Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Hoa Kỳ Chi Hàng Tỷ USD Cho Các Cuộc Chiến Ở Ngoại Quốc, Nhưng Ai Mới Thực Sự Hưởng Lợi?

 

(Ảnh minh họa của The Epoch Times, Getty Images)

HOA KỲ CHI HÀNG TỶ USD CHO CÁC CUỘC CHIẾN Ở NGOẠI QUỐC, NHƯNG AI MỚI THỰC SỰ HƯỞNG LỢI?
Andrew Thornebrooke

Tòa Bạch Ốc nói rằng việc chi hàng chục tỷ USD cho các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc sẽ mang lại lợi ích cho người Mỹ, nhưng các chuyên gia lại có quan điểm khác nhau.

Những lo ngại về việc khuyến khích xung đột toàn cầu đang gia tăng khi chính phủ Tổng thống (TT) Biden yêu cầu hơn 105 tỷ USD chi tiêu an ninh bổ sung.

Chính phủ cho biết số tiền này, chủ yếu dành cho Israel và Ukraine, sẽ có lợi cho nền kinh tế.

Tổng thống Joe Biden đã mô tả gói chi tiêu đồ sộ này là “một khoản đầu tư thông minh” mà sẽ “đem lại lợi ích” đối với an ninh Hoa Kỳ trong tương lai.

Tương tự như vậy, Trợ lý Ngoại trưởng James O’Brien đã mô tả khoản chi tiêu bổ sung này là “một thỏa thuận rất tốt.”

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thì nói số tiền này sẽ “chảy qua cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta, tạo ra việc làm cho người Mỹ tại hơn 30 tiểu bang.”

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về những tuyên bố của chính phủ, và tin rằng khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp quốc phòng này sẽ lãng phí nguồn vốn của quốc gia trong việc giải quyết thỏa đáng các nhu cầu cơ sở hạ tầng và xã hội.

Ứng cử viên tổng thống triển vọng Robert Kennedy Jr. nằm trong số những người hoài nghi đó.

Ông Kennedy nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Tạo ra nhiều việc làm là một lý do tệ hại cho một chính sách ngoại giao vốn đang gây ra tình trạng hỗn loạn trên toàn thế giới.”

“Nếu chúng ta muốn tăng việc làm trong các công việc sản xuất và xây dựng lương cao, thì thay vì chế tạo vũ khí, chúng ta nên sửa chữa cơ sở hạ tầng và sản xuất các sản phẩm thực sự phục vụ cho hạnh phúc của mọi người.”

Ứng cử viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. nói chuyện trong sự kiện Tháng Di sản Tây Ban Nha tại Nhà hát Wilshire Ebell ở Los Angeles hôm 15/09/2023. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Vận may cho nhà thầu quốc phòng

Nhiều nhà phân tích tin rằng khoản chi tiêu bổ sung này của chính phủ, cùng với khoản tài trợ quốc phòng kỷ lục, sẽ đóng vai trò hiệu quả như một đợt chuyển giao tài sản hào phóng từ người đóng thuế Mỹ quốc sang lĩnh vực quốc phòng.

Ông Stephen Semler, người đồng sáng lập Viện nghiên cứu Cải cách Chính sách An ninh, nói rằng các nhà thầu quốc phòng thu được hàng tỷ dollar từ khoản chi tiêu bổ sung mà chính phủ yêu cầu, vốn phần lớn chỉ rơi “vào tay một số công ty.”

Trong một bức thư điện tử, ông Semler cho biết: “Dựa trên ước tính của tôi, đề xướng này sẽ tạo ra doanh thu 60 tỷ USD cho các nhà thầu quân sự thuộc khu vực tư nhân.”

Liệu hàng tỷ dollar đó có phục vụ thỏa đáng cho lợi ích quốc gia hay không là một câu hỏi còn để ngỏ. Vì vậy, ông Semler nói rằng chính phủ TT Biden hiện đang “thuyết phục mọi người tin rằng” gói chi tiêu đó là một mối lợi kinh tế vì hầu hết mọi người sẽ không tin gói chi tiêu này sẽ cải thiện các lợi ích an ninh quốc gia ở ngoại quốc.

Ông Semler nói: “Nếu như mọi người không tin tưởng lập luận chính sách ngoại giao cho việc chi 106 tỷ USD này, thì có thể họ sẽ ủng hộ nếu nó được xem là chính sách đối nội.”

Tổng thống Joe Biden ký “Đạo luật Phân bổ Hợp nhất” trị giá 1.5 ngàn tỷ USD tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/03/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Trích dẫn nghiên cứu từ dự án Chi phí Chiến tranh tại Đại học Brown, nghiên cứu của ông Semler cho rằng việc chuyển 100 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng sang các lĩnh vực năng lượng hoặc cơ sở hạ tầng có thể tạo ra 290,000 việc làm.

Do đó, khoản chi tiêu bổ sung này có thể làm xói mòn mạnh mẽ khả năng của Hoa Kỳ trong việc tạo ra nhiều việc làm hơn mà vốn có tác động tích cực đến sự thịnh vượng và phúc lợi của người Mỹ.

Theo ông Semler, vấn đề lớn hơn là mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục do chính phủ và Quốc hội thông qua, đỉnh điểm là vào năm ngoái ngân sách quốc phòng đã đạt mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Các nỗ lực chi tiêu trong nước của Tổng thống Biden, nhất là Luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng năm 2021 thật nhỏ bé so với số tiền hiện đang được cung cấp cho bộ máy quốc phòng.

Ông Semler nói: “Giữa kế hoạch viện trợ ngoại quốc của ông Biden và ngân sách năm tài khóa 2024 của Ngũ Giác Đài, thì tôi nghĩ các nhà thầu quân sự có thể đang kỳ vọng mức chi tiêu 559 tỷ USD.”

“Để so sánh, dự luật cơ sở hạ tầng nổi bật nhất của TT Biden chi 548 tỷ USD trong 5 năm.”

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley (Trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/04/2022. Ủy ban này đã tổ chức một phiên điều trần về yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2023 của Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Nhóm vận động hành lang quốc phòng khuyến khích xung đột

Mối lo ngại chính của ông Semler và những người khác là việc tiếp tục khuyến khích xung đột, trong đó cơ sở công nghiệp quốc phòng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp hành động để kéo dài xung đột nhằm nỗ lực tối đa hóa lợi ích kinh tế của mình.

Ông Semler đề cập đến “đội quân vận động hành lang” của cơ sở quốc phòng, vốn gây áp lực buộc chính phủ Hoa Kỳ phải áp dụng các chính sách cứng rắn và thói quen chi tiêu vì lợi ích của các công ty hoạt động vì lợi nhuận của họ.

“Khi Hoa Kỳ mua vũ khí, việc này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho một nhóm những doanh nghiệp cụ thể mà lợi nhuận ròng của họ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ gây chiến hoặc chuẩn bị cho chiến tranh,” ông Semler cho biết. “Các công ty này sau đó chuyển hướng một phần lợi nhuận của họ trở lại hệ thống chính trị nhằm nỗ lực lèo lái chính sách quốc gia hướng tới chiến tranh nhiều hơn.”

“Người duy nhất chắc chắn sẽ giành chiến thắng là các nhà thầu quân sự, vì vậy chúng ta biết họ sẽ thúc đẩy điều gì.” Năm ngoái, các công ty quốc phòng Mỹ đã chi hơn 128 triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang.

Hoạt động này bao gồm việc tuyển dụng hơn 845 nhà vận động hành lang, khoảng 72% trong số họ trước đây từng làm việc trong chính phủ, chủ yếu ở Ngũ Giác Đài hoặc Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Thượng viện.

Những nhà vận động hành lang đó không chỉ đút lót các chính trị gia; họ còn tác động đến chính việc xây dựng chính sách thông qua những lần rót lượng tiền mặt hào phóng cho các tổ chức tư vấn tập trung vào quốc phòng.

Một thành viên phi hành đoàn trực thăng của Lữ đoàn Hàng không Quân đội Độc lập số 18 xách các hộp đạn ở miền đông Ukraine hôm 09/02/2023. (Ảnh: IHOR TKACHOV/AFP qua Getty Images)

Một báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Chính sách Quốc tế công bố cho biết, từ năm 2014 đến năm 2019, các nhà thầu chính phủ và quốc phòng đã chi hơn 1 tỷ USD cho các tổ chức tư vấn.

Những bên nhận được nhiều nhất từ khoản tài trợ này là Tập đoàn RAND, Trung tâm An ninh Mỹ Mới, và Quỹ Mỹ quốc Mới. Họ đã nhận được tổng cộng hơn 600 khoản quyên góp khác nhau từ chính phủ Hoa Kỳ hoặc các nhà thầu quốc phòng.

Báo cáo cho biết: “Những nhà tài trợ hàng đầu thuộc chính phủ Hoa Kỳ là Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, Không lực, Lục quân, Bộ An ninh Nội địa, và Bộ Ngoại giao.”

“Các nhà thầu quốc phòng đóng góp nhiều nhất cho những tổ chức tư vấn này là Northrop Grumman, Raytheon, Boeing, Lockheed Martin, và Airbus.”

Bên cạnh đó, hồi năm 2020, Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, và Northrop Grumman là những doanh nghiệp vận động hành lang lớn thứ tư, thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy.

Năm 2022, bốn công ty này đã tuyển dụng tổng cộng 259 cựu nhân viên chính phủ, hiện đang đóng vai trò là nhà vận động hành lang, giám đốc điều hành, giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, và người được ủy thác.

“Tất nhiên, việc hoạch định chính sách sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi các hệ tư tưởng,” ông Semler cho biết. “Tất cả chúng ta đều có một hệ tư tưởng. Nhưng việc cho phép các công ty vũ khí có động cơ về lợi nhuận chi phối các quyết định về chiến tranh và hòa bình thì lại là một tình huống hoàn toàn khác.”

“Một số người không nghĩ rằng việc phân phối lại lượng tài sản khổng lồ này từ người đóng thuế sang các nhà thầu quân sự tư nhân là một vấn đề. Tôi nghĩ là như vậy.”

Quốc kỳ Hoa Kỳ tung bay bên cạnh một chiếc Oanh tạc cơ Tàng hình B-2 tại Trung tâm Tích hợp Ưu việt Phi cơ Palmdale ở Palmdale, California, vào ngày 17/07/2014. Không lực Hoa Kỳ và nhà sản xuất Northrop Grumman đã tổ chức kỷ niệm 25 năm chuyến bay đầu tiên của Phi cơ Tàng hình B-2. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Vai trò của Quốc hội

Vấn đề trục lợi chiến tranh không chỉ giới hạn ở nhánh hành pháp.

Thực chất thì cánh cửa xoay giữa Quốc hội và vận động hành lang quốc phòng đang rộng mở, và những tác động của chính sách thực tế của khoản chi tiêu do chính phủ đề xướng cuối cùng sẽ được Hạ viện và Thượng viện hiện thực hóa.

Nhưng số tiền lớn sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với các thành viên Quốc hội, những người dựa vào các tổ chức nghiên cứu dễ tính và giữ các công việc trong ngành quốc phòng ở các địa hạt của họ để tiếp tục nắm quyền.

Do đó, việc Quốc hội liên tục ủng hộ cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và những nơi khác, khó có thể được thay đổi hoàn toàn nếu không có một số lượng lớn ý kiến bất đồng trong cử tri.

Ông Antony Loewenstein, một ký giả và nhà làm phim độc lập sống tại Đông Jerusalem từ năm 2016 đến năm 2020, cho biết: “Các cuộc chiến do Hoa Kỳ hậu thuẫn, ở Iraq, Afghanistan cho đến ở Ukraine và Gaza, đều gây hậu quả trực tiếp đến ngành quốc phòng Hoa Kỳ.”

Binh lính tập trung bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trước khi Tổng thống Joe Biden đọc bài diễn văn tại phiên họp chung của Quốc hội tại Hạ viện của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/04/2021. (Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images)

“Đó là một phần lý do tại sao rất ít nghị sĩ Hoa Kỳ (cả nam và nữ) sẵn sàng thách thức tổ hợp công nghiệp quân sự này, bởi vì cấu trúc này có khả năng mang lại việc làm cho địa hạt của họ.”

The Epoch Times đã đề nghị 31 thành viên Quốc hội bình luận về vấn đề này, trong đó có cả chủ tịch và thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Một trong số những người được đề nghị này đã hồi đáp The Epoch Times.

Phát ngôn viên của văn phòng Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng hòa-Kentucky) đã hướng The Epoch Times đến với trao đổi sôi nổi của ông Rand với Bộ trưởng O’Brien về vấn đề viện trợ an ninh bổ sung.

Khi đó, ông Paul cho rằng chính phủ ông Biden đang “kích động chiến tranh” nhằm tăng lợi nhuận cho các tập đoàn quốc phòng.

Ông Rand nói: “Thực sự thì đó là một lý do [dẫn đến] chiến tranh.”

“Đối với tôi, suy nghĩ rằng ngành công nghiệp vũ khí sẽ thu được hàng tỷ dollar từ chiến tranh là không tài nào chấp nhận được.”

Các cuộc chiến tiếp nối khiến uy tín của ông Biden bị lung lay

Ông Loewenstein cho biết, quyết định của chính phủ ông Biden nhằm mục đích làm xáo trộn các loại nền tảng vũ khí mà họ đang gửi tới Israel, việc mà trước đây rõ ràng họ đã từng làm với Ukraine, khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Ông nói: “Gần như toàn thể các quan chức của Tòa Bạch Ốc thích sự bí mật hơn là sự minh bạch.”

Một lý do dẫn đến sự thiếu minh bạch này có thể là do tên tuổi của chính phủ ông Biden ngày càng giảm sút và việc chính phủ này tiếp tục viện trợ cho các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc.

Theo cuộc thăm dò của Reuters, trong cộng đồng người Mỹ, mức xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Biden chỉ đạt 39%.

Cũng cuộc thăm dò đó cho thấy nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất đối với người Mỹ trong 113 tuần liên tiếp vừa qua. Việc này có lẽ ám chỉ nỗ lực của chính phủ nhằm thay đổi yêu cầu an ninh bổ sung thành một vấn đề ưu tiên trong nước.

Đám đông lớn di chuyển qua Nhà ga Grand Central New York ở Thành phố New York hôm 21/11/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Thất bại liên tiếp về kiểm toán của Ngũ Giác Đài

Để chắc chắn, khó có thể biết được mối lo ngại về an ninh chính đáng chấm dứt ở đâu và việc trục lợi chiến tranh bắt đầu từ đâu.

Điều khiến sự phức tạp đó rối như tơ vò là việc Ngũ Giác Đài không có khả năng giải quyết các khoản chi tiêu của mình.

Tính đến tháng này, Ngũ Giác Đài đã không vượt qua được cuộc kiểm toán về hoạt động kế toán trong sáu năm liên tiếp.

Chỉ có 7 trong số 29 cơ quan trực thuộc của Ngũ Giác Đài nhận được bằng chứng nhận vượt qua cuộc kiểm toán này, và không có tiến triển gì so với năm trước. Một cuộc kiểm toán độc lập cho thấy các hệ thống theo dõi tài sản quân sự trị giá 3.8 nghìn tỷ USD đã không đạt được mục đích chi tiêu mà số tiền này được định ra.

Đó là một vấn đề thực sự cho thấy thực tế là yêu cầu [viện trợ] bổ sung không nhằm mục đích cung cấp tiền cho các quốc gia đang bị bao vây hoặc bán vũ khí cho họ mà là trực tiếp chuyển giao vũ khí cũ và sau đó giao tiền cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ để thay thế những vũ khí cũ đó.

Theo ông William Astore, một trung tá đã về hưu của Không lực Hoa Kỳ, sự thiếu minh bạch của chính phủ, Ngũ Giác Đài, và các công ty quốc phòng liên quan có thể khuyến khích sự thiếu trách nhiệm nói chung của giới lãnh đạo Hoa Kỳ đối với bạo lực đang diễn ra trong các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc mà quốc gia này tài trợ.

Giống như ông Semler, ông Astore cho rằng rằng chính phủ nên đầu tư vào việc tạo ra nhiều việc làm lương cao hơn trong nước, và giảm bớt chi tiêu quốc phòng một cách không suy tính.

Ông nói, đó là một vấn đề mà mọi người Mỹ nên quan tâm, bởi vì đất nước sẽ mạnh mẽ hơn nếu nguồn tài trợ đó được chuyển vào nơi khác.

“Người Mỹ nên quan tâm,” ông Astore nói, “bởi vì chúng ta với tư cách là một quốc gia có thể tạo ra nhiều việc làm hơn bằng cách đầu tư vào Mỹ thay vì xuất cảng vũ khí sát thương ra toàn thế giới.”

Các thành viên và những người ủng hộ cộng đồng Ukraine địa phương tham dự một cuộc biểu tình thể hiện đoàn kết với Ukraine, tại Jim Thorpe, Pennsylvania, vào ngày 03/03/2022. (Ảnh: ED JONES/AFP qua Getty Images)

Thời của cựu Tổng thống Eisenhower

Ông Astore đề cập đến ông Dwight D. Eisenhower, cựu tổng thống và tướng năm sao đã về hưu. Trong một bài diễn văn năm 1953 nhằm phản đối việc chi tiêu quân sự một cách không suy tính sau Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên, ông Eisenhower đã nói rằng số tiền đó có thể được chi vào cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống của người Mỹ.

Chính cựu Tổng thống Eisenhower một lần nữa trong bài diễn văn từ biệt năm 1961 đã đưa ra thuật ngữ “tổ hợp công nghiệp-quân sự.”

Tổng thống Eisenhower nói rằng một quân đội hùng mạnh và vững chắc là “kinh nghiệm mới mẻ đối với Mỹ quốc,” và khá trớ trêu thay, để xây dựng một quân đội hùng mạnh và vững chắc như thế có thể đe dọa đến an ninh và tự do liên tục của quốc gia nếu như việc theo đuổi an ninh và tự do bị đề cao quá mức.

Một hệ thống đúng kiểu như vậy là điều mà ông Kennedy, ông Semler, ông Loewenstein, và ông Astore giờ đây đang lo sợ.

Đối với cựu Tổng thống Eisenhower, có một giải pháp cho tổ hợp công nghiệp-quân sự đang bị mất kiểm soát đó là: sức mạnh của một cử tri có hiểu biết.

“Chúng ta phải đề phòng việc tổ hợp công nghiệp-quân sự có được ảnh hưởng không phù hợp, cho dù được tìm kiếm hay không,” cựu Tổng thống Eisenhower nói. “Khả năng gia tăng thảm họa của quyền lực bị đặt nhầm chỗ vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại.”

“Chỉ có những công dân cảnh giác và hiểu biết mới có thể buộc bộ máy công nghiệp và quân sự quốc phòng khổng lồ phải kết hợp đúng đắn với các phương pháp và mục tiêu hòa bình của chúng ta, để an ninh và tự do có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng.”

The Epoch Times đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và Ngũ Giác Đài bình luận về việc này.

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét