Kính thưa quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Hằng năm, Lễ Vu lan được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy Âm Lịch để con cháu nhớ đến công ơn của Ông Bà, Cha Mẹ đã sinh thành dưỡng dục, nuôi dạy chúng ta nên người.
Nhân dịp này, xin hân hạnh giới thiệu bài Tạp Ghi XUÔI DÒNG HỒI TƯỞNG, tác giả Điệp Mỹ Linh viết để "tưởng niệm Thân Phụ và Thân Mẫu". Bài viết rất hay.
Xin mời quý vị thưởng thức
Trân trọng
NHHN
Hình minh họa - internet
XUÔI DÒNG HỒI TƯỞNG
Điệp Mỹ Linh - Tạp ghi
"Thành kính tưởng niệm Thân Phụ và Thân Mẫu của tôi"
"Thành kính tưởng niệm Thân Phụ và Thân Mẫu của tôi"
Không hiểu vì nhận biết được niềm lo âu hiện rõ trên nét mặt
và trong mắt Huyền hay là vì thói quen nghề nghiệp, cô chuyên viên điện tuyến
trấn an Huyền trong khi sửa lại thế nằm của nàng:
- Ðừng lo. Bà cố nằm yên, đừng cử động. Bà chỉ nghe những âm
thanh lạ, vậy thôi. Ðây, hai vật dụng ngăn tiếng động, bà cho vào tai đi.
Dù nỗi lo sợ đang đè nặng trong lòng, Huyền cũng cố mỉm
cười. Nhưng có lẽ nụ cười méo xệch của Huyền khiến cô nhận biết, cho nên, trước
khi nhấn nút để đẩy nàng vào trong MRI Scanner (Magnetic Resonance Imaging), cô
chuyên viên lại hỏi:
- Bà bình an chứ?
Huyền lại cố mỉm cười, gật đầu.
Khi nghe tiếng “kịch” và ánh sáng bị chắn lại phía dưới
chân, Huyền biết cửa đã đóng và chỉ một mình nàng trong khoảng không gian nhỏ
nhắn, mờ mờ ánh đèn vàng và vang vang tiếng động nhẹ. Thỉnh thoảng những tiếng
“kịch” và “cắc” vang lên, không đến độ phải làm cho Huyền khó chịu. Nhưng Huyền
cảm thấy lo sợ. Huyền không biết nàng sợ kết quả do máy này tìm ra hay là nàng
sợ cho sự nhỏ nhoi, đơn độc và bất lực của nàng trước những biến chuyển hiển
nhiên của đời người. Ngày nào đứng trước Grand Canyon Huyền thấy nàng nhỏ nhoi,
không bằng hạt cát long lanh trong những tầng địa chất đang chuyển màu theo
chiều quay của ánh sáng mặt trời; giờ đây, trong lòng Hollow Magnet Cylinder,
Huyền lại thấy nàng yếu đuối và nàng chỉ còn là một sinh vật đáng thương. Huyền
tủi thân. Huyền muốn khóc!
Khi nào rơi vào trạng thái bất an Huyền cũng cố tập
trung tư tưởng, cầu nguyện Phật Bà Quan-Thế-Âm, rồi cầu xin bà Dư – Mẹ của nàng
– che chở cho nàng. Từ từ, theo sự tưởng tượng của Huyền, hình dáng Phật Bà
hiện rõ trong tâm nàng. Rồi Huyền “thấy” bà Dư quanh quẩn dưới chân Phật Bà.
“Thấy” lại Mẹ, Huyền khóc. Huyền khóc không những vì nàng
thương tiếc Mẹ mà nàng còn khóc vì một niềm ân hận dấu kín trong nàng bấy lâu
nay vừa chổi dậy. Huyền ân hận không phải vì nàng không chu toàn, không lo lắng
cho Mẹ lúc Bà còn tại thế mà Huyền ân hận vì những tháng năm cuối đời của bà
Dư, Huyền đã không cận kề/không trò chuyện/không gặp gỡ Mẹ thường xuyên như ý
nàng muốn. Lý do Huyền tạo ra khoảng cách đó không phải vì không gian hoặc thời
gian mà chỉ vì Huyền hãi sợ và không chấp nhận được sự thay đổi quá phủ phàng
của luật vô thường!
Trong lòng Huyền, hình dáng của bà Dư lúc nào cũng tươi đẹp,
mượt mà. Huyền vẫn nhớ, ngoài những chiếc cáo dài trắng có may huy hiệu Trường
Trung-Học Võ-Tánh, bà Dư thường đưa Huyền đến hiệu may để cô thợ may đo, cắt và
may cho nàng và Bà những chiếc áo dài giống nhau. Ðến những đôi dày cao gót để
“diện” đi chơi bà Dư cũng mua cho Huyền y như của Bà. Bà Dư đẹp, tính tình nhu mì,
hiền thục và là dâu út cho nên được bà Nội của Huyền cưng lắm; nhưng Huyền
không hiểu tại sao các cô và mấy bà bác dâu đều không ưa bà Dư. Bà Nội của
Huyền tu tại gia. Người cô thứ Hai của Huyền cai quản ngôi nhà từ đường, dãy
nhà trước Nhà Ðèn, cạnh rạp xi-nê Tân-Quang và khu phố lầu bên trái chợ
Ðầm.
Những hôm Bà Nội vào chùa, cô Hai cho mấy người giúp việc về
quê nghỉ vài ngày rồi cô sai bảo bà Dư làm tất cả công việc mà mỗi ngày ba
người giúp việc thường làm; rồi cô lại bắt bà Dư phải lau chùi bàn thờ. Lư
hương bằng đồng, nặng lắm, bà Dư bưng xuống không được, vậy là cô Hai có cơ hội
chửi rủa Bà. Ðợi cho cô Hai chửi “đã đời” rồi bà Dư lén nhờ chú tài xế của cô
Hai bưng lư hương xuống giùm. Sau khi bà Dư dùng tro lau chùi lư hương sạch
bóng, chú tài lại bưng để lên bàn thờ. Bà Dư làm gì Huyền cũng đi theo “như cái
đuôi” – ba tiếng này cô Hai dùng cho Huyền.
Huyền không biết và không nhớ bà Dư nấu ăn như thế nào;
Huyền chỉ nhớ những lời đay nghiến của cô Hai:
- Ðàn bà gì
chiên miếng cá thu mà cũng không nên thân, để bể ra như vậy ai thèm ăn? Thứ dân
‘trên núi’ không biết ăn cá hèn gì không biết chiên.
Bà Dư lặng lẽ khóc. Huyền tựa người vào bà Dư. Bà Dư, một
tay ôm Huyền, một tay làm việc. Huyền ngước nhìn cô Hai, người thường cưng chìu
Huyền và thầm nghĩ: Ở nhà Ngoại có bao giờ Mẹ nấu nướng gì đâu. Ngay như chăm
sóc cho Huyền mà Ngoại cũng mướn riêng một bà vú thì làm sao Mẹ biết chiên cá.
Như đọc được ý tưởng của Huyền qua ánh mắt, cô Hai nạt:
- Huyền! Lên nhà
trên chơi, để tao dạy má mày làm dâu.
Bà Dư sụt sùi, nới lỏng vòng tay:
- Con lên
nhà trên chơi đi. Mai Má đón xe lửa, Mẹ con mình về Ngoại.
Cô Hai, một tay chống vào mạn sườn, một tay xỉa xói bà
Dư:
- Mày đi
đâu mày đi, không được dẫn con Huyền theo. Nó là cháu nội nhà này, mang họ nhà
này. Mày mà dẫn nó ra khỏi nhà này là có mật thám theo liền. Mày biết không?
Như vạn vạn lần trước, bà Dư chỉ im lặng, khóc. Lúc đó Huyền
không hiểu được mật thám là gì; nhưng Huyền lại liên tưởng đến phong cách quan
liêu/nghiêm nghị của dượng Hai trong những bộ vét-tông rất đẹp và mũ “phớt” đội
hơi nghiêng.
Huyền chỉ thấy được dượng Hai bốn lần một ngày. Ðó là buổi sáng
từ nhà Dượng đi ra xe hơi, chú tài xế đợi sẵn; trưa, chú tài đưa Dượng về ăn
cơm rồi Dượng nghỉ trưa; xế, chú tài lại đưa Dượng đi; chiều, rước Dượng về.
Ngoài những lần đó Dượng chỉ ở trong phòng, đọc sách. Không ai, kể cả Huyền,
được phép đến gần Dượng, nếu Dượng không gọi. Chỉ có ông Dư – Ba của Huyền – cô
Hai và đôi khi các bác trai ghé nhà, mới được ăn cơm cùng bàn với dượng Hai.
Vì sống quá cách biệt cho nên, Huyền nghĩ, dượng Hai không
hề biết cô Hai hà khắc với bà Dư như thế nào.
Huyền không nhớ bà Dư bị cô Hai hiếp đáp bao nhiêu lần nhưng
Huyền lại nhớ những món ăn ở nhà hàng mà ông Dư thường chờ cô Hai đi chơi tứ
sắc mới dám đưa mẹ con nàng đi ăn. Huyền đủ khôn để hiểu rằng ông Dư cũng sợ cô
Hai cho nên Huyền hiểu tại sao bà Dư không dám mách lại ông Dư những điều bất
công mà cô Hai đã dành cho Bà. Riêng Huyền, Trời ban cho tính thẳng thắn/bộc
trực cho nên bé thủ thỉ với ông Dư những gì bé thấy/những gì bé nghe. Những lúc
đó ông Dư chỉ vuốt tóc Huyền và xoa nhẹ bờ vai của bà Dư:
- Kệ, em! Chị Hai
già rồi. Hơn nữa anh chị Hai nuôi anh ăn học, anh biết làm sao!
Bà Dư lại rưng rưng nước mắt:
- Răng anh không trở
về Dalat?
- Thú thật với em,
một mình anh sống trong đồn điền trà của Ba em anh cô đơn lắm, anh chịu không
nổi!
- Anh về lại trên nớ
đi. Em sẽ xin Ba Mạ cho em theo anh ra đồn điền.
- Trước kia mình đã xin mấy lần mà
Ba Mạ cứ ngại người giúp việc sẽ không chăm sóc em và bé Huyền theo như ý của Ba
Mạ. Em nhớ không?
- Rứa thôi
anh để em đem con về trên nớ chứ ở đây em không biết nấu nướng/không làm được
việc nhà, bị chị Hai mắng nhiết hoài em chịu không được!
- Anh biết.
Thôi, em ăn đi, mình sẽ tính lại sau.
Sau những lần đi ăn lén lút như vậy, bà Dư và Huyền phải vào
nhà bằng ngõ sau – ngõ dành riêng cho người giúp việc đi chợ/đi gánh nước/đi
kêu người hầu bài tứ sắc cho cô Hai, nếu cô Hai muốn xây sòng ở nhà.
Ðôi khi sự lén lút trôi qua suôn sẻ. Nhưng cũng nhiều lần bị
mấy người làm của mấy bác và mấy cô của Huyền bắt gặp rồi về mách lại để lập
công. Những lần đó mấy bác trai sang rầy la ông Dư.
Thường thường các Bác và ông Dư dùng tiếng Việt để nói
chuyện. Nhưng mỗi khi “cự nự” ông Dư các Bác đều “cự” bằng tiếng Tây và ông Dư
cũng phân bua bằng tiếng Tây cho nên Huyền không hiểu. Các bác sừng sộ, đập bàn
và nạt nộ ông Dư. Bà Dư, ngay từ khi thấy các Bác sang, đã sợ quá, vào trốn
trong phòng. Huyền cũng sợ, nhưng thương Cha một mình bị “ăn hiếp” nên Huyền cứ
cầm tay ông Dư và nép sát vào người Ông.
Những lúc đó Huyền nhớ Ngoại đến chảy nước mắt. Ở nhà Ngoại
không ai dám nạt nộ ông Dư/ không ai dám la mắng bà Dư/không ai làm cho bà Dư
và Huyền phải sợ. Ở nhà Ngoại Huyền còn được đi xe hơi; còn ở đây xe hơi chỉ để
cho cô dượng Hai, mấy bác trai và ông Dư. Mấy bác gái và các cô phải đi xe kéo.
Riêng bà Dư và Huyền, chỉ khi nào Ngoại gửi mandat – danh từ này ngày đó Huyền
nghe bà Dư nói hoài mà Huyền không hiểu – cho hoặc là ông Dư lén cô Hai cho bà
Dư tiền thì bà Dư và Huyền mới được đi xe kéo. Nhiều khi bà Dư bảo đừng đi xe
kéo, tội nghiệp ông phu kéo xe. Huyền không hiểu thật sự bà Dư thương hại mấy ông
phu kéo xe hay là Bà muốn hà tiện, để giành tiền lén cô Hai mua mía ghim, mua
bông cỏ xi-rô đá bào hoặc mua bánh căn cho Huyền ăn.
Khi nào lén cho Huyền ăn quà vặt bà Dư cũng thút thít:
- Ở trên
Ngoại, Mẹ con mình mô có cực như ri. Mạ nhớ Ngoại dễ sợ! Con nhớ Ngoại không?
Ðang ăn ngon lành, nghe nhắc đến Ngoại, tự dưng Huyền thấy
buồn quá, gật gật đầu, rơm rớm nước mắt, hết muốn ăn! Thường thường bà Dư dỗ
dành cho Huyền ăn hết phần quà; nhưng một hôm, đang thủ thỉ với Huyền, bà Dư
chợt bụm miệng, xoay sang hướng khác để...ói, nhưng không ói được! Rồi bà Dư
khóc, than:
- Ôi chao!
Ðiệu ni chắc chết!
Huyền không hiểu được thái độ và lời than của bà Dư cũng như
Huyền không thể nào hiểu được những lời đay nghiến của cô Hai dành cho bà Dư
mỗi khi cô thấy bà Dư ói:
- Mặt con
nít mà cái... đít bà già, đẻ sòng sọc như heo. Thứ đó ở trong nhà tao chi cho
xui xẻo.
Huyền hiểu chữ “xui xẻo”. Nhưng Huyền không biết ai bị xui
xẻo chứ riêng bà Dư và Huyền thì may mắn vô cùng; vì được ông Dư đưa về Ngoại.
Sau một thời gian, bà Dư sinh em trai, đặt tên Phiêu. Huyền
bắt đầu đi học trường tiểu học Domaine De Marie. Mỗi cuối tuần Ngoại bảo tài xế
đưa bà Dư, Huyền, Phiêu và bà vú vào đồn điền trà thăm ông Dư.
Những lần ở đồn điền trà, Huyền thích, mỗi sáng, đứng trên
thềm nhà cao, nhìn về hướng mặt trời để thấy ánh nắng mai lóng lánh trên những
đồi trà còn đọng hơi sương. Sau khi sương tan, Huyền chỉ thấy quanh nàng một
màu xanh ngút ngàn, kéo dài mãi đến cuối tầm mắt thơ dại của Huyền. Mỗi chiều
Huyền thường lén ông bà Dư, ra nhà chứa trà tươi rồi leo lên tầng ba để nhìn
ánh mặt trời đỏ rực khuất dần cuối trời xa. Những lúc đó dường như màu xanh của
những đồi trà trở nên sậm lại. Và những lúc đó Huyền thấy từng nhóm “cu-ly” –
danh từ ngày đó thường dùng – phần đông là người Thượng, sau lưng mang gùi, lũ
lượt kéo nhau về nhà chứa trà tươi để cân trà, để ông cai chấm công.
Hình minh họa - internet
Khi nào thấy Huyền trốn trên tầng ba để được nhìn mặt trời
lặn, ông cai cũng hù dọa:
- Xuống! Xuống! Con
gái chi mà hoang dễ sợ! Xuống không thôi tui mách ông Ðốc, bị đòn chết chừ!
Mấy lần đầu Huyền không biết “mách ông Ðốc” là mách ai. Sau,
Huyền thấy ai gặp ông Dư họ cũng đều ngã nón hoặc mũ rồi cúi đầu, nói: “Dạ,
chào ông Ðốc” thì Huyền hiểu – mà Huyền lại không hiểu – vì Ðốc không phải
là tên của ông Dư!
Niềm vui êm đềm của Huyền và niềm hạnh phúc của gia đình
Huyền kéo dài được một thời gian rất dài. Rồi một cuối tuần nọ, Huyền thấy ông
Dư có một người bạn mà Ông gọi bằng Alain và bắt Huyền gọi bằng ông Duboir.
Huyền nghe ông Dư nói với bà Dư, ông Duboir là con ông bà chủ đồn điền trà gần
đây mà ông Dư tình cờ quen được trong một lần ông Dư đem một chú chó berger đi
bác sĩ thú y tại Blao – sau này Blao được đổi tên thành Bảo-Lộc – Ông Duboir
đang theo học về ngành nhân chủng học, tại đại học Sorbone. Mỗi mùa Hè ông
Duboir sang đây thăm gia đình và cũng để nghiên cứu về các sắc dân Á-châu.
Liên tiếp mấy mùa Hè, Huyền thấy ông Duboir và ông Dư thường
hòa đàn với nhau. Ông Dư chỉ có Mandoline và Violon. Ông Duboir có Tây-Ban-Cầm,
Clarinette và Hạ-Uy-Cầm. Huyền thấy ông Duboir dạy ông Dư đàn Tây-Ban-Cầm,
Hạ-Uy-Cầm và Clarinette. Trong khi Huyền chỉ biết được những bài hát nhi đồng,
do học lóm từ con của các bác/các cô, lúc còn ở Nha Trang, thì ông Dư và ông
Duboir hòa những tấu khúc lạ lắm, Huyền chưa hề được nghe. Khi hai ông hòa đàn
Huyền thường ngồi xếp bằng trên nền gạch hoa, lắng nghe một cách thích thú – dù
lúc nào Phiêu cũng phá rầy Huyền.
Thỉnh thoảng ông Dư chở Huyền sang đồn điền của gia đình ông
Duboir. Huyền không hiểu tại sao ông Dư cũng bắt Huyền gọi Cha Mẹ của ông
Duboir bằng ông bà Duboir. Nhà ông Duboir có một piano lớn lắm; sau này
Huyền mới biết đó là piano à queu. Ðôi khi Mẹ của ông Duboir cũng hòa
đàn với ông Duboir và ông Dư, trong khi Ba của ông Duboir ngậm xì-gà, nằm nơi “ghế
bành”, lắng nghe. Nhiều khi Huyền thấy Mẹ của ông Duboir dạy ông Dư đàn piano.
Khi ông Dư cho Cha Mẹ ông Duboir hay rằng Huyền học trường bà
Sơ, Ông Bà Duboir hỏi Huyền biết hát bản Alouette không? Ông Dư dịch cho Huyền
nghe. Huyền trả lời “Dạ, biết.” Ông Bà Duboir bảo Huyền hát cho Ông Bà
nghe. Huyền hát. Bà đệm piano. Ba của ông Dubour thích chí, hát theo.
Khi hát chung với các bạn đồng lứa ở trường Huyền không nhận ra giọng của
Huyền. Nhưng khi Ba của ông Duboir hát theo, Huyền nghe giọng Ông ồ ồ, giọng
Huyền nhão nhẹt nên mọi người được dịp cười... bể bụng!
Huyền không nhớ vào thời điểm nào thì bà Dư và Huyền mới
biết, ngoài ông Duboir, ông Dư còn có thêm mấy người bạn Việt Nam. Chỉ lạ một
điều là mấy ông bạn người Việt này chỉ đến thăm ông Dư vào lúc khuya, ở nhà sau
– nơi để bàn “ping-pong” cho ông Dư, ông Duboir và nhân viên văn phòng chơi –
sau khi bà Dư, Phiêu, Huyền, mấy người giúp việc và tài xế đi ngủ.
Sở dĩ Huyền biết được điều này là vì Huyền không thích ngủ
một mình, cho nên, thỉnh thoảng Huyền ôm gối chạy sang phòng ông bà Dư. Nhiều
lần không thấy ông Dư mà Huyền lại thấy ánh đèn từ nhà sau. Huyền hỏi. Bà Dư
bảo ông Dư đang tiếp khách, im, ngủ đi. Huyền ngủ. Rồi một hôm Huyền giật mình
thức giấc vì tiếng của ông Dư thầm thì:
- Người ta
kết nạp, mình không tham gia thì thôi, chuyện gì mà sợ?
- Răng anh
không dứt khoát, biểu họ đừng lui tới với anh nữa để mình khỏi phiền hà về sau?
- Không dễ như em
nghĩ đâu. Mình phải khéo léo, từ từ, nếu không họ cho mình vào bẫy là chết!
Không thể nào Huyền hiểu được câu chuyện. Nhưng Huyền hiểu
phần nào câu cuối của ông Dư và không hiểu được tại sao Huyền lại liên tưởng
đến những người “bạn khuya” của ông Dư. Huyền cảm thấy không thích họ.
Một hôm, mưa lớn và gió nhiều, Huyền không dám ngủ một mình,
lại chạy qua phòng ông bà Dư. Phiêu ngủ nơi phòng khác với bà vú. Dường như ông
bà Dư đang bàn về một vấn đề rất hệ trọng, cho nên ông Dư bảo:
- Con về
phòng con mà ngủ. Ba Má đang nói chuyện.
Bà Dư can thiệp:
- Anh ni
kỳ! Vô đây, con! Trời mưa, sấm sét, con hắn sợ mà răng anh không cho con ngủ
với mình?
- Thì anh
ngại con nó nghe, rủi nó dại miệng thì phiền.
- Hắn còn con nít, biết
chi mô. Anh nói chi nói nho nhỏ, để con ngủ, hỉ!
Huyền không ngủ được, không hiểu vì mưa gió sấm sét hay là
vì tính tò mò. Trong câu chuyện giữa ông bà Dư, Huyền chỉ nghe tiếng được tiếng
mất. Khuya lắm, mưa dứt. Huyền nghe được giọng ông Dư:
- Nó chỉ là
một thằng Tây con, còn đi học chứ nó có hại ai đâu mà kết tội nó là thực dân.
Lại tiếng rầm rì. Rồi
ông Dư lại bảo:
- Anh trả
lời với họ là anh không thể giàn cảnh như vậy được. Nó đến và đi khi nào thuận
tiện cho nó chứ anh đâu có phương tiện liên lạc với nó. Dù có phương tiện đi
nữa anh cũng không thể làm chuyện ác đức, tày trời như vậy được!
Lại tiếng rầm rì. Ông
Dư bảo:
- Họ cho
anh một tuần, buộc anh phải thực hiện thành công đúng theo kế hoạch họ đã đề
ra.
- Nếu
không?
- Anh không tiên liệu được điều gì
sẽ xảy ra…
Nghe đến đây, Huyền ngủ lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, ông Dư mặc áo mưa của chú tài xế xe nhà, đi thẳng
đến nhà chứa trà tươi, ngồi chung với những bao trà tươi, để đi Blao.
Huyền rất ngạc nhiên. Ðây là chuyến xe vận tải – chị em
Huyền đặt tên xe này là “xe mập” – thường ngày chở trà tươi ra Blao giao cho
nhà máy sấy trà, rồi nhận trà khô của những chuyến trước, chở về. Thường
thường, nếu ông Dư chỉ đi kiểm soát quanh những đồi trà, hoặc nhà chứa trà
tươi, trà khô, hoặc khu chung cư của nhân viên, ông Dư tự lái chiếc Land Rover,
đi cùng với ba chú bergers. Nếu phải đi ra khỏi đồn điền, lúc nào ông Dư cũng
bảo tài xế xe nhà đưa đi. Tại sao sáng đó ông Dư không bảo chú tài xế xe nhà
đưa đi? Tại sao ông Dư không mặc áo mưa của Ông mà lại mặc áo mưa của chú tài?
Tại sao ông Dư không ngồi cạnh chú tài “xe mập” mà lại ngồi lẫn vào những bao
trà phía sau thùng xe? Không thể nào Huyền tìm ra giải đáp cho những thắc mắc
này; cũng như không thể nào Huyền hiểu được tại sao, kể từ hôm đó, ông Duboir
không đến chơi với ông Dư nữa và ông Dư cũng không đưa Huyền sang chơi với gia
đình ông Duboir nữa.
Huyền thấy bà Dư có vẻ lo lắng, bồn chồn trong khi ông Dư
vẫn cứ đàn một mình, chơi bóng rỗ hoặc chơi bóng bàn với nhân viên văn phòng.
Thấy thái độ vô tư của ông Dư, bà Dư “cằn nhằn”. Ông Dư bảo:
- Sống là
để đối phó hoặc trực diện với hiện tại chứ sống không phải để lo âu cho những
gì chưa đến.
Lúc đó Huyền không hiểu ông Dư nói gì. Sau này ông Dư thường
lập lại câu ấy để dạy Huyền cho nên Huyền mới nhớ. Khi nào bị bà Dư “cằn nhằn”
nhiều quá, ông Dư lại bảo bà Dư đưa hai con về Dalat. Bà Dư không chịu:
- Em không
bỏ anh một mình ở đây được. Hay là anh cùng về Dalat rồi Ba Mạ em thuê người
khác thay anh một thời gian?
- Anh là
người có trách nhiệm. Hơn nữa, anh ở đâu “tụi nó” cũng tìm ra, nếu “tụi nó”
muốn.”
Chỉ sau vài ngày, chuyện “bí mật” giữa ông bà Dư và “họ” bị
Huyền quên mất. Sự vắng mặt của ông Duboir cũng chẳng làm Huyền bận tâm; vì
Huyền có niềm vui mới. Huyền được ông Dư cho đi theo trong tất cả những lần Ông
lái Land Rover đi vòng vòng mấy đồi trà. Ðôi khi ông Dư còn lái luôn vào một
“buôn” người Thượng và giải thích cho Huyền đời sống của người Thượng. Nhờ
những lần vào “buôn” Thượng Huyền mới thấy được vài loài thú như bò, trâu, heo
và voi. Huyền không mấy thích thú khi nhìn những đứa bé đen đúa, hom hem, trạc
tuổi Huyền mà phải đi chân đất, không có – hay là không muốn mặc – áo quần như Huyền.
Huyền chỉ thích tiếng róc rách của con suối nhỏ chia cách đồn điền trà của
Ngoại và đồn điền của gia đình ông Duboir.
Trong những lần đi theo ông Dư, Huyền luôn luôn hỏi Ông
những câu chẳng đâu vào đâu. Ông Dư chỉ cười, xoa đầu con:
Buôn thượng - internet
- Cha mày! Lớn lên
con sẽ biết.
Khi ăn cơm ông Dư thường kể lại cho bà Dư nghe những câu hỏi
của Huyền rồi kết luận:
- Con nhỏ
tò mò và giàu óc tưởng tượng lắm đó, em.
Trong tất cả những điều mà khối óc non nớt của Huyền thường
tưởng tượng Huyền nghĩ không bao giờ có hình ảnh những khuôn mặt hung tợn của
mấy ông Tây mang súng, xông vào nhà trong khi ông Dư uống chưa xong ly cà-phê
sữa buổi sáng.
Ông Dư vừa đứng lên, chưa kịp chào hỏi thì một ông Việt-Nam
từ đâu chạy vào, bảo:
- Anh không
được trực tiếp nói chuyện với mấy ông Tây này. Anh phải nói qua tôi, tôi dịch
lại.
Huyền bước đến cạnh ông Dư nhưng bị ông Việt-Nam hét, đuổi
đi. Bà Dư và Phiêu khóc lớn cho nên Huyền không nghe được những gì ông Dư và
ông Việt-Nam nói qua hỏi lại. Một lúc sau, ông Dư ngồi nơi ghế với một ông Tây
ôm súng canh chừng; còn tất cả kéo nhau lục tung mọi thứ trong nhà trên, các
phòng ngủ, nhà sau, nhà bếp và nhà xe. Huyền không khóc nhưng sao nước mắt cứ
ứa ra, đưa tay quẹt hoài không hết. Huyền đi theo họ xem họ tìm cái gì.
Họ sang văn phòng của ông Dư, cũng lục tung mọi thứ. Họ trở
lại nhà, dẫn ông Dư sang kho trà khô. Trà này đã vào bao từ ngoài Blao, sẵn
sàng chuyển đến các đại lý. Họ dùng lưỡi lê đâm thủng, gần như đâm nát từng bao
trà. Không tìm ra được những gì họ muốn, họ dẫn ông Dư đến nhà chứa trà tươi.
Nơi đây, trà tươi được rải mỏng trên mỗi tầng nhà để phơi cho heo héo một tý
rồi mới cho vào bao, đem ra nhà sấy trà ngoài Blao. Họ cũng đào xới đủ mọi ngõ
ngách. Huyền lại muốn đến cạnh ông Dư nhưng mấy ông Tây ôm súng không cho.
Huyền ngẫng nhìn những đôi giày đinh bước rầm rập trên chiếc thang gỗ mong manh
mà Huyền thường leo lên tầng ba để bị ông cai hù dọa, đòi “mách ông Ðốc”. Một
lúc sau, họ leo xuống với thái độ và giọng nói đầy hằn học. Huyền nghe tiếng xầm
xì của mấy bác/mấy chú nhân viên văn phòng: “Tụi nó tìm ra rồi.” Huyền
không hiểu “tụi nó” là ai và tìm ra cái gì nhưng Huyền linh cảm được điều bất
an.
Trong khi mọi người chộn rộn, Huyền khom người, luồn lách
qua mấy ông Tây cầm súng để đến cạnh ông Dư. Ông Dư giật mình khi thấy Huyền.
Ông Dư ôm Huyền. Huyền ngẫng nhìn ông Dư và thấy những bắp thịt trên mặt ông Dư
giật liên hồi. Ông Dư nói nhỏ và nhanh:
- Con nói
Má qua gặp ông Duboir…
Ông Dư nói chưa hết câu và Huyền chưa kịp “dạ” thì một bàn
tay xồm xoàm kéo Huyền ra khỏi tay ông Dư và đôi tay xồm xoàm khác kéo hai tay
ông Dư ra phía sau, móc cái còng vào, bấm chặt.
Họ dẫn ông Dư đến chiếc xe bít bùng, đẩy Ông vào. Bà Dư và
Huyền chạy theo. Họ đẩy bà Dư và Huyền ra. Bà Dư vật vã, lăn lộn trên nền đất
đỏ. Huyền đứng trơ, nhìn chiếc xe chạy đi, theo sau là chiếc xe nhà binh chở
mấy ông Tây và ông Việt-Nam hách dịch.
Hai chiếc xe đã khuất nơi cuối con dốc nhỏ nhưng nhóm nhân
viên văn phòng, tài xế và người giúp việc cùng tất cả “cu-ly” đều sợ liên lụy,
không ai dám đến gần bà Dư và Huyền. Bà Dư, đầu tóc rủ rượi, ngồi khóc tỷ tê
dưới góc vông già và Huyền đứng trơ nhìn theo con đường đất đỏ dẫn đến con dốc
nhỏ.
Huyền biết, cuối con dốc nhỏ xe sẽ qua chiếc cầu gỗ, rồi xe
sẽ lên dốc, chạy dọc theo vườn trà trên ngọn đồi đối diện với ngọn đồi mà gia
đình Huyền đang rơi vào thảm trạng ngoài sức chịu đựng của bà Dư và ngoài sự
hiểu biết của Huyền. Khoảng cách giữa hai ngọn đồi Huyền có thể thấy bằng mắt
từ nơi mấy bậc cấp trước nhà; thế là Huyền chạy vội về nhà, bỏ mặc bà Dự ngồi
khóc một mình!
Huyền đứng lặng trong ánh nắng chan hòa. Thường ngày, đối
với Huyền, con đường đất đỏ nơi ngọn đồi đối diện như giải lụa rực rỡ vắt ngang
vùng không gian xanh ngát. Giờ phút này tất cả không còn nữa, chỉ có hai chiếc
xe màu dưa cải đang “bò” chầm chậm, từ xa trông như hai con bọ hung mà Huyền
rất sợ và ghê tởm mỗi khi thấy nó bò quanh gốc cây trà. Huyền không nhớ bao lâu
sau đó, bà Dư đến, ôm Huyền:
- Vô lấy đồ
đi về Ngoại, con!
- Không!
Con không về Ngoại. Con qua ông Duboir.
Bà Dư ngạc nhiên, nhìn sửng Huyền. Lúc này Huyền mới lập lại
câu nói của ông Dư trước khi Ông bị còng tay. Bà Dư quýnh lên, không thèm thay
đồ hoặc trang điểm, Bà bảo chú tài xe nhà đưa ba Mẹ con sang đồn điền của gia
đình ông Duboir.
Trên con đường đất đỏ quen thuộc mà trước đó vài tiếng đồng
hồ ông Dư bị áp giải như một tên tội phạm, Huyền nhìn lại và ghi nhận tất cả
hình ảnh Huyền yêu thích; vì Huyền linh cảm rằng sẽ không bao giờ Huyền được
trở lại đây – nơi đã giấu kín một khoảng đời thơ dại của Huyền cũng như đã giấu
kín sự “bí mật” mà mấy ông Tây đã tìm ra để kết tội ông Dư!
Vài hôm sau đích thân ông Duboir chở ông Dư về nhà Ngoại.
Mọi người trong gia đình đều túa ra, mừng rỡ, kể cả mấy chú bergers. Tiếng sủa
vang rân của mấy chú bergers không át được tiếng ho khan của ông Dư. Ông Dư đi
không nổi. Ông Duboir và cậu của Huyền phải kè hai bên, dìu ông Dư vào nhà.
Vừa ngồi vào xa-lông, ông Dư ho mạnh một cái và một búng máu
phun ra. Bà Dư nhào đến bên ông Dư trong khi ông Ngoại hét to, bảo chú tài lái
xe đi mời bác sĩ. Ông Dư thều thào với bà Dư:
- Anh bị
tụi nó đánh nhừ xương. Nếu Alain vào trễ một ngày nữa thì chắc anh chết rồi!
Ngay đêm đó Ngoại đem mấy va-ly ra xe, bảo chú tài chở đi
đâu Huyền không biết. Ông bà Dư bị “nhốt” trên lầu, ăn uống và mọi điều cần
thiết đều do chính bà Ngoại đem lên. Huyền và Phiêu được gửi sang nhà Dì Mười,
trên đường Phan-Ðình-Phùng, để đi học, dưới danh nghĩa con nuôi. Huyền và Phiêu
cũng được nghiêm dặn rằng hai chị em đều mồ côi, không biết Cha Mẹ là ai và
hiện sống ở đâu.
Ðến một lúc nào đó, Huyền nghĩ, ông Dư chịu không được cảnh
tù quẩn trên lầu cho nên lén đưa vợ con về lại Nha Trang.
Sau đó không lâu, bất ngờ gia đình Ngoại ghé nhà, cho ông bà
Dư hay tất cả tài sản của Ngoại, kể cả đồn điền trà và lò bánh mì cạnh chợ
Dalat, đều bị Pháp tịch thu; vì Pháp kết tội Ngoại có liên hệ/che chở/giúp
phương tiện để một người hoạt động cho Việt-Minh đào thoát! Ðêm đó mọi người
trong nhà đều buồn, khóc; chỉ có ông Dư ngồi một mình dưới gốc dừa, lặng lẽ
châm hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác…
Hồi tưởng lại đoạn đường đời đã qua của ông bà Ngoại, ông bà
Dư và của Huyền, Huyền thấy cuộc đời này chẳng là gì cả. Những người hiền lành,
đạo đức – như ông bà Dư – thường là nạn nhân của dòng đời chứ không hẳn là
những người được ân sủng của đất, Trời! Từ đó, Huyền cảm thấy không còn thiết
tha với bất cứ điều gì trên cõi đời này nữa!
Trong thời gian chờ đợi nhiều cuộc thí nghiệm liên tiếp,
Huyền thường nghĩ đến câu ông Dư thường dạy nàng: “Sống là để đối phó với
hiện thực chứ sống không phải để lo âu cho những gì chưa đến.” Rồi Huyền
lại nhớ lời nói của tài tử Suzanne Somers khi cô biết cô bị chứng bệnh nan y: “Tiền
tài và danh vọng đều là ngu xuẩn. Tôi chỉ muốn được sống thôi.” Huyền không
có tiền/ tài/danh vọng; nhưng Huyền cũng chỉ muốn được sống thôi; dù sống cũng
chỉ để chịu đựng sự hủy diệt của thời gian!
Dòng ý tưởng của Huyền vừa đến đây, nàng chợt nghe tiếng
“kịch” khô khan. Rồi ánh sáng lùa vào từ dưới chân nàng.
Sau khi Huyền thay chiếc áo của phòng điện tuyến xong, cô nhân
viên điện tuyến hỏi:
- Có ai đưa bà đến đây hay không?
- Có. Con gái tôi.
Cô chuyên viên điện tuyến vừa trao áo lạnh cho Huyền vừa lầm
bầm:
- Vậy thì tốt. Thời tiết bên ngoài tệ lắm. Tôi ghét mùa Ðông
ở xứ này.
Huyền cười, thầm nghĩ: “Con
chỉ xin Trời Phật cho con từng ngày. Con sẽ không ghét bất cứ một ngày nào của
đất Trời…” Vừa nghĩ đến đây, chợt thấy cô con
gái lấp ló bên ngoài khung cửa kính, đưa tay vẫy Huyền
rồi cười, Huyền cũng cười và tiếp nối ý nghĩ vừa bị cắt ngang: “...và cuối
tuần cho con được thấy mấy khuôn mặt thân yêu – như khuôn mặt bên kia khung cửa
kính – là con vui và con biết ơn Trời Phật và biết ơn đời.”
Sau khi chọn cho mình thái độ sống, Huyền mỉm cười một mình
và lòng cảm thấy thanh thản lạ thường. Sự thanh thản và bình an của Huyền dường
như toát ra trên khuôn mặt cho nên cô ý tá nhìn Huyền, vừa mở cửa phòng cho con
gái của nàng bước vào vừa nói:
- Bà trông an bình, tự tại, hoàn toàn khác hẳn với thái độ ủ
rũ, âu lo lúc bà mới đến đây. Thật là tuyệt diệu!
Huyền cười, nửa đùa nửa thật, hỏi:
- Cô biết tôi đang nghĩ gì khi trời lạnh và mưa xối xả như
thế này không?
Cả cô y tá và con gái của Huyền đều lắc đầu, cười, chờ đợi.
Huyền bảo:
- Tôi nghĩ đến bài Have You Ever Seen The Rain? và giọng ca
khàn khàn của Rod Stuart.
Cả ba người cùng cười. Giọng cô ý tá có vẻ cảm động:
- Tôi ước gì tất cả bệnh nhân đến đây đều có thái độ và ý
tưởng lạc quan như bà!
Huyền và cô con gái cười, chào tạm biệt cô y tá.
Trong khi cô con gái của Huyền mở dù ra, Huyền cố nhớ xem nhạc
khúc Have You Ever Seen The Rain bắt đầu như thế nào.
Che chung một cái dù với cô con gái, Huyền vừa chạy lúp xúp
trong mưa để ra bãi đậu xe vừa “nghêu ngao”: “...I want to know, have you
ever seen the rain comin’ down on a sunny day? Yesterday, and days before, sun
is cold and rain is hard...” Nghe tiếng hát và thấy thái độ của Huyền hoàn
toàn khác hẳn với dáng vẻ ủ rũ, lo sợ lúc đưa Huyền đến đây, cô con gái tròn
mắt nhìn Huyền. Huyền nhìn con, cười, đầu vẫn gật nhè nhẹ theo tiếng hát.
Vừa tiếp tục “nghêu ngao” Huyền vừa quay lui nhìn lại phòng
điện tuyến. Chính lúc đó Huyền mới nhận biết được, quả thật, nàng đã bỏ quên
mối lo âu trong lòng MRI scanner!
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét