Tòa nhà Hệ thống Dự trữ Liên bang phía sau hàng rào ở Hoa Thịnh Đốn hôm 17/06/2020. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)
MƯỜI LĂM NĂM HỦY DIỆT MỸ QUỐC
Doanh Doanh biên dịch
Chính phủ đương thời của Hoa Kỳ có rất ít điểm tương đồng với chính phủ do các Tổ phụ lập quốc thành lập. Nhiều cuộc “cải cách” đã góp phần chuyển đổi một chính phủ có trách nhiệm trở thành một chính phủ vô trách nhiệm. Chẳng hạn, việc bầu cử trực tiếp các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và việc mở rộng quyền bầu cử từ các chủ sở hữu đất là nam giới, đã ảnh hưởng xấu đến an ninh đất đai tư nhân. Những người khác chỉ ra những ảnh hưởng của chiến tranh. Tất cả những điều này đều góp phần vào việc hủy diệt của Mỹ quốc. Tuy nhiên, theo tôi, sự chuyển đổi của chính phủ Mỹ có thể được giải thích bằng những sự kiện diễn ra trong ba giai đoạn lịch sử ngắn ngủi của chúng ta.
Các tổ phụ lập quốc xem Hoa Kỳ là một hiệp hội các tiểu bang trong đó quyền lực trung tâm bị hạn chế và không trọng yếu. Tu chính án thứ 10 trao quyền quản trị cho các tiểu bang. Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống (TT) Lincoln đã phá hủy quyền hạn của các tiểu bang và đưa đến việc quyền lực tối cao tập trung vào chính phủ liên bang hơn là các tiểu bang. Ngày nay, những gì xảy ra ở các tiểu bang cụ thể có thể được quyết định bằng phiếu bầu ở các tiểu bang khác. Cuộc chiến của TT Lincoln kéo dài bốn năm, và đó là thời gian đủ để TT Lincoln phá bỏ khuôn khổ do các Tổ phụ lập quốc đặt ra.
Thời kỳ tàn khốc thứ hai là vào năm 1913. Năm đó, Hoa Kỳ đã phải đối mặt với hai biến động lớn. Một từ việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang và một từ việc thiết lập thuế thu nhập. Việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tước quyền kiểm soát tiền của chính phủ và trao quyền này cho các chủ ngân hàng lớn. Thuế thu nhập đã phục hồi chế độ nô lệ. Các nhà sử học đã bỏ qua thực tế rằng trong lịch sử, định nghĩa về một người tự do là người sở hữu sức lao động của chính mình. Nô lệ hay nông nô là người có sức lao động do một bên khác sở hữu toàn bộ hoặc một phần. Không ai sở hữu sức lao động của chính mình mà lại phải nộp thuế cả. Một khi một người bị xâm phạm theo cách này, tất cả các biện pháp bảo vệ khác của người đó sẽ mất đi – quyền riêng tư, an ninh tại nhà và tài liệu, sự bảo vệ khỏi bị bắt giữ tùy tiện, tự buộc tội, và giam giữ vô thời hạn mà không bị kết án. Ngày nay, không một người Mỹ nào sống ở thời điểm hiện tại được trải nghiệm nền tự do mà các Nhà lập quốc từng biết đến.
Thời kỳ tàn phá thứ ba là cuộc Suy thoái những năm 1930. Đây là do hoạt động của Hệ thống Dự trữ Liên bang, cho phép nguồn cung tiền giảm, do đó ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, và giá cả. Cuộc Đại Suy thoái này đã tạo ra TT Franklin D. Roosevelt và Chính sách Kinh tế Mới. Chính sách Kinh tế Mới đã chuyển giao quyền lập pháp của Quốc hội cho các cơ quan quản lý cấp tiến mới. Ngày nay, khi Quốc hội thông qua một đạo luật, thì điều đó đồng nghĩa với việc ủy quyền cho các cơ quan quản lý viết ra các quy định thực thi luật đó. Ví dụ, Đạo luật Dân quyền năm 1964 rõ ràng cấm hạn ngạch dựa trên chủng tộc, nhưng Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC) lại áp đặt hạn ngạch dựa trên chủng tộc bằng các biện pháp quản lý.
Ba giai đoạn này, kéo dài trong 15 năm lịch sử Hoa Kỳ hay 6% thời gian hình thành và tồn tại của đất nước chúng ta, đủ để phá hủy những gì các Tổ phụ lập quốc đã tạo ra. Các nhà sử học bị che mắt vì lịch sử được viết ra nhằm mục đích tuyên truyền và để phục vụ các nghị trình. Cuộc chiến thuế quan của TT Lincoln đã trở thành một mục đích đạo đức nhằm giải phóng nô lệ người Mỹ gốc Phi Châu, điều mà TT Lincoln đã phủ nhận khi khởi xướng và nỗ lực trong cuộc chiến này. Năm 1913 được mô tả là một bước ngoặt mang tính cấp tiến theo hướng ổn định tài chính và công bằng. Chính sách Kinh tế Mới được trình bày như những biện pháp nhằm chế ngự sự bất ổn của chủ nghĩa tư bản. Khi ông Henry Ford được cho là đã nói, “lịch sử là chuyện vớ vẩn,” ông ấy đã không hề nói quá.
Rất tiếc, những vị anh hùng chính trị của chúng ta, chẳng hạn như TT Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Winston Churchill của Anh quốc, đã vấp phải chỉ trích vào đúng thời điểm các quốc gia này đang bị tấn công vì quá khứ xấu xa của họ. Giờ đây là lúc chúng ta cần niềm tin để đẩy lùi cuộc tấn công mà trong đó các thần tượng của chúng ta đã để lộ những điểm yếu. Cuốn Cuộc chiến của ông Churchill của tác giả David Irvin đã phá hủy danh tiếng được tạo ra một cách nghệ thuật của Thủ tướng Churchill. Giờ đây, cuộc Chiến về Tuyên ngôn Nhân quyền trong Chính sách Kinh tế Mới của ông David T. Beito đã hoàn tất việc làm tan vỡ hình ảnh người anh hùng cấp tiến Franklin D. Roosevelt.
Cũng giống như TT Lincoln, TT Roosevelt đã sử dụng chiến tranh để đạt được nghị trình của mình – tiêu diệt Đế quốc Anh và thay thế bằng Đế quốc Mỹ dựa trên việc đồng dollar xanh đảm nhận vai trò của đồng tiền Anh là đồng tiền tệ dự trữ của thế giới. Thật là một nghịch lý khi những người thiên tả xem một vị tổng thống như một anh hùng cấp tiến khi ông đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận, giam giữ các công dân Mỹ gốc Nhật tại các trại tập trung, hủy hoại cuộc sống của họ và để cho tài sản của họ bị đánh cắp, đồng thời tấn công Tuyên ngôn Nhân quyền vốn giúp người Mỹ được an toàn dưới sự bảo vệ của pháp luật. Như việc ông Beito phơi bày TT Franklin D. Roosevelt cho thấy rõ, rằng người đàn ông này là một bạo chúa đã thúc đẩy quyền hành pháp bằng cách tước bỏ quyền lực của Quốc hội và đe dọa Tối cao Pháp viện.
Ông Beito đã dành một thập niên để nghiên cứu và viết cuốn sách của mình, những ghi chú và mục lục đồ sộ gồm hơn 25% số trang in chứng thực cho sự kỹ lưỡng của ông. Cuốn sách này không phải là ý kiến của một người. Đó là những ghi chép lịch sử.
Nếu Mỹ quốc có những nhà sử học khác với những người thiên tả cả tin và thiếu kiên nhẫn thì có lẽ chúng ta vẫn được sống trong tự do và hưởng quyền tự do mà các Tổ phụ Lập quốc đã trao lại cho chúng ta.
Bài viết này được đăng lần đầu trên www.paulcraigroberts.org.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Paul Craig Roberts là một nhà kinh tế học, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ và biên tập viên của Wall Street Journal.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét