Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

Cuộc Chiến Với Những Điều Mới Mẻ

 

Cuộc chiến Ukraine đang đẩy đến cuộc khủng hoảng di tản lớn nhất châu Âu trong nhiều thập niên (ảnh: Omar Marques/Getty Images)

CUỘC CHIẾN VỚI NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ
Trần Bảo Toàn 

1/. Tốc độ chiến tranh

Cả Nga và Trung Quốc ban đầu đều mong rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga thi triển ở Ukraine sẽ diễn ra chớp nhoáng, thành công trong năm ngày. Quân đội Ukraine sẽ buông súng đầu hàng, Nga sẽ sắp xếp lại “trật tự thế giới” và đó là bài học thực tiễn để Trung Quốc ứng dụng đối với Đảo Quốc Đài Loan. Người tính không bằng Trời tính. Cuộc chiến cam go trên một quốc gia rộng lớn, không thể đánh nhanh rút gọn được, dân chúng Ukraine đã ngoan cường chống lại “quân đội hùng mạnh” của Nga.

Ngoại trừ sử dụng vũ khí nguyên tử, quân đội ấy không thể đè bẹp một đất nước có chủ quyền trong thời gian ngắn. Việc này, khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc chiến biên giới 1979. Ngày đó, Bắc Kinh đưa ra khẩu hiệu “Sáng ăn cơm Bắc Kinh, chiều ăn cơm Hà Nội” song thực tế thì sau 30 ngày khổ chiến, quân đội “Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa” thiệt hại 200 ngàn binh sĩ và phải rút về nước “sau khi đã sờ được mông hổ” (chiếm được hang Pắc Pó).

2/. Phản ứng của NATO và phương Tây

Có thể, người Ukraine thất vọng vì những lời hứa suông bảo vệ họ khi bị Nga tấn công. NATO và phương Tây đều tuyên bố không tham gia quân sự. Đây là việc dĩ nhiên, vì nếu tham gia quân sự sẽ dẫn đến chiến tranh nguyên tử. Chính vì thế mọi bên đều sử dụng võ miệng để răn đe nhau, khi không răn đe được nữa thì tuyên bố không tham chiến.

Tuy nhiên, phương Tây đã dùng các “vũ khí và công cụ khác” để tham chiến. Cuộc chiến tranh kinh tế, phi nguyên tử, song “phóng xạ” còn mạnh hơn và độ sát thương hủy diệt lan rộng trên toàn thế giới, không chỉ gói gọn ở Nga, mà các nước khác đều chịu “phóng xạ” bởi các hành động chiến tranh kinh tế mà Tây phương chủ xướng tấn công, bao vây Nga. Nước bị “phóng xạ dầu” mạnh nhất là Cộng Hòa Liên Bang Đức.

3/. Vị thế của Nga và Trung Quốc

Sau cuộc chiến tranh mang tính cách “trì cửu chiến” (chiến tranh tiêu hao, sách lược chiến tranh duy trì chậm, khiến đối phương kiệt quệ) khiến các siêu cường quân sự biết rằng đừng mong đánh nhanh thắng nhanh, nếu vũ khí sử dụng không tương thích. Chiến dịch của Nga lần này tại Ukraine chỉ ra rằng Mỹ vẫn là nước có các loại vũ khí thông minh, khủng khiếp nhất. Nga và Trung Quốc cần 20-30 năm nữa mới đạt được trình độ mà Mỹ hiện có. Các nước đang bị hai cường quốc này “bắt nạt” sẽ không còn quá sợ các con ngáo ộp ấy nữa. Nếu vạn bất đắc dĩ chiến tranh nổ ra, với ý chí duy trì nền độc lập, chủ quyền và không ngại hy sinh thì hai nước này và ngay cả Mỹ cũng không có cửa xóa sổ một quốc gia, nếu không dám dùng vũ khí giết hết dân tộc ấy. Khi mọi người hiểu vậy, họ sẽ chịu khó chung sống với nhau trong hòa bình.

4/. Sau bài học bị hacker tấn công và kiểm soát hệ thống truyền thông để cho dân chúng Nga hiểu rõ về cuộc chiến mà họ đang tham gia, mọi quốc gia trên thế giới đều hiểu thêm về sức mạnh của không gian mạng. Có lẽ đến giờ nước còn bưng bít được đến 90% sự thật là Triều Tiên.

5/. Cả Nga và Ukraine sẽ giảm sản lượng lương thực bán vào châu Âu, bù đắp lại, giá ngũ cốc, gạo ở các nước khác sẽ tăng giá.

6/. Cuộc chiến có thể kéo dài, nếu không thu xếp để có diễn tiến hòa bình, thì thế giới sẽ mất ít nhất năm năm để phục hồi những tổn thất mà cuộc chiến này mang lại. Lạm phát trên toàn thế giới sẽ tăng ít nhất 3.5% vì giá dầu và lương thực tăng.

Mỗi quốc gia giống một cái cây, đất nhiều thì cây to, đất ít vẫn có đủ thế, dáng của một cây già cổ kính giống bonsai. Điều tuyệt vời đối với một dân tộc là đất nước họ đang sống có chủ quyền độc lập.

Trần Bảo Toàn - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét