THƠ LÝ BẠCH - BÀI 98, 99 VÀ 100
Thầy Dương Anh Sơn
THƠ LÝ BẠCH
Bài 98
CỔ PHONG KỲ LỤC 古風 其六
Đại mã bất tư Việt, 代馬不思越,
Việt cầm bất luyến Yên. 越禽不戀燕 。
Tình tính hữu sở tập, 情性有所習,
Thổ phong cố kì nhiên. 土風固其然 。
Tích biệt Nhạn Môn Quan, 昔別雁門關,
Kim thú long đình tiền. 今戍龍庭前 。
Kinh sa loạn hải nhật, 驚沙亂海日,
Phi tuyết mê Hồ thiên. 飛雪迷胡天 。
Kỉ sắt sinh hổ hạt, 蟣虱生虎鶡,
Tâm hồn trục tinh chiên. 心魂逐旌旃 。
Khổ chiến công bất thưởng, 苦戰功不賞,
Trung thành nan khả tuyên. 忠誠難可宣 。
Thùy liên Lý phi tương, 誰憐李飛將,
Bạch thủ một tam biên. 白首沒三邊 。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ sáu.
Triều đại to lớn không thương xót nước Việt! Con chim đất Việt không hề lưu luyến đất Yên! Tình cảm và tánh tình có được nếu luyện tập; đất và gió xưa nay vẫn như thế! (c. 1-4)
Xưa kia từ giã cửa ải Nhạn, ngày nay làm lính thú trước sân rồng.
Rất sợ phải lăn lộn nơi bãi cát vùng biển, hay tuyết bay giăng mờ mịt bầu trời xứ Hồ! (c. 5-8)
Con chấy, con rận sinh ra con hổ hay con chim hạt, để tinh thần theo đuổi ngọn cờ phấp phới bay! Rồi phải chịu khổ sở vất vả nhưng công lao không được tưởng thưởng, trong lòng sự thành thật khó phô bày ra! (c. 9-12)
Ai là người thương tiếc họ Lý sẽ cùng bay phất phơ đây?! Kẻ đầu bạc vẫn ẩn khuất nơi ngã ba biên giới! (c. 13-14)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ SÁU.
Triều to, nước Việt chẳng thương!
Nước Yên, chim Việt chẳng vương vấn nào!
Tính tình luyện mãi có nao!
Xưa nay đất gió bao giờ vẫn y.
Giã từ ải Nhạn trước đây,
Cung rồng lính thú nay chầu trước sân.
Sợ ngày bãi biển lộn lăn!
Xứ Hồ mờ mịt tuyết giăng bầu trời.
Rận sinh hổ, hạt đó thôi!
Tâm hồn theo đuổi khơi vơi ngọn cờ!
Khổ công trận, chẳng thưởng cho!
Lòng trung thành khó phô bày lắm sao!
Bay theo, thương Lý ai đâu!?
Ngã ba biên giới bạc đầu khuất tăm!
Chú thích:
- đại mã 代馬: đại: triều đại, thời đại, đời, thay thế cho....; mã: con ngựa, to cao, đè nén, chăm chú, nhắm tới.... Triều đại nước lớn, thời đại lớn lao.... .
- Việt 越: nước Việt bên Trung Hoa có từ thời nhà Chu vẫn được gọi là Ư Việt 於越, là một chư hầu nhỏ ở xa kinh đô nhà Chu nơi vùng đất phía nam Trường Giang, ven bờ biển Chiết Giang về hướng đông.
Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận nước Việt khi Việt vương Câu Tiễn đánh tan vua Ngô Phù Sai và nhất là câu chuyện phục thù của vua Việt bằng mỹ nhân kế khi quân sư Phạm Lãi đi tìm được người đẹp Tây Thi về huấn luyện để Câu Tiễn dâng cho Ngô Phù Sai làm cho vua mê mệt không chăm lo việc nước. Thừa cơ nước Ngô suy yếu, Câu Tiễn nước Việt đã đánh tan quân Ngô trả được mối thù xưa. Đến thời Chiến Quốc, nước Việt đã bị nước Sở thôn tính. Còn bộ tộc Việt 越 (có khi viết là 粵) của chúng ta ngày nay là hậu duệ của hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt bị dòng thác xâm lược và Hán hóa của người Trung Hoa đẩy xuống vùng đồng bằng sông Hồng dần dần tạo thành nước Việt ngày nay. Xưa kia, các bộ tộc Lạc Việt 雒越, Âu Việt 甌越 ở vùng Chiết Giang 浙江 cùng với các bộ tộc khác trong nhóm Bách Việt 百越 như Dương Việt 揚越 ở Giang Tây 江西, Nam Việt 南越 ở vùng Quảng Đông 廣東, Mân Việt 閩 越 ở vùng Phúc Kiến 福建 cùng với các tộc Việt khác như Câu Ngô 句吳, Ư Việt 於越, Cán Việt 干越, Sơn Việt 山越, Dạ Lang 夜郎, Điền Việt 滇越... v.v... sinh sống ở vùng Lưỡng Quảng 兩廣 là chính gọi chung là Bách Việt 百越 ít được lịch sử đề cập nhiều. Bộ tộc Bách Việt được Sử Ký của Tư Mã Thiên của Trung Hoa nói đến trong thiên Ngô Khởi Truyện (năm 91 TCN) cho đến khi bị nhà Tần xâm lược và đồng hóa dần thành người Hoa từ năm 220-200 TCN.
Riêng hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt (gọi chung là Âu Lạc) bị dồn xuống phía nam không bị đồng hóa. Thời nhà Hán từ Hán Cao tổ, công cuộc xâm lăng và Hán hóa được đẩy mạnh ,biến các bộ tộc còn lại trong Bách Việt trở thành người Hán. Các tư liệu còn lại cũng không ghi rõ về ngôn ngữ, văn hóa của các bộ tộc Bách Việt nhưng chắc chắn không giống nhau khi họ sinh sống rải rác trên địa bàn trải dài sát biển đông trên dưới của vùng hạ lưu sông Dương Tử. Theo GS Kim Định (giáo sư ĐHVK Saigon, Dalat và Viện ĐH Vạn Hạnh Saigon, Nam VN trước 1975) ba nước Sở, Ngô, Việt thời Chu Hoàn vương (717-696 TCN) đều cùng một gốc của tổ tiên ta (người Việt) xưa nhưng vì ý thức quốc gia chưa đủ mạnh nên đánh nhau triền miên. Năm 508 TCN quân Ngô vào Dĩnh đô diệt hoàng tộc họ Hùng nước Sở. Năm 473 TCN Việt lại diệt Ngô. Năm 334 TCN, Sở diệt Việt.
Họ Hùng của nước Sở bị Ngô tiêu diệt chạy xuống vùng châu thổ sông Hồng lập nên nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng (xem: Kim Định, Việt Lý Tố Nguyên, tr. 62, NXB An Tiêm Saigon, 1970). Đây cũng là một sự suy đoán, kết nối các dữ liệu lịch sử với nhau. Tuy nhiên, mối liên đới giữa họ Hùng nước Sở và họ Hùng của nước Văn Lang chưa có bằng chứng sử liệu nào khác hơn để soi sáng!
- tư 思: nghĩ đến, thương nhớ, thương xót, nghĩ đến, nhớ mong, ý tứ....
- luyến 戀: lưu luyến, luyến tiếc, vương vấn, quấn quít, yêu mến không dứt ra được...
- tình tính 情性: tình cảm và tính cách, tính tình hay bản tánh của con
người...
- sở tập 所習: nếu được luyện tập, nếu như có tập tành... (sở: nếu, nơi chốn, đồn sở, như thế, xứ sở...)
- cố kỳ nhiên 固其然: xưa nay nó vẫn như thế....
- Nhạn Môn Quan 雁門關: tên một cửa ải của Vạn Lý Trường Thành,
nay thuộc huyện Đại, tỉnh Sơn Tây, Trung Hoa. Cửa ải là nơi có nhiều chim nhạn bay qua và trú ngụ. Đây là cửa ải thông qua các vùng người Hồ ở phía tây bắc và cũng là cửa ải nổi tiếng bởi câu chuyện người đẹp Vương Chiêu Quân đã từng qua đây trên đường đi cống cho quân Hồ. Đồng thời, đây cũng là nơi có nhiều trận đánh giữa quân Hồ và các triều đình Trung Hoa từ lâu đời. [Chiêu Quân sinh năm 51 TCN, tên thật là Vương Tường 王牆, tự là Chiêu Quân 昭君, là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy 秭歸, Nam Quận 南郡, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc, T. H. rất giỏi cầm kỳ thi nhạc được tuyển chọn làm cung nữ thời Hán Nguyên đế. Chiêu Quân sắc đẹp được người đời tặng cho danh hiệu là "chim sa cá lặn" (Trầm ngư lạc nhạn 沉鱼落雁) nhưng bị họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ cho thành xấu đi vì nàng không chịu hối lộ trong việc vua chọn các phi tần qua tranh vẽ vì cung nữ quá đông! Đến khi Thiền vu Hung Nô là Hồ Hàn Tà qua xin triều cống và xin cầu hôn kết nghĩa, vua nhà Hán chọn người không đẹp lắm giả làm công chúa gả cho Thiền vu (vua Hung Nô).
Đến khi ra mắt vua lên kiệu hoa, vua Hán mới biết đây là một "tuyệt thế giai nhân" nhưng đã hứa và đã chuẩn bị lên đường cũng như tránh việc làm mất lòng người Hung Nô, vua đành để Chiêu Quân đi về đất Hồ thông qua ải Nhạn...]
- long đình tiền 龍庭前: phía trước sân rồng là nơi các quan chầu vua để hội họp triều chính...
- loạn 亂: hỗn độn, lăn lộn, lộn xộn, loạn lạc, rối ren....
- kỉ sắt 蟣虱: con rận, con chí, con rệp.v.v... sống bám trong áo quần hay tóc tai loài vật. Đây là hình ảnh tượng trưng chỉ thân phận nhỏ nhoi của dân đen trong thời chiến được kẻ cầm quyền đề cao như những anh hùng nên họ hung hăng tham chiến trận mạc như con hổ, con hạt kê dưới ngọn cờ để xung trận bảo vệ quyền lợi của bọn vua chúa...
- hạt 鶡: gọi đầy đủ là hạt kê 鶡雞: loài chim tựa như con chim trĩ nhưng to lớn hơn với bộ lông xanh, đầu có chóp mào, tính hung hăng ưa đánh nhau đến cùng...
- tinh chiên 旌旃: chỉ chung các lá cờ, ngọn cờ hay cán cờ trên đầu ngù có kết lông chim. Lý Bạch trong bài thơ "Tặng Tuyên thành Vũ Văn thái thú 贈宣城宇文太守 có câu: "Biệt mộng nhiễu tinh chiên 別夢繞旌旃 "(Giấc mộng khi giã từ còn vương vấn trên những lá cờ).
- tuyên 宣: phô bày, bộc lộ, truyền rộng ra, ban bố, biết rõ, hết sức...
- phi 飛: bay lên, bay bổng, phất phơ....
- tương 將: theo nhau, giúp nhau,cùng, cầm lấy, đem, tiến lên, tiễn đưa, với, và, sẽ, sắp sửa, vừa này vừa kia,...
- một 沒: ẩn mình, ẩn khuất, chìm đắm, vùi lấp, không có, không như, cả đời, còn chưa...
BÀI 99
CỔ PHONG KỲ THẤT 古風 其七
Ngũ hạc tây bắc lai, 五鶴西北來,
Phi phi lăng Thái Thanh. 飛飛凌太清。
Tiên nhân lục vân thượng, 仙人綠雲上,
Tự đạo an kì danh. 自道安期名。
Lưỡng lưỡng bạch ngọc đồng, 兩兩白玉童,
Song xuy tử loan sanh. 雙吹紫鸞笙。
Khứ ảnh hốt bất kiến, 去影忽不見,
Hồi phong tống thiên thanh. 迴風送天聲
Ngã dục nhất vấn chi, 我欲一問之,
Phiêu nhiên nhược lưu tinh. 飄然若流星。
Nguyện xan kim quang thảo, 願餐金光草
Thọ dữ thiên tề khuynh. 壽與天齊傾 。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ bảy Năm con hạc từ phía tây bắc đến, bay lên cung Thái Thanh. Vị tiên trên đám mây màu lục thong dong, yên ổn với lẽ đạo và cái danh không thay đổi của mình(c1-4)
Các chú tiểu đồng trong trắng ở hai bên sóng đôi cùng tấu lên từ những chiếc sanh phượng màu tím. Những hình ảnh đi qua bỗng nhiên không còn thấy nữa (c. 5-8).
Cơn gió quay trở về tiễn đưa những âm thanh (lên) bầu trời. Ta muốn một lần hỏi thăm sự mau lẹ vụt qua giống như sao xẹt (của cơn gió)!
Những mong được ăn loài cỏ có ánh vàng để sống lâu tranh ngang ngửa cùng với trời!! (c. 9-12).
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ BẢY.
Hạc từ tây bắc năm con,
Bay đi bay mãi lên vùng Thái Thanh!
Ông tiên trên đám mây xanh,
Danh kia, lẽ đạo tự mình thong dong!
Hai bên trẻ nhỏ trắng trong,
Đôi sanh phượng tím vang lừng tấu lên!
Ảnh hình chẳng thấy, qua liền,
Quay về tiếng gió tiễn lên bầu trời.
Một lần ta muốn hỏi thôi :
Vút qua như thể sao trời chuyển nhanh!
Cỏ vàng sáng rỡ mong ăn,
Với trời tranh thọ ngửa ngang cùng nào!
Chú thích:
** Như đã trình bày trong các bài trước, Lý Bạch làm thơ chịu rất nhiều ảnh hưởng của Lão giáo theo tư tưởng của Lão Tử. Vì thế, ông đã sử dụng rất nhiều hình tượng của cõi Thái Thanh là nơi của những ông tiên đạt đạo sinh sống. Đó là niềm tin và cũng là mơ ước của những người như Lý Bạch mà người đời đã tôn xưng, xếp ông vào hàng Thi Tiên có một không hai trong các nhà thơ lớn của Trung Hoa.
Bài thơ này ít nhiều đã cho thấy được chất đạo giáo trong thơ của ông....
- ngũ hạc 五鶴: năm con hạc với số 5 tương ứng năm nguyên tố căn bản của trời đất mà đạo gia Trung Hoa gọi là ngũ hành 五行 gồm: Thổ, Kim, Thủy, Mộc và Hỏa 土, 金, 水, 木, 火. Ngũ hành xoay chuyển vòng tròn: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa... v.v... (Kinh Dịch)....
- phi phi 飛飛: bay mãi, bay liên tục...
- lăng 凌: lên, xâm lăng. chạm đến... Nhà thơ Đổ Phủ 杜甫, bạn của Lý Bạch, trong bài thơ Vọng Nhạc 望岳 đã có câu thơ:”... Hội đương lăng tuyệt đính, Nhất lãm chúng san tiểu 會當凌絶頂, 一覽眾山小 “ nghĩa là: Nhân dịp lên tận đỉnh núi cao, Một cái nhìn khắp thấy các núi non nhỏ nhoi...
- Thái Thanh 太清: theo các sách của đạo gia của người T. H đây là cung điện trên trời của Thái Thượng Lão Quân là một trong ba vị Tam Thanh: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên tôn tức Thái thượng Lão Quân...
- tự đạo 自道: con đường đi cho riêng mình, lẽ đạo tự mình tìm kiếm
và đạt đến.
- an kỳ danh 安期名: an: yên ổn, thong dong (an nhiên tự tại), thư thái, lắp ráp (an bài)...
Sự thong dong, yên ổn trong cái danh đã đạt đến là lẽ đạo trường tồn,
không thay đổi. Theo Lão Tử trong Đạo Đức Kinh 老 子, 道 德 經, (chương I): "Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh 道可道, 非常道; 名可名, 非常名." (Đạo có thể là đạo phải là đạo khác thường, vĩnh cửu, không đổi thay; danh có thể gọi là danh không phải cái danh bình thường mà là bất biến...). Hay nói khác đi, cái gọi tên là đạo phải là cái tên (danh) đích thực hàm chứa lẽ đạo cao sâu, thanh thoát, bất biến chứ không phải cái "danh" đi liền với cái "lợi" tầm thường theo cách nghĩ của những người còn vướng bận tục lụy... .
- lưỡng lưỡng 兩兩 : hai bên cùng nhau làm một việc gì đó....
- bạch ngọc đồng 白玉童: bạch ngọc: loại ngọc trắng quý giá, sự trong trắng thơ ngây chưa bị nhuốm bụi đời. Đây chỉ các chú trẻ nhỏ theo hầu các ông tiên hồn nhiên trong trắng....
- xuy 吹 : thổi (sáo, kèn, phì hơi ra...), tấu nhạc lên (với kèn, sáo, sanh,
tiêu... v.v...).
- tử loan sanh 紫鸞笙: cái sênh làm bằng quả bầu, khoét 13 lỗ, trong có máng đồng thổi ra tiếng (theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu) và có treo các dây tua kết hình chim phượng màu tím. Vua Trần Nhân Tông 陳仁宗 trong bài thơ "Hạnh Thiên Trường phủ 幸天長府" có câu: “Bách bộ sanh ca cầm bách thiệt” 百部笙歌禽百舌 (Trăm bộ sênh ca là trăm tiếng chim uốn lưỡi hót). Sanh này dùng để thổi chứ không phải để gõ như cái sanh làm bằng gỗ hoặc tre để tạo nhịp cho việc hòa tấu nhạc dân tộc bên Trung Hoa hay ở nước ta xưa kia.
- tống thiên thanh 送天聲 : đưa tiễn những âm thanh (của sanh, sáo... v.v... ) lên bầu trời...
- phiêu nhiên 飄然: mau lẹ, vụt qua, cao xa, siêu thoát, an nhàn, rơi rụng, lưu lạc....
- tề khuynh 齊傾: đây nói về phép tu tiên trong đạo gia khi luyện và ăn được loại cỏ vàng của thần tiên sẽ cạnh tranh ngang bằng ông trời về chuyện sống thọ dài lâu!! ( tề: làm cho ngang bằng, đều cùng, làm cho ngay ngắn, nước Tề.; khuynh: dốc, làm cho nghiêng ngả, sụp đổ, nghiêng mình kính phục, cạnh tranh... .)
Bài 100
CỔ PHONG KỲ BÁT 古風 其八
Hàm Dương nhị tam nguyệt, 咸陽二三月,
Cung liễu hoàng kim chi. 宮柳黃金枝。
Lục trách thùy gia tử, 綠幘誰家子,
Mại châu khinh bạc nhi. 賣珠輕薄兒。
Nhật mộ túy tửu quy, 日暮醉酒歸,
Bạch mã kiêu thả trì. 白馬驕且馳。
Ý khí nhân sở ngưỡng, 意氣人所仰,
Dã du phương cập thì. 冶游方及時。
Tử vân bất hiểu sự, 子雲不曉事,
Vãn hiến trường dương từ. 晚獻長楊辭。
Phú đạt thân dĩ lão, 賦達身已老,
Thảo huyền tấn nhược ti. 草玄鬢若絲。
Đầu các lương khả thán, 投閣良可嘆,
Đãn vi thử bối xuy. 但為此輩嗤。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ tám.
Vùng Hàm Dương lúc trăng đang mồng hai, mồng ba. Những cây liễu trong cung với những cành cây quí giá. Chiếc khăn đội đầu màu xanh lục của con cái nhà ai đây, đã bán đi những hạt ngọc trân châu mà chẳng bận tâm suy nghĩ! (c. 1-4)
Đi về lúc chiều tối, say rượu túy lúy; con ngựa trắng cao lớn lại phóng nhanh. Con người có ý chí và khí phách mạnh mẽ đáng kính trọng như thế , vẫn đang dắt người con gái đẹp đi chơi cho kịp thời!! (c. 5-8)
Đám mây nhỏ chẳng hiểu nổi sự tình; hàng dương liễu bày tỏ muộn màng những lời từ biệt! Được ban cho sự thông đạt nhưng tấm thân đã cằn cỗi già nua đi rồi, (dẫu rằng) mái tóc mai đơn sơ và đen mềm mại như những sợi tơ. (c. 9-12)
Ném vào lầu gác, thật đáng than thở! Nếu làm như thế này bọn chúng bây thật đáng cười chê! (c.13-14)
Tạm cuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ TÁM.
Trăng đầu vùng đất Hàm Dương,
Đám cây liễu quí trong cung buông nhành.
Con nhà ai đội khăn xanh,
Bán đi châu ngọc nhẹ tênh bận gì!
Say mèm chiều tối trở về,
Ngựa cao lớn trắng lại đi lẹ làng!
Phục người mạnh mẽ chí mang!
Rong chơi gái đẹp vẫn đang kịp thời!!
Mây còn trẻ chẳng hiểu rồi!
Hàng dương từ giã chậm lời nói ra!
Thân cho thành đạt, cỗi già!
Đơn sơ tơ óng, mượt mà tóc mai!
Ném vào lầu, đáng than dài,
Nếu làm như thế, chê bai chúng mày!
Chú thích:
- Hàm Dương 咸陽: kinh đô nhà Tần thời Tần Thủy Hoàng ở tỉnh Thiểm Tây, T. H.
- nhị tam nguyệt 二三月: trăng vào những ngày đầu một tháng.
- hoàng kim chi 黃金枝: cành cây quí giá. Đây chỉ con cái nhà quyền
quý nơi các cung điện...
- lục trách 綠幘: khăn đội đầu hoặc khăn cuốn đầu màu xanh của các bậc phong lưu quân tử, con cái nhà quyền quí...
- khinh bạc 輕薄: nhẹ và mỏng. Thái độ coi nhẹ chẳng cần bận bịu việc làm của mình, việc làm thiếu suy nghĩ và thái độ chẳng quan tâm về nó...
- kiêu 驕: ngựa cao lớn mạnh mẽ, vẻ cao ngạo kiêu căng, sự buông thả, người được sủng ái , ngựa lồng lên...
- thả 且: lại, hãy cứ, tạm như thế, vả chăng, sắp, gần đến...
- trì 馳: ngựa phóng nhanh, ngựa chạy lẹ làng, truyền đi, vang lên, đuổi mau, rong ruổi, theo đuổi, vang khắp.... .
- ý khí 意氣: sự cứng cỏi mạnh mẽ trong lòng bộc lộ ra ngoài (khí phách), chí hướng và tính cách mạnh mẽ.... .
- sở ngưỡng 所仰: điều mà mình ngưỡng phục, cái mà mình ngẩng đầu kính trọng, đó là điều đang hướng đến....
- dã du 冶游: dắt người con gái đẹp đi chơi. (dã: người con gái đẹp lộng lẫy, quyến rũ gọi là yêu dã 妖冶, làm dáng gọi là dã dong 冶容, rèn, đúc, luyện gọi là dã kim 冶金. v.v...)
- phương 方: vẫn đang, còn đang, vuông vức, trái lời, phương hướng, biện pháp, so sánh rồi mới, địa phương, nơi chốn....
- hiến 獻: bày tỏ, hiền tài, hiến tặng...
- dĩ 已: đã rồi, do đó, ngưng lại, thôi, ấy thế....
- thảo huyền tấn 草玄鬢: mái tóc mai đen óng đơn sơ (thảo: cỏ, đơn sơ, giản dị, qua loa, quê mùa (thảo dã).. . ; tấn: tóc hai bên mái đầu, tóc mai...)
- đầu 投: ném vào, đưa vào, hợp với nhau, đến, quăng vào, chiếu soi...
- lương 良: hiền lành, hiền lương, tốt đẹp, quả là, đúng là, rất là, quá lắm....
- bối 輩: bọn bây, chúng mày, lớp sau này, thế hệ, hàng về sau...
- xuy 嗤: cười chê, cười ngạo, chê bai, cười mỉa, cười giễu....
** Ghi chú:
Để tiện việc theo dõi, xin ghi lại 5 bài Cổ phong trong nhóm 10 bài đầu đã đăng trước đây:
- Bài CP 1 đăng kỳ (Bài 52).
- Bài CP 2 & 3 đăng kỳ ( Bài 43 & 44).
- Bài CP 9 & 10 đăng kỳ (Bài 53 & 57).
Thơ của Lý Bạch còn để lại có khoảng 1800 bài thơ. Riêng các bài thơ Cổ phong của Lý Bạch cho đến nay có số lượng 60 bài được sưu tầm. (59 bài + 1 bài đề trong tranh họa).
(Lần đến: THƠ LÝ BẠCH – bài 101, 102 và 103)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét