhoài, nhưng lắm lúc cũng tự hào cái nghề cao cả, cùng sản
phụ vượt khó để giúp nhiều em bé chào đời trong thành phố này, mà bà đã từng
chiến đấu hay những lúc cùng mẹ chồng.
Sau bao nhiêu năm “Trái tim không ngủ yên“ bà chỉ
thích làm việc nhẹ nhàng hơn mặc dù chưa bỏ nghề nhưng không đỡ sinh, sợ nhất vẫn
những sự cố sau sinh.
Trách nhiệm và lo lắng rất cao, ôi! Cái nghề cao
cả, trái tim đôi khi như ngừng đập.
Ngần ấy năm chưa biết Tết là gì, thời điểm Tết đến
nhà thương không được chăm sóc ân cần, tiếng khóc trẻ thơ đón Tết đầy nhà,
vậy là bà gánh vác từ A đến Z, thợ thuyền cũng ăn Tết, bà loay hoay một mình.
Trong một lần cà phê năm 2019, gặp sản phụ ở phường
Nhất một ca nhớ đời rơi vào Tết Đoan Ngọ, cô ta tay bắt mặt mừng và hỏi nhớ
không? “Bà trả lời nếu có vài chục năm nữa vẫn nhớ như in, con so sinh ra năm
ký chuyển dạ một ngày một đêm, thức trắng vẫn mẹ tròn con vuông“. Như một lời
biết ơn của mẹ bầu... niềm hạnh phúc thầm lặng của bà.
Giã từ, giã từ ở tuổi 55 nhưng va vào cái khác,
phải chạy đua với cuộc sống để tồn tại thêm mười năm nữa.
Bây giờ bà của Gạo đã không còn vương vấn mọi thứ,
rất vui khi hôn Gạo, đã mười bốn năm mới được cảm giác làm bà nội lần hai, hạnh
phúc rất ngọt ngào vì Gạo của bà rất ư là dễ ghét.
LÊ MỸ HOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét