Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Nếu Chiến Tranh Xẩy Ra Ở Biển Đông


USS Nimitz (CVN 68) tại Biển Đông, 6 tháng Bảy, 2020.

NẾU CHIẾN TRANH XẨY RA Ở BIỂN ĐÔNG
VOA

Trong lúc giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tấn công nhau, Bắc Kinh cũng đang cố chứng tỏ cho cả thế giới thấy họ vẫn chủ động trong cuộc bang giao với hai nước láng giềng ở phía Nam: Việt Nam và Campuchia.
Trong nửa cuối tháng Bẩy, Cộng sản Trung Quốc và Campuchia ký một hiệp ước mậu dịch tự do vào ngàyThứ Hai, qua ngày Thứ Ba, họ tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh.
Bản hiệp ước mậu dịch tự do giữa Campuchia với Trung Cộng hoàn toàn chỉ mang tính chất tượng trưng. Giao thương giữa hai nước hiện nay nhỏ nhoi không đáng kể. Hơn nữa các xí nghiệp Trung Quốc đang được tự do làm ăn ở Campuchia không hề gặp trở ngại nào hết!
Đối với Việt Nam có vẻ phức tạp hơn. Tháng Tư vừa qua, một tàu đánh cá của người Việt Nam đã bị tàu hải giám Trung Cộng đâm ngang đánh chìm. Năm nay đến lượt Việt Nam đóng vai chủ tọa trong khối ASEAN, có thể đưa đề nghị lên án những hành động ăn cướp trên biển của Trung Cộng.
Hai Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Vương Nghị chỉ họp mặt trên mạng, chắc vì từ khi bệnh dịch Covid 19 xẩy ra ở Vũ Hán Việt Nam vẫn còn lệnh cấm người Trung Quốc qua biên giới! Ông Vương Nghị lại kêu gọi hai nước tiếp tục hợp tác kinh tế, nhưng không cho biết cụ thể như thế nào, và tại sao cần nói chuyện gấp như vậy. Ông Phạm Bình Minh cho biết sẽ tặng một số tiền khoảng $100,000 đô la Mỹ để cứu giúp các nạn nhân vụ bão lụt nặng nề đang tràn ngập vùng hạ lưu sông Dương Tử. Quả thật là muối bỏ xuống Trường Giang cho trôi ra biển!
Những hoạt động ngoại giao mới của ông Vương Nghị chỉ cốt chứng tỏ, trong lúc tình hình quân sự ở vùng biển Đông Nam Á đang căng thẳng, họ vẫn đóng vai chủ động. Trung Cộng không thể dễ dàng biểu diễn một màn ngoại giao nào mới với các nước “khó bảo” như Philippines, Malaysia, Brunei hay Indonesia. Cho nên, Bắc Kinh chỉ có thể dùng các nước “đồng chí anh em” để đóng trò biểu diễn trên mặt trận ngoại giao, đề phòng một cuộc chạm súng có thể diễn ra.
Hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump chắc không muốn lâm chiến. Nhưng trong lúc tàu chiến và phi cơ hai nước cùng kéo tới vùng Biển Đông nước ta, một tai nạn bất ngờ cũng dễ biến thành xung đột lớn nếu các nhà chỉ huy quân sự tại chỗ phản ứng khi bị “khiêu khích,” trong lúc cuộc khẩu chiến giữa hai bên đang tăng cường độ.
Nếu hai nước đụng độ thì Trung Cộng chiếm lợi thế ngay lập tức, điều đó có thể khuyến khích giới tướng lãnh của họ có thái độ hung hăng, như khi dọa bắn hỏa tiễn vào hàng không mẫu hạm khiến Mỹ phải nhụt chí. Nhưng nếu cuộc chiến kéo dài thì những lợi thế của Trung Cộng sẽ biến mất; và đây là điều khiên ông Tập Cận Bình phải suy nghĩ, không dám làm liều.
Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu cơ quan nghiên cứu Rand Corporation so sánh lực lượng quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc. Bản phúc trình của Rand nhận xét rằng khả năng của quân đội Trung Cộng còn thấp hơn Mỹ về mặt vũ khí, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chiến trường, nhưng Bắc Kinh đang dồn nhiều nỗ lực và sẽ đuổi kịp rất nhanh. Họ đóng thêm nhiều tàu ngầm cũng như phát triển hệ thống vệ tinh nhân tạo trong lãnh vực quân sự.
Bản phúc trình của Rand cũng nhận xét rằng Trung Cộng có lợi thế về mặt địa dư. Biển Đông nước ta nằm ngay tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, Trung Cộng có thể chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến, với các vũ khí, hỏa tiễn, máy bay và chiến hạm được chế tạo riêng cho khu vực chiến trường này.
Charlie Lyons Jones, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia cho rằng quân đội Trung Cộng đã đặt trọng tâm vào mục tiêu ngăn cản không cho hải quân Mỹ đi vào vùng Đường Lưỡi Bò họ đã vẽ ra, mà gần đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố là bất hợp pháp. Để đạt mục đích này, ông Jones nhận xét, Trung Cộng đã tăng cường lực lượng phòng không và xây dựng một hàng rào phòng thủ gồm các hỏa tiễn và phi cơ thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm.
Trước khi chiến tranh xẩy ra, Trung Cộng đã chiếm lợi thế vì Mỹ phải điều động quân từ các căn cứ trên đảo Guam, Australia, Philippines, Nhật Bản; trở thành những đích nhắm cho không quân cùng hỏa tiễn Trung Cộng. Trong khi đó quân Trung Cộng chiến đấu ngay trước cửa nhà mình. Trong lúc cuộc chiến tiếp diễn, Trung Cộng vẫn có thể chặn đánh các đoàn tàu tiếp viện của Mỹ một cách chính xác nhờ hệ thống vệ tinh do thám.
Năm ngoái, David Ochmanek, một nhà nghiên cứu quân sự thuộc Rand Corporation đã thuyết trình về những kịch bản có thể diễn ra nếu Mỹ và Trung Cộng chạm súng ở Biển Đông. Ông Ochmanek nhận định rằng khi chiến tranh bắt đầu thì Trung Cộng chiếm ưu thế rõ rệt vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Dù phẩm chất các vũ khí và trang bị quân sự của Trung Cộng còn thua kém Mỹ, nhưng họ có thể lấy số đông để áp đảo. Chiến hạm Mỹ điều động nhanh và vũ khí mạnh hơn Trung Cộng, nhưng Trung Cộng có thể sản xuất nhiều và kéo đến nghênh chiến với một lực lượng ào ạt.
Viên Bằng (Yuan Peng) chủ tịch Viện Bang giao Quốc tế ở Bắc Kinh đã so sánh tình hình hiện nay với thời gian một trăm năm trước, khi xẩy ra Chiến tranh Thế giới lần Thứ Nhất, theo bản tin Reuters. Ông khuyến cáo chính quyền Trung Cộng phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Mỹ về quân sự.
Hồ Ba (Hu Bo), giám đốc Trung tâm Chiến lược Hải dương thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng xung đột Mỹ Trung không thể lan rộng và kéo dài, vì hậu quả quá lớn; nhưng một khi chiến cuộc đã nổ ra thì không ai ngăn lại được.
Nhưng Malcolm Davis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia lo ngại rằng chiến tranh vẫn có thể xẩy ra nếu giới tướng lãnh Trung Cộng nghĩ rằng bây giờ là một cơ hội hiếm có, sẽ khó lòng có cơ hội thứ hai, vì nước Mỹ đang lúng túng đối phó với bệnh dịch Covid 19, khó phản ứng nhanh chóng khi Trung Cộng nhất quyết ngăn chặn tầu chến Mỹ không cho vào Đường Lưỡi Bò của họ.
Nhưng khi cuộc chiến tiếp diễn kéo dài thì càng về sau lợi thế của Trung Cộng sẽ mất dần, theo ông Ochmanek thuộc Rand Corporation.
Các hạm đội Mỹ với các hàng không mẫu hạm dẫn đầu là những căn cứ di động có thể được tiếp tế từ các nước Philippines, Nhật Bản, Nam Hàn, còn các căn cứ trên những hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng không khác gì các mẫu hạm, nhưng không thể di chuyển.
Mỹ sẽ phải tấn công vào các căn cứ không quân ở đảo Hải Nam để tiêu diệt lực lượng đối phương trước khi bị tấn công. Vì thế chiến cuộc sẽ kéo lên phía Bắc, có thể lên tới vùng eo biển Đài Loan và xa hơn nữa. Quân đội các nước đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, có thể giúp quân Mỹ về tiếp liệu, dưỡng thương, tin tức tình báo, vân vân. Những lợi thế của Trung Cộng, như hậu cứ tiếp viện ở gần bên chiến trường, khả năng do thám, số lượng áp đảo những máy bay, tàu ngầm, chiến hạm, sẽ bị giảm dần dần cho đến mức không đáng kể nữa.
Chiến tranh sẽ không làm cho nền kinh tế Mỹ suy yếu đó là điều quan trọng nhất. Tất cả những gì Mỹ đang mua từ Trung Cộng đều có thể mua ở các nước khác. Chiến tranh sẽ chỉ giúp giảm số người thất nghiệp ở Mỹ, Tổng Sản Lượng Nội Địa sẽ gia tăng để cung ứng cho chiến trường
Trong khi đó thì cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sẽ không có một thương thuyền nào dám đi qua bãi chiến trường trên mặt biển! Cả nền kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất cảng sẽ đình trệ. Nguyên liệu, hàng tiếp liệu cho việc chế tạo, và dầu lửa sẽ không được tiếp tế, nền công nghiệp Trung Quốc sẽ suy sụp.
Cuộc chiến tranh chỉ kéo dài bốn tháng, nửa năm, Trung Quốc sẽ khốn đốn. Cả công trình hơn 30 năm xây dựng kinh tế sẽ phải ngưng lại, không biết bao giờ mới phục hồi.
Tóm lại, nếu nhìn về lâu về dài, ông Tập Cận Bình sẽ phải thấy rằng không nên gây chiến với ông Donald Trump trong lúc này. Chưa kể là khi chiến cuộc bột phát thì chỉ giúp ông Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ hơn, họ là những cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ông Trump!
Một ủy viên Bộ Chính Trị Trung Cộng đã bị Mỹ cấm vận. Trong mấy ngày qua, giới lãnh đạo Mỹ tiếp tục đả kích. Mỹ mới ghi thêm vào sổ đen hai người, Bí thư và phó bí thư công ty đảng ủy của công ty XPCC, vì tội cưỡng bách lao động người Uighurs ở Tân cương. Công ty Tik Tok đang bị quốc hội Mỹ điều tra. Không biết Trung Cộng sẽ nhịn nhục đến bao giờ.

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét