Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Thực Tập Sinh Viên Việt Nam Trộm Cắp Ở Nhật Bản

 


THỰC TẬP SINH VIÊN VIỆT NAM TRỘM CẮP Ở NHẬT BẢN
Báo Mai

Ngày càng có nhiều thực tập sinh người Việt bị bắt giữ ở Nhật Bản vì trộm cắp và các tội khác gây ra những lo ngại ở đất nước này cũng như báo hiệu về những vấn đề sâu xa hơn bên dưới bề mặt, tờ báo lâu đời của Nhật Asahi Shimbun nêu ra trong một phóng sự hôm 28/8.

Trước đó, nhiều báo và đài khác của Nhật đưa tin về hàng loạt các vụ trộm cắp, phạm tội do người Việt gây ra ở quốc gia Đông Bắc Á.

Hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, 35% là các thực tập sinh, theo Asahi Shimbun. Việt Nam đang đứng đầu nhóm 15 nước đưa thực tập sinh, người lao động tới đất nước này. Họ góp phần duy trì các ngành quan trọng như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

BM

Nhưng kèm theo sự hiện diện của họ là nhiều vụ phạm tội gây phiền lòng người dân sở tại. Đã có một loạt các bản tin và các trang tin Việt ngữ ở hải ngoại về ít nhất 10 người Việt bị nhà chức trách Nhật bắt giữ về tội trộm cắp hoặc ăn cướp trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.

Gần đây nhất, NHK và một số đài, báo Nhật đưa tin về một nhóm người nói tiếng Việt đánh cắp 11 xe ô tô hồi rạng sáng ngày 19/8 tại một đại lý của hãng Honda ở thành phố Otawara, tỉnh Tochigi.

Phóng sự hôm 28/8 của Asahi Shimbun nêu ra trường hợp một người đàn ông Việt Nam 32 tuổi bị đem ra xét xử ở tỉnh Fukuoka vì bị cáo buộc đã nhiều lần ăn trộm trong các căn nhà vắng chủ hồi năm ngoái. Ông này đã nhận tội với cảnh sát.

BM

Ông này đến Nhật năm 2015 làm thực tập sinh nhưng bị người chủ chê trách về thái độ làm việc. Sợ bị trả về nước, ông ta bỏ trốn và bắt đầu đi ăn trộm sau khi được một người quen cũng là người Việt khuyến khích, Asahi Shimbun cho biết, dẫn thông tin từ các điều tra viên.

Vẫn các điều tra viên nói rằng ông này nợ số tiền hơn 171,5 triệu đồng sau khi trả các loại phí cho công ty môi giới để được đi Nhật và đã không thể trả số nợ đó. Ông ta khai rằng khi trộm cắp được, ông ta gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam, theo phóng sự của Asahi Shimbun.

BM

Tờ báo này nói rằng con số công dân Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt giam vì bị tình nghi dính dáng đến các vụ tội phạm đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, 1.608 người Việt đã bị bắt trong năm ngoái, tăng thêm 27 người so với năm kia. Họ chiếm 28% trong toàn bộ những người nước ngoài bị bắt ở Nhật và là con số cao nhất trong 4 năm liên tiếp.

BM

Nhiều thực tập sinh Việt Nam, khoảng 80%, gặp khó khăn do nợ những khoản tiền lớn vì phải trả phí môi giới, Asahi Shimbun viết. Trong khi đó, về nguyên tắc, họ không được thay đổi chỗ làm trong 3 năm đầu tiên.

Gặp vấn đề về bắt nhịp với nơi làm việc, song lại không thể chuyển chỗ làm, trong khi vẫn phải chịu gánh nặng nợ nần là những yếu tố đẩy nhiều thực tập sinh người Việt vào con đường phạm tội, các chuyên gia nói trong phóng sự của Asahi Shimbun.

BM

Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản ở tại Tokyo, ông đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm cả Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo, phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam.

BM

Thủ tướng Chính nói rằng cần phải tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động Việt Nam có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hóa Nhật Bản, giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật.

Báo Mai

Mưa Sài Gón Có Buồn Không Em?

 


MƯA SÀI GÒN CÓ BUỒN KHÔNG EM?
Trần Mộng Tú 

Thành phố Seattle của bang Washington Hoa Kỳ. Lúc nào ông trời Seattle cũng mưa được. Không mưa sáng, thì mưa chiều, không mưa chiều thì mưa tối. Vào mùa Hạ thì thỉnh thoảng mới có một hôm nắng nguyên ngày. Tối hôm trước đi ngủ, bầu trời đêm cao thăm thẳm, trong veo, không một gợn mây, thế mà nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng ai gõ nhẹ trên mái gỗ, lắng nghe một lúc biết là trời bắt đầu mưa.

Tôi nằm im lặng nghe mưa. 

Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới, tôi được lớn lên giữa miền Nam mưa nắng hai mùa, giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang, và một mùa mưa kéo dài 6 tháng, mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại. Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng, hay thức dậy để tiếp tục những yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ.  

BM

Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá chiều nay. Ở cơn mưa trung bình, tiếng rơi lộp bộp trên những tầu lá chuối, một âm thanh đều đều như âm nhịp đệm của nhạc, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, mê lúc nào không biết.

Tôi nhớ những lần đi học về, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi 16, 17 ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay. 

BM

Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa, hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao cơn mưa đừng tạnh, và con đường đừng hết.

Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, mực nước trời trút xuống rộng lượng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một dòng sông ngọt ngào, ngắn hạn! 

Bây giờ vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường găp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm lá sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc. Sáng nay ra phố gội đầu/ Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa. Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, cũng thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle tôi thấy quý báu sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ, và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn ở bất cứ nơi nào.

BM

Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chảy xuống như những dòng lệ màu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến một bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: Một chiếc phà chở áo quan từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc áo quan ướt sũng một lá quốc kỳ  lệch trông như một chiếc chăn vàng ố cũ rách, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên áo quan, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Màu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc áo quan phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên mặt lạnh, xanh tái như màu áo trận, chiếc phà cũ kỹ bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam màu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.

BM

Ngày tôi đến trại Pendleton cũng vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già cũng đều được phát cho một chiếc áo lính cùng một cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt. 

Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc áo quan vì sợ người chết bị đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục điều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó. 

Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn, hay mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế! Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây dản dị hóa đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này. 

BM

Mưa ở Seattle làm cho những dãy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, những cây tùng cây bách giữ mãi một màu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một dải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.

Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. 

BM

Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc áo quan của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tị nạn Việt Nam, nó khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam màu khác nhau?

BM

Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!

Trần Mộng Tú


Chị H Biap Krong, Cáo Buộc Khủng Bố Và Chiến Thuật Thất Bại Của Bộ Công An

 

Chị H Biap Krong phát biểu về các vấn đề của người Thượng tại EMRIP (Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa) ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 9/7/2024. 

CHỊ H BIAP KRONG, CÁO BUỘC KHỦNG BỐ VÀ CHIẾN THUẬT THẤT BẠI CỦA BỘ CÔNG AN
Mạch Sống 

Chị H Biap Krong, cáo buộc khủng bố, và chiến thuật thất bại của Bộ Công an

2024-08-31

Chị H Biap Krong phát biểu về các vấn đề của người Thượng tại EMRIP (Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa) ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 9/7/2024. 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 6/3/2024, chị H Biap Krong đột ngột nghe tin Bộ Công an xếp mình là khủng bố. Run lên vì tức. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc khi đó.

“Một tuyên bố rất nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng.”

Chị H Biap Krong, sắc tộc Êđê, là một nhà hoạt động nhân quyền người Thượng (nhưng không thuộc tổ chức Người Thượng vì Công lý), và là nhân viên của BPSOS.

Khi đó, chị vẫn đang ở Thái Lan, một quốc gia không ký Công ước 1951 về vị thế người tỵ nạn.

 

Chị H Biap Krong làm những công việc gì? 

Theo chị H Biap Krong, chị hoạt động về 4 mảng khác nhau:

  • Về người tỵ nạn: làm hồ sơ bảo lãnh tư nhân đi Canada; hỗ trợ khi người tỵ nạn sắp tái định cư cần trả tiền phạt để ra khỏi Thái Lan… Trước đây, chị làm việc cho Cao ủy Tỵ nạn LHQ năm 2017-2019.
  • Về người bản địa: làm báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vận động ở LHQ… Chẳng hạn, tháng 11/2023, chị là một trong những người tham dự phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, thường viết tắt là CERD). Tháng 7/2024 vừa qua, chị cũng phát biểu về các vấn đề liên quan tới người Thượng tại Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa (Expert Mechanism on the Rights of Indigenous Peoples, viết tắt EMRIP).
  • Về tự do tôn giáo: viết báo cáo tại LHQ; vận động ở Hoa Kỳ và LHQ; phát biểu tại các hội nghị về tự do tôn giáo, như Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt IRF Summit), Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Ministerial Conference)…
  • Về nhân quyền: hỗ trợ cho các cộng đồng và nhóm người Thượng bị bách hại; viết báo cáo về các vụ cưỡng chế đất ở Việt Nam; vận động về nhân quyền; gặp các nhân viên LHQ về những vấn đề như đàn áp xuyên quốc gia, nhà nước trả thù các nhà hoạt động nhân quyền…

 

Vì sao bị cáo buộc khủng bố?

Bộ Công an, theo Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin, xếp chị H Biap Krong là một trong các “đối tượng cầm đầu” của tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, thường viết tắt MSFJ), và nói họ “tài trợ tiền, chỉ đạo mua sắm vũ khí, phương tiện, tiến hành tấn công khủng bố, giết hại cán bộ và người dân, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân nhằm thành lập “Nhà nước riêng” ở Tây Nguyên.”

Chị H Biap Krong nói mình chưa bao giờ là thành viên của Người Thượng vì Công lý.

Cho tới nay, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chị H Biap Krong hay tổ chức Người Thượng vì Công lý có liên quan tới vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk, hay bất kỳ hành vi bạo lực nào khác.

Nhà cầm quyền Việt Nam, chị nói, dùng vụ tấn công ngày 11/6/2023 “làm cái cớ để gán cho những người hoạt động ôn hòa như chúng tôi.” 

Chị H Biap Krong nói “Đương nhiên nhà nước Việt Nam không thích khi mình có những mối quan hệ với LHQ như vậy. Thành ra họ dùng chiêu cuối cùng, đó là gán mình tội khủng bố, để danh tiếng mình mất đi trước những người mình cộng tác chung.”

Một chi tiết đáng chú ý là, dù có cáo buộc khủng bố, chị cho biết mình không bị lệnh truy nã chính thức từ nhà nước Việt Nam.

 

LHQ phản ứng như thế nào?

Sau cáo buộc của Bộ Công an, BPSOS ngay lập tức thông báo cho LHQ. Bản thân chị H Biap Krong cũng báo cho văn phòng LHQ ở Thái Lan vì càng rơi vào tình trạng không an toàn.

Ngày 14/6/2024, 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi thư cáo buộc tới chính phủ Việt Nam, nhắc tới điều này và một số vấn đề khác liên quan tới người Thượng.

Như đã viết trước đây, BPSOS có góp phần cung cấp và kiểm chứng thông tin cho bức thư trên, và tháng 6/2024, TS. Nguyễn Đình Thắng của BPSOS cũng có mặt tại Geneva để họp với các Báo cáo viên Đặc biệt. Phía LHQ cũng phỏng vấn trực tiếp một số người liên quan, trong đó có chị H Biap Krong.

Ngoài bức thư cáo buộc gửi chính phủ Việt Nam ngày 14/6/2024 và công bố ngày 13/8, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng có thêm một bài viết ngày 28/8, bày tỏ quan ngại về việc nhà nước Việt Nam lạm dụng luật chống khủng bố với người Thượng và các nhóm Thiên Chúa giáo thiểu số ở Tây Nguyên.

 

Chiến thuật của Bộ Công an thất bại

“Sau khi nghe, tôi mất tinh thần làm việc trong 3-4 ngày. Sau đó tôi nhận được rất nhiều email từ Freedom House, họ cũng hỏi thăm. Rồi OHCHR (Cao ủy Nhân quyền LHQ). Rồi Amnesty International cũng hỏi thăm… Còn một số tổ chức khác cũng nhớ tới mình, nên mình lấy lại tinh thần”, chị H Biap Krong kể lại.

Vậy chị làm gì để thuyết phục các cơ quan nhân quyền và tổ chức quốc tế là mình vô can?

“Tôi không phải chứng minh gì. Họ biết mình rồi. Khá là thân thiết rồi,” chị H Biap Krong nói. “Người ta đủ biết mình là ai, người ta hiểu công việc của mình… Nhưng tôi có gửi tất cả các báo cáo và có giải thích cho họ thêm tại sao mình bị cáo buộc. Và họ là chuyên gia, họ theo dõi tình hình Việt Nam, nên họ hiểu những gì mình nói.”

Chị cũng nói “Nhà nước Việt Nam là một trong những nhà nước đứng đầu trong việc chuyên gán nhãn khủng bố cho các tổ chức XHDS. Nó không còn lạ với những người hoạt động nhân quyền nữa.”

Có thể thấy Bộ Công an dùng hai chữ “khủng bố” vừa để có cớ tăng cường áp bức người Thượng; vừa để đánh đổ danh tiếng tổ chức Người Thượng vì Công lý và các nhà vận động như chị H Biap Krong; vừa tạo con ngáo ộp hù dọa người dân, làm họ không dám hó hé cung cấp thông tin và bằng chứng các vụ đàn áp; vừa để LHQ, Hoa Kỳ, và các tổ chức quốc tế e ngại, cắt đứt mọi liên lạc với chị và tổ chức XHDS này.

Không chỉ vậy, với một người tỵ nạn như chị H Biap Krong, cái mũ “khủng bố” còn có thể làm tắc lại quá trình tái định cư, làm mắc kẹt ở Thái Lan, vì các quốc gia nhận định cư tỵ nạn sẽ ngần ngại dè chừng với những người bị cáo buộc là khủng bố.

Chiến thuật đó đã hoàn toàn thất bại, với bằng chứng rõ ràng nhất là lá thư cáo buộc do 13 Báo cáo viên Đặc biệt gửi chính phủ Việt Nam.

 

Án oan

Chị H Biap Krong may mắn được thoát khỏi Thái Lan.

Nhưng còn những người khác? Trong số 100 người trong phiên xử tháng 1/2024 về vụ tấn công ngày 11/6/2023, bao nhiêu người vô tội? Ai trong số họ đang chịu tù đày về một vụ giết người họ chẳng liên quan?

Còn trường hợp anh Y Quynh Bdap của tổ chức Người Thượng vì Công lý, bị xử vắng mặt tuyên án 10 năm tù giam, và đang phải hầu tòa ở Thái Lan với nguy cơ bị dẫn độ về nước?

Còn số phận bao người Thượng khác ở Việt Nam và ở Thái Lan, càng bất an, càng bị kìm kẹp từ sau sự kiện ngày 11/6/2023?

 

Sau cáo buộc

Becky indigenous class

“Từ ngày 16/6 đến ngày 13/7, tôi ở Geneva, tôi được nhận học việc với Cao ủy Nhân quyền cùng với 48 đại diện khác người bản địa toàn cầu.”

Chị H Biap Krong cho biết mình học về luật quốc tế; về luật nhân quyền; về các cơ chế về quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề đất đai, vấn đề trả thù…; về phát triển XHDS; về ngoại giao, v.v.

“Tôi đang muốn sử dụng kiến thức mình học để đào tạo bằng tiếng Việt cho người Thượng.”

 

Bài liên quan: 

Y Quynh Bdap và người Thượng: LHQ cáo buộc gì với Việt Nam và Thái Lan?

Y Quynh Bdap và người Thượng: Tại sao hai bức thư của LHQ có ý nghĩa quan trọng?

Các chuyên gia LHQ: Người Thượng bị đàn áp ở Tây Nguyên, bị đe doạ ở Thái Lan

Người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng 11/6?

Khi cây súng giả và nỏ bắn cá trở thành công cụ tuyên truyền

Mạch Sống



Bây Giờ Là Mùa Thu, Tôi Đi Tìm Dĩ Vãng

 


BÂY GIỜ LÀ MÙA THU, TÔI ĐI TÌM DĨ VÃNG
Văn Quang 

(Viết từ Sài Gòn)

Thật ra 99.9% ca khúc “bất hủ” của Trịnh Công Sơn được sáng tác vào thời trước 75 ở Sài Gòn và Huế. Cho nên ngày nay khi người ta “vinh danh” Trịnh Công Sơn chính là vinh danh nền văn hóa của Miền Nam VN vào thời trước 75.

Bây giờ là mùa thu ở Sài Gòn và cũng là mùa lá rụng ở Rừng Phong trên đất Mỹ. Buổi chiều ngồi trong căn chung cư nhỏ hẹp nghèo nàn nhìn mưa dăng nhẹ ngoài khung trời ngoài kia, tôi bỗng muốn thoát khỏi mình trở lại sống với những ngày xưa. Những ngày xưa có bạn bè, có mộng ước xa vời, có yêu thương giận hờn, có quá nhiều thứ như ở một thế giới khác.

Tôi ngồi vào computer đi tìm dĩ vãng. Gõ bàn phím vào những bài hát về Mùa Thu, bỗng hiện ra đầy đủ cả lời ca tiếng hát, những cuốn phim xưa, những danh ca tài tử đi mãi vào lòng người, đi mãi vào bất tận trong ký ức. Tôi bay bổng vào đó để gặp lại những người tôi đã từng quen, đã từng là bạn, đã từng kề vai nhau một thời xa vắng. Ở đây, tôi chỉ gặp những người đã từng có mặt trên các sân khấu ca nhạc và trong những cuốn phim đã từng chiếu ở VN trước năm 1975, gọi chung là những người trong “làng giải trí” mà tôi đã quen hay đã từng coi nhau như bạn bè.

Tiếng hát ngày xưa


Kim Vui và Nhật Trường 

Tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Lan… và quái lạ sao lại có cả tiếng hát Kim Vui. Tôi quen Kim Vui và cùng đi làm phim Chân Trời Tím nhưng chưa bao giờ nghe cô hát bài này của Nhật Trường. Hôm nay tôi mới được nghe lần đầu. Hình ảnh Kim Vui và Nhật Trường hiện ra trước mắt tôi. Sao mà thân quen đến thế. Kim Vui đóng phim như mang cả cuộc đời mình vào nhân vật, lãng mạn “cực kỳ,” táo bạo như Ava Gardner. Nhưng khi hát cô đằm thắm dịu dàng như ve vuốt bên người tình. Lần đầu tiên nghe Kim Vui đấy Kim Vui ơi. Và lần cuối cách đây vài năm, tôi nhận được e mail của Kim Vui chỉ có đúng hai chữ “Helo, anh.” Hai chữ thôi nhưng thân thiết lạ thường.

Và Nhật Trường, khi vừa đọc cuốn truyện này anh đã làm bài hát đó. Buổi trưa hè anh nhảy vào phòng tôi ở Đài Phát Thanh Quân Đội, anh khẽ cất tiếng hát rồi rỉ tai tôi, “Tối nay Minh Hiếu sẽ hát lần đầu tiên bài này trên dancing Paramount.”


Rap Casino Saigon ngày xưa

Tối đó tôi lên nghe Minh Hiếu hát lần đầu. Đó là người hát Chân Trời Tím hay nhất. Dường như cô mang cả chuyện tình của mình gửi theo từng lời ca. Mấy lần về Sài Gòn, đến thăm tôi, cô cũng mang nguyên dáng vẻ ấy. Cô bước vào trong ánh sáng chập choạng cũng một buổi chiều mưa, cười, “Tôi về đến VN sáng nay, người đầu tiên tôi đến thăm là anh đấy. Anh cho tôi biết về tình hình bạn bè ở Sài Gòn.”

Trong thế giới riêng chiều nay trong tâm tưởng tôi có nhiều thứ quá. Lại nhìn đến hàng loạt những bài ca, những tác giả, những đạo diễn, diễn viên mà tôi đã từng quen biết.

Đóng phim cho vui

Lại nhảy sang gặp cuốn phim “Người Tình Không Chân Dung” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Trước tháng Tư 1975, anh thường sang nhà tôi ở ngõ Chu Mạnh Trinh nằm dài trên ghế sofa. Con người nghệ sĩ lúc nào cũng ôm ấp những ý tưởng “đặc biệt” quá tầm tay. Anh thích những nhân vật như Steve McQueen trong Les Sept Mercenaires. Lầm lì mà gan dạ, cuốn phim “nổ như bom tấn” lại mang một triết lý “siêu đẳng” nhưng chẳng “đại gia” nào dám bỏ tiền ra cho anh thực hiện hoài bão gần như ngông cuồng đó. Anh làm phim với tất cả những gì xin được.

Trong cái ê kíp làm phim ấy, tôi gặp lại Kiều Chinh và Vũ Xuân Thông.

Trước khi làm phim này Kiều Chinh và Hoàng Vĩnh Lộc đến gặp tôi ở Nha CTTL. Chúng tôi băn khoăn tìm kiếm những đơn vị quân đội có thể yểm trợ cho cuốn phim này. Khi quay phim, chúng tôi đến ăn ngủ ở ngay tư dinh của ông Thị Trưởng Cam Ranh, Đại tá Vũ Thế Quang tức Quang Dù. Hôm sau quay ngay mấy cảnh trên hòn đảo Cam Ranh. Hoàng Vĩnh Lộc mời một loạt những ông văn nghệ sĩ chỉ biết viết văn làm thơ, chẳng biết một xu diễn xuất nào như Duyên Anh, Hà Huyền Chi, Dương Hùng Cường, có cả Hùng Sùi đóng phim… cho vui. 


Kiều Chinh và Vũ Xuân Thông trong phim Người Tình Không Chân Dung

Vũ Xuân Thông đóng vai chính với Kiều Chinh, trông đẹp đôi ra trò. Tôi và Vũ Xuân Thông đi “trình diện vào tù cộng sản” cùng một lúc. Thông có tài nằm sấp ngủ ngon lành và còn nhiều tài vặt khác, chạm trổ, vẽ vời rất điêu luyện. Tác phẩm lớn nhất của anh với chúng tôi trong trại cải tạo là những cái nõ điếu cày được mài dũa bằng đá và những chiếc điếu cày được “sáng tạo” khắc trổ rất công phu. Hút bằng nõ điếu đá, vừa không nóng vừa kêu tanh tách.

Còn Kiều Chinh lần nào về VN, dù rất bận với việc quay phim, cô cũng tìm thăm bạn bè. Chúng tôi thường gặp nhau ở nhà vợ chồng họa sĩ Đằng Giao - Chu Vị Thủy. Cái dáng dấp thanh mảnh và quý phái của cô như Grace Kelly cùng với tài diễn xuất thiên phú khiến nhiều hãng phim Mỹ, phim Việt mời cô cộng tác. Mấy năm nay không thấy cô về VN, mệt mỏi rồi phải không Kiều Chinh? 


Từ trái qua: Văn Quang, Kiều Chinh, Đằng Giao, Phan Nghị năm 2004 - (Hai thằng quỷ này cái gì cũng chơi được)

Văn Quang


Xuôi Về Đất Mũi, Thưởng Thức CUA CÀ MAU Đặc Sản - Khói Lam Chiều #172 | ...

XUÔI VỀ ĐẤT MŨI, THƯỞNG THỨC CUA CÀ MAU
Khói Lam Chiều 

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức 




ALL Keiichi Iwasaki Performances On Britain's Got Talent 2022!

ALL KEIICHI IWASAKI PERFORMANCES ON BRITAIN'S GOT TALENT 2022!
Magician's Got Talent

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức 




Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Cuồng Si - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc: Ngô Bảo Quốc

CUỒNG SI 

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Ngô Bảo Quốc 
Trình bày: Tâm Thư
Thực hiện: NhuNguyet Music

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức 




Tiếu Lâm Hội 2023 | Hoa Hậu Thời Nay - Hài Kiều Oanh, Lê Tín | Hài Kịch ...

TIẾU LÂM HỘI 2023 - HOA HẬU THỜI NAY
JET Intertainment

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức 




Cười Sặc Cơm Khi Xem Hài Việt Nam Hay Nhất

HÀI VIỆT NAM HAY NHẤT
Phim Hài Hay 

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức




Bút ký - Thương Nhớ Chập Chùng

 


Bút ký - THƯƠNG NHỚ CHẬP CHÙNG
Điệp Mỹ Linh

Nhìn quanh phòng, nếu không có ảnh của Randy William Rhoads –American heavy metal guitarist – treo trên tường, chắc chắn không ai có thể biết đây là căn phòng của một “tay” chơi nhạc rock có bản lĩnh. Khi dòng chữ “chơi nhạc rock có bản lĩnh” vừa thoáng qua trong trí, Ngọc tự hỏi không hiểu nàng có bị mặc cảm “con hát mẹ vỗ tay” khi nghĩ đến Khiêm, con trai út của nàng, như vậy hay không; nhưng quả thật, lúc nào Khiêm thực tập, Ngọc cũng cảm thấy chóa mắt khi nhìn vào những hàng, khoảng chi chít notes nhạc.

Là một người chơi đàn không chuyên nghiệp, không thể nào Ngọc đọc được “rừng” notes nhạc ấy theo kịp những ngón tay thoăng thoắt của Khiêm trên phím guitar. Những lúc thực tập, mắt Liêm chớp nhanh, đôi mày nhíu lại, cổ thẳng đứng, đầu “gật” nhè nhẹ theo từng temps fort. Ngọc nghĩ, nếu núi lửa bùng nổ sát cạnh nhà có thể Khiêm cũng chắng biết; vì Khiêm đang tập trung tất cả tư tưởng vào notes nhạc, phím đàn và âm thanh.

Hôm ghé đưa chi phiếu trả học phí của Khiêm cho Jack – giáo sư dạy nhạc riêng cho Khiêm – Ngọc mới được Jack cho biết:

- Hết tháng này, tôi sẽ không thể tiếp tục dạy Khiêm được nữa.

- Jack dời đi đâu hay là Khiêm làm điều gì phật ý Jack?

- Không. Khiêm rất giỏi và ngoan. Một thanh niên vừa theo học đại học lại vừa học thêm âm nhạc mà Khiêm học nhanh quá! Những hiểu biết của tôi về nhạc rock tôi đã dạy Khiêm hết rồi.

- Nếu anh không thể dạy Khiêm được nữa thì, tại thành phố này, anh biết ai dạy nhạc rock, làm ơn giới thiệu giùm.

- Những người dạy nhạc rock ở đây rất hiếm. Trình độ của họ cũng tương đương với trình độ của tôi thôi. Tôi nghĩ, với năng khiếu và dáng vóc của Khiêm, nếu có điều kiện, bà nên cho Khiêm học tại một trường dạy nhạc có tầm cỡ quốc tế thì Khiêm sẽ thành công rất nhanh trong địa hạc mà Khiêm yêu thích.

- Trường nào vậy, Jack?

- Trường này, tôi từng mơ ước được vào học, nhưng điều kiện không cho phép. Đó là trường Musicians Institute bên Hollywood.

- Hol… ly… wood!

- Vâng! Hollywood! Musicians Institute là một trường âm nhạc có tầm vóc quốc tế, đã đào tạo không biết bao nhiêu Rock Stars cho nhiều quốc gia. Bà đã tin tưởng tôi, giao cho tôi trọng trách dạy nhạc rock cho Khiêm thì bà cũng nên tin tưởng tôi khi tôi có ý thuyết phục bà để Khiêm được thực hiện giấc mơ của Khiêm.

Thời còn đi học, Ngọc từng ước mơ được trở thành nghệ sĩ trình diễn; nhưng Ba Má của Ngọc không cho. Ngọc buồn lắm! Nhưng khi tuổi đời càng tăng, Ngọc càng nhận thấy quyết định của Ba Má nàng ngày xưa là một quyết định sáng suốt. Vì vậy, Ngọc đáp:

- Nhưng Khiêm chưa học xong đại học. Tôi chỉ muốn Khiêm có bằng đại học trước; còn âm nhạc chỉ để giải trí thôi.

- Thưa bà, đại học ở Mỹ, tuổi nào cũng có thể theo học; nhưng trong địa hạc văn học nghệ thuật thì tuổi trẻ, sự đam mê và cơ hội thuận lợi mới tạo nên những nghệ sĩ tài danh.

- Chương trình học ở trường Musicians Institute mấy năm, Jack biết không?

- Lúc tôi xin theo học thì chương trình là hai năm; nhưng bà nên liên lạc trực tiếp với họ để biết rõ hơn.

- Tôi phải nói chuyện nhiều với Khiêm và ông nhà tôi. Cảm ơn Jack.

Lúc nói chuyện với Khiêm, biết Khiêm có ý định đi sâu vào nhạc rock, Ngọc hơi buồn; vì thấy hình ảnh những Rock Stars thật tương phản với bản tính hiền, thiệt thà và ít nói của Khiêm. Ngoài đức tính hiền lành và dễ dạy, Khiêm lại được sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu hụt tại vùng kinh tế mới Long Điền, sau khi Khanh – chồng của Ngọc – được cộng cản Việt Nam thả về sau nhiều năm tù cải tạo ngoài Bắc. Đó là lý do cả nhà ai cũng biết Ngọc cưng chìu Khiêm nhiều hơn các anh chị của Khiêm. Khi Ngọc cho Khiêm biết ý nghĩ của nàng, không ngờ Khiêm trả lời, bằng tiếng Anh “ba rọi”.

- Măng “nay”! Măng “khon” nên đanh gia con ngươi “băng” toc và ao quân!

******

Cùng Khanh đưa Khiêm đến ghi tên nhập học tại Musicians Institute, ngay trong lòng Hollywood, California, Ngọc bị chóa ngợp vì hệ thống tổ chức và phương pháp giảng dạy tại đây.

Musicians Institute (M.I.) là một tòa nhà đồ sộ, nhiều tầng, có sân khấu và hý viện ngoài trời, chiếm cứ một diện tích rộng lớn tại số 6752 Hollywood Blvd, Los Angeles, CA 90028.

Trên tường, ngay cửa lớn, thấy hàng chữ lớn: Home of GIT, BIT, PIT, Ngọc thầm hiểu đó là ba nhạc cụ chính trong một ban nhạc rock. GIT: Guitar Institute of Technology; BIT: Bass Institute of Technology; PIT: Percussion Institute of Technology.

Vị giám đốc trường M.I. vừa hướng dẫn Khanh, Ngọc và Khiêm đi xem từng phòng vừa giải thích: Trường gồm nhiều phòng học, phòng thực tập, phòng thâu băng/video, phòng hòa tấu, phòng thực tập trình diễn, phòng ăn, v.v… Mỗi vị giáo sư dạy tại trường này là một thiên tài sống trong địa hạc nhạc rock. Mỗi giáo sư dạy và chịu trách nhiệm cho một sinh viên, trong một phòng riêng, được trang bị video và nhạc cụ cần thiết cho môn học của sinh viên đó. Trường mở cửa suốt 24 tiếng đồng hồ để sinh viên – tùy vào thời khóa biểu riêng – có thể đến thực tập bất cứ lúc nào. Trường M.I. còn đòi hỏi sinh viên phải có trình độ hiểu biết về nhạc lý cũng như xử dụng nhạc cụ ở mức độ thượng thừa trước khi được tuyển nhận vào M.I.

Nhớ lại những lớp nhạc lý, hòa âm và thực tập mà mình đã vượt qua khi theo học với Jack, Khiêm rất tự tin. Trong khi mặt Khiêm hớn hở, môi cứ mỉm cười và mắt ngời sáng vì niềm vui sắp toàn vẹn thì Ngọc lại thầm lo, không biết Khiêm có được nhận vào hay không. Mặc cảm chủng tộc gợn lên trong lòng sau khi Khanh và Ngọc xem qua danh sách sinh viên đã tốt nghiệp – từ ngày trường được thành lập cho đến nay – không thấy tên họ của một sinh viên Việt Nam nào cả!

Lúc ngồi tại phòng ngoài chờ Khiêm thi khảo hạch, thấy vài sinh viên người Á Đông, Ngọc đến hỏi thăm, mới biết họ đến từ Nhật, Hồng Kông, Phi Luật Tân, v.v… Nhiều người da trắng, tóc màu nhưng nói tiếng Anh rất nặng giọng; vì họ đến từ Pháp, Anh, Bỉ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, v.v… Nghĩ đến cảnh Khiêm lạc lõng giữa những người không cùng chủng tộc, bất giác Ngọc thở dài, thương con vô cùng!

******

Vừa trộn tô mì gói Khiêm vừa nghĩ, ăn uống như thế này mà có Măng ở đây thì thế nào cũng bị “cự nự”. Suốt ngày bận học và thực tập tại M.I., Khiêm không cảm thấy nhớ Mẹ. Bất giác Khiêm thở dài. Lúc ở nhà, có Măng lo cho mọi điều; bây giờ ở trọ nhà chú thiếm Châu để đi học, Khiêm chẳng biết làm thế nào để tự lo cho mình về vấn đề ăn uống!

Trên đường Khiêm lái xe đến lớp dạy nhạc, tự dưng trời nổi con giông gió và cơn mưa trái mùa trút xuống tầm tả. Khi lái xe ngang qua một nhà hàng sang trọng của người Ý, Khiêm chợt mỉm cười, nhớ lại, trước khi xin được việc dạy nhạc, Khiêm đã đến nhà hàng Ý này xin việc làm.

Biết Khiêm vừa đưa đơn xin việc làm tại nhà hàng, Ngọc cản, bảo Khiêm làm như vậy là tổn thương đến danh dự của Cha Mẹ; bởi vì có đứa con út mà phải để con đi làm bồi bàn! Khiêm cho rằng lý do Ngọc đưa ra không thực tế. Khiêm nghĩ, không biết trong giới tài tử, ca nhạc sĩ, những nhà khoa bảng cũng như những người nổi tiếng ở Mỹ, đã có được bao nhiêu người không qua giai đoạn làm bồi bàn? Thế thì tại sao Măng không cho Khiêm làm? Tiền học mỗi năm trả cho M.I. quá cao và – cũng vì quá lo lắng cho Khiêm, không muốn Khiêm phải đi xe bus – Khanh và Ngọc mua ngay cho Khiêm chiếc xe mới toanh trong khi cả Khanh lẫn Ngọc đều đi xe cũ! Vì thấy rõ sự hy sinh của Cha Mẹ, cho nên, khi nhà hàng Ý điện thoại, bảo Khiêm đến để phỏng vấn, Khiêm rất vui mừng.

Bước vào phòng quản lý, Khiêm tươi cười bắt tay, chào hỏi và hy vọng.

Người quản lý nhìn Khiêm, cười, bảo: “Không cần phỏng vấn. Tôi nghĩ anh sẽ làm việc tốt. Tôi mướn anh ngay với điều kiện anh phải cắt tóc ngắn.” Ý da! Điều kiện gì chứ điều kiện đó là không được rồi!

Vì nghĩ ngợi miên man và cũng vì mưa xối xả, Khiêm chẳng thấy được đèn vàng chỗ ngã tư… và… rầm!

******

Vừa vào nhà, thấy điện thoại có dấu hiệu ai để lại lời nhắn, Ngọc nhấn nút. Giọng Khiêm có vẻ yếu ớt: “Ba Măng! Con bị tai nạn. Xe hư nặng, phải để trong shopping center chỗ ngã tư Paramount và Rosegrant!”

Sau khi gọi lại cho Khiêm và vợ chồng Châu nhiều lần mà cũng không ai trả lời, Khanh tìm điện thoại của người bạn ở vùng Anaheim, nhờ đến nhà Châu xem tình trạng của Khiêm và đến địa điểm xe hư để xem xét tình trạng của chiếc xe.

Trong khi Khanh gọi điện thoại cho bạn, Ngọc đến trước bàn thờ Phật, quỳ xuống, nước mắt rưng rưng, nhìn lên tượng Phật Quan Thế Âm, khấn nguyện:

- Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tác! Nếu những rủi ro trong đời có xảy đến, xin Ngài cho con nhận lãnh những rủi ro đó; xin Ngài che chở/phù hộ cho các con của con!

Điện thoại nhờ bạn xong, Khanh đến thắp nhang, lạy rồi cũng quỳ cạnh Ngọc. Một chốc sau, Khanh vỗ vai Ngọc, thì thầm:

- Khiêm không sao đâu, em đừng quýnh!

- Nếu Khiêm không bị gì, tại sao nó không trả lời điện thoại hoặc gọi lại cho mình?

- Thì con nó sợ, nó không dám gọi.

- Nhưng em gọi lại hoài cũng không gặp ai là sao? Có phải nó ở nhà thương mà chú thiếm Châu và nó muốn giấu mình hay không?

Khanh cũng hơi lo sau khi Ngọc đưa ra giả thuyết đó. Vừa khi ấy điện thoại reng. Ngọc chạy xuống nhà bếp. Khanh chạy theo, chụp điện thoại “allo” trong khi Ngọc nhấn speaker. Giọng người bạn nghe rất rõ:

- Tao đến địa chỉ của em mày, không ai ở nhà. Đến xem chiếc xe, tao thấy đầu chiếc xe nát bét!

Ngọc gần như hoảng loạn:

- Em phải qua đó ngay.

Vừa bước đến computer Khanh vừa bảo:

- Từ từ để anh vào Google, lấy số điện thoại, gọi các hãng máy bay.

- Chuyến càng sớm càng tốt, nha, anh!

Trong khi Khanh lo việc vé máy bay, Ngọc xếp quần áo cho vào va-ly.

Một lúc lâu, Khanh bảo:

- Ngọc! Không có hãng máy bay nào còn chỗ cho ngày mai.

- Mình đi xe.

- Đi xe thì đi, em phải bình tĩnh. Em và anh phải gọi vào sở để lại lời nhắn, nếu không là mất việc!

Vừa đem va-ly ra xe Khanh vừa trấn an Ngọc mà cũng như tự trấn an chàng:

- Mình ăn ở hiền lành, con mình sẽ được Phật Bà che chở. Hiện tại mình không thể làm gì được, chỉ biết cầu nguyện thôi.

Chiếc xe lướt nhẹ trên xa lộ vắng hơn ban ngày. Ngại sự vắng vẻ làm cho Khanh dễ bị buồn ngủ, Ngọc lấy CD cho vào máy.

Tiếng đàn và giọng hát làm cho sự lo âu trong lòng Ngọc từ từ lắng xuống. Khi tiếng saxophone “rúc” lên bản Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy, Ngọc nhận ra ban nhạc chơi bài này theo thể điệu gần giống như Reggae của Jamaica. Âm hưởng nhạc không trọn, nghe xa vắng lạ lùng. Ở đoạn điệp khúc Ngọc cũng bắt gặp những biến âm rất lạ, làm buốt lòng người nghe.

Lắng nghe một lúc, Ngọc nhận ra, những biến âm này dường như nàng đã nghe đâu đó. Phải rồi, trong đoản khúc mà Khiêm thường đàn bằng acoustic guitar cho nàng nghe, lúc Khiêm học về Kiến Trúc tại University of Houston. Đoạn nhạc của Khiêm tuy êm đềm, tha thiết, nhưng những biến âm cũng bất ngờ, cũng xa vắng, cũng khác lạ. Lần nào đàn xong Khiêm cũng nghênh mặt cười, hỏi bằng tiếng Anh:

- Măng thấy sao?

- Rất hay và lạ!

- Măng biết sau khi nghe con đàn đoạn này, ông Jack nói gì không?

Ngọc lắc đầu. Khiêm tiếp:

- Ông Jack nói đoạn nhạc này mang âm hưởng dòng nhạc của thế kỷ thứ mười sáu!

- Trời! Măng có biết nhạc của thế kỷ mười sáu như thế nào đâu!

Trong khi Ngọc nghĩ đến Khiêm với tất cả niềm thương nhớ thì Đức Huy đang hát một ca khúc khác mà Ngọc không nhớ tựa. Tiếng hát của Đức Huy khàn khàn làm cho Ngọc liên tưởng đến giọng khàn và đục của Rod Stewart, Kenny Rogers và giọng hơi khàn nhưng cao của Andy Gibb.

Nghĩ đến Andy Gibb tự dưng lòng Ngọc chùng xuống vì nhớ Khiêm và mẫu đối thoại ngắn vào một buổi chiều, sau khi Khiêm đi học về. Bước vào nhà, Khiêm đi thẳng xuống bếp, hỏi bằng tiếng Việt “ba rọi”:

- Măng! Măng “bét gi hon”?

- Gì, con?

- Ca “xi” của Mommy… “chét ròi”!

- Ai vậy, con?

- Andy Gibb!

Ngọc tròn mắt ngạc nhiên, nhìn Khiêm rồi lặng thinh trong nỗi buồn chợt đến. Thấy Ngọc xúc động, Khiêm bẹo má Ngọc:

- Ô! “Tọi nghẹp” Mommy “hon”!

Nói xong Khiêm choàng tay qua vai Ngọc, mỉm cười.

Từ ngày đứa con út xa nhà, Ngọc không có được những giây phút đầm ấm như vậy nữa. Ngọc thở dài, buồn lặng lẽ.

Nhìn xa xa, Ngọc thấy họ hàng nhà Cactus – cây bàn chải, cây xương rồng – như đang vươn mình trong những tia nắng đầu ngày để chào đón Khanh và Ngọc trở lại vùng Arizona thiếu mưa nhưng hực nắng.

Khanh cho xe rời xa lộ, rẽ vào thành phố Phoenix để dùng điểm tâm.

Trong khi ăn sáng, Ngọc đề nghị, trước khi rời Phoenix, Khanh nên chạy ngang nhà cũ xem ngôi nhà thay đổi như thế nào.

Từ lề đường nhìn vào ngôi nhà xưa, lòng Ngọc vươn buồn. Cây Arizona shade ngay giữa sân chính là nơi Khiêm ngồi buồn hiu mong bạn vào chiều sinh nhật đầu tiên của Khiêm, tại Phoenix – sau khi gia đình Khanh/Ngọc sang Mỹ theo diện H.O. được vài tháng.

Hôm ấy, sau khi được Khanh và Ngọc cho phép, Khiêm mời ba người bạn Mỹ cùng lớp, tối đến nhà ăn kem, mừng sinh nhật của Khiêm. Với ánh mắt ngời sáng niềm vui, Khiêm trải khăn bàn, lấy bốn ly nhựa, bốn muỗng nhựa và mấy tờ khăn giấy để giữa bàn rồi ra ngồi trên cỏ, dưới gốc cây Arizona shade, chờ bạn. Chờ từ sáu giờ chiều cho đến chín giờ tối, không ai đến, Khiêm lủi thủi dẹp tất cả mọi thứ trên bàn!

Thấy Khiêm buồn, Ngọc xốn xang trong lòng nhưng không biết giúp con bằng cách nào! Cả Khanh và Ngọc phải đi xe bus để đi làm thì xe hơi ở đâu mà đi đón bạn cho con? Nhà cũng không có điện thoại – vì không có tiền đóng thế chân – thì làm thế nào Ngọc có thể tìm hiểu được lý do tại sao cả ba đứa bé đều không đến?

Hôm sau, sau khi tan trường, Dana đưa Khiêm và Kirk – con của Dana – về nhà Ngọc. Ngọc kể lại câu chuyện chiều hôm trước cho Dana và Kirk nghe. Dana giải thích rằng chính Dana đưa Kirk, Jaden và Steve đi tìm nhà Khiêm mà tìm không ra; vì đường Walnut bị cắt nhiều đoạn và nhà Khiêm lại không có điện thoại cho nên Dana không thể điện thoại để hỏi directions! Ngọc hỏi Khiêm tại sao không vẽ lên giấy cho bạn dễ tìm?

Khiêm trình bày:

- Con vẽ trên đất. Nhưng con chỉ biết nói: “You go this way, you go that way…!”

Ngày nào tiếng Anh của Khiêm như vậy; bây giờ, người Việt nào điện thoại hỏi Khanh hoặc Ngọc, Khiêm đáp: “Dạ, bac ‘wait’, con đi… lái!” (lấy)

Nhớ đến đây, Ngọc thở dài. Hồi đó tuy nghèo, nhưng vợ chồng và các con chung một mái nhà, cùng nhìn về một hướng tương lai. Bây giờ cuộc sống đầy đủ nhưng các con tản mác mỗi đứa một nơi và mỗi người nhìn về tương lai bằng một ý niệm riêng – chỉ có Khanh và Ngọc cùng thấy mái tóc của nhau thưa đi và trắng dần!

******

Xe ngừng trên driveway. Sau một tuần đi chơi xa, các con của vợ chồng Châu nôn nóng mở cửa xe, chạy vội vào nhà, đập cửa ầm ầm, gọi:

- Anh Khiêm! Anh Khiêm! Mở cửa! Mở cửa!

Châu bảo:

- Nhấn chuông chứ sao lại đập cửa? Anh Khiêm đâu có ở nhà mà gọi?

Xe anh Khiêm không có ở đây, thấy không?

Bất ngờ, Khiêm mở cửa, khom người, đón ba đứa em chú bác vào vòng tay. Châu cùng vợ xách va-ly vào. Ngồi nơi xa-lông cởi giày, Châu hỏi:

- Khiêm! Xe của con đâu, sao chú không thấy?

Khiêm ngại ngùng một lúc rồi kể lại sự việc cho Châu nghe. Biết Khiêm không hiểu tiếng Việt nhiều, Châu nghiêm giọng, nói tiếng Việt pha tiếng Anh:

- Con không làm như vậy được! Con phải trực tiếp cho Ba Măng của con hay là con bình yên để Ba Măng của con khỏi lo.

- Con không dám nói chuyện trực tiếp với Ba Măng của con.

- Tại sao? Con lầm lỡ thì phải nhận lỗi chứ.

- Dạ, con “bét ròi”.

- Vậy thì con cứ mạnh dạn cho Ba Măng …

Nói ngang đây, Châu dừng lại, nhíu mày rồi tiếp:

- Con không gọi về nữa nhưng tại sao Ba Măng của con không gọi lại?

- Dạ, con có biết Ba Măng của con gọi lại hay không đâu, chú! Từ bữa đó đến nay, phần vì sợ, phần vì không có xe và không có ai ở nhà, con quaở tạm nhà thằng Scott, trả tiền xăng cho nó, nhờ nó chở con đi học, đi dạy và đón con về.

- Được rồi! Con gọi về giải thích với Ba Măng con đi.

Khiêm ngần ngừ, dáng vẻ rất ngai ngùng:

- Thôi, chú ơi! Hồi đó Ba của con thường kể câu chuyện Ba con làm mất cái xe đạp cho nên con sợ lắm!

- Chuyện hồi trước Ba con làm mất cái xe đạp như thế nào? Có liên hệ gì đến tai nạn của con hay không?

- Da không. Tại vì, hồi đó Ba con thi đậu trung học đệ nhất cấp, ông Nội mua cho Ba con cái xe đạp. Vài tuần sau, Ba con mê đá banh, quên khóa cho nên xe đạp bị mất cắp. Về nhà, Ba con bị ông Nội “đét” cho một trận nên thân! Đó, chú thấy, chỉ mất có cái xe đạp mà Ba của con còn bị đòn như vậy; bây giờ con làm “tiêu” luôn cái xe hơi thì… cái gì sẽ xảy ra cho con?

Vợ chồng Châu cùng cười cho sự ngây thơ của đứa cháu bị “kẹt” giữa hai nền giáo dục Việt Mỹ. Châu khuyên:

- Ba Măng của con sống ở Mỹ cũng khá lâu; Ba Măng của con không hành xử như vậy đâu. Con cứ gọi cho Ba Măng để Ba Măng yên lòng.

Nói xong, vợ chồng Châu vào phòng. Khiêm lặng yên suy nghĩ.

Vừa xoay người – với ý định lấy điện thoại trên bàn – Khiêm chợt nghe tiếng cửa xe đóng “rầm”. Tò mò nhìn qua cửa sổ, Khiêm thấy Ngọc đang vội vã đi vào và Khanh đang mở thùng xe, lấy va-ly. Tiếng chuông cửa xác định cho Khiêm biết rằng Khiêm sắp phải trực diện với sự thật mà Khiêm đang cố né tránh. Khiêm mở cửa. Nhưng vì sợ quá, Khiêm đứng nép sau cánh cửa. Ngọc bước vào, gọi:

- Chú thiếm ơi!

Không ai trả lời. Ngọc gọi lần nữa. Tiếng Châu từ bên trong:

- Ai đó? Chờ chút.

Giọng Ngọc trở nên nôn nóng:

- Chú ơi! Cháu Khiêm sao rồi, chú?

Châu chưa kịp đáp, Khiêm rụt rè bước ra từ sau cánh cửa:

- Măng! Con “ne”, Măng!

Ngọc giật mình, tròn mắt. Nhìn từ đầu xuống chân, thấy Khiêm không thương tích gì cả, Ngọc vui mừng, vói tay lên vai Khiêm – vì Khiêm rất cao và năng tập thể dục:

- Trời! Con không sao hết hả? Cảm ơn Phật Bà. Tại sao con nép sau cánh cửa?

- Dạ, con “xơ” (sợ), con… “chón” (trốn) Măng.

Thấy Khanh bước vào, Khiêm sợ quá, quên tiếng Việt, phải nói tiếng Anh:

- Con rất tiếc đã làm hư cái xe của Ba Măng.

- Măng không lo gì về cái xe; Măng chỉ lo cho con thôi.

Khanh nghiêm giọng:

- Cậu có biết là cậu làm cho Măng của cậu rối tâm rối trí mấy hôm nay hay không?

Khiêm nhìn Ngọc bằng ánh mắt chan chứa tình thương:

- Ô, “tọi nghẹp” Mommy “hon”! I’m sorry!

Ngọc vịn tay Khiêm, cười, lòng quên hết đoạn đường mệt nhọc vừa qua!

******

Buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường M.I. được tổ chức trong hý viện ngoài trời, bên ngọn đồi nhỏ, trong lòng Hollywood. Trong tiếng bass thật ấm, thật rền của ban nhạc rock thời danh, Ngọc thấy khung cảnh quanh nàng rất vui, rất rực rỡ với những chùm bong bóng và giấy màu bay lơ lửng trong không gian.

Sau khi ngõ lời nhắn nhủ đến các sinh viên tốt nghiệp, vị hiệu trưởng của trường M.I. không quên cổ động và khích lệ tinh thần những sinh viên còn theo học. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường.

Đến phần trao văn bằng cho từng sinh viên, Ngọc nghe xướng ngôn viên đọc tên sinh viên nào thì người đó bước lên sân khấu – trong tiếng nhạc rộn ràng và tiếng vỗ tay vang dội – để nhận văn bằng. Này Albert,

Anh quốc; kia Alain, Pháp; nọ, Charles, New York, v.v… Ngọc sốt ruột, quay sang hỏi Khanh:

- Tới vần nào rồi, anh?

- Mới vần G thôi.

Ngọc lại hồi hộp lắng nghe. Kia rồi:

- Khi…e..m… “We…e…n” (Nguyễn).

Ngọc ngồi thẳng người để nghe cho rõ hai tiếng Việt Nam theo sau; nhưng lạ chưa, họ dõng dạc đọc Texas!

Bước lên sân khấu, nhận văn bằng, xong, Khiêm đến bên Ngọc và Khanh với nụ cười tươi. Ngọc lại vói tay lên vai con, nói nhỏ:

- Chúc mừng con!

- “Cam on” Mommy!

Sau khi lễ ra trường chấm dứt, trên đường ra bãi đậu xe, Ngọc hỏi Khiêm:

- Khiêm! Con nhớ, trước khi Ba Măng đồng ý cho con sang học tại trường M.I., con đã hứa với Măng điều gì không?

Khuôn mặt của Khiêm đang rạng rỡ chợt thoáng buồn, giọng thật nhỏ:

- Da, con “nhó”.

- Lúc nào Cha Mẹ cũng nhìn xa và chỉ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình thôi. Con hiểu không? Hồi xưa ông bà Ngoại không cho Măng trở thành nghệ sĩ trình diễn, Măng buồn. Nhưng, nhìn lại cuộc đời của Măng, Măng thầm cảm ơn ông bà Ngoại đã sáng suốt khi quyết định không cho Măng đi vào con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp. Im lặng. Ngọc tiếp:

- Con thích được học nhạc từ trường M.I. lừng danh này thì Ba Măng cho con đi học – chỉ với mục đích để con có được môn giải trí thanh cao.

Con nhớ là Măng đã cho con biết: Không phải tất cả mọi người xuất thân từ trường M.I. đều trở thành Rock Stars. Dù có trở thành Rock Starts đi nữa thì, con đường của nghệ sĩ trình diễn chỉ “vinh quang” vào những giờ phút trước công chúng, trong tiếng vỗ tay và ánh đèn màu. Khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì biết bao nhiêu áp lực ùa đến; do đó, nghệ sĩ trình diễn thường tìm khuây bằng những thói quen độc hại. Con hiểu ý của Măng chứ? Măng đã giải thích với con trước khi Ba Măng đưa con sang đây và con cũng đã hứa với Ba Măng là sau khi tốt nghiệp tại M.I., con sẽ trở lại trường đại học để học cho xong bằng Kiến Trúc. Con nhớ không?

- Con “bét ròi”.

- Con về ghi danh cho kịp học niên khóa này, nha, con!

- Okay.

- Con buồn Măng nhiều không?

- Da, co, “ma it it thoi”!

Ngọc cười, lòng cảm thấy thương con vô vàn!

Điệp Mỹ Linh