Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Putin Đã Phạm Sai Lầm Trong 'Binh Pháp Tôn Tử'?

 

Tổng thống Nga Putin và tranh vẽ Tôn Vũ (Tôn Tử). Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Chiến Sự Ukraine (4): PUTIN ĐÃ PHẠM SAI LẦM TRONG 'BINH PHÁP TÔN TỬ'?
Mạn Vũ

Lời toà soạn: ‘Chiến sự Ukraine’ là loạt bài đưa ra phân tích, góc nhìn của các chuyên gia có uy tín; đồng thời cũng kèm theo những chia sẻ mang hơi hướng văn hoá, đời sống để quý độc giả có một cái nhìn khách quan, đa chiều về tình hình ở Ukraine.

Trọn bộ Chiến sự Ukraine

Ngày 1/3, Fox News đưa tin rằng: Truyền thông nhà nước Nga ‘tuyên bố sớm’ về chiến thắng ở Ukraine. Trong bài viết nói rằng: vào 8h sáng ngày 26/2 (tức là gần 48 giờ sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2) truyền thông nhà nước Nga đăng một tin bài tuyên bố chiến thắng, đồng thời hoan hô về ‘thế giới mới’. Nhưng sau đó tin bài này đã bị xoá vì sai sự thật.

Nhìn vào mốc thời gian chúng ta thấy rằng: Putin dự định chiếm Ukraine trong 48 giờ nhưng đến thời điểm hiện nay đã hơn một tuần khai chiến, quân Nga vẫn chưa chiếm được toàn bộ Ukraine.

Trước khi làm tổng thống Nga, Putin làm trong trong KGB tức cơ quan mật vụ Liên Xô nên ông là một người rất nhanh nhạy. Một số người rất thích phong cách lãnh đạo ‘quyết đoán, sắc sảo và lão luyện’ của Putin cho rằng: Tổng thống Nga cố ý thể hiện sự yếu kém, sau đó sẽ tung ra ‘đại chiêu’.

Nhưng Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 4/3 lại nhìn nhận cách nói này hơi… hài hước. Vì sao? Giáo sư Chương giải thích rằng, Putin đã đi ngược lại nhận thức cơ bản về quân sự.

Mọi người biết rằng trong binh pháp có 4 chữ là: ‘Binh quý thần tốc’ –  兵貴神速, tức ‘việc binh quý ở thần tốc’. Trong Thiên Tác chiến thuộc Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ viết như thế này: “Việc binh nghe nói ‘thà vụng mà chóng’, còn hơn ‘khéo mà lâu'”, ý tứ là: khi dụng binh đánh trận, thà có hơi vụng một chút về phương pháp nhưng nhất định phải đánh nhanh thắng nhanh, chứ Tôn Vũ chưa từng nghe đánh trận dùng kế xảo diệu mà kéo dài cuộc chiến cả.

Là người một người nghiên cứu văn minh Trung Hoa, Giáo sư Chương nói điều này cũng dễ giải thích. Bởi vì đánh nhanh giải quyết nhanh là cổ vũ rất lớn cho sĩ khí quân mình, chấn nhiếp tinh thần của đối phương càng ngày càng lớn.

Tôn Vũ viết: “Sự đánh nhau, đánh lâu mới thắng thì nhụt đồ binh, cùn khí mạnh, công thành thì kiệt sức. Đem quân phơi dãi lâu ngày thì khoản tiêu dùng trong nước không đủ”. Nếu quân đội trường kỳ không thể tiến quân, sĩ khí chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tấn công thành trì thời gian lâu mà không hạ được sẽ hao tận khí lực (sức mạnh). Đồng thời nếu quân đội chấp hành nhiệm vụ ở bên ngoài trường kỳ, thì mỗi ngày đều tiêu tốn rất nhiều tiền, như vậy tài chính quốc gia không có cách nào chống đỡ nổi.

Vì thế Tôn Vũ mới viết: “Việc binh kéo dài mà nước lợi là chưa từng có vậy. Cho nên không biết hết cái hại của việc dùng binh, thì không thể biết hết cái lợi việc dùng binh”. 

Vấn đề này Tôn Vũ đã giảng rất rõ ràng từ 2500 năm trước. 

Giáo sư Chương giả định, nếu Putin ‘đánh nhanh giải quyết nhanh’ thì có 2 điểm lợi.

Thứ nhất, khi châu Âu và Mỹ Vẫn đang tranh cãi về các lệnh trừng phạt Nga, nếu Putin có thể nhanh chóng hoàn thành các hành động quân sự, thì sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và thương vong cho Ukraine. Điều này sẽ làm giảm sự thù hận của Ukraine đối với Nga. Nếu làm tăng thương vong, thì người dân Ukraine lại càng phản cảm hơn với Nga và Putin.

Thứ hai, việc ‘đánh nhanh giải quyết nhanh’ có lợi cho việc thành lập chính phủ bù nhìn. Nó cho thấy rằng Nga có thể sử dụng bạo lực để đe doạ, trấn áp người dân Ukraine, như vậy chính phủ bù nhìn sẽ ổn định hơn một chút. 

Vì vậy đánh nhanh thắng nhanh sẽ làm giảm thù hận của Ukraine đối với Nga, đồng thời tăng khả năng thành lập và duy trì chính phủ bù nhìn.

Nhưng đây chỉ là trên lý thuyết. Trên thực tế, quân Nga đang ‘cùn binh, cụt khí’, điều này nói rõ người dân Ukraine kháng cự rất kiên quyết. Nếu ý chí chiến đấu của người dân Ukraine càng kiên cường, ngay cả dùng vũ lực để tấn công thành công, thì xác suất thành lập chính phủ bù nhìn gần như bằng 0 vì sẽ bị đầu phiếu phổ thông lật đổ.

Hơn nữa nếu không có quản chế quân sự, ‘tẩy não’ dưới áp lực lớn trong thời gian dài, thì người dân Ukraine vẫn tiếp tục phản kháng.

Giáo sư Chương đưa thêm ví dụ, sở dĩ ĐCSTQ có thể thống trị trong thời gian dài như vậy chính vì chính quyền này ‘coi trọng giáo dục’. ‘Coi trọng giáo dục’ ở đây chính là ‘giáo dục tẩy não’.

Hiện nay ĐCSTQ đang bắt đầu ‘tẩy’ trẻ em từ mẫu giáo ở Hồng Kông, thông qua các thủ đoạn như: soạn lại tài liệu giáo dục, mở các một số khoá học… để cấy vào đầu trẻ em khái niệm ‘yêu nước, yêu ĐCSTQ’.

Nếu điều này kéo dài qua vài thế hệ, khi người căm ghét ĐCSTQ hết thọ mệnh, chỉ còn lại những người trẻ bị cấy vào tư tưởng ‘yêu nước, yêu ĐCSTQ’, thì ĐCSTQ vẫn có thể tiếp tục sự thống trị của mình. 

Sự thống trị ở Trung Quốc Đại lục chính là duy trì như thế, đây là ‘công hiệu’ của ‘giáo dục tẩy não’.

Trên Twitter ngày 4/3, người dẫn chương trình ‘Tân văn khán điểm’ (News Insight) là Lý Mộc Dương đã đăng một video ngắn quay cảnh người dân Hồng Kông giành giật đồ ăn ở siêu thị không khác gì người Trung Quốc Đại lục. Khi thấy cảnh này, một người dùng mạng người Hoa đã thốt lên rằng: “Hồng Kông mất 100 năm để thành văn minh phương tây. ĐCSTQ mất 20 năm để biến Hồng Kông thành Trung Quốc Đại lục”. Bây giờ người Hồng Kông cũng bị ‘tẩy’ không khác gì người ở Đại lục.

Trong quyển 3 cuốn “Quản tử – Quyền tu” có viết: “[Vì lợi ích] mười năm trồng cây, [vì lợi ích] trăm năm trồng người”. Quả thực, giáo dục là sự nghiệp “trăm năm trồng người”, cần tích luỹ rất nhiều thời gian, nhưng thời gian không đứng về Putin, quốc lực của nước Nga cũng không cho phép, bởi vì Ukraine quá rộng lớn (gấp đôi Việt Nam, gần 20 lần Đài Loan), dân số cũng khá đông (44 triệu người), và Putin cũng không có có nhiều binh lực như vậy.

Một số chuyên gia nhận định, nếu Putin muốn kiểm soát toàn bộ đất nước Ukraine bằng quân sự thì cần khoảng 500.000 người, nhưng quân số của Putin chỉ có 300.000, trong khi gần một nửa là ‘trưng binh’ (quân trưng dụng chưa qua huấn luyện bài bản), cho nên nếu Nga tung hết quân thì vẫn không thể kiểm soát được cục diện ở Ukraine.

Giáo sư Chương đánh giá, từ tình hình hiện nay mà xét, tuy rằng cuộc chiến Ukraine vẫn đang diễn ra, nhưng vì không đạt được mục tiêu chiến lược nên ông Putin đã thất bại trong việc dụng binh.

Mạn Vũ - DKN.TV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét