Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Nghề Dạy Học

 

Hình ảnh trong trích đoạn Vua Lê Hiến Tông thăm thầy giáo cũ Nguyện Bảo

NGHỀ DẠY HỌC
Lê Đức Luận

Cái làng Châu Khê ngày ấy, người vui nhất và vui hơn cả nhà vua là cụ Nguyễn Bảo. Bởi lẽ ông đã có được một học trò (vua Lê HIến Tông) tuy ở ngôi tôn quý nhất nước, nhưng vẫn mực thước thủy chung giữ đạo nghĩa thầy trò...

Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, đa số người đời thường nghĩ: “Dạy học là cái nghề bạc bẽo như ông lái đò đưa khách sang sông.” Khách qua sông rồi mấy ai còn nhớ lại con thuyền cũ, bến đò xưa với người lái đò ngày ngày ngồi đợi!?

Vậy mà, một ông bạn thân của tôi vẫn mê nghề dạy học. Sau khi được định cư ở Mỹ, ông cố gắng học tập lấy được bằng Cao học Giáo dục (Master of Education) để thực hiện ước muốn của mình là đi dạy học.

Xem lại lịch sử xưa nay, trong và ngoài nước cho ta thấy tùy theo sự thịnh suy của nền văn hóa giáo dục trong mỗi thời đại mà nghề dạy học được coi là cao quý - thầy cô giáo được tôn vinh hay bị coi như một nghề bạc bẽo - thầy cô giáo không còn được trọng vọng.

Chuyện ông Carnot ghé vào thăm trường cũ - ông Carnot đang làm quan lớn, một hôm về chơi quê nhà, đi ngang qua trường cũ thấy thầy dạy mình lúc nhỏ, nay tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học, ông đến trước mặt thầy chào hỏi lễ phép và thưa rằng: “Tôi là Carnot, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông xin phép thầy được ngỏ đôi lời với học trò trong lớp: “Vì nhờ ơn Thầy chịu khó dạy bảo, ta mới có sự nghiệp ngày hôm nay. Cho nên ta luôn nhớ ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy…” Carnot sau này là Tồng Thống thứ Tư của Đệ tam Cộng hòa Pháp năm 1887-1894 - Marie François Sadi Carnot.

Đó là chuyện ngày xưa ở bên Tây, xứ ta ngày trước cũng không thiếu những chuyện tôn sư trọng đạo.

Một giai thoại về thầy Chu Văn An - khi Tể Tướng (ngang với chức Thủ Tướng ngày nay) Phạm Sư Mạnh đến thăm thầy Chu Văn An mà “tiền hô hậu ủng” bị người thầy cũ khiển trách. Phạm Sư Mạnh quỳ gối xin thầy tha tội. Thầy Chu Văn An thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan, về làng mở trường dạy học. Môn sinh của Thầy rất đông và trong số đó có nhiều người làm quan to. Cho đến tận ngày nay, thầy Chu Văn An vẫn được người đời tôn vinh là “vạn thế sư biểu.”

Chuyện vua Lê Hiến Tông (1461-1504) đến thăm thầy cũ rất cảm động, được kể lại trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” với nội dung như sau: “Tiên sinh Nguyễn Bảo, người từng dạy học cho vua Lê Hiến Tông thưở thiếu thời và đã từng giữ chức Thượng thư Bộ Lễ - khi lớn tuổi, ông cáo lão về quê sống đời thanh bạch. Một hôm, để tỏ lòng biết ơn, vua Lê Hiến Tông đã về làng Châu Khuê thăm thầy cũ. Khi đến đầu làng, nhà vua xuống xa giá, đi bộ với hai cận thần cùng một viên quan sở tại vào nhà thăm thầy - không trống phách, nhạc nhã nghinh đón.

Thầy giáo Nguyễn Bảo theo phép vua tôi sụp lạy nhà vua. Vua cúi xuống đưa tay nâng vai người thầy cũ, nhỏ nhẹ nói: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ.” Cụ Nguyễn Bảo thưa: “Tâu bệ hạ, đạo thầy là nặng, nhưng phép nước cao hơn, xin Hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu, để người ngoài trông vào cho phải phép.”

Nhà vua ân cần bảo: “Thưa Tôn sư, hôm nay trẫm là học trò về thăm thầy, chứ không phải Thiên tử đi kinh lý nên miễn lễ cung đình - Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung bàn là quá lắm rồi…” Và sau đó thầy trò cùng ăn bữa cơm quê đạm bạc. Bởi thế, trong dân gian còn truyền tụng câu ca dao: “Canh cua nấu cải thêm gừng/ Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon.”

Đó là chuyện thời phong kiến. Quan niệm “Quân, Sư, Phụ” đã sống trong lòng dân tộc qua cả ngàn năm do ảnh hưởng của Nho giáo. Vị trí người Thầy chỉ đứng sau Vua và trên người Cha đã cho thấy thầy giáo được tôn vinh hết bậc trong xã hội phong kiến.

Đến khi người Pháp xâm chiếm nước ta, đặt nền đô hộ mới từ năm 1884 - chế độ phong kiến dần dần suy tàn kéo theo sự mai một của nền văn học Nho giáo. Các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình - lấy chữ Nho làm gốc - bắt đầu từ năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông để tuyển chọn người có học và tài đức ra làm quan; đến năm 1919 các khoa thi ấy không còn được tổ chức dưói triều vua Khải Định. Ông Trần Tế Xương đã viết bài thơ “Đổi Thi” để nhắn nhủ các môn sinh nho học:

Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!

Từ khi các sĩ tử (tiếng gọi các học trò học chữ nho) “bỏ bút lông, giắt bút chì” - lấy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (theo mẫu tự La tinh) làm gốc trong các kỳ thi để tuyển chọn công chức phục vụ cho chính quyền bảo hộ. Sự “lên ngôi” của chữ quốc ngữ đã đào tạo một thế hệ trí thức mới - thay thế các cụ đồ với các mảnh bằng Thành Chung (Diplôme d’Etudes Primaire Supérieur); Tú Tài 1 - còn gọi Tú Tài Bán Phần (Bacccalauréat Première Partie; Tú Tài 2 - còn gọi Tú Tài Toàn Phần (Baccalauréat Deuxième Partie, gọi tắt là Bac).

Có thể nói, từ khi khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức tại Kinh đô Huế năm 1919 cho đến lúc chấm dứt chế độ Phong kiến vào năm 1945 với sự thoái vị của Vua Bảo Đại, ông Vua cuối cùng của triều Nguyễn, nền tân học Việt Nam đã khởi sắc một cách kỳ diệu… Chỉ trong vòng 26 năm (1919 - 1945) mà thơ, văn, âm nhạc bằng chữ quốc ngữ đã làm rung động lòng người qua các tác phẩm: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ mới của các nhà văn, nhà thơ như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ… trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ khác cùng các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn… v… v… đã làm nên và để lại một di sản văn hóa vô cùng quí báu. Các thế hệ sau này say mê và ngưỡng mộ đã đặt cho cái tên: “thơ, văn, ca nhạc tiền chiến.” Đây là nguồn cảm hứng đã ảnh hưởng đến các văn nghệ sĩ hậu sinh để họ tạo được một nền văn học rất phong phú cho Việt Nam.

Ngoài văn học, thời kỳ này xuất hiện một giai cấp mới trong xã hội được gọi “tiểu tư sản”- đa phần là những người tân học. Các thầy Thông, ông Phán, ông Đốc, ông Giáo… được xem là tầng lớp trí thức thượng lưu.

Hình ảnh cậu giáo Huy, trong tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng sao mà cảm động, dễ thương quá! Gia đình khánh kiệt, nhưng nhớ lời dặn dò của người cha trước lúc lâm chung mà Mai, chị của Huy đã tần tảo nuôi em ăn học, còn Huy đã đem hết nghị lực học hành để trở nên người hữu dụng cho xã hội như mong ước của người cha quá cố. Huy tốt nghiệp, ra trường làm nghề dạy học đã tạo được cuộc sống êm đềm, hạnh phúc cho hai chị em Huy và được xã hội kính trọng.

Sau năm 1945, tuy đất nước trải qua những biến cố lịch sử quan trọng, nhưng địa vị của người thầy giáo vẫn được tôn kính trong lòng dân tộc.

Cho đến năm 1954, qua Hiệp định Genève, đất nước bị chia đôi. Hai miền Nam - Bắc áp dụng thể chế chính trị khác nhau và cũng khác biệt trong ý thức hệ chính trị, nên chương trình giáo dục phải theo đó mà cải cách cho phù hợp, nhất là các môn về “khoa học xã hội và nhân văn.”

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, được hấp thụ một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng.”

Thầy, Cô giáo đã dạy cho chúng tôi biết giá trị thiêng liêng của con nguời - cuộc sống được bảo vệ trên nền tảng tự do, dân chủ và bình đẳng - đó là động lực để phát triển nhân sinh. Con người không thể là phương tiện hay công cụ để phục vụ cho một cá nhân hay một đảng phái chính trị.

Thầy, Cô giáo cũng dạy cho chúng tôi tinh thần bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mục đích là giữ cho Dân tộc trường tồn, làm cho Quốc gia hùng mạnh và đưa dân sinh đến hạnh phúc.

Sau cùng là khai phóng - phải mở rộng tầm nhìn để học hỏi và tiếp nhận các kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, đưa nước nhà theo kịp với đà văn minh nhân loại, đồng thời tham khảo, học hỏi nhiều luồng tư tưởng tiến bộ để phát huy tinh thần tự do, dân chủ, phát triển xã hội… tạo nên một nền văn hóa phong phú cho dân tộc và một đời sống hạnh phúc cho mỗi con người.

Triết lý giáo dục đó được những con người lịch lãm truyền dạy, và hình ảnh của họ đã để lại trong tâm hồn những học sinh Miền Nam lúc bấy giờ sự ngưỡng mộ và kính trọng.

Bởi thế, sau khi đậu Tú Tài, nhiều thanh niên nam nữ ở Miền Nam đã ước mơ được làm thầy, cô giáo. Các trường Sư phạm Qui Nhơn, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ là nơi dừng chân lý tưởng cho sự nghiệp của nhiều người.

Tôi nghe nói: ước mơ của nhiều thanh niên nam nữ ngoài Bắc thời bấy giờ là được làm công an. Nơi dừng chân lý tưởng là các Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Chính trị Công an Nhân dân… Và cũng nghe nói, ngoài Bắc theo lối giáo dục nhồi sọ - một chiều! Nuôi dưỡng hận thù, đấu tranh giai cấp, con người là công cụ để phục vụ cho chế độ theo đường lối vô sản chuyên chính của chủ nghĩa Mác - Lênin… v…v…

Những gì tôi nghe trước đây thì sau năm 1975 tôi được thấy. Quả thực không sai.

Những chuyện được truyền bá trong xã hội miền Bắc như: “Đồng hồ của Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ; trăng ở Trung Quốc tròn hơn trăng ở Hoa Kỳ…” Mới nghe tưởng rằng người ta nói chơi, nhưng đã được viết trên sách báo.

Chúng ta cũng không ngờ các thầy, cô đã dạy cho các em học sinh trong chương trình văn học phổ thông bài thơ “Đời Đời Nhớ Ơn Ông.”

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh/ Ông Xit-ta-lin bên cạnh nhi đồng. Áo Ông trắng giữa mây hồng/ Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉn cười….

Xit-ta-lin! Xit-ta-lin! Yêu biết mấy, nghe con tập nói/
Tiếng đầu lòng, con gọi Xít-ta-lin…

Đêm qua, loa gọi ngoài đồng/ Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao! Làng trên xóm dưới xôn xao/ Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi! Hỡi ôi, Ông mất, đất trời còn không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười….

Bài thơ khá dài, chỉ trích những câu tiêu biểu. Khi đọc bài thơ, nhiều người cứ tưởng của một thằng bá vơ nào đó, không biết gì về lịch sử thế giới, nên mới ca tụng và khóc một tên đồ tể - giết người hông kém gì Hitler. Nhưng cuối bài thơ ghi: sáng tác vào tháng 5-53 của Tố Hữu, một nhà thơ nổi tiếng trong chế độ Hà Nội. Người ta mới té ngửa, không ngờ nó nhảm đến thế!

Với tôi, khi đọc bài thơ này, tôi không còn lời nào để phê bình, chỉ ném quyển sách xuống sàn nhà và buông tiếng chửi thề rất tục… không tiện viết ra đây.

Cũng có lần nghe mấy đứa nhỏ đọc mấy câu thơ trong một bài học thuộc lòng - tôi không biết tác giả là ai - thơ rằng:

“Ông Lê Nin ở nước Nga/ Mà em lại thấy rất là Việt Nam,
Cũng vầng trán rộng thênh thang/ Y như trán Bác mênh mang đất trời.”

Ông Lê Nin mắt xanh, mũi lõ thì giống người Việt Nam làm sao được? Thế mà Thầy, Cô vẫn cho các em học thuộc lòng. Thôi, bỏ qua  chuyện đó - làm “thơ nịnh” dạy “thơ nhảm” dưới chế độ Cộng sản là chuyện bình thường. Nhưng những câu thơ ấy gợi cho tôi nhớ về một kỷ niệm - khi tượng Lê Nin được dựng lên ở Hà Nội, một ông nào đó trong chính phủ Miền Nam cũng bắt chước để lấy lòng Hoa Kỳ, nên lấy tên vị TT Hoa Kỳ thứ 35 đặt tên công trường trước nhà thờ Đức Bà là “Công trường Kennedy” bị các sinh viên, học sinh ở Sài Gòn biểu tình phản đối ỏm tỏi - sau đó phải gỡ xuống và trả lại tên cũ là “Công trường Hòa Bình.”

Ngày 30-4-1975, chính quyền Miền Nam hoàn toàn sụp đổ, Sài Gòn đặt dưới sự kiểm soát của Việt cộng qua Ủy Ban Quân Quản. Rồi các cán bộ ngoài Bắc lần lượt được đưa vào tiếp quản các cơ sở của chính quyền Miền Nam để lại, trong đó có các trường công và tư thục.

Nhìn qua phong thái, xem xét về trình độ học vấn, cách thức quản lý và lề lối giảng dạy của các thầy, cô ngoài Bắc (lúc đó gọi chung là giáo viên) dân chúng Sài Gòn vô cùng thất vọng.

Người ta bảo muốn biết sự thật trong nhà thì hỏi mấy đứa trẻ con (đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ), muốn biết thực trạng của một xã hội, cứ nghe
các câu vè, ca dao đang truyền tụng trong dân gian thì sẽ tỏ tường.

Chỉ trong lãnh vực giáo dục, ta đã thấy dân chúng truyền tụng nhiều câu ca dao nghe rất não lòng:

- Năm đồng đổi lấy một xu/ thằng khôn đi học thằng ngu làm thầy.
- Dốt như chuyên tu/ ngu như tại chức.

Cái thời chính quyền Việt cộng chủ trương tuyển dụng chuyên viên mà lấy “hồng hơn chuyên” nên việc học hành, chữ nghĩa không còn quan trọng bằng trung thành với đảng:

- Gỉỏi a đồng chí Đỗ Mười/Lớp Ba chưa đỗ đã ngồi bí thư.
-Bất kể hoạn lợn, chăn trâu/ Hể cứ vào đảng ở lâu làm trùm.

Bởi thế, học sinh không còn hăng hái học tập để tiến thân trên con đường học vấn. Thêm vào hình ảnh cao quý của người thầy giáo xuống cấp thê thảm trong thời kỳ bao cấp:

- Thầy giáo lương lãnh ba đồng/ Làm sao sống nổi mà không đi thồ.
Nhiều Thầy phải đạp xích lô/ Làm sao xây dựng cơ đồ học sinh(?)

Cho nên trong xã hội mới có câu vè khuyên nhủ:

-Muốn sang thì lấy thợ điện/Muốn diện lấy thợ may/ Muốn ăn mày lấy thầy giáo.

Ôi! Cái thời mạt vận của “nghề dạy học.” Cấp lãnh đạo bảo: “trí thức không bằng cục phân.” Ông Mao Trạch Đông nói thế, các đồng chí nhà ta đồng tình thi nhau trù dập giới trí thức - “Trí, Phú, Địa, Hào- đào tận gốc, trốc tận rễ” nên ít ai muốn học hành, nghiên cứu để thành người trí thức; còn trong dân gian, nghề dạy học bị miệt thị (muốn ăn mày lấy thầy giáo) nên một số thầy, cô chuyên nghiệp đã bỏ nghề. Để lấp vào chỗ thiếu hụt giáo viên, Bộ Giáo Dục tuyển dụng một số người không đủ trình độ và kiến thức để dạy học.

Như người ta đã thấy trong buổi thi đố về văn học - một câu hỏi được nêu ra cho cô giáo dạy môn văn cấp Trung học phổ thông: “Cô biết gì về Nhóm Tự Lực Văn Đoàn ?” - “Hình như đây là một gánh hát dạo (sic)” Cô giáo đã trả lời như thế đó.

Chuyện một thầy giáo dạy Sử-Địa, cũng ở cấp Trung học Phổ thông - ông hăng say giảng về lịch sử Thế Chiến Thứ 2 - ông nói: “Công lao lớn nhất đánh bại Phát xít Đức giải phóng Âu châu trong Thế Chiến Thứ 2 thuộc về Liên Xô. Mỹ chỉ đợi lúc “đục nước béo cò” - nhảy vào hưởng lợi…”

Một học sinh hỏi lại: “Thưa thầy, vậy D-Day (1) là ngày gì?” Ông thầy ú ớ…, rồi trả lời lấy được: “Có lẽ là ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại Phát xít Đức.”

Đấy! Cái tai hại của lối “giáo dục tuyên truyền nhồi sọ” là thế!

Thời bấy giờ Việt cộng còn áp dụng “chính sách giáo dục kỳ thị”-con cái của những người phục vụ trong chế độ cũ không được thi vào Đại học. Hai cái: “giáo dục tuyên truyền nhồi sọ” và “giáo dục kỳ thị lý lịch” đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh học sinh lo lắng, nên tìm cách vượt biên vì tương lai học hành của con cái.

Khi nhà cầm quyền Việt cộng nhận ra những bất cập trong chính sách giáo dục, họ cố gắng sửa sai, đổi mới… Nhưng càng sửa càng sai - từ một nền “giáo dục bất cập” nhảy sang một nền “giáo dục bát nháo” nhất trong mọi thời đại.

Ngày nay, ở trong nước có nạn “thi thuê, học mướn,” rồi bằng giả, bằng thật tùm lum… Người ta bảo Việt Nam đang “lạm phát” Tiến Sĩ - Tiến sĩ thì nhiều nhưng phát minh rất ít, lại choán chỗ và cản đường những người có tài năng ra giúp nước.

Chuyện thầy, cô giáo mở lớp dạy thêm tràn lan - một hiện tượng nhức nhối lương tâm - không nỡ đổ lỗi cho thầy, cô trước cuộc sống khó khăn; cũng khó chê trách học sinh tối dạ. Chỉ trách là chính sách cai trị của Nhà nước quá tệ…

May mắn cho những ai đã đưa được con em qua các nước Âu Mỹ để được học tập dưới một nền giáo dục tân tiến. Cụ thể như ở Hoa Kỳ, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, nhưng lại có một nền giáo dục tân tiến, hài hòa, nhân bản và thực dụng.

Năm1986, gia đình tôi được định cư ở Hoa Kỳ, gặp lại một người bạn cũ, được biết anh đang cố gắng học để lấy mảnh bằng ra làm thầy giáo. Hình ảnh người thầy giáo và nền giáo dục ở Việt Nam dưới chế độ Cộng sản vẫn còn ám ảnh trong suy nghĩ, nên tôi tâm sự với anh bạn rằng:

- Dân tộc mình thuần nhất - nói và viết cùng một thứ tiếng; phong tục, tập quán cũng không khác nhau bao nhiêu, mà xem ra hiện nay ở trong nước ít người muốn theo nghề dạy học - “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm.” Ở xứ này đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ mà theo nghề sư phạm, ông thấy có khó khăn lắm không?

- Ờ! Ở đây có nhiều cái “đa” nhưng nhờ cái nồi “Melting Pot”(2) nung chảy sự khác biệt và hỗn tạp của nhiều nền văn hóa thành một dòng “văn hóa phổ thông” mà những người nhập cư chấp nhận để hội nhập vào xã hội văn minh, tiến bộ của Hoa Kỳ. Ông bạn tôi trả lời như thế và nói thêm:

- Đi dạy học là giúp lửa cho cái nồi “Melting Pot.”

Đúng là cái nồi Melting Pot đã tạo được “dòng văn hóa phổ thông” khiến tâm tình con người cởi mở để hội nhập, nhất là với thế hệ trẻ. Các con tôi đến Mỹ chỉ một vài năm mà bạn bè của chúng nó đủ mọi sắc dân: Mỹ trắng, Mỹ đen, Ấn độ, Đại hàn, Đài loan, Nhật bản, Việt nam…

Chúng nó hoà nhập, vui chơi hồn nhiên, không kỳ thị màu da hay chủng tộc và cùng chung hưởng một nền giáo dục khai phóng và bình đẳng từ Tiểu học đến Đại học. Đó là một ân sủng của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho con em những người tỵ nạn đến sau như chúng tôi.

Học đường ở Hoa Kỳ là chốn thần tiên của tuổi thơ, nhưng lại là nơi bận tâm và lo lắng của những người thầy giáo và các nhà hoạch định chính sách giáo dục. Họ có trọng trách làm sao đạt được một nền giáo dục tối ưu mà các bậc phụ huynh học sinh kỳ vọng. Nếu không sẽ bị phê bình một cách gay gắt.

Ông bạn tôi, thầy giáo Lê Văn C. vẫn theo đuổi lý tưởng của mình dù cho con đường trước mắt có nhiều gian nan. Lấy được bằng Cao học Giáo dục, Thầy Lê Văn C. đi dạy học ở New Orleans - hạnh phúc được mấy năm với những học trò Middle High School (từ lớp 6 đến lớp 8).

Khi xảy ra trận bão Katrina năm 2005, thầy giáo Lê Văn C. di chuyển về Vùng phụ cận Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và xin vào dạy ở một trường Trung học thuộc Quận Fairfax. Bấy giờ thầy giáo Lê Văn C. mới nhận ra “cái nồi Melting Pot” vẫn chưa nung chảy và hoà tan được một vài hạt sạn.

Ở đây, thầy giáo Lê Văn C. được sắp xếp dạy toán ở High School (từ lớp 9 đến lớp 12). Học sinh ở những lớp này hay quậy phá và coi thường thầy giáo. Thời đại “mạng Internet” phát triển, đám học trò thường kháo với nhau rằng: “Ai ơi, nghe lấy lời ta / Chuyện gì không biết thì tra Google…” Một số ít thầy giáo muốn yên thân để cho học trò tự tung, tự tác… Thầy giáo Lê Văn C. thì không - cứ ngang ngay sổ thẳng - đứa nào không làm bài tập đầy đủ, thầy phết điểm: F - “0”. Một số phụ huynh nhận thấy từ ngày thầy Lê Văn C. về dạy môn toán, học lực con cái họ trước đây thường đạt điểm A, B nay xuống điểm C hoặc F. Họ thắc mắc và nghĩ rằng việc giảng dạy của thầy giáo Lê Văn C. có vấn đề, chứ không nghĩ con mình lười biếng. Đám học trò lười biếng không ưa thầy giáo Lê Văn C. lại nói thêm vào: “Thầy Lê Văn C. giảng bài chúng nó không hiểu - giọng khó nghe” Thế là có vấn đề. Ở Mỹ, tiếng nói của Hội Phụ huynh Học sinh rất được coi trọng - nhà trường phải lắng nghe và quan tâm đến những điều họ thắc mắc và đề nghị. Việc giảng dạy của thầy Lê được đem ra thảo luận trong các cuộc họp giữa Hội Phụ huynh Học sinh và nhà trường.

Thầy giáo Lê ngay thẳng trình bày tất cả sự thật về tình trạng học sinh lười biếng và khuyết điểm trong việc giảng dạy của thầy giáo.

Dĩ nhiên thầy giáo Lê Văn C. nói đúng, nhưng làm mích lòng một số đồng nghiệp, nhất là đối với bà Phó Hiệu trưởng, nên bà ta luôn tìm cách làm khó dễ và tìm cơ hội để sa thải thầy.

Thầy giáo Lê Văn C. cho tôi biết một chuyện buồn lòng, thầy kể:

“ Một hôm, trong giờ dạy toán mà một đứa học trò hỏi tôi về vấn đề chính trị. Tôi nổi khùng, mắng nó: ‘Mày đi hỏi TT Bush, tao không biết.’ Thế là đứa học trò này lên văn phòng báo cáo với bà Phó Hiệu trưởng và tung tin: ‘Thầy Lê có vẻ bị bệnh tâm thần.’

“Chớp lấy cơ hội, bà Phó Hiệu trưởng làm lớn chuyện - trình sự việc lên ông Hiệu trưởng và xin lịnh cấm không cho tôi vào trường, lấy lý do tôi có vấn đề về tâm thần.”

“Vào thời điểm đó, nạn bạo hành bằng súng đạn tràn lan - học sinh đem súng vào trường, công nhân bất mãn mang súng vào hãng bắn giết lung tung… nên lệnh cấm tôi vào trường có hiệu lực ngay và được một số thầy giáo ủng hộ.”

“Không được vào trong trường với lý do hồ đồ, tôi ức quá đâm đơn kiện nhà trường. Tôi thắng kiện - nhà trường phải bồi thường cho tôi 25 ngàn đô.”

Thầy giáo Lê Văn C. chán sự đời, xin nghỉ hưu - tinh thần và sức khỏe của Thầy sa sút trầm trọng… Đến khi tiêu hết 25 ngàn tiền bồi thường cho thuốc men và bệnh viện cũng là lúc Thầy Lê Văn C. mang cái nồi “Melting Pot” và “cái nghề bạc bẽo” sang bên kia thế giới.

LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 6- 2024)

(1) D-Day là ngày Quân đội Đồng Minh (chủ yếu là quân Anh-Mỹ) đã đổ bộ lên bờ biển Normandie, miền bắc nước Pháp này 6-6-1944. Đây là cuộc đổ bộ lớn nhất trong quân sử Thế giới - Đại tướng Dwight D. Eisenhower (người Mỹ) được bổ nhiệm làm Tổng Tư lịnh quân đội Đồng Minh trong cuộc đổ bộ này và đã đánh bại quân Đức quốc xã gỉải phóng nước Pháp và các nước Tây Âu trong Thế Chiến Thứ Hai.
(2) Melting Pot nghĩa đen là nồi nung chảy - ẩn dụ về văn hóa là “nồi
nung chảy” các các yếu tố khác biệt để tạo nên một dòng “văn hóa hội nhập và phổ thông.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét