Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Lịch Sử Mỹ Quốc Được Giảng Dạy Trong Các Trường Đại Học Xoay Quanh Chủng Tộc, Giới Tính, Áp Bức, Và Bất Bình Đẳng

 

Bản in đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ được trưng bày tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York, vào ngày 30/11/2022. (Ảnh: Timothy A. Clary/AFP qua Getty Images)

Báo Cáo: LỊCH SỬ MỸ QUỐC ĐƯỢC GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC XOAY QUANH CHỦNG TỘC, GIỚI TÍNH, ÁP BỨC, VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG
Cẩm An biên dịch

Việc sử dụng các thuật ngữ gây chia rẽ như người da trắng thượng đẳng, đa dạng, và công bằng được cho là ‘phổ biến,’ trong khi tài liệu vô cùng quan trọng lại bị loại bỏ.

Theo một báo cáo gần đây của Đại học Tiểu bang Arizona (ASU), việc giảng dạy lịch sử Mỹ quốc trong các trường đại học Hoa Kỳ chứa đầy những câu chuyện về áp bức, bất bình đẳng, người da trắng thượng đẳng, và nam tính độc hại, mà những điều này có nguy cơ gây ra “ngọn lửa bất bình cá nhân và chính trị bản sắc.”

“Nghiên cứu sâu rộng của chúng tôi phát hiện ra rằng những trợ giáo trong các khóa học nghiên cứu lịch sử Mỹ quốc nhấn mạnh quá mức đến bản sắc chủng tộc, sắc tộc, và giới tính, chủ yếu thường gây phương hại đến sự hiểu biết hoàn chỉnh và toàn diện về quá khứ của đất nước chúng ta,” báo cáo hôm 05/11 do Trung tâm Các thể chế Mỹ quốc (CAI) của ASU công bố nêu rõ. “Việc sử dụng các thuật ngữ tập trung vào bản sắc (chẳng hạn, ‘người da trắng thượng đẳng,’ ‘sự đa dạng,’ ‘công bằng’) rất phổ biến trong các khóa học nhập môn về lịch sử Mỹ quốc.”

“Một thành kiến hàm ý và tường minh được thể hiện đối với các khái niệm về tiến bộ, lợi thế của nền kinh tế thị trường tự do, và sự thịnh vượng của Mỹ quốc. Những tiến bộ về kinh tế, xã hội, và chính trị chỉ có ở đất nước chúng ta bị phớt lờ hoặc gạt bỏ, và Mỹ quốc thường bị coi là một quốc gia đang suy tàn.”

Nghiên cứu này phát hiện ra rằng rất ít hoặc không có sự chú ý nào đến các chủ đề truyền thống như nội dung Hiến Pháp Hoa Kỳ và lịch sử soạn thảo, Cách mạng Công nghiệp, quá trình dân chủ hóa nền chính trị Mỹ quốc bao gồm việc mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ, và vai trò của tôn giáo trong việc bãi bỏ chế độ nô lệ, và phong trào Dân quyền.

Ông Donald T. Critchlow, giám đốc CTI, cho biết: “Không ai có thể phủ nhận rằng hiện nay có một cuộc khủng hoảng về giáo dục công dân ở đất nước chúng ta.” Các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ “đang không cung cấp những sự kiện cơ bản về lịch sử Mỹ quốc và quyền lợi và bổn phận công dân cho sinh viên của họ.”

Ông cho rằng việc tập trung vào các vấn đề về chủng tộc, sắc tộc, và nhận dạng giới tính trong các bài học “đã khơi dậy ngọn lửa bất bình cá nhân và chính trị bản sắc, đẩy nhanh sự xói mòn văn hóa công dân của chúng ta.”

Ông Critchlow cho biết một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia “đã tiết lộ mức độ nghiêm trọng” của cuộc khủng hoảng này. Người ta phát hiện ra rằng chỉ 13% sinh viên được kiểm tra cho thấy trình độ thông thạo về lịch sử Mỹ quốc, với 40% sinh viên không đạt được mức kiến thức cơ bản như mong đợi về lịch sử Hoa Kỳ.

Các khóa học nhập môn về lịch sử thường được giảng dạy thành hai phần — phần thứ nhất bao gồm giai đoạn từ lúc định cư đến năm 1877 và phần thứ hai bao gồm giai đoạn từ năm 1877 đến nay.

Phần thứ nhất

Về phần thứ nhất, báo cáo của CTI lưu ý rằng sinh viên “được hướng dẫn coi sự bất bình đẳng là không thay đổi.” Báo cáo viện dẫn một trợ giáo từ một trường đại học tiểu bang tuyên bố trong “Mục tiêu Học tập” rằng sinh viên sẽ “thể hiện kiến thức về lịch sử của các nhóm văn hóa khác nhau và thường xuyên bị gạt ra ngoài lề xã hội trong lịch sử Hoa Kỳ.”

Một trường đại học khác tuyên bố rằng mục đích của chương trình học của họ là để bảo đảm rằng sinh viên nắm bắt được “cách sự bất bình đẳng đã được đưa vào chính Hiến Pháp của quốc gia.” Một trợ giáo tại một trường đại học ở Trung Tây cho biết mục tiêu chính của khóa học là bảo đảm sinh viên hiểu được “chủng tộc và phân biệt chủng tộc hăm he đe dọa như thế nào trong mọi giai đoạn của lịch sử Hoa Kỳ.”

Một trợ giáo từ một trường đại học ở miền đông tuyên bố rằng Mỹ quốc “sáng lập thông qua chiến tranh, chế độ nô lệ, và việc mở rộng lãnh thổ.” Một trường đại học ở miền Nam dành ba tuần đầu tiên cho “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” và “chủ nghĩa đế quốc sinh thái.”

Một chủ đề chính khác được đề cập trong phần thứ nhất là “sự áp bức phụ nữ và nam tính độc hại.” Báo cáo này lưu ý rằng trong khi thảo luận về các chủ đề này, thì những trợ giáo có xu hướng loại bỏ việc so sánh văn hóa Mỹ quốc với các nền văn hóa khác cùng thời như Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, và Nam Mỹ.

Một trường đại học ở Trung Tây bị phát hiện đã dành hai tiết học cho “Người da trắng ở Thời đại Jackson” và “Những người đàn ông chếnh choáng say và nam tính người Mỹ.”

Một trăm phần trăm toàn bộ chương trình học được phân tích trong báo cáo này ở phần thứ nhất có ít nhất một lần đề cập đến một thuật ngữ liên quan đến bản sắc như là “giới tính,” “phân biệt chủng tộc,” “chủ nghĩa đế quốc,” và “hòa nhập.”

Phần thứ hai

Trong phần thứ hai của lịch sử Hoa Kỳ, từ năm 1877 đến nay, các chủ đề tương tự về áp bức và bất bình đẳng tiếp tục diễn ra.

“Những tiến bộ của phụ nữ trong quyền bầu cử, nghề nghiệp, công việc, tiền bạc, chuyên môn, nơi làm việc, phương diện tài chính, hoặc các mối quan hệ xã hội đều bị bỏ qua trong các lớp này,” báo cáo nêu rõ. “Việc tập trung vào các nhóm người thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, và giới tính chú trọng vào chính trị phản kháng để ngăn chặn các phán quyết của tòa án hoặc hành động lập pháp.”

“Những tiến bộ xã hội, kinh tế, và công nghệ không được chú ý, thảo luận, hoặc đọc trong các bài đọc bắt buộc.”

Một số giáo sư công khai tuyên bố rằng mục đích của các khóa học của họ là dạy cho sinh viên rằng Mỹ quốc là một “vùng đất bị loại trừ” và lịch sử quốc gia này “chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người.”

Phần thứ hai cũng “nhấn mạnh hơn vào tính dục và nhận dạng giới tính,” báo cáo này lưu ý. Các chủ đề như chủ nghĩa nữ quyền cực đoan cấp tiến, tự do đồng tính, và đồng tính luyến ái “rất được chú ý.” Kỳ thị đồng tính nổi lên như một “chủ đề chính” trong một vài khóa học.

Một phần của nghiên cứu xem xét chương trình học liên quan đến thành công tài chính và công nghiệp của Mỹ quốc trong thời kỳ hậu chiến không tìm thấy có bất kỳ cuộc thảo luận nào về đề tài này.

“Thông thường cách mà các trợ giáo thảo luận về sự trỗi dậy của nền công nghiệp Mỹ quốc là bàn về sự phản đối về lao động, sự phân chia giai cấp, hoặc sự bất bình đẳng của phụ nữ,” báo cáo nêu rõ. “Những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp, tài chính, và các nhà đầu tư của Mỹ quốc như ông Andrew Carnegie, ông Thomas Edison, hay ông Steve Jobs đều nhận được rất ít sự chú ý, dù tốt hay xấu.”

Việc giảng dạy lịch sử pháp lý được cho là “nhìn chung bị loại trừ,” chỉ có một vài giáo sư thảo luận về Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 hoặc Đạo luật Quyền Công dân năm 1964.

“Gần như mọi chương trình học” mà báo cáo này xem xét không hề có lịch sử quân sự. Các trợ giáo hiếm khi thảo luận về các chiến dịch quân sự trong Đệ nhất Thế chiến và Đệ nhị Thế chiến. Thay vào đó, “sự chú ý hàng đầu” được dành cho các vấn đề như nữ công nhân, phân biệt chủng tộc, và đàn áp các quyền tự do.

“Cuộc thảm sát người Do Thái được đưa vào một vài chương trình học, nhưng ít ỏi một cách lạ lùng,” báo cáo cho biết. “Chiến tranh được thảo luận nhưng không đề cập đến chính cuộc chiến, sự hy sinh của những người tham gia cuộc chiến đó, hoặc lý do tại sao những cuộc chiến này lại diễn ra.”

Việc Tổng thống Harry S. Truman sử dụng vũ khí nguyên tử để chấm dứt chiến tranh ở Thái Bình Dương “dường như chủ yếu được coi là một vấn đề bản sắc, là lòng căm thù chủng tộc đối với người Nhật.”

Khi thảo luận về chủ nghĩa bảo tồn truyền thống, thì “sự nổi lên của Tân Quyền hoặc Quyền Dân túy thường được gắn liền với sự suy tàn của Mỹ quốc ở phương diện là một quốc gia.”

Chống lại những hệ tư tưởng gây chia rẽ

Báo cáo về sự gia tăng nhanh các hệ tư tưởng gây chia rẽ này tại các cơ sở giáo dục của Mỹ quốc được đưa ra khi những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đang thực hiện các bước để kiểm soát những giáo lý như vậy.

Chẳng hạn, hồi cuối tháng Mười Hai năm ngoái, văn phòng của Thống đốc Florida Ron DeSantis đã chỉ thị cho các cơ quan giáo dục tiểu bang báo cáo về số tiền họ chi cho sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) và thuyết chủng tộc trọng yếu (CRT) trong hệ thống giáo dục đại học của Florida.

Vài tuần sau, ông DeSantis tuyên bố rằng ông sẽ “loại bỏ tất cả những công chức DEI và CRT ở Florida.” Ông nói rằng các trường đại học của tiểu bang này “sẽ đào tạo những sinh viên tốt nghiệp với những tấm bằng thực sự hữu ích.”

Hồi tháng Tư, thượng viện Texas thông qua Dự luật Thượng viện 16 (SB 16) sẽ cấm giảng dạy các hệ tư tưởng CRT trong các cơ sở giáo dục đại học — kèm theo các hình phạt đối với những giảng viên thúc đẩy hệ tư tưởng này.

Một báo cáo hồi tháng Tư của CRT Forward, một sáng kiến ủng hộ CRT trong các trường học tại Trường Luật của Đại học California–Los Angeles (UCLA), tiết lộ rằng trận chiến chống lại việc giảng dạy CRT của tiểu bang đang gia tăng.

“Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2022, các quan chức chính phủ (liên bang và trên khắp 49 tiểu bang và địa phương của họ) đã giới thiệu tổng cộng 563 dự luật chống CRT, trong số đó, 241 dự luật đã được ban hành hoặc thông qua,” báo cáo đó cho biết.

“Động lực của chiến dịch chống CRT cho đến thời điểm này không có dấu hiệu chậm lại: quả thực, số lượng gần như tương đồng các dự luật đã được giới thiệu hồi năm 2021 (tổng cộng 280 dự luật) và năm 2022 (tổng cộng 283 dự luật).”

Cẩm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét