Người dân bị cưỡng chế đất ở làng Buôn Dhia, xã Cư Ne, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Hải Di Nguyễn Ngày 24/6/2024, một số Báo cáo viên Đặc biệt LHQ đã gửi hai bức thư cáo buộc tới chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan, về trường hợp anh Y Quynh Bdap, một số vấn đề khác liên quan đến người Thượng, và việc cảnh sát Thái Lan “bắt tay” với công an Việt Nam. Sau hạn định 60 ngày, không nhận được hồi âm từ hai quốc gia, LHQ đã công bố hai bức thư. Trong bài viết trước, tôi đã tóm tắt các cáo buộc của LHQ, nhưng hai lá thư này có ý nghĩa gì, và có thể được sử dụng như thế nào? Hai bức thư đề cập những vấn đề gì? - Phiên tòa xử 100 cá nhân về cáo buộc liên quan tới vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023
- Cách nhà nước Việt Nam bắt và giam giữ các nghi phạm trước phiên tòa
- Cáo buộc nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử và đàn áp tôn giáo với người Thượng Tây Nguyên
- Việc Việt Nam xếp Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ) là tổ chức khủng bố vào ngày 6/3/2024
- Cáo buộc Việt Nam tìm cách đưa người Thượng ở Thái Lan về Việt Nam, bao gồm trường hợp anh Y Quynh Bdap (đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý)
- Cái chết bất thường của ông Y Bum Byă ngày 8/3/2024 tại Đắk Lắk
- Cáo buộc cảnh sát Thái Lan phối hợp với công an Việt Nam để đe dọa và bắt giữ người Thượng tỵ nạn
Ý nghĩa hai bức thư Lời nhắn tới nhà nước Việt Nam Anh Y Quynh Bdap cùng Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback năm 2019. Điểm đáng chú ý nhất trong lá thư gửi cho Việt Nam, theo tôi, là về việc Bộ Công an xếp Người Thượng vì Công lý (tức Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ) là tổ chức khủng bố. Gọi một cá nhân hay tổ chức là khủng bố là một cáo buộc vô cùng nặng nề và nghiêm trọng. Ngay sau vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023, Người Thượng vì Công lý đã tung ra thông cáo báo chí khẳng định mình không liên quan, và không ủng hộ bạo lực theo bất kỳ hình thức nào. Cho tới nay, chúng tôi cũng chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Người Thượng vì Công lý hay các thành viên, đặc biệt những người đứng đầu, có tham gia vào vụ xả súng. Bộ Công an có vẻ sử dụng cái nhãn “tổ chức khủng bố” để triệt hạ tổ chức Người Thượng vì Công lý: vừa để đe dọa người dân, khiến họ sợ hãi và không dám liên lạc cung cấp thông tin; vừa để LHQ cắt đứt liên hệ, không chấp nhận các báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, chiến thuật này đã không hiệu quả. Bức thư nói “việc liệt kê MSFJ (Người Thượng vì Công lý) là tổ chức khủng bố vào ngày 6/3/2024 có thể không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, là “một hình thức đàn áp xuyên quốc gia,” và vi phạm nguyên tắc không đe dọa hoặc trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ. Một trong những người ký tên là ông Ben Saul, Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản khi chống khủng bố. TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết, ngày 15/4 vừa qua, ông đã họp ở Geneva với ông Ben Saul, bà Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin), và nhân viên của nhiều định chế nhân quyền LHQ để bàn về hai bức thư chung. Sau đó, BPSOS cũng góp ý và thông tin cho hai bức thư cáo buộc. Bức tranh toàn cảnh về chính sách đàn áp người Thượng Tháng 11/2023, các tín đồ và thầy truyền đạo Tin lành ở Tây Nguyên bị bắt về đồn, cưỡng ép quay lại Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam, và bị cấm sinh hoạt tôn giáo độc lập. Bức thư cho thấy đây không phải là một vài trường hợp lẻ tẻ như Y Quynh Bdap, Nay Y Blang, Y Krêc Byă… mà nhà nước Việt Nam có sự phân biệt và đàn áp người Thượng một cách hệ thống: giám sát, sách nhiễu người dân; kiểm duyệt truyền thông; hạn chế tự do đi lại; “đánh” vào sinh kế và lương thực; đàn áp tôn giáo, cưỡng ép bỏ đạo; bắt giữ và đánh đập các thầy truyền đạo và nhà hoạt động nhân quyền hay quyền tự do tôn giáo, v.v. Vì LHQ có tiếng nói nặng ký, các tổ chức XHDS và nhà vận động có thể đem những thông tin này tới các cơ chế nhân quyền, tới chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ khác, tới các tổ chức và cơ quan quốc tế. Hy vọng tác động trường hợp anh Y Quynh Bdap Tại thời điểm hiện nay, chúng ta không biết được chuyện gì sẽ xảy đến với anh Y Quynh Bdap, hiện đang ở IDC (trại giam của Sở Di trú Thái Lan) và phải hầu tòa về việc Thái Lan có dẫn độ về Việt Nam hay không. LHQ gửi thư đến chính phủ Thái Lan, và quyết định dẫn độ hay không là của bên hành pháp. Các luật sư, bao gồm luật sư của BPSOS, vẫn đang làm việc. Tuy vậy, lá thư của các Báo cáo viên LHQ là niềm hy vọng có thể có ảnh hưởng tích cực đến trường hợp anh Y Quynh Bdap và gia đình. Vận động cho người tỵ nạn tại Thái Lan Từ năm 1975 đến nay, người Việt đã tìm cách thoát khỏi Việt Nam bằng muôn vàn cách khác nhau. Nhưng nếu vụ khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 1970-1980 gây chấn động toàn thế giới, người tỵ nạn Việt Nam trong vài thập kỷ qua gần như không được chú ý, không được ưu tiên như từ những quốc gia Trung Đông, Nam Á, hay Bắc Phi. BPSOS đã liên tục vận động cho người tỵ nạn từ Việt Nam, đặc biệt người đang lánh nạn tại Thái Lan, một quốc gia không ký Công ước 1951 về người tỵ nạn. Trong năm 2023-2024, LHQ đã tăng số người tỵ nạn từ Việt Nam đi tái định cư. Không lâu sau vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk, Bộ Công an Việt Nam đã bắt đầu chĩa tầm ngắm vào nhiều người Thượng và một ít người H’mông tỵ nạn ở Thái Lan. BPSOS đã theo dõi thông tin ở Việt Nam và lập danh sách 42 hồ sơ tỵ nạn bị nguy hiểm, để yêu cầu Cao ủy Tỵ nạn/ LHQ và các quốc gia đệ tam sớm tái định cư họ. Hai lá thư này sẽ càng có lợi cho công cuộc vận động tái định cư người tỵ nạn: vừa giải thích vì sao người Thượng phải trốn chạy khỏi Việt Nam, vừa vạch rõ cách nhà cầm quyền với tay sang Thái Lan đe dọa, vừa cho thấy tình trạng bất an của người tỵ nạn khi cảnh sát hoàng gia Thái Lan sẵn sàng bắt tay với công an Việt Nam. Lời nhắn tới chính phủ Thái Lan Một mặt, các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ tạo áp lực với chính phủ Thái Lan về trường hợp anh Y Quynh Bdap, nhắc tới việc Thái Lan đã ký Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử độc ác, vô nhân đạo, hay hạ thấp nhân phẩm. Mặt khác, họ cũng cáo buộc cảnh sát Thái Lan hợp tác với công an Việt Nam, như trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất, như trường hợp blogger Đường Văn Thái. LHQ nhắc nhở Thái Lan trong năm 2024 đã ký Công ước bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích. Yêu cầu chế tài Ngoài ra, bức thư cáo buộc nhà nước Việt Nam cũng có thể là một tài liệu quan trọng để đưa vào các hồ sơ yêu cầu chế tài các cơ quan và quan chức chà đạp nhân quyền. BPSOS đã đề nghị Hoa Kỳ và một số quốc gia chế tài một số quan chức Bộ Công an Việt Nam theo Luật Magnitsky chiếu theo Quyết định của Tổng thống số 13818, theo điều §7031(C) của Luật Ngân Sách Đối Ngoại, và chế độ hạn chế visa Khashoggi; và kêu gọi chế tài Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Việt Nam theo Luật Leahy. Bài liên quan: Y Quynh Bdap và người Thượng: LHQ cáo buộc gì với Việt Nam và Thái Lan? Các chuyên gia LHQ: Người Thượng bị đàn áp ở Tây Nguyên, bị đe doạ ở Thái Lan Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét