Trong suốt thời gian bị cáo bị giam giữ trong trại tù Oklahoma County Jail, để chờ đợi ngày ra trình diện phiên tòa xét xử và tại đây tác giả là một Tuyên Úy Trại Tù Công Chứng (Certified Prison Chaplain) tình nguyện không lãnh lương, để cố vấn pháp lý (Legal Counseling) cho các anh chị em tù nhân, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da nên đã biết rõ hết đầu đuôi câu chuyện của nữ bị cáo chung thân người Việt diễn tiến tuần tự như sau:
Vào một hôm cô cháu họ của người chồng cô Lê Vân mang một em bé (baby) con của bà đến nhà cô, nhờ cô trông giữ dùm em bé buổi chiều nay, để bà phải đến trình diện nơi làm việc của bà và bà hứa sẽ quay trở lại đón cháu vài giờ sau. Nếu không bà sẽ bị người chủ sa thải vì bà đã xin nghỉ việc tạm thời hơn 1 tuần lễ nay rồi. Cô trông giữ em bé chưa đầy vài tiếng đồng hồ, thấy em bé lên cơn nóng sốt kinh niên, vội vàng chở em bé vào bệnh viện cấp cứu.
Trong khi em bé nằm trong nhà thương để được chẩn bệnh thì 1 tiếng đồng hồ sau đó, bác sĩ chữa trị cho em bé báo tin cho cô và cha mẹ của em bé biết em bé bị chấn thương nặng ở não bộ, bị dập óc và em bé đã tắt thở mấy phút qua. Cha mẹ của em bé cũng đang có mặt trong nhà thương tỏ thái độ im lặng, không dám tiết lộ cho bác sĩ khám nghiệm em bé biết là đã hơn 1 tuần lễ trước đây, em bé đã bị tai nạn bất ngờ rơi xuống đất trong nhà của họ và ngay tức khắc cha mẹ em bé đã chở em bé đến phòng mạch tư của một bác sĩ khám nghiệm và đã được bác sĩ này cấp cho thuốc uống.
Vì lý do này mà cha mẹ em bé phải giữ thái độ lặng thinh, vì nếu tiết lộ điều này ra thì ông bà có thể sẽ bị liên lụy đến pháp luật mai kia. Bởi vì trước sau gì bệnh viện cũng sẽ phải báo cáo vụ em bé chết vì bị chấn thương ở não bộ cho chính quyền địa phương biết nội vụ, để nơi đây sẽ mở cuộc điều tra xem ai là thủ phạm chính đầu tiên gây ra thương tích nguy hiểm làm cho em bé bị chết.
Lẽ dĩ nhiên giả thử nếu cha mẹ em bé tiết lộ ra điều này, thì chắc chắn không phải chỉ có một mình cô Lê Vân là người duy nhất bị liên quan đến vấn đề pháp lý, mà kể cả cha mẹ em bé cùng vị bác sĩ đầu tiên chẩn bệnh cho em bé uống thuốc cũng bị cơ quan chính quyền mời đến thẩm vấn.
Nhưng vì cô Lê Vân là người trông giữ trực tiếp em bé và chính cô đưa em bé vào bệnh viện cấp cứu nên cô là người đầu tiên bị tình nghi ngay là người đã có hành động bạo hành đánh đập em bé, gây chấn thương não bộ của em bé, làm cho em bé bị chết. Do đó ngay sau khi cơ quan chính quyền địa phương nhận được báo cáo của nhà thương nên cô bị tống giam ngay tức khắc. Sau này do lời tố cáo của đứa con trai cô 7 tuổi, khai trước trước tòa là cậu thấy mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà nên Công Tố Viên (District Attorney) nhân danh pháp luật đã buộc tội cô về hành động chủ mưu cố sát em bé trong phiên tòa xét xử lần đầu.
Nói tới đây có rất nhiều người nêu lên thắc mắc là tại sao cậu con trai của cô lại đi tố cáo mẹ ruột của mình là đã ném em bé xuống sàn nhà nhỉ? Thắc mắc này nêu lên rất hữu lý đối với nhiều người. Nhưng mẹ cậu cho biết là cậu thù ghét mẹ cậu từ lâu vì đã nhiều lần cậu yêu cầu mẹ mua cho cậu thêm nhiều games chơi khác nữa nhưng mẹ cậu từ chối, vì mẹ cậu làm việc lao động vất vả chân tay mỗi ngày, với số tiền lãnh lương tối thiểu hàng tuần, nên mẹ cậu không đủ khả năng tiền bạc để thỏa mãn sự đòi hỏi quá đáng của cậu được.
Vấn đề này cô có trình bày cho Công Tố Viên nghe, nhưng ông từ chối không chấp nhận lời khai này của cô, ví nó không có giá trị trước pháp lý, vì không có bằng chứng cụ thể (Evidence) để minh chứng cho lời nói trước mặt quan tòa tòa xử án.
Còn vấn đề bà mẹ của em bé chết là tại sao bà không dám nói sự thật cho cô Lê Vân biết là con bà đã bị té xuống đất ở nhà bà cách đây hơn 1 tuần rồi và phải đưa em bé đi bác sĩ khám nghiệm cho uống thuốc khi bà mang con đến gửi cô trông giữ? Và tại sao khi đã biết được cô phạm tội hình sự cố sát em bé con của bà mà bà vẫn giữ thái độ im lặng, không đệ đơn truy tố cô về mặt dân sự trước pháp luật, để đòi tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất vì trước pháp luật cô đã làm chết em bé con bà?
Hai câu hỏi này chúng tôi không thể nào giải thích các chi tiết lý lẽ pháp lý ra đây được. Vì nếu giải thích ra đây thì rất dài dòng văn tự, chiếm nhiều trang giấy khuôn khổ của tờ báo, mà nhiều khi quý độc giả không có thì giờ để đọc.
Trong phiên tòa xét xử vụ án này lấn thứ nhì, qua sự kháng cáo của vị luật sư bên bị cáo là cô Lê Vân, đã chưng bằng cớ với hình ảnh rõ rệt là căn phòng của con cô nằm khuất hẳn đằng sau căn phòng mà cô đang trông giữ em bé, cộng với lời khai của con cô là lúc đó cậu đang chơi game trong máy điện toán, thì làm sao cậu có thể thấy mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà được? Rồi trong phiên tòa xử lần thứ nhì này, cậu cũng đổi lại lời khai của cậu là chỉ nghe thấy tiếng mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà.
Nghe xong, Vị Quan Tòa xét xử cho rằng cậu còn quá nhỏ tuổi dễ bị xúc động (nervous) trước công chúng nên không thể tập trung tư tưởng để nhớ lại những gì cậu đã nói trước đây trong phiên xử đầu tiên, nên Quan Tòa vẫn phán quyết y án cho bị cáo như cũ. Để kết thúc câu chuyện pháp lý trên đây, người ta có thể nghĩ rằng bị cáo vì lỡ trượt tay đánh rớt em bé xuống sàn nhà, chứ không thể vì lý do gì quá bực tức khác trong lòng mà ném em bé xuống sàn nhà.
Chúng tôi dám nói như thế vì trong Cộng Đồng Người Việt bé nhỏ tại Oklahoma City này, có rất nhiều người quen biết rõ cô và biết rõ cá tính hiền lành, mộc mạc, chất phát của cô. Giá phải chi cô chỉ bị lãnh bản án chung thân thôi (Only Lifetime Sentence) thì còn có ngày cô sẽ được sự khoan hồng để hưởng quyền Ân Xá (Amnesty) hay Đại Xá (Great Amnesty) để cô sẽ được tiếp tục sống tại ngoại. Đằng này cô bị lãnh bản án chung thân suốt đời ở trong tù cho đến khi chết (Lifetime Sentence Without Parole).
Bản án này quá nặng nề và bất công cho cô và theo như thuyết định mệnh bên Phật Giáo cho rằng cô đã bị lãnh một nghiệp chướng oan trái mà bên Công Giáo cho rằng Chúa đã an bài cho cô phải chịu đựng sự đau khổ sống trên trần gian này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét