Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Cách Khắc Phục Nền Văn Hóa Đang Suy Yếu Của Hoa Kỳ

 

(Ảnh: Christopher Spolar/Unsplash.com)

CÁCH KHẮC PHỤC NỀN VĂN HÓA ĐANG SUY YẾU CỦA HOA KỲ
Tuệ Minh biên dịch

Những dự đoán về dân số Hoa Kỳ từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ được công bố gần đây đã vẽ ra một bức tranh mà mọi người dân Hoa Kỳ đều nên lo ngại.

Đó là một bức tranh về một xã hội đang suy yếu dần. Điều đáng ngạc nhiên và bàng hoàng đó là vấn đề này không nhận được nhiều sự chú ý hơn.

Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ dự đoán rằng dân số Hoa Kỳ sẽ ngừng tăng vào cuối thế kỷ này. Sau khi đạt đỉnh điểm 370 triệu người vào năm 2080, dân số sẽ giảm xuống còn 366 triệu người vào năm 2100, cao hơn chưa đến 10% so với mức dân số vào năm 2022.

Đến năm 2029, tỷ lệ dân số Hoa Kỳ trên 65 tuổi sẽ vượt tỷ lệ dân số dưới 18 tuổi, và đến năm 2038, số người qua đời trên toàn quốc sẽ vượt quá số người được sinh ra.

Nghĩ về điều này một cách cơ bản nhất, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có một tỷ lệ phần trăm dân số nhất định đang làm việc và sản xuất ròng, và một tỷ lệ nhất định không làm việc và tiêu dùng ròng. Khi dân số già đi, tỷ lệ làm việc và sản xuất giảm xuống và tỷ lệ tiêu dùng tăng lên.

Ví dụ, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của chúng ta tiêu tốn gần 20% GDP. Năm 2019, 30% dân số của chúng ta đạt độ tuổi từ 55 tuổi trở lên nhưng lại tiêu tốn 56% chi phí chăm sóc sức khỏe.

Khi dân số già hóa, tỷ lệ phần trăm GDP cần thiết cho chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng tăng.

Hiện đang có thảo luận về khả năng tồn tại của hệ thống An sinh Xã hội. Cốt lõi của cuộc thảo luận này là tính kinh tế của hệ thống, trong đó số tiền mà người đã về hưu nhận được là đến từ thuế quỹ lương mà những người đang làm việc phải trả.

Số lượng người làm việc trên mỗi người đã về hưu ngày càng giảm sẽ gây áp lực lên tính khả thi tài chính của hệ thống này.

Theo báo cáo gần đây nhất của Hội đồng Quản trị An sinh Xã hội: Trong năm 1950, có 16.5 người đang làm việc và chi trả cho mỗi một người đã về hưu. Đến năm 1960, con số này giảm xuống còn 5.1 người. Bây giờ là 2.7 người. Hội đồng quản trị dự đoán rằng đến năm 2040, con số này sẽ giảm xuống còn 2.3 người; và đến năm 2065 là 2.1 người.

Vì vậy, chúng ta thấy tuyên bố cho rằng, từ góc độ chính trị, có một thứ được gọi là nghị trình xã hội — hôn nhân, gia đình, con cái, phá thai — và nghị trình kinh tế — chi tiêu và thuế — và rằng những điều này không liên quan gì đến nhau là không đúng.

Nạn phá thai, sự sụp đổ hôn nhân và gia đình, cũng như sự suy giảm tỷ lệ sinh đều có liên quan đến sức khỏe tổng thể của xã hội chúng ta.

Khi chúng ta nhìn vào dữ liệu này từ Cục Thống kê Dân Số dự báo về một quốc gia đang già đi và dân số giảm dần, chúng ta cần nhìn vào những giá trị đang thay đổi một cách mạnh mẽ trong nền văn hóa của chúng ta như là thủ phạm số một gây ra các vấn đề của chúng ta.

Đầu năm nay, tờ Wall Street Journal đã công bố cuộc khảo sát được thực hiện cùng với NORC (Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia) tại Đại học Chicago với nhan đề “Hoa Kỳ xa rời khỏi những giá trị đã từng định nghĩa nên đất nước này.”

Liên quan đến tôn giáo, 39% cho biết rằng tôn giáo “rất quan trọng đối với họ,” so với con số 62% người vào năm 1998 nói rằng tôn giáo là “rất quan trọng.” Về vấn đề có con cái, 30% cho rằng điều đó “rất quan trọng” so với con số 60% hồi năm 1998.

Trong số những người dưới 30 tuổi, chỉ có 23% cho rằng việc có con là “rất quan trọng”.

Hành vi sẽ phản ánh các giá trị đang thịnh hành. Người Mỹ đang sinh ít trẻ em hơn. Tỷ lệ sinh hiện tại của Hoa Kỳ là 1.67 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2.1 cần thiết để duy trì quy mô dân số hiện tại.

Điều gì đã dẫn đến sự sụp đổ của nền văn hóa của chúng ta? Một thủ phạm chính đó là các quyết định sai lầm của tòa án đã loại bỏ việc cầu nguyện và tôn giáo ra khỏi các trường công lập của chúng ta.

Gần đây, nhà kinh tế học Roland Fryer của Harvard đã viết trên tờ Wall Street Journal về sự cần thiết của “sự lựa chọn trường học thực thụ.”

Ông kêu gọi đi theo tầm nhìn ban đầu của nhà kinh tế học Milton Friedman về việc “các bậc cha mẹ có quyền tự chủ trong việc lựa chọn môi trường giáo dục tối ưu cho con em mình, không bị ràng buộc bởi địa lý hoặc khung thu nhập, và có thể lấy toàn bộ quỹ giáo dục được phân bổ.”

Việc cho phép cha mẹ có quyền kiểm soát việc học tập của con cái sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc ngăn chặn sự sụp đổ các giá trị đang lan rộng vốn đã gây thiệt hại nặng nề cho đất nước chúng ta.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Tuệ Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét