Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

Người Đáng Tin Cậy Thành Công Nhờ 10 Chi Tiết Thú Vị, Cái Cuối Mang Đến Điều Bất Ngờ

 


Ranh giới đạo đức của một người chính là sự phản ánh nhân phẩm của họ. (Nguồn ảnh: Adobe stock)

NGƯỜI ĐÁNG TIN CẬY THÀNH CÔNG NHỜ 10 CHI TIẾT THÚ VỊ, CÁI CUỐI MANG ĐẾN ĐIỀU BẤT NGỜ
Quang Toàn biên dịch

Warren Buffett từng nói: “Thế giới này chưa bao giờ thiếu những người thông minh, nhưng lại thiếu những người đáng tin cậy”. Suy cho cùng thì điều đáng trân trọng nhất đối với một cá nhân chính là sự ‘tin cậy’.

Vì sao một người đáng tin cậy lại xứng đáng có được sự tin tưởng của những người xung quanh? Bởi vì họ có thể đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, không bao giờ trốn tránh trách nhiệm khi gặp khó khăn, và luôn có hướng giải quyết cho mọi vấn đề, mọi hành động của họ đều khiến người khác cảm thấy vô cùng yên tâm. Trái lại, việc giao tiếp với những người không đáng tin chỉ làm lãng phí thời gian quý báu của bạn. Khi ở bên cạnh những người thông minh, bạn có thể tiến xa hơn; nhưng khi giao tiếp với những người đáng tin cậy, bạn mới có thể thực sự trưởng thành.

10 chi tiết sau đây sẽ cho bạn biết, ai là người bạn có thể tin tưởng nhất.

1. Luôn phản hồi khi nhận được tin nhắn

Khi nhận được tin nhắn, người đáng tin cậy sẽ lập tức phản hồi. Có vẻ như đây chỉ là một hành động nhỏ nhặt, nhưng nó cũng có thể cho ta thấy liệu một người có đáng tin hay không qua những chi tiết tưởng chừng như không mấy quan trọng này. 

Người luôn trả lời tin nhắn của người khác một cách nghiêm túc chắc chắn là người có trách nhiệm, lịch sự và đáng để tin cậy. Nhưng cũng có những người như thế này: bạn gửi tin nhắn về công việc cho họ, tuy nhiên họ cứ chần chừ mãi mà không lập tức trả lời, điều này làm cho bạn không biết thông báo trong công việc này đã thực sự được truyền đạt cho mọi người hay chưa; hoặc khi bạn đang cần một lời khuyên nào đó từ phía họ, nhưng họ lại tỏ ra như không nhìn thấy tin nhắn của bạn, nhưng đến khi họ thực sự cần sự trợ giúp, họ dường như quên hết sự việc lần trước, vẫn tiếp tục tìm sự giúp đỡ của bạn. Dần dần, họ sẽ bị xem là người không đáng tin cậy, bởi vì người khác không thể cảm nhận được sự chân thành của họ.

2. Biết cách ăn nói 

Thánh nhân Khổng Tử đã từng nói: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”. Điều này có nghĩa là người có phẩm hạnh thì lời nói ra có thể chậm rãi, từ tốn, nhưng hành động lại cần phải nhanh chóng và quyết đoán.

“Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn.” Ý tứ là những lời nói tốt đẹp làm ấm lòng người suốt 3 mùa đông, còn lời ác ý khiến người ta lạnh lẽo suốt 6 tháng trời. Đứng từ góc độ của ngôn ngữ thì lời nói có thể thể hiện ra sự dày công tu dưỡng về đạo đức của một người là thâm sâu hay nông cạn.

Người có tài ăn nói thường am hiểu cách sử dụng từ ngữ phù hợp trong các tình huống khác nhau, biết nên nói gì và không nên nói gì, cũng không bao giờ dùng lời nói làm tổn thương người khác, hoặc không có trách nhiệm mà tùy tiện nói những lời khiến người cảm thấy xa cách.

Chỉ bằng vài lời nói mà có thể khiến người khác cảm thấy yên tâm và tin tưởng, đó thật sự là một kỹ năng đặc biệt. Giao tiếp không chỉ đơn thuần là diễn đạt ý nghĩa bề ngoài của lời nói, mà còn quan trọng hơn ở sự cảm thông và cách đối xử với những người xung quanh.

Lời nói của một người có chuẩn mực hay không chính là thước đo, đó cũng là tiêu chuẩn đạo đức của người đó.

Trước khi nói, chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để cân nhắc và xem xét, những lời nói ra cũng cần phải chú ý đến thể diện và cảm xúc của đối phương.

Những người thực sự đáng tin cậy biết cách sử dụng lời nói một cách hợp lý và đúng mực. Và chỉ có cách suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, chúng ta mới có thể thực sự hiểu được điều gì mới là tiêu chuẩn đo lường chuẩn mực nhất.

3. Không tham những món lợi nhỏ

Nhà văn Thái Xung từng để lại một câu nói vô cùng dí dỏm nhưng dường như cũng ẩn chứa trong đó trí huệ sâu sắc: “Những gì đã lấy trước đó thì sau này sẽ phải hoàn trả gấp đôi. Trong Phật giáo người ta gọi đó là nhân quả luân hồi, trong thống kê học họ gọi đó là quay lại giá trị bình quân tuyệt đối, còn trong thị trường chứng khoán họ gọi đó là lãi và lỗ đều đến từ một nguồn cung, và trong thuật ngữ của giới giang hồ thì họ gọi đó là “sớm muộn gì cũng phải trả””.

Những người thích chiếm những lợi ích nhỏ nhặt, họ thường thuận tay dắt dê, tính toán chi li, cũng không chịu thiệt thòi cho dù đó chỉ là một món lợi nhỏ bé.

Nhìn qua thì có vẻ như họ đã thực sự giành được một số lợi ích nhỏ nhặt, nhưng cuối cùng họ có thể sẽ đánh mất sự trung thực và tôn nghiêm vốn có của con người, dần dần thuận theo thời gian trôi đi sẽ không còn ai muốn kết giao với họ nữa.

Những người thật sự đáng tin cậy sẽ không bao giờ vì một chút lợi ích nhỏ mà vội vã truy cầu, lại càng không tính toán và lợi dụng người khác ở những hoàn cảnh khác nhau. Họ thường giúp đỡ mọi người một cách hào phóng, không mong đợi sự đền đáp. Họ hiểu một cách sâu sắc rằng, những gì bản thân muốn đạt được, chỉ có bằng cách tự mình nỗ lực thực hiện mới là điều thực sự đáng giá nhất.

4. Dám gánh vác trách nhiệm

Maugham từng nói: “Nếu như muốn để cho một người bộc lộ bản chất thật sự của mình, có một cách vô cùng hữu hiệu, đó là để anh ta chịu trách nhiệm với hành động của chính mình.”

Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Người đáng tin cậy luôn cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề ngay khi nó vừa bắt đầu xuất hiện chứ không phải là tìm lý do để đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm.

Vì vậy, muốn hiểu rõ một cá nhân, hãy xem cách mà anh ta xử lý vấn đề khi đối diện với khó khăn thử thách.

Một người dám chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình luôn khiến người khác tin tưởng hơn rất nhiều so với một kẻ chỉ biết trốn tránh.

Rốt cuộc, sống trên đời này, mỗi người đều phải gánh vác trách nhiệm của mình.

“Việc khó không thoái thác, việc nghĩa chẳng từ nan”. Dám đảm đương trọng trách mới khiến người khác cảm thấy yên tâm giao phó, tín nhiệm, mới có thể dễ dàng đắc được nhân tâm, gặt hái thành công.

Cũng giống như câu nói: “Chữ ‘nhân’ có hai nét, một nét là trách nhiệm, nét còn lại chính là đảm đương”.

Người có thể gánh vác trọng trách vào thời khắc quan trọng chính là người có thể tin cậy được.

Mạnh Tử từng nói: “Con người có những điều không thể làm, nhưng cũng có những việc thực sự đáng để làm” (Nguồn ảnh:  Adobe stock).

5. Giữ vững chuẩn tắc của con người

“Không có quy tắc thì không thể đạt được sự hoàn thiện”. Để có thể đứng vững trong thế giới này, điều quan trọng nhất là phải tuân thủ nguyên tắc và giữ vững những giới hạn.

Chỉ có kiên trì giữ vững nguyên tắc, bạn mới có thể tìm được một chỗ đứng cho riêng mình và giữ được phẩm hạnh đoan chính cho bản thân. Tuân theo giới hạn đã được đặt định, bạn mới không đánh mất đi bản thân vì những ham muốn nhất thời, đó chính là mấu chốt căn bản cho việc phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống của một người.

Những giới hạn, đó chính là phẩm chất đạo đức cốt lõi của con người.

Chỉ khi những hành động của chúng ta không khiến bản thân cảm thấy xấu hổ, lương tâm chúng ta mới được thanh thản và không cảm thấy gánh nặng về tinh thần. Đạo làm người, thực chất là nguyên tắc sống của con người, chính là giới hạn về mặt hành vi và đạo đức.

Mạnh Tử nói: “Con người có những việc không thể làm, nhưng cũng có những việc thực sự đáng để làm”.

Người đáng tin cậy luôn cố gắng giữ vững một ranh giới, họ biết rõ việc nào nên làm và việc nào tuyệt đối không thể làm. Họ biết suy xét vấn đề một cách thấu đáo, kiềm chế những ham muốn, đưa ra lựa chọn hợp lý và luôn cân nhắc mọi khía cạnh một cách kỹ lưỡng, họ sẽ không bao giờ vì lợi ích nhất thời mà hành động thiếu suy nghĩ.

Người không có bất cứ ràng buộc nào trong tư tưởng, thường bị mờ mắt trước những lợi ích nhỏ nhặt, bất chấp thủ đoạn để đạt được mọi thứ mình mong muốn. Cuối cùng, họ không chỉ làm tổn thương đến mọi người xung quanh mình, đánh mất lòng tin của người khác, mà còn tự hủy hoại tương lai của chính mình.

6. Khiêm nhường trong giao tiếp

Chỉ khi trưởng thành, chúng ta mới hiểu rằng, những người thực sự xuất sắc thường lại là những người khiêm nhường và kín tiếng nhất.

Có câu “nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên.”

Nhiều khi, những thành tựu mà chúng ta tự cho là to lớn, trong mắt người khác lại không đáng là gì cả.

Không nên dương dương đắc ý vì những gì mình đã đạt được, cũng không nên vì những thành công hiện tại mà dừng lại và không tiếp tục tiến lên.

Những người thực sự đáng tin cậy, thường là những người “bất lộ sơn, bất lộ thủy”, họ không phô trương, cũng không để lộ tài năng một cách lộ liễu. Bởi họ minh bạch được một điều rằng: “Trời cao lồng lộng, khi trời thịnh nộ ắt sẽ có cuồng phong; con người khi trở nên kiêu ngạo,  tự mãn ắt sẽ gặp tai họa”.

Họ tin rằng chỉ khi giữ được tâm thái bình dị, duy trì được thái độ khiêm nhường, thì mới có thể tránh được tai ương, bảo toàn được tự kỉ. Họ sống khiêm tốn và không ngừng học hỏi, mở rộng giới hạn của bản thân, gặp gỡ và trau dồi kiến thức từ những người ưu tú hơn nữa, và tiếp tục khám phá những chân trời mới, rộng lớn hơn.

Người đáng tin cậy luôn khiêm nhường và thành thật. Họ dựa vào tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, luôn suy xét mọi việc cẩn thận, làm việc chăm chỉ và chân thành để đạt được thành công trong sự nghiệp. Qua đó mà nhận được sự tín nhiệm cũng như tin tưởng của người khác và có thể vượt qua thử thách của thời gian.

7. Làm việc mà không quên tiểu tiết

Đối với những chi tiết nhỏ, đôi khi ta biết chăm chút chúng thì rất có thể sẽ làm cho mọi việc trở nên hoàn hảo. Một người thực sự đáng tin cậy không chỉ thể hiện qua thái độ đối với công việc mà còn qua cách quản lý bản thân.

Nhà văn Charles Dickens từng nói: “Thiên tài là những người chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất”.

Quả thật, chi tiết quyết định thành bại của mỗi cá nhân.

Rất nhiều thành công mà chúng ta đạt được thực ra được tích lũy từ những điều nhỏ nhặt, và một chi tiết tưởng chừng như nhỏ bé không đáng kể rất có khả năng sẽ thay đổi vận mệnh của một con người.

Lão Tử từng nói: “Phàm việc lớn trong thiên hạ, thảy đều bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất”. Những việc vụn vặt trong cuộc sống, những công việc mà chúng ta đôi khi phải lặp đi lặp lại nhiều lần, đừng cho rằng chúng buồn tẻ hay nhàm chán. Chúng ra cần tránh hết sức không nên cẩu thả, cũng không được làm một cách qua loa, hãy tận tâm và nỗ lực hết mình trong từng việc nhỏ, chỉ khi đó kết quả mới có thể tạo ra bước đột phá về chất lượng.

“Người làm nên việc lớn, thì thường những việc nhỏ họ cũng làm hết sức nghiêm túc; còn người không nghiêm túc với việc nhỏ, thì cũng khó làm nên việc lớn”. Điều này quả thật không sai.

8. Năng lực 

Người đáng tin cậy thường không nói những lời hoa mỹ, họ thường mang vẻ ngoài bình dị, nhưng lại sống chân thành và làm việc hết sức cẩn trọng, khiến người khác cảm thấy vô cùng yên tâm. Như một nhà văn đã từng nói: “Phần lớn những huyền thoại trên thế giới này chỉ là những con người bình thường, nhưng họ biết cách biến ý chí của mình trở thành bất diệt”.

Ai cũng biết rằng để nói ra thì rất dễ, nhưng bắt tay vào thực hiện thì mới thực sự khó. Người dù thông minh đến đâu, nếu chỉ biết nói suông, khoe khoang khoác lác thì cùng lắm chỉ là một kẻ xảo biện, trong hành động cũng chỉ là một người tầm thường.

Người biết xoay chuyển quan niệm “chuyện này để sau rồi tính” thành “làm ngay bây giờ”, và sử dụng năng lực mạnh mẽ của mình để tạo ra những cơ hội mới, đó mới thực sự là người đáng để người khác yên tâm, tin tưởng giao phó trọng trách.

9. Quý trọng thời gian

Chuyên gia về lĩnh vực quản lý thời gian Sirlium W. Smith đã nói:

“Bản chất của thời gian chính là các sự kiện. Kiểm soát thời gian có nghĩa là kiểm soát các sự kiện trong cuộc sống.”

Thái độ của một người đối với thời gian không chỉ phản ánh nguyên tắc sống và làm việc của họ mà còn quyết định vị trí mà họ có thể đạt được trong tương lai.

Doanh nhân Lưu Nhuận từ tiểu học đến trung học, bất luận trời mưa to gió lớn cỡ nào, dù đau đầu hay cảm cúm, anh cũng không hề đi trễ một lần nào.

Sau này khi đi làm, có những lúc anh bận rộn đến mức trong 13 ngày phải đi 10 thành phố và thực hiện 10 bài diễn thuyết.

Nhưng suốt 15 năm, với hơn 180 ngày công tác mỗi năm, anh vẫn chưa từng đến muộn.

Cuối cùng, Lưu Nhuận dựa vào nhân cách và tài năng vượt trội đã giành được sự tín nhiệm của mọi người và từng bước mở ra cánh cửa thành công.

“Tôn trọng thời gian” nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi thực hiện lại phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều; dường như đây là vấn đề thuộc về cách mà mỗi người cảm nhận đối với thời gian, nhưng thực tế lại là những nguyên tắc mà chúng ta phải tuân theo.

Đằng sau mỗi hành động đúng giờ là sự thể hiện lòng tôn trọng đối với niềm tin mà người khác dành cho mình, sự tôn trọng đối với lời hứa như đối với tính mạng của bản thân, và hơn thế nữa, đó còn là sự tôn trọng đối với những thỏa thuận đã đạt được với người khác.

Một người cẩn thận, tỉ mỉ, không để thời gian trôi đi một cách vô ích cũng chắc chắn là người giữ chữ tín và tôn trọng lời hứa.

Những người sở hữu phẩm chất cao quý như vậy thường đáng tin cậy và dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.

10. Ổn định cảm xúc

Cuối cùng cũng đến điều quan trọng nhất! Trong cuốn sách ‘Nhận thức những nhân cách nguy hiểm’, “cảm xúc không ổn định” cũng được coi là một dấu hiệu nhận biết nhân cách nguy hiểm. Những người này tính tình hay thay đổi sang hướng cực đoan và thất thường. Dù năng lực có mạnh mẽ đến đâu, họ cũng sẽ gây tổn hại cho những người xung quanh bởi những cảm xúc không kiềm chế được của bản thân.

Cuộc sống không dễ dàng, ai cũng có lúc bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực. Theo các nhà tâm lý học, khi con người tức giận, họ dễ xuất hiện hiện tượng “ý thức hẹp”, tức là chỉ tập trung vào những thông tin tiêu cực và khuếch đại chúng lên.

Những lúc như vậy, người bình thường có xu hướng trút bỏ cơn giận, còn người thực sự kiểm soát được cơn giận mới là người có bản lĩnh thật sự.

Khi gặp chuyện, không nên nôn nóng, tránh để những cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí. Nhất định phải nhận thức từ lý tính, gạt bỏ những cảm tính không đúng đắn.

Người thực sự đáng tin cậy không phải là người không có cảm xúc, mà là người biết cách quản lý và làm chủ cảm xúc của mình.

Họ tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn, thấu hiểu được bản chất của những điều phức tạp, và không ngừng rèn luyện để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Ổn định cảm xúc không chỉ là một dạng trí tuệ cao cấp mà còn là một kỹ năng đáng tin cậy.

Khi cảm xúc không ổn định, nhiều người chỉ nghĩ đến những điều không vui, khó tập trung vào công việc, không chỉ làm chậm tiến độ của bản thân mà còn ảnh hưởng đến sự phối hợp của cả tập thể.

Ai cũng có lúc tâm trạng không tốt, nhưng người đáng tin cậy sẽ không để mình chìm đắm trong cảm xúc đau khổ hay tức giận quá mức. Họ sẽ tìm cách hóa giải những cảm xúc đó, duy trì thái độ tích cực và tràn đầy năng lượng, luôn tìm cách đối xử tốt với công việc và những người xung quanh.

Theo Vision Times

Quang Toàn biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét