Trong một lần các chị em trong nhà bàn chuyện dùng tà phép giữ chồng, phu nhân xuất thân cao quý đã chia sẻ một cao kiến, sau này được ghi chép lại trong lịch sử.
Tiêu Ý Tân là phu nhân của Da Luật Nô, có mẹ là Hô Đồ công chúa, cha là Đô úy. Tiêu Ý Tân là cô nương có dung nhan xinh đẹp, lại là người có tri thức, hiểu lễ nghĩa, năm hai mươi, cùng Da Luật Nô kết tóc se duyên thành phu thê. Mặc dù có xuất thân hiển hách, nhưng nàng luôn thân thiện đối đãi mọi người, là người trọng tình trọng nghĩa, trọng lễ, tôn kính mà chiểu theo “công, dung, ngôn, hạnh”, đối với phu quân một lòng “tam tòng tứ đức”.
Có một lần, Tiêu Ý Tân cùng các chị em dâu trong nhà cùng nhau ăn uống, trò chuyện. Trong câu chuyện, mọi người đang bàn tán liệu có những mị yểm tà phép nào khiến phu quân một lòng, không có thiếp thất gì không, Tiêu Ý Tân mới trả lời: “Dùng tà phép không bằng đối với chàng dùng lễ pháp”. Mọi người dừng câu chuyện lại, và quay sang hỏi nàng lý do.
Tiêu Ý Tân trả lời: “Luôn luôn cố gắng tu dưỡng đạo đức, để bản thân càng thêm đoan trang, từng suy nghĩ, lời nói và hành động phải phù hợp với quy phạm đạo đức. Trên cung kính, hiếu thuận với trưởng bối, dưới bao dung, nhường nhịn hậu bối, đối đãi với phu quân ôn nhu và tôn trọng. Những thứ này chính là lễ pháp. Làm được những điều này tự nhiên nhận được sự kính trọng và yêu thương của phu quân cũng như của cha mẹ chồng. Nếu như hồ loạn, cuồng vọng dùng tà pháp đối đãi với chính người tay ấp kề vai, há không cảm thấy thẹn trong lòng sao?”. Mọi người nghe đều cảm thấy xấu hổ cho suy nghĩ lúc trước của mình.
Sau đó một thời gian, Da Luật Nô bị kẻ gian vô cớ hãm hại nên bị phạt lưu đày nơi đất lạ. Song bởi vì Tiêu Ý Tân thân là quận chúa nên vua có ý muốn để cho nàng cùng Da Luật Nô chia tay.
Được gọi vào diện kiến thánh giá, khi được vua nhắc đến, Tiêu Ý Tân đã tâu rằng: “Bệ hạ đối xử với thần niệm tình thân, không muốn để thần phải chịu khổ nơi phương xa, thật là vinh hạnh lớn lao của thần. Nhưng ở đó còn có đạo phu thê, chính là có họa cùng chịu, có phúc cùng hưởng. Thần còn trẻ đã vâng lời gả cho chàng, cả hai dưới sự chứng giám của Thần linh đã kết tóc se duyên, nay chàng gặp nguy, thần há lại vi phạm lời thề mà rời bỏ. Điều này không chỉ là vong ân phụ nghĩa, mà còn là làm ngược lại với cương thường lễ giáo. Mong bệ hạ thương tình, cho thần được chung hoạn nạn với chàng, cho dù thần có chết cũng không một lời oán than”. Hoàng đế nghe lời giãi bày của Tiêu Ý Tân, cảm động với tình phu thê nghĩa nặng tình thâm, ân chuẩn cho nàng.
Khi đến địa phương lưu đày, dù hàng ngày chịu nhiều lao khổ nhưng nàng vẫn không một lời oán thán, vẫn một lòng kính cẩn, chăm sóc phu quân như thưở đầu.
Mối quan hệ phu thê của cổ nhân bền vững tựa như núi, sóng gió cũng không buông tay nhau, vẫn một lòng một dạ đối xử với nhau như thuở ban đầu. Nhưng tại sao mối quan hệ vợ chồng ngày nay lại trở nên yếu nhược, chịu không nổi dù chỉ một đả kích nhỏ? Chính là bởi văn hóa truyền thống đã bị tổn hại trầm trọng, cắt nghĩa, chuyển ý khiến cho ngày nay mọi người đều hiểu sai ý nghĩa những lời các bậc Thánh hiền từng nói.
Khi con người không còn dùng đạo nghĩa để đối xử với nhau mà chỉ dựa vào tình yêu nhiệt huyết nhất thời, thì liệu có duy trì được hạnh phúc gia đình hay không? Cổ nhân coi đạo phu thê chính là cung kính lẫn nhau và ân nghĩa nặng sâu, đây cũng chính là điều mà các cuộc hôn nhân hiện đại đang dần mất đi.
Trâm Anh
Theo Secretchina
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét