Hình minh họa
LY HÔN VÀ TÁI HÔN TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO
Báo Mai
Thảo luận về việc ly hôn và tái hôn giữa các Kitô hữu là một vấn đề nhạy cảm. Có rất nhiều nhận định sai lầm về giáo huấn của Giáo Hội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ có một số ít gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự đau buồn từ sự đổ vỡ trong hôn nhân, hoặc từ những vấn đề được đề cập trong tiến trình xét xử các trường hợp xin tháo gỡ hôn phối với mục đích xem xét tính hiệu lực hoặc thành sự của một cuộc hôn nhân nào trước đó.
Khái Niệm Về Hôn Nhân
Để hiểu rõ về ý nghĩa của việc ban hành Phán Quyết Công Bố Hôn Phối Bất Thành trong Giáo Hội Công Giáo, sẽ thật hữu ích khi nhìn vào khái niệm tốt đẹp đã có từ lâu đời về hôn nhân trong Giáo Hội. Hôn nhân được xem là một kết ước giữa một người nam và một người nữ để chung tay gắn kết xây dựng cuộc sống. Hôn nhân là một ơn gọi ấp ủ, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp đối với các cặp vợ chồng và theo lẽ tự nhiên sẽ đưa tới sự sinh sôi nảy nở và giáo dục con cái. Hôn nhân là một bí tích, như điều mà Thánh Phao-lô đã nhắc đến trong Tân Ước (Eph. 5).
Theo đó, một số những nguyên tố tất yếu bắt buộc phải hiện diện để tạo thành bí tích hôn phối. Điều đầu tiên đó là “Thể thức Giáo Luật” về việc kết hôn: một người Công Giáo theo lẽ thường bắt buộc phải kết hôn trong một nhà thờ Công Giáo và lễ cưới phải được cử hành trước một linh mục hoặc phó tế. Các yêu cầu về Thể thức Giáo Luật trong việc kết hôn chỉ áp dụng đối với người phối ngẫu theo đạo Công Giáo, do đó, chúng tôi vẫn sẽ công nhận việc kết hôn giữa hai người ngoại đạo, mặc dù họ đã không tổ chức hôn lễ trong nhà thờ hay cả khi hôn lễ của họ đã được tổ chức theo một dịch vụ tôn giáo khác.
Tuy nhiên, việc tuân thủ thể thức giáo luật về việc kết hôn không phải là tất cả những gì cần thiết để một bí tích hôn phối thành sự hoặc hợp lệ có thể xảy ra. Hơn thế, theo quy định của Giáo Hội về hôn phối, đôi vợ chồng bắt buộc phải được tự do và có chủ ý quyết định tiến tới hôn nhân. Đó chính là “Sự ưng thuận kết hôn.” Bày tỏ ý định ưng thuận tại thời điểm kết hôn là nghi lễ cốt yếu để sự ưng thuận kết hôn trở nên có hiệu lực, để thiết lập một mối tương giao không thể tách rời giữa người chồng và người vợ, và đó cũng chính là bí tích hôn phối. Đôi vợ chồng phải hiểu rõ thế nào là hôn nhân và họ bắt buộc phải có ý hướng cuộc hôn nhân của họ trở thành một kết ước vợ chồng cho đến suốt cuộc đời, để sinh hoa kết trái và sinh sản con cái. Họ phải có ý định trung tín cũng như đối xử tốt lẫn nhau. Ngoài ra, họ phải có đủ năng lực về thể chất cũng như tâm lý để có thể theo đuổi những dự định này.
Khi tất cả những nhân tố trên được gộp lại với nhau, một bí tích hợp nhất và bất khả phân ly được tạo thành bởi tay Thiên Chúa. Nếu người chồng hoặc người vợ là người Công Giáo và kết hôn đúng theo Thể Thức Giáo Luật, và sự ưng thuận kết hôn đã được tỏ bày trong lời thề hứa hôn nhân, thì chúng tôi xem đó là một giao ước hôn phối bền vững, lâu dài, không thể bị hủy bỏ, kể cả khi chính quyền dân sự đã không còn công nhận sự tồn tại của hôn phối ấy thông qua việc ly hôn dân sự.
Vậy, Phán Quyết Công Bố Hôn Phối Bất Thành Là Gì?
Có thể tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai hay không? Nếu một người phối ngẫu là người Công Giáo nhưng không kết hôn theo Thể Thức Giáo Luật, thì một tiến trình xét xử đơn giản sẽ được áp dụng nhằm mục đích đạt được Phán Quyết Công Bố Hôn Phối Bất Thành, bởi vì Thiếu Thể thức Giáo Luật. Nhưng nếu Thể thức Giáo Luật đã được tuân thủ, thì sẽ áp dụng tiến trình dành cho Trường Hợp Chính Thức.
Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là Trường Hợp Thiếu Thể Thức Giáo Luật và đâu thuộc Trường Hợp Chính Thức: Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành không phải là “Ly Dị Công Giáo.” Giáo Hội không có bất kỳ quyền hạn nào để chia rẽ những ai đã được hợp nhất bởi tay Thiên Chúa. Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành chỉ nói lên rằng kết ước vĩnh cửu của bí tích hôn phối đã chưa bao giờ hiện hữu ngay từ thuở ban đầu của cuộc hôn nhân. Nếu điều này đã được Giáo Hội xác định, thì cả hai người phối ngẫu sẽ được tự do kết hôn một lần nữa.
Phải hiểu rõ rằng, Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự hợp pháp của con cái trong cuộc hôn nhân trước đây, cũng như nó không bao hàm các bổn phận tất yếu và nghĩa vụ dân sự khác như sự chu cấp và nuôi dưỡng con cái. Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành của Giáo Hội không có hàm ý rằng hôn phối này chưa bao giờ tồn tại, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa rằng hôn phối ấy đã không có những đặc tính của một bí tích. Giáo Hội không tìm cách gán trách nhiệm cho bất kỳ ai về sự tan vỡ hôn nhân.
Việc Ly Dị Có Ảnh Hưởng Tới Tình Trạng Của Tôi Trong Giáo Hội Công Giáo Không?
Xin vui lòng ghi nhớ rằng ly hôn không có bất kỳ ảnh hưởng hay trở ngại nào đối với sự tham dự của quý vị trong Giáo Hội Công Giáo. Nếu quý vị đã ly hôn và đã tái hôn mà không có Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành (và người phối ngẫu trước vẫn còn đang sống) thì đây mới nảy sinh vấn đề. Tương tự như vậy, nếu người phối ngẫu của quý vị đã kết hôn trước mà chưa nhận được Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành thì đây cũng là một vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, quý vị sẽ không thể tham dự vào các phép bí tích bao gồm việc lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Chúng tôi trân trọng tất cả mọi cuộc hôn nhân. Do đó, tất cả những cuộc hôn nhân trước đây đều phải được xem xét, bởi vì mỗi một cuộc hôn nhân đều được xem là có hiệu lực hoặc thành sự với một cam kết vĩnh cửu và tồn tại đến suốt cuộc đời. Trong những trường hợp như vậy, không một ai có thể tự do kết hôn mà không có sự hiện hữu của bất kỳ tội trọng nào.
Nếu quý vị hoặc người phối ngẫu hiện tại của quý vị đã ly dị, hoặc tái hôn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, thì xin vui lòng lưu ý đến việc tìm kiếm sự hòa giải thông qua tiến trình xét xử để đạt được Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành, điều này có thể đem quý vị trở lại cùng thông phần trọn vẹn với Giáo Hội trong đời sống bí tích.
Tôi Có Thể Bắt Đầu Tiến Trình Này Bằng Cách Nào?
Việc đầu tiên, quý vị nên tham khảo các vị Linh Mục, Phó Tế hay Người Bảo Trợ Đệ Đơn tại giáo xứ của quý vị. Người này sẽ giúp quý vị định rõ trường hợp xin tháo gỡ hôn phối nào cần được đệ trình lên Tòa án. Để bắt đầu Trường hợp Chính thức, quý vị sẽ phải hoàn thành một bản khai sơ khởi hỏi về quá khứ của cuộc hôn nhân trước đây của quý vị. Kế đó, quý vị sẽ gặp Người Bảo Trợ Đệ Đơn, có thể là linh mục, phó tế, hoặc giáo dân đã được huấn luyện, người này sẽ giải đáp những thắc mắc của quý vị, giải thích rõ hơn về tiến trình cũng như giúp quý vị hoàn thành các giấy tờ thủ tục mở đầu. Khi hồ sơ của quý vị đã được hoàn thành đầy đủ, Người Bảo Trợ Đệ Đơn theo đó sẽ chuyển đơn thỉnh cầu xin tháo gỡ hôn phối đã được công chứng của quý vị, cùng với những tài liệu, chứng từ được yêu cầu về mặt pháp lý cũng như thuộc Giáo Hội lên Tòa án Hôn phối.
Một Số Nhận Xét
Tiến trình xin tháo gỡ hôn phối có thể mất nhiều thời gian. Bởi vì một số lượng lớn trường hợp xin tháo gỡ hôn phối còn đang trong giai đoạn chờ đợi sự xét xử của Tòa án, cũng như việc mỗi một trường hợp xin tháo gỡ hôn phối đều phải được xét xử thông qua một tiến trình vô cùng chi tiết và kỹ lưỡng, do đó, sẽ không bao giờ đảm bảo một ngày cụ thể để đưa ra phán quyết, thậm chí cũng không thể hứa hẹn một quyết định thuận lợi nào. Chính vì điều đó, nếu quý vị đang thỉnh cầu Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành cùng với ý định tái hôn trong tương lai, xin vui lòng biết rằng bất kỳ vị linh mục hay phó tế nào cũng không được phép, cũng như không thể hỗ trợ quý vị trong việc chuẩn bị cho hôn lễ, thậm chí chỉ là thiết lập ngày cưới linh hoạt cho đám cưới sắp tới, cho tới khi quý vị có phán quyết chấp thuận cuối cùng, bằng văn bản, từ Tòa án Hôn phối.
Trong tiến trình xét xử các trường hợp xin tháo gỡ hôn phối, có thể gợi lên những ký ức đau buồn trong quá khứ, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì hầu hết tất cả mọi người đều tìm thấy được một nguồn sức mạnh mới, sự hiểu biết và sự hòa giải thông qua cuộc trò chuyện với người đại diện Giáo Hội về cuộc hôn nhân trước đây của họ. Như một nguyên đơn gần đây đã nói với chúng tôi rằng, “Đó là một cách chữa lành tổn thương tuyệt vời dành cho tôi.” Một nguyên đơn khác cũng đã nói rằng: “Bây giờ tôi hiểu rõ bản thân và cuộc hôn nhân của mình!” Tất cả những ai liên quan tới việc hỗ trợ quý vị trong tiến trình xin tháo gỡ hôn phối này đều xem công việc của họ như thừa tác viên tông đồ phục vụ.
Chúng tôi rất hiểu và cảm kích sự nỗ lực của bất kỳ ai đang cố gắng tìm kiếm Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành. Tiến trình này có thể được xem như một sự trở ngại đối với sự thông phần đầy đủ của quý vị trong Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, đó cũng có thể được xem như sự trưởng thành trong tâm hồn của mỗi cá nhân hướng theo niềm hân hoan cùng tham dự với Thiên Chúa. Xin đừng để bất kỳ sự vướng mắc hay nghi ngờ nào khiến quý vị không thể tiếp cận được Tòa án Hôn phối về vấn đề liên quan đến cuộc hôn nhân trước đây.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị khi tìm đến Ngài và những ước nguyện của quý vị được thực thi theo ý Ngài.
Nếu quý vị đã ly hôn, thì xin ơn Chúa xoa dịu những nỗi đau đớn trong cuộc sống của quý vị thông qua Giáo Hội.
Nếu quý vị quyết định thỉnh cầu Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành, thì đây có thể sẽ là nguồn mạch giúp quý vị chữa lành mọi vết thương.
Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét