Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

Công Dân Mỹ Tình Nguyện Chiến Đấu Tại Ukraine Có Hợp Pháp?

 

Một công dân Anh, không muốn tiết lộ danh tính và ngoại hình, có mặt tại Ba Lan để vào Ukraine tình nguyện tham chiến. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)

CÔNG DÂN MỸ TÌNH NGUYỆN CHIẾN ĐẤU TẠI UKRAINE CÓ HỢP PHÁP?
MPL

WASHINGTON, DC (NV) – Hàng ngàn người từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Canada, Georgia, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh và Mỹ, tình nguyện sát cánh với người Ukraine chiến đấu chống quân xâm lăng Nga có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý khi trở về nước, theo Reuters hôm Thứ Hai, 14 Tháng Ba.

Sau đây sơ lược một số điều luật được áp dụng đối với những người gia nhập Quân Đoàn Quốc Tế Bảo Vệ Lãnh Thổ Ukraine (ILDTU).

Các vấn đề pháp lý với công dân Mỹ 

Theo trang mạng của Bộ Ngoại Giao, công dân Mỹ được phép phục vụ trong quân đội của một quốc gia khác. 

Việc đảm nhiệm chức vụ sĩ quan hay chiến đấu chống lại một quốc gia đang hoà bình với nước Mỹ được xem là từ bỏ quyền công dân. 

Tuy nhiên, theo tiền lệ của Tối Cao Pháp Viện, không thể tước quyền công dân của người Mỹ chỉ dựa trên hành động này.

Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Act) năm 1974 của Mỹ nghiêm cấm công dân gây chiến với chính phủ ngoại quốc đang có mối quan hệ hoà bình với Washington và người vi phạm có thể chịu án tù lên đến ba năm. 

Ông David Malet, giáo sư tại Đại Học American, Washington, D.C, cho biết đạo luật trên đã được áp dụng để truy tố những công dân Mỹ tham gia đảo chính ở Gambia vào năm 2014. 

Những công dân Georgia tình nguyện tham chiến chống Nga xâm lăng Ukraine có mặt tại phi trường Tbilisi International Airport để đến Ba Lan. (Hình: Daro Sulakauri/Getty Images)

Đạo Luật Trung Lập có thể áp dụng đối với các công dân Mỹ đến chiến đấu tại Ukraine.

Nhưng hiện tại, đạo luật này hiếm khi được thi hành, đặc biệt khi không có mối liên hệ nào với các lực lượng khủng bố trong nước.

Các tình nguyện viên từ Úc, Anh và Ấn Độ thì sao?

Theo khuyến cáo du lịch của Bộ Ngoại Giao Anh vào hôm Thứ Tư tuần trước, các công dân Anh tham gia chiến đấu tại Ukraine có thể sẽ bị truy tố khi trở về nước.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Anh từ chối bình luận về các tội danh có thể truy tố.

Thủ Tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi người dân nước mình không tình nguyện chiến đấu tại Ukraine. 

Vào tháng trước, ông Morrison cho biết tính hợp pháp của hành động này là khó xác định được. 

Bộ Nội Vụ Ấn Độ (MHA) từ chối bình luận về chủ đề này. 

Trong trường hợp tương tự khi người Ấn Độ đến Iraq vào năm 2015, phía MHA đã nói với Tối Cao Pháp Viện Delhi rằng việc cho phép người Ấn Độ tham gia vào cuộc xung đột của quốc gia khác sẽ dẫn đến các buộc cho rằng chính quyền Ấn Độ đang thúc đẩy khủng bố ở các nước này.

Volodomyr (trái), 46 tuổi, và Vitaly, 44 tuổi, công dân Ukraine định cư tại ngoại quốc có mặt tại cửa biên giới Medyka, thuộc Ba Lan, để qua biên giới về lại quê hương chiến đấu. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)

Những quốc gia nào cho phép công dân tình nguyện tham chiến?

Chính phủ Đức khẳng định họ sẽ không truy tố việc chiến đấu tại quốc gia khác.

Chính phủ Đan Mạch và Lavita cho phép công dân tự nguyện tham gia.

Bà Anita Anand, bộ trưởng Quốc Phòng Canada, tuyên bố việc gia nhập ILDTU hoàn toàn là “quyết định cá nhân” của công dân Canada.

Sẽ ra sao nếu lính ngoại quốc bị bắt giữ tại Ukraine?

Luật quốc tế yêu cầu chính phủ Nga xem lính ngoại quốc, bất kể quốc tịch, là tù nhân chiến tranh, tức quân đội Nga phải cung cấp lương thực, nước uống và điều trị y tế cho họ.

Tuy nhiên, vào tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố các “lính đánh thuê” phương Tây tại Ukraine sẽ không được coi là chiến sĩ hợp pháp và có thể bị truy tố hình sự hoặc tệ hơn.

Tình nguyện viên có bị truy tố do các hành động trong thời kỳ tham chiến không?

Các chuyên gia cho biết vì các tình nguyện viên sẽ tham gia chiến đấu với tư cách là thành viên quân đội Ukraine, khi trở về nước, họ sẽ không bị truy tố về một số hành động nhất định trong thời chiến, ngoại trừ các cáo buộc tội ác chiến tranh hoặc tương tự. 

MPL [kn] - Người Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét