Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Đằng Sau Chiến Dịch Bỏ Phiếu Qua Thư Quy Mô Là Một Sắc Lệnh Ít Được Chú Ý

 

(Ảnh minh họa của The Epoch Times, Getty Images, Shutterstock)

Hoa Kỳ: ĐẰNG SAU CHIẾN DỊCH BỎ PHIẾU QUA THƯ QUY MÔ LÀ MỘT SẮC LỆNH ÍT ĐƯỢC CHÚ Ý
Nguyễn Lê và Doanh Doanh biên dịch

Chính phủ liên bang đang sử dụng những nguồn lực dồi dào và các cơ quan lớn nhất của mình để ghi danh cử tri mới và mở rộng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, với sự trợ giúp của các tổ chức bất vụ lợi.

Một nỗ lực của liên bang nhằm ghi danh cử tri bằng cách sử dụng phạm vi tiếp cận rộng lớn của chính phủ, kể cả toàn bộ hệ thống nhà tù Hoa Kỳ, đang làm dấy lên mối lo ngại từ những người chỉ trích cho rằng điều đó sẽ không mang lại lợi ích như nhau cho cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.

Hôm 06/03, Đổng lý Mississippi Michael Watson đã viết thư cho Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland cáo buộc rằng các cơ quan dưới sự phụ trách của Tổng Chưởng lý đang “cố gắng ghi danh cử tri bỏ phiếu, kể cả những phạm nhân phạm trọng tội có thể không đủ điều kiện, và lôi kéo các quan chức tiểu bang và địa phương thực hiện mục tiêu này.”

Cáo buộc này liên quan đến Sắc lệnh 14019 của Tổng thống (TT) Joe Biden, trong đó nêu rõ: “Người đứng đầu mỗi cơ quan sẽ đánh giá các cách mà cơ quan đó có thể, nếu phù hợp và nhất quán với luật hiện hành, thúc đẩy việc ghi danh cử tri và sự tham gia của cử tri.”

Ông Watson viết rằng, trong số những điều khác, lệnh này đã buộc Cảnh sát Liên bang Hoa Kỳ phải sửa đổi hơn 900 hợp đồng với các nhà tù và trại giam để cung cấp tài liệu ghi danh cử tri và tạo thuận tiện cho việc bỏ phiếu qua đường bưu điện cho các tù nhân.

“Chúng tôi đã làm việc tận lực để khôi phục niềm tin của cử tri Mississippi vào tiến trình bầu cử của chúng tôi,” ông Watson nói với The Epoch Times. “Việc chính phủ ông Biden và Bộ Tư pháp cố tình phá hoại những nỗ lực này và gây nguy hiểm cho tính liêm chính của các cuộc bầu cử ở Mississippi là không thể chấp nhận được.”

Đổng lý là người quản lý cuộc bầu cử ở Mississippi.

Các nhà phê bình cho rằng công việc của Bộ Tư pháp nhằm ghi danh cử tri trong các nhà tù chỉ là phần nổi của tảng băng.

Các cơ quan khác, trong đó có Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, cũng đang thực hiện các chiến dịch ghi danh cử tri mới.

Hôm 26/02, Phó TT Kamala Harris đã ca ngợi một kế hoạch liên bang nhằm sử dụng các khoản tài trợ vừa học vừa làm để trả cho sinh viên ghi danh cử tri.

Ngoài ra, sắc lệnh hành pháp của TT Biden đã chỉ thị các cơ quan liên bang chọn “các quan chức tiểu bang và các tổ chức bên thứ ba, phi đảng phái, đã được phê chuẩn, để cung cấp dịch vụ ghi danh cử tri tại cơ quan.”

Sắc lệnh của TT Biden đã được ông Ceridwen Cherry, một cựu luật sư nhân viên của Dự án Quyền Bỏ phiếu thuộc Liên minh Các Quyền tự do Dân sự của người Mỹ (ACLU) gọi là “có tầm nhìn xa,” ông đã nói rằng, “Trong một nền dân chủ, các chính phủ các cấp nên làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những người đủ điều kiện ghi danh bỏ phiếu.”

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng các cuộc bầu cử là nhiệm vụ của các tiểu bang chứ không phải của chính phủ liên bang.

“Lý do khiến điều này trở thành một vấn đề quan trọng như vậy là vì, cùng với tổng thống, chỉ có một đảng chính trị nắm quyền,” ông Stewart Whitson, giám đốc pháp lý của Quỹ Trách nhiệm giải trình Chính phủ (FGA), một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, nói với The Epoch Times.

“Nếu quý vị cho phép tổng thống là người quyết định nơi mà tất cả các nguồn lực dồi dào này được phân bổ thì đó là vấn đề,” ông nói và cho biết thêm rằng đây là lý do tại sao những Tổ phụ lập quốc đã trao thẩm quyền về bầu cử cho các tiểu bang chứ không phải cho cơ quan hành pháp liên bang.

Những người bị giam giữ trong nhà tù Quận Cook kiểm tra trước khi bỏ phiếu sau khi một địa điểm bỏ phiếu được mở tại cơ sở bỏ phiếu sớm ở Chicago vào ngày 17/10/2020. (Ảnh: Nuccio DiNuzzo/Getty Images)

Những người bị giam giữ trong nhà tù Quận Cook kiểm tra trước khi bỏ phiếu sau khi một địa điểm bỏ phiếu được mở tại cơ sở bỏ phiếu sớm ở Chicago vào ngày 17/10/2020. (Ảnh: Nuccio DiNuzzo/Getty Images)

Các vấn đề về việc thực thi

Kế hoạch này đã được một số nhà phê bình gọi là “Bidenbucks,” (Đồng Dollar Biden) ám chỉ khoản đầu tư vào các chương trình bầu cử cấp tiểu bang trị giá 400 triệu USD vào năm 2020 từ người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, được gọi là “Zuckerbucks” (Đồng Dollar Zuck).

“Đó là Đồng Dollar Zuck với lượng dồi dào, bởi vì đó không chỉ là 400 triệu USD, mà là nguồn tài chính và nguồn lực không giới hạn, cũng như tầm ảnh hưởng của chính phủ liên bang và tất cả các văn phòng của chính phủ trên khắp đất nước,” ông Whitson nói.

Những nỗ lực trước đây nhằm liên bang hóa các cuộc bầu cử thông qua Quốc hội đã thất bại.

Hồi năm 2022, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã cố gắng xóa bỏ ngưỡng tranh luận không giới hạn (filibuster) về lập pháp để thông qua đạo luật H.R. 5746, “Đạo luật Tự do Bỏ phiếu: John R. Lewis,” lẽ ra sẽ trao cho chính phủ liên bang thẩm quyền đối với các bộ phận của hệ thống bầu cử tiểu bang, mở rộng bỏ phiếu qua đường bưu điện, và loại bỏ các quy tắc bảo mật như yêu cầu nhận dạng cử tri.

Đảng Dân Chủ cho rằng dự luật này là cần thiết để chống lại sự “đàn áp cử tri” của chính quyền các tiểu bang.

Sắc lệnh của Tổng thống Biden bao gồm chỉ thị cho các cơ quan liên bang tìm cách phân phát “các mẫu đơn ghi danh bỏ phiếu qua đường bưu điện” cũng như trợ giúp người nộp đơn hoàn thành đơn ghi danh “theo cách phù hợp với tất cả các luật liên quan của Tiểu bang.”

Vào năm 2020, gần 45% cử tri đã sử dụng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Kể từ khi tổng thống ký Sắc lệnh 14019, một số nỗ lực đã được thực hiện nhằm thu thập thông tin về cách mà các cơ quan liên bang sẽ thực hiện sắc lệnh này, đặc biệt là những tổ chức tư nhân nào được chọn để làm việc bên ngoài các văn phòng liên bang cùng với các quan chức chính phủ.

Các cơ quan liên bang từ chối tiết lộ thông tin này, và các yêu cầu đã được thực thực hiện bằng đơn kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin Hoa Kỳ (FOIA), và sau đó là các vụ kiện; tuy nhiên, chính phủ TT Biden vẫn tiếp tục bất tuân các yêu cầu này.

Vào tháng 07/2021, FGA đã đệ trình một yêu cầu theo đạo luật FOIA liên quan đến kế hoạch Quyền Bỏ phiếu của Tổng thống Biden. Nhóm này đã tìm kiếm thông tin về những gì mà các cơ quan liên bang đang làm để thực hiện kế hoạch này, cũng như ghi chép từ các cuộc họp lập kế hoạch và chiến lược giữa các nhân viên của TT Biden, các cơ quan liên bang, và những người soạn thảo Sắc lệnh 14019 này.

“Những tài liệu này, trong bất kỳ bối cảnh nào khác, sẽ được chuyển giao nhanh hơn nhiều,” ông Whitson nói. “Vì vậy, điều này cho chúng ta thấy rằng có điều gì đó ở đó mà chính phủ TT Biden thực sự không quan tâm chia sẻ, bởi vì họ đã che giấu điều đó gần ba năm nay.”

TT Joe Biden và cựu TT Barack Obama bước xuống Air Force One khi đến Phi trường Quốc tế John F. Kennedy ở Thành phố New York hôm 28/03/2024. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

TT Joe Biden và cựu TT Barack Obama bước xuống Air Force One khi đến Phi trường Quốc tế John F. Kennedy ở Thành phố New York hôm 28/03/2024. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Tổ chức America First Legal (Pháp lý Nước Mỹ Trước tiên), một nguyên đơn khác trong vụ kiện FOIA, đã mô tả Sắc lệnh 14019 là “nỗ lực chưa từng có của Tổng thống nhằm khai triển các cơ quan liên bang trong việc trợ giúp các hoạt động bỏ phiếu theo đảng phái và củng cố các tổ chức tư nhân có liên kết chính trị đang hoạt động nhằm lách luật liêm chính trong bầu cử của tiểu bang.”

Hơn hai năm sau, các cuộc chiến tại tòa án về yêu cầu cung cấp thông tin vẫn đang tiếp diễn. Chính phủ đã cử cố vấn Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp phản đối những yêu cầu này.

Các cơ quan liên bang ban hành Sắc lệnh Hành pháp 14019 như thế nào

Nổi bật trong số rất nhiều cơ quan liên bang thực hiện sắc lệnh hành pháp này là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS). Vào năm 2022 cơ quan này đã công bố rằng các trung tâm y tế liên bang trên toàn quốc hiện có toàn quyền tham gia vào các hoạt động — gồm việc ghi danh cử tri — bên ngoài phạm vi hoạt động cốt lõi của bộ này.

“Các hoạt động ghi danh cử tri như vậy có thể gồm việc cung cấp tài liệu ghi danh cử tri cho bệnh nhân, khuyến khích bệnh nhân ghi danh bỏ phiếu, trợ giúp bệnh nhân hoàn thành các mẫu ghi danh, gửi các biểu mẫu đã điền cho cơ quan bầu cử, cung cấp tài liệu ghi danh cử tri trong phòng chờ, và cho phép các tổ chức tư nhân, phi đảng phái tiến hành ghi danh cử tri tại chỗ,” trang web của HHS cho biết.

Hoa Kỳ: Đằng sau chiến dịch bỏ phiếu qua thư quy mô lớn là một sắc lệnh ít được chú ý
Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị đã hướng dẫn hơn 3,000 cơ quan nhà ở công cộng quản lý khoảng 1.2 triệu đơn vị nhà ở công cộng trên toàn quốc tiến hành vận động ghi danh cử tri tại các đơn vị đó.

Bộ Giáo dục đã gửi thư tới các trường đại học, chỉ thị họ sử dụng Quỹ Vừa học Vừa làm của Liên bang “để trợ giúp các hoạt động ghi danh cử tri.”

Bức thư nêu rõ: “Nếu một sinh viên được một cơ sở giáo dục sau trung học tuyển dụng trực tiếp, thì cơ sở đó có thể trả thù lao cho sinh viên khi việc làm [theo chương trình Vừa học Vừa làm Liên Bang] liên quan đến các hoạt động ghi danh cử tri diễn ra trong hoặc ngoài khuôn viên trường.”

Theo ông Scott Walter, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô, Bộ Giáo dục đã đặc biệt tích cực trong việc tìm ra những cử tri có thể thiên về Đảng Dân Chủ.

Ông Walter nói với The Epoch Times: “Mọi khuôn viên trường đại học đều phụ thuộc rất nhiều vào sự hào phóng của Bộ Giáo dục, từ các khoản trợ cấp Pell cho đến mọi hình thức viện trợ khác.”

“Vào năm 2022, Bộ Giáo dục đã đe dọa các trường rằng tốt hơn hết quý vị nên ghi danh cho sinh viên, nếu không quý vị có thể mất quỹ liên bang của mình.”

Bộ Nông nghiệp đã gửi thư tới các cơ quan tiểu bang quản lý Chương trình Trợ giúp Dinh dưỡng Bổ sung và chương trình thực phẩm dành cho người có thu nhập thấp là phụ nữ có con là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hướng dẫn họ thực hiện các hoạt động ghi danh cử tri bằng quỹ liên bang.

Người dân bỏ phiếu sớm trong khuôn viên Đại học Michigan ở Ann Arbor, Michigan, hôm 20/02/2024. (Ảnh: Jeff Kowalsky/AFP qua Getty Images)

Người dân bỏ phiếu sớm trong khuôn viên Đại học Michigan ở Ann Arbor, Michigan, hôm 20/02/2024. (Ảnh: Jeff Kowalsky/AFP qua Getty Images)

Ghi danh có mục tiêu?

Hai bộ phận thuộc kế hoạch Quyền Bỏ phiếu của Tổng thống Biden, ACLU và một liên minh các nhóm cấp tiến mang tên Tăng cường Dân chủ, đã đưa ra “Báo cáo Tiến độ về Hành động của Cơ quan Liên bang nhằm Thúc đẩy Quyền Bỏ phiếu” vào tháng 03/2023.

Báo cáo này trình bày chi tiết đánh giá của họ về mức độ hiệu quả của 10 cơ quan liên bang trong việc khai triển Sắc lệnh Hành pháp 14019 và những gì họ cần làm để cải thiện.

Báo cáo nêu rõ rằng các cơ quan liên bang nên ghi danh cử tri mới theo những cách sau: HHS nên đưa việc ghi danh cử tri vào đơn ghi danh bảo hiểm y tế theo Obamacare; VA cần bao gồm việc ghi danh cử tri cho các cựu chiến binh ghi danh nhận trợ cấp sức khỏe của VA; Dịch vụ Y tế cho người Bản địa sẽ giúp ghi danh bệnh nhân sử dụng cơ sở IHS; Bộ Giáo dục nên đính kèm việc ghi danh cử tri khi sinh viên nộp đơn yêuc cầu tài trợ sinh viên liên bang; và Cục Nhà tù Liên bang cần làm việc để ghi danh cho những người bị kết án đủ điều kiện.

Hoa Kỳ: Đằng sau chiến dịch bỏ phiếu qua thư quy mô lớn là một sắc lệnh ít được chú ý
Báo cáo ca ngợi Bộ Ngân khố vì những cố gắng của họ nhắm vào nỗ lực ghi danh cử tri tại “các khách hàng có thu nhập thấp của các cơ sở khai thuế tự nguyện.”

“Họ đang nhắm mục tiêu vào các cơ quan phúc lợi phục vụ chủ yếu các cử tri thiên tả,” ông Whitson nói. “Đó là việc ghi danh cử tri có mục tiêu, vì vậy quý vị không phải lo lắng về việc thu hút được nhiều cử tri Đảng Cộng Hòa hơn nếu quý vị tập trung nỗ lực vào những nơi mà đại đa số cử tri sẽ nghiêng về cánh tả.”

Hợp tác với các tổ chức tư nhân

Một mối lo ngại nữa là các cơ quan liên bang này đang hợp tác với các nhóm tư nhân để ghi danh cử tri tại cơ quan liên bang.

“Về cơ bản, họ đang thu hút các nhóm bên thứ ba và đưa họ vào đất liên bang, vào một văn phòng liên bang, và ai biết họ đang làm gì,” ông Whitson cho biết. “Ai biết được liệu họ có tuân theo luật tiểu bang để quản lý việc ghi danh cử tri và thu thập đơn ghi danh hay không?

“Câu hỏi của chúng tôi là, nhóm nào được phê chuẩn, tiêu chí phê chuẩn là gì, ai sẽ quyết định quý vị sẽ hợp tác với nhóm nào? Và họ cũng chưa tiết lộ thông tin đó.”

Cô Codie Horse-Topetchy, sinh viên tại trường Đại học Oklahoma và là điều phối viên của nhóm Rock the Native Vote (Khuấy động Sự bỏ phiếu của Người bản địa), sắp xếp gian hàng của mình trong một sự kiện văn hóa tại khu hội chợ Comanche Nation ở Lawton, Oklahoma, vào ngày 30/09/2023. (Ảnh: Chandan Khanna/AFP qua Getty Images)

Cô Codie Horse-Topetchy, sinh viên tại trường Đại học Oklahoma và là điều phối viên của nhóm Rock the Native Vote (Khuấy động Sự bỏ phiếu của Người bản địa), sắp xếp gian hàng của mình trong một sự kiện văn hóa tại khu hội chợ Comanche Nation ở Lawton, Oklahoma, vào ngày 30/09/2023. (Ảnh: Chandan Khanna/AFP qua Getty Images)

Ông Watson cũng bày tỏ mối lo ngại này liên quan đến nỗ lực của Bộ tư pháp trong việc ghi danh cho các tù nhân bỏ phiếu ở Mississippi.

Bức thư của Đổng lý Mississippi nêu rõ rằng, mặc dù cơ quan của ông giám sát các cuộc bầu cử cấp tiểu bang, nhưng họ không hay biết về bất kỳ mối liên hệ nào giữa cơ quan này và Bộ tư pháp, điều này đặt ra câu hỏi về việc Cảnh sát Tư pháp Liên bang đang sử dụng tổ chức nào để thực hiện yêu cầu này.

Bức thư viết: “Nhiều nhóm bên ngoài thực hiện dịch vụ ghi danh cử tri và thu thập phiếu bầu là các tổ chức đảng phái có lịch sử không đáng tin cậy.”

Theo cuộc điều tra của FGA, ông Whitson cho biết, “Chúng ta có thể thấy mẫu của các nhóm bên thứ ba giấu mặt này là ai, và họ đều là các nhóm ủng hộ cử tri cánh tả.

“Khi họ trao các phúc lợi xã hội, họ đang cho phép những nhóm này quyền tiếp xúc đặc biệt. Họ cho phép những người này đứng bên ngoài hành lang khi mọi người đến cơ quan để điền thủ tục giấy tờ và nộp đơn yêu cầu trợ cấp, họ sẽ được chào đón bởi những nhóm này.”

Mặc dù chính phủ Tổng thống Biden từ chối tiết lộ tổ chức bất vụ lợi nào sẽ hợp tác với các cơ quan liên bang, nhưng các nhóm trợ giúp nỗ lực này gồm ACLU, nghiệp đoàn giáo viên, nghiệp đoàn công chức, Trung tâm nghiên cứu Luật người nghèo miền Nam, NAACP, Quỹ Người Mỹ gốc Phi Châu Quan trọng, Công dân, Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình, Liên đoàn cử tri Nữ giới, và Câu lạc bộ Sierra.

Phản ứng

Vào tháng 05/2023, một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã đưa ra một dự luật cấm các cơ quan liên bang sử dụng tiền của người đóng thuế hoặc hợp tác với các tổ chức tư nhân để vận động cử tri.

Thượng nghị sĩ Ted Budd (Cộng Hòa-North Carolina) cho biết: “Chính phủ liên bang và hàng triệu nhân viên của mình không nên sử dụng các nguồn lực chính thức để thúc đẩy chính trị đảng phái. Ông là một trong sáu thượng nghị sĩ giới thiệu dự luật Thúc đẩy Đạo luật Bầu cử Tự do và Công bằng.

Ông nói: “Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden trao quyền cho mọi cơ quan liên bang tham gia vận động bầu cử bằng tiền của người đóng thuế, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về đạo đức và pháp lý [và] vốn mang tính chính trị và chủ yếu nhắm vào các nhóm dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu cho đảng này thay vì đảng khác.”

Người dân bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử đặc biệt tại Trường Trung học Robert M. Finley ở Glen Cove, New York, hôm 13/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Người dân bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử đặc biệt tại Trường Trung học Robert M. Finley ở Glen Cove, New York, hôm 13/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Vào tháng 11/2023, Dân biểu Claudia Tenney (Cộng Hòa-New York) đã đưa ra một sửa đổi cho dự luật phân bổ ngân sách năm 2024 nhằm cấm sử dụng nguồn tài trợ của cơ quan liên bang để thực hiện Sắc lệnh Hành pháp 14019.

“Đây là một sự liên bang hóa các cuộc bầu cử vốn không phù hợp và vi hiến,” dân biểu Tenney cho biết vào thời điểm đó. “Dịch vụ dân sự của Hoa Kỳ nên là phi đảng phái, và các cơ quan liên bang không nên sử dụng tiền của người đóng thuế để tích cực tham gia vào các chiến dịch vận động bầu cử không liên quan gì đến sứ mệnh cốt lõi của cơ quan này.”

Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) phản ứng bằng cách nói rằng sắc lệnh của Tổng thống Biden “thừa nhận rằng có quá nhiều trở ngại đối với việc bỏ phiếu” và lệnh này được đưa ra để “mở rộng khả năng tiếp cận thông tin ghi danh cử tri và bầu cử.”

Hoa Kỳ: Đằng sau chiến dịch bỏ phiếu qua thư quy mô lớn là một sắc lệnh ít được chú ý
Điều khoản sửa đổi này được thông qua bằng việc bỏ phiếu qua giọng nói; dự luật hiện đang bị đình trệ tại Quốc hội.

Đồng thời, một nhóm gồm 24 nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ở Pennsylvania đã đệ đơn kiện liên bang khởi kiện Tổng thống Joe Biden, Thống đốc Josh Shapiro, và các đại diện của Bộ Nội vụ Pennsylvania, cho rằng họ đã chiếm đoạt thẩm quyền của Cơ quan lập pháp bằng cách thay đổi quy định ghi danh cử tri và bầu cử.

Đơn kiện của họ được đệ trình lên Tòa án Địa hạt Liên bang cho Quận Middle của Pennsylvania, yêu cầu thẩm phán tuyên bố ba hành động vi hiến: một sắc lệnh về ghi danh cử tri do Tổng thống Biden đưa ra, một hành động ghi danh cử tri do ông Shapiro đưa ra, và một số chỉ thị của Bộ Nội vụ. Họ cũng yêu cầu thẩm phán ban hành một án lệnh cấm Tổng thống, thống đốc, và các nhà điều hành tiểu bang thực hiện những thay đổi trong tương lai đối với tiến trình bầu cử ở Pennsylvania mà không tuân theo thủ tục lập pháp.

“Luật về tài chính chiến dịch tranh cử liên bang áp dụng cho các hoạt động ghi danh cử tri của các bên tư nhân,” tài liệu của tòa án cho biết. “Hướng dẫn ghi danh cử tri … là chức năng riêng được liên bang công nhận, không phải chức năng của chính phủ.”

Bản tin có sự đóng góp của Beth Brelje.
Nguyễn Lê và Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét