Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

The Judds - Mama He's Crazy (Official Music Video)

THE JUDDS - MAMA HE'S CRAZY 
Official Music Video

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức 




Ba Người Thầy Vĩ Đại

 

Tác giả Thu Tuyết
 

BA NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI

Tuyet Le Melbourne

Vẫn như mọi chiều, tôi thường đi bộ dọc bờ sông. Hôm nay mặt sông lăng tăng sóng gợn vì gió êm. Có hôm nó nổi giận vì gió mạnh cuốn đi làm ồn ào những con sóng. Tôi nghĩ, đấy chỉ là mặt nổi của sông, phần chìm bên dưới vẫn thản nhiên êm ả trôi. Những chiều như thế, thân tôi cũng phải đương đầu với gió; nhưng tôi phải giữ cho tâm được bình lặng, mặc cho cái áo khoác bị gió thổi tung, cơn lạnh ùa vào…

Tôi chợt nhớ câu nói của Thích Hạnh Hải trong bài thơ “Sống”: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Đời có thể xô đẩy ta, nâng lên rồi vùi xuống, có lúc tả tơi; nhưng nhờ vậy, tâm ta được trui rèn, dần dần sẽ đạt tới cái “bất biến” giữa những phong ba “vạn biến” của cuộc đời. Nói cách khác, ta mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn và trầm tĩnh hơn khi trải qua những thăng trầm sóng gió…

Hôm nay vào một chiều mùa xuân, mặc cho phấn hoa trong công viên bên dòng sông Maribyrnong làm tôi bị hey fever (một loại bệnh dị ứng phấn hoa); tôi hít thật sâu không khí sạch của Melbourne để suy gẫm về những ý tưởng hay trong tác phẩm của Robin Sharma mà tôi vừa ngấu nghiến xong.

Ông nói: “Triết học là tình yêu tri thức, Triết gia là người yêu tri thức”. Tôi yêu tri thức, nhưng tôi không phải một triết gia. Đơn giản, tôi chỉ muốn tìm kiếm những điều mới lạ. Qua đó sẽ tìm ra những mảng yếu đuối của mình và khắc phục chúng, để cuối cùng tìm thấy cái bản ngã tốt nhất trước cái bản ngã hiện có của chính tôi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, làm sao để khắc phục những yếu đuối của bản ngã hiện có thành một bản ngã tốt nhất mà tôi mong muốn. Đó là một hành trình dài…Cho đến hôm nay, tôi vẫn mãi đi tìm và khắc phục. Cứ mỗi lần va vấp, tôi có thêm một bài học mới. Cứ thế tôi luôn là một học trò sẵn sàng để gặp những “người thầy vĩ đại”.

Tôi cũng rất tâm đắc với ý tưởng của ông: “Những người xuất hiện trong cuộc đời ta là những tấm gương phản chiếu những phần tối và sáng của chính mình. Chúng ta sẽ không thấy phẩm chất tuyệt vời của người khác trừ phi chúng ta có và thấy những phẩm chất tuyệt vời ấy ở chính mình”. Đúng vậy, nếu tâm ta thiện lành, sẽ nhận thấy những thiện lành ở người khác. Ngược lại, nếu tâm gian ác sẽ chỉ nghĩ hoặc áp đặt những gian manh vào người khác.

Tôi đã từng chứng kiến những kẻ có tâm tà hãm hại người lành bằng cách vu khống cho họ những điều tồi tệ nhất. Lúc ấy tôi không thể hiểu tại sao kẻ ấy có thể dựng lên những câu chuyện thật kinh khủng, nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Sau những trải nghiệm, tôi hiểu ra, đơn giản vì tâm họ tối tăm nên thể hiện ra lời nói và hành động tăm tối!

Nếu thế giới bên trong hỗn độn, sẽ chẳng thu được gì ở thế giới bên ngoài. Ngược lại, thế giới bên trong lành mạnh và hoàn chỉnh thì những điều tốt đẹp của thế giới bên ngoài sẽ tự tìm đến.

Tục ngữ ta có câu: “Đất lành chim đậu”. Tôi cố gắng để tạo nên một mảnh đất yên bình của thế giới nội tâm, để mỗi bình minh ngắm đàn hải âu bay về từ vùng biển thật gần, và chiều xuống lặng nghe tiếng chim ríu rít gọi đàn bay về tổ ấm trong vạt nắng mong manh.

Hạnh phúc là đây! 

ThuTuyet, 28/10/2024

Photo: Hung Nguyen

 



Ức Trai Thi Tập Của Nguyễn Trãi - Bài 53, 54 Và 55


ỨC TRAI THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI - BÀI 53, 54 VÀ 55
Thầy Dương Anh Sơn

ỨC TRAI THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI  抑 齋 詩 集

Bài 53

MẠN HỨNG KỲ NHẤT                                                          漫 興 期 一

Thế lộ tha đà tuyết thượng điên,                                                世路蹉跎雪上巔,
Nhất sinh lạc phách cánh kham liên.                                         一生落魄更堪憐.
Nhi tôn chủng phúc lưu tâm địa,                                               兒孫種福留心地,
Ngư điểu vong tình lạc tính thiên.                                             魚鳥忘情樂性天.
Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,                                                   掃雪煮茶軒竹下,
Phần hương đối án ổ mai biên.                                                  焚香對案塢梅邊.
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng,                                                故山昨夜纏清夢,
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền.                                   月滿平灘酒滿船.

Dịch nghĩa:

Vấp ngã trên đường đời như khi lội tuyết leo đỉnh núi - Một cuộc sống bơ vơ lạc lõng càng đáng thương – Cho con cháu ươm trồng cội phúc, giữ gìn lòng dạ (cho tốt đẹp) – Cá và chim quên hết tình cảm, vui với tính trời cho (c.1-4) 

Quét dọn tuyết rồi nấu nước pha trà dưới hiên trúc - Đốt hương thơm trước khóm mai bên cạnh – Núi xưa như vấn vương quấn quít trong giấc mộng trong lắng đêm qua – Bình Than trăng tỏa chiếu khắp nơi, thuyền cũng đầy rượu. (c.5-8)

Dịch thơ:

CẢM HỨNG LAN MAN (Bài 1)

Đường đời vấp ngã tuyết non,
Bơ vơ một kiếp mãi còn đáng thương.
Giữ lòng con cháu phúc ươm,
Tính trời chim cá vui thường tình quên.
Pha trà, quét tuyết dưới hiên,
Đốt nhang trước án kề liền khóm mai.
Đêm trong, núi cũ mộng vầy,
Bình Than rượu khẳm thuyền đầy ánh trăng.

Chú thích:

- tha đà 蹉跎: lỡ thời, lần lữa, lầm lỡ, vấp ngã.
- tuyết thượng điên 雪上巔: tuyết trên vùng đỉnh núi (rất dày và khó đi).
- lạc phách 落魄: bơ vơ lạc lỏng, long đong, không nhất định.
- chủng 種: ươm trồng, giống, thóc.
- tâm địa 心地: tính tình lên quan đến lòng dạ con người.
- chử trà 煮茶: đun, nấu trà. Nấu nước chế trà để uống...
- án 對案: cái bàn dài, cái mâm, khảo sát một công việc hay công trình(đề án), hồ sơ tra cứu, nghĩ về một lời dạy hay tác động cho việc tu dưỡng (công án trong thiền tông)
- ổ 塢: dinh lũy phòng giặc, khóm, cụm có tính chất tập trung. Ổ mai: khóm hoa mai.
- mai biên 梅邊: hoa mai bên cạnh, mai kề bên.
- cố sơn 故山: núi xưa, quê xưa, quê nhà...
- triền 纏: vây bọc ,vây quanh, quấn quanh, cuốn rịt chắc...
- Bình Than 平灘: tên một bãi sông ở miền bắc nơi vua quan, các bô lão nhà Trần họp bàn cách đối phó quân Mông Cổ (Bình Than: có nghĩa là bãi sông bằng phẳng) (Xem thêm chú thích bài 80).

Bài 54

MẠN HỨNG KỲ NHỊ                                                              漫 興 期 二

Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng                                              九萬摶風記昔曾,
Đương niên thác tỉ bắc minh bằng.                                            當年錯比北溟鵬.
Hư danh tự thán thành cơ đẩu,                                                   虛名自嘆成萁斗,
Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng.                                        後學誰將作準繩.
Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa,                                          一片丹心真汞火,
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng.                                         十年清職玉壺冰.
Ưu du thả phục ngôn dư hảo,                                                     優遊且復言余好,
Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng.                                             俯仰隨人謝不能.

Dịch nghĩa:

Nhớ xưa trước, từng nương theo gió lên chín vạn dặm trời cao, - Bấy giờ đã lầm lẫn khi so sánh mình như con chim bằng biển bắc. - Tự than rằng cái danh suông cũng như sao “cơ” sao “đẩu” (không dùng được việc gì)! - Những kẻ học sau này ai sẽ lấy mình làm mẫu khuôn?! (c.1-4)

Một tấm lòng son được tôi luyện thực sự trong lò luyện thủy ngân, - Mười năm chức việc (được giao làm) rất trong sạch như băng trong bầu ngọc - Lại nói rằng ta chuộng việc rong chơi nhàn nhã, – Còn theo người luồn cúi do bất tài xin chẳng màng đến. (c.5-8)

Dịch thơ:

CẢM HỨNG LAN MAN (bài 2)

Xưa từng nương gió chín tầng,
Bấy giờ biển bắc chim bằng sánh ngang.
Than rằng “cơ”, “đẩu” danh suông,
Ai về sau học mẫu khuôn để dùng?!
Lửa chân luyện mảnh lòng son,
Mười năm bầu ngọc sạch trong chức làm.
Huống chi lại nói thích nhàn,
Theo người luồn cuối chẳng màng tài đâu?!

Chú thích: 

- cửu vạn đoàn phong 九萬摶風: nương theo gió chín vạn dặm. Do câu: “bằng đoàn cửu vạn” nghĩa là: con chim bằng bay cao chín vạn dăm. Có lẽ đây chỉ giai đọan Nguyễn Trãi phò Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh được đem thi thố tài năng giúp cho công cuộc kháng Minh thắng lợi.
- thác 錯: lầm lẫn, lẫn lộn, hòn đá mài, lộn xộn, đan chéo nhau, mài giũa, tránh né, loại bỏ, tránh né...
- tỷ 比: so sánh, kén chọn, đối nhau, bì da, kịp, gần, hùa nhau...
- minh bằng 溟鵬: con chim bằng to lớn ở biển (minh).
- cơ đẩu 萁斗: Kinh Thi có câu 惟有萁不可以播楊,惟北有斗不可以挹酒漿 Duy nam hữu cơ, bất khả dĩ bá dương; duy bắc hữu đẩu, bất khả dĩ ấp tửu tương (phương nam có sao Cơ (cái nia) không thể dùng sàng sẩy được, Phương bắc có sao Đẩu (cái đấu) không thể múc rượu được). Chỉ việc “hữu danh, vô thực”, không dùng làm được
việc gì.
- chuẩn thằng 準繩: mẫu mực, mực thước, khuôn mẫu...
- chân hống hỏa 真汞火: (hống: thủy ngân) được tôi luyện thật sự trong lò lửa luyện thủy ngân.
- thanh chức ngọc hồ băng 清職玉壺冰: một chức việc đảm nhận trong sạch như bầu ngọc chứa băng thanh khiết.
- ưu du 優遊: nhàn nhã, rong chơi.
- thả phục 且復: huống chi, lại nữa.
- phủ ngưỡng 俯仰: cúi đầu, ngẩng mặt.
- tạ 謝: chẳng màng đến, từ tạ, từ chối, tàn tạ...
- bất năng 不能: không có khả năng , không có tài năng...

Bài 55

MẠN HỨNG KỲ TAM                                                             漫 興 期 三

Ô thố thông thông vãn bất lưu,                                                  烏兔匆匆挽不留,
Hồi đầu vạn sự tổng nghi hưu.                                                   回頭萬事總宜休.
Không hoa ảo nhãn miên tiêu lộc,                                             空花幻眼眠蕉鹿,
Tục cảnh kinh tâm suyễn nguyệt ngưu.                                     俗境驚心喘月牛.
Ải cốc, thê thân kham độ lão,                                                    矮屋棲身堪度老,
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu.                                             蒼生在念獨先憂.
Bành thương Tang, Cốc đô hưu luận,                                        彭殤臧縠都休論,
Cổ vãng, kim lai lạc nhất khâu.                                                 古往今來貉一邱.

Dịch nghĩa:

Ngày (ô) và đêm (thố) qua đi vội vàng không kéo giữ lại được, – Quay đầu lại muôn việc hết thảy nên dừng lại thôi. - Mắt mờ nhìn giả tưởng là thực mơ màng chuyện lấy lá chuối che giấu hươu, - Lòng e sợ cảnh đời phàm tục như con trâu phì phò thở ánh trăng. (c.1-4) 

Nhà nhỏ của kẻ nghèo hèn là nơi thân có thể ngơi nghỉ qua tuổi già, – Khi nghĩ đến dân đen, trong lòng riêng mình lo trước. - Sống lâu (như Bành Tổ) hay chết yểu, (sống như) Tang hay Cốc, hết thảy dừng lại việc bàn bạc, - Xưa đi nay đến đều như con chồn cùng ở một gò đất. (c.5-8)

Dịch thơ:

CẢM HỨNG LAN MAN (Bài 3)

Ngày qua, đêm lại chẳng dừng,
Quay đầu mọi việc rốt cùng nên thôi
Mắt hoa bụi chuối lộc vùi,
Sợ thay! Trâu thở cảnh đời trăng lên.
Già rồi ngơi nghỉ nhà hèn,
Vẫn luôn lo trước dân đen riêng lòng.
Bàn chi thọ, yểu Cốc, Tang,
Xưa đi, nay đến gò hang cáo nằm!

Chú thích:

- ô 烏: con quạ, cũng chỉ vầng ô tức mặt trời; 兔 thố: con thỏ, chỉ mặt trăng nơi có chị hằng và ngọc thố (thỏ ngọc) theo chuyện cổ tích. Ô thố 烏兔: chỉ ngày và đêm.
- thông thông 匆匆: vội vàng, nhanh nhẹn, chóng vánh.
- vãn bất lưu 挽不留: không kéo giữ lại được.
- tổng 總: thu lại, rốt cùng.
- nghi 宜: thích nghi, đáng nên, nên.
- ảo nhãn 幻眼: mắt nhìn mờ mờ, ảo ảo, nhìn cái không có thật, cái giả tưởng là thật, hoa mắt nên nhìn dễ lầm lẫn...
- miên tiêu lộc 眠蕉鹿: con hươu ngủ vùi bụi chuối. Ý lấy từ “Liệt Tử truyện 列子傳” kể chuyện người kiếm củi họ Trịnh đánh chết được một con hươu liền lấy cành cây che để dấu trong bụi chuối. Sau không nhớ chỗ giấu hươu bèn cho là nằm mơ thấy bắt được hươu.
- tục cảnh 俗境: cảnh theo thói tục trong cõi đời, cảnh đời.
- suyễn nguyệt ngưu 喘月牛: khi trăng lên, trâu thở phì phò lầm mặt trời mọc, chỉ sự lầm lẫn trong đời.
- ải ốc 矮屋: nhà cửa kẻ thấp hèn, nhà nhỏ nhoi, chỉ sự khiêm tốn.
- thương sinh 蒼生: dân đen...
- độc tiên ưu 獨先憂: riêng (mình) luôn lo trước. Nhà thơ Phạm Trọng Yêm 范仲淹 bên Trung Hoa (982-1052) trong bài Nhạc Dương Lâu Ký 岳陽樓記 có viết: “Nhiên tắc hà thời chi lạc da? Kì tất viết: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 然 則何時而樂耶?其必曰: 先天下之憂而憂,後天下之樂而樂” (nghĩa là: lúc nào mới được vui thú ? Tất sẽ đáp rằng: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui thú sau cái vui của thiên hạ.)
- Bành 彭: chỉ Bành Tổ, tương truyền sống lâu 700 tuổi.
- bành thương 彭殤: chỉ sự sống thọ hay chết sớm.
- Tang, Cốc 臧縠: hai nhân vật trong sách Trang Tử, Tang chăm chỉ đèn sách còn Cốc lại cứ đánh bài ham chơi, cuối cùng dê do họ chăn bị mất. Nhà thơ Tô Đông Pha khi bàn câu chuyện này có nói: Tang, Cốc tuy khác nhau (về cách sống) nhưng rốt cùng đều mất (Tang, Cốc tùy thù, cánh lưỡng vong).
- lạc 貉: chỉ loài cáo hoặc chồn...
- 貉一邱 lạc nhất khâu 貉一邱: con chồn cùng một gò đất, nghĩa là giống nhau cả khi chết đi.

(Lần đến: Ức Trai Thi Tập – Bài 56, 57)

Dương Anh Sơn


 

Nhạc Tình Viễn Xứ Kỳ 19th

 


NHẠC TÌNH VIỄN XỨ KỲ 49TH
Viện Việt Học

Westminster ngày 27 tháng Mười, 2024
 
Kính thưa Quí-vị Giáo-sư, Quí thân-hữu và đồng-hương,

Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham d chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào 
Ch Nhật, 10 tháng Mười Mnăm 2024 lúc 2 giờ chiều.  

"Chương-trình do Không Gian Xưa Kỳ 19th thân tặng Viện Việt-Học để Viện gây quỹ" là lời tâm-tình cuả vị Trưởng nhóm cuả Không Gian Xưa.  Chủ-đề "Nhạc Tình Viễn Xứ (Kỳ 19th)" đánh dấu 19 năm Không Gian Xưa phục vụ cộng-đồng với sắc-thái gợi nhớ một chương-trình phát-thanh từng được yêu 
mến thời trước 1975.

image.png
                          (Xin mời xem bích-chương gởi kèm)

Viện Việt-Học chân-thành cảm ơn quí cơ-quan, đoàn-thể và thân-hữu tiếp tay quảng bá sinh-hoạt cuả Viện.  Xin chân-thành cảm ơn Không Gian xưa cùng Quí thân-hưũ, và các tác-giả mà tác-phẩm của họ sẽ do Nhóm nhắc nhở và trình bày qua chương-trình này.  Sự hiện-diện và ủng hộ cuả quí-vị là niềm khích-lệ trân quí cho Viện Việt-Học và Không Gian Xưa.

 

Trân-trọng kính mời,

 

Viện Việt-Học


15355 Brookhurst St., Ste. 222

Westminster, CA 92683

info@viethoc.com

(714) 775-2050



Xe Máy Điện Đầu Tiên Của Tesla Sắp Đổ Bộ Thị Trường

 


XE MÁY ĐIỆN ĐẦU TIÊN CỦA TESLA SẮP ĐỔ BỘ THỊ TRƯỜNG
Betreff

Gây sốt với giá chỉ từ 16 triệu đồng, xe máy điện đầu tiên của Tesla sắp đổ bộ thị trường.

Chiếc xe máy điện của Tesla hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Trong một thông báo mang tính đột phá, tỷ phú Elon Musk đã tiết lộ chiếc xe máy điện đầu tiên của Tesla dự kiến ra mắt thị trường với mức giá vô cùng hấp dẫn chỉ 699 USD (khoảng 16,6 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Tesla cũng cho biết chiếc xe máy này là sản phẩm kết hợp giữa giá cá phải chăng, thân thiện với môi trường và công nghệ tiên tiến.

Trên thực tế, việc Tesla ra mắt một mẫu xe máy điện không phải là thông tin quá bất ngờ, nhưng điều khiến chiếc xe máy này được nhiều người chú ý chính là mức giá thấp đến kinh ngạc.

Thông thường, xe máy điện tại Mỹ có mức giá khá cao, thường vượt qua vài nghìn USD.



Hai Đứa Trẻ Mồ Côi

 

Hình minh họa


HAI ĐỨA TRẺ MỒ CÔI

Tuyet Le Melbourne

Sau cơn lũ cuốn Làng Nù, tôi bỗng nhớ câu chuyện "Hai đứa trẻ mồ côi" được viết gần một năm. Biết đến khi nào cho hết những cảnh đời khốn khó!

HAI ĐỨA TRẺ MỒ CÔI

Trời vào hạ, nhưng có những cơn mưa chợt đến chợt đi, thật lạ. Nóng lạnh đan xen nhau, rồi mưa dầm như những ngày mùa đông năm nào ở quê mẹ, xa lắc.

Hà nhớ những cơn mưa tầm tã, nhoè cả lối đi. Trời ban ngày mà như chỉ có hoàng hôn. Cái ướt lạnh thấm sâu vào làn da mỏng trẻ con làm da tím tái.

***

Nó mang chiếc áo mưa, được tết từ những cọng cỏ tranh cũng đã cũ lắm rồi. Đầu đội cái nón lá tả tơi, co ro ngồi bán những củ khoai củ mì đã nguội lạnh. Một người phụ nữ đơn thân, cho nó ngồi ké vỉa hè. Bà cũng nghèo quá, nên căn nhà chỉ có chỗ đặt chiếc chõng tre là chưa bị nước mua ghé thăm.

Mỗi ngày nó có mặt rất sớm và về rất trễ, có hôm bị ế, phải mang về thay bữa cơm chiều. Thời ấy khoai lang khoai mì rẻ tiền hơn gạo. Mà nhà có đủ gạo ăn đâu. Khoai độn, mì độn là bình thường. Thỉnh thoảng ăn được bát cháo trắng là sung sướng lắm rồi.

Hôm nay, trời mưa nặng hạt. Những giọt mưa lộp độp trên chiếc nón lá như những giọt buồn gõ vào trái tim non dại của nó. Mặt nó buồn thiu, bưng cái giỏ khoai phủ miếng nhựa đã bạc màu. Tối nay, phải ăn khoai, nhưng có khoai ăn là quí rồi. Nó nhớ có những ngày cơn đói cồn cào ruột gan, nó phải đi tìm những trái chim chim dú dẻ bờ rào ăn lót dạ. Có hôm, nó đứng nhìn trộm một cách thèm thuồng chủ nhà kia cho con chó ăn một cái tô lớn có khúc xương (Chó miền quê ăn cùng thức ăn với người, không phải đồ ăn riêng cho chúng). Nó ước gì được khúc xương đó đem về cho em.

Từ lúc mẹ mất, gà trống nuôi con. Cha nó ngày ngày phải đi thật xa tìm việc; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ đủ bữa cháo bữa cơm độn nuôi hai chị em nó. Ở cái làng quê nghèo này, có mấy ai khá giả để giúp nhau. Mới 5 tuổi thôi, nó phải cõng em đi kiếm từng cọng rau quanh nhà cho bữa ăn tối. Rồi theo anh chị trong làng xuống ruộng bắt cá bắt cua. Em nó đói, khóc. Các anh chị xúm lại dỗ dành.

Ngày qua ngày lây lất, có lẽ mẹ nó phù hộ, theo cách nói của người vùng quê; nên hai chị em nó lớn lên dưới sự đùm bọc của bà con lối xóm. Khi được 10 tuổi, trong một cơn bạo bệnh, ba nó cũng bỏ lại hai chị em nó mà ra đi. Em nó ngơ ngác chẳng biết gì, nhìn ba nó nằm im trên chiếc giường được làm bằng tre, nó nghĩ ba nó đang ngủ. Thật đơn giản! Giá mà cuộc đời này mọi chuyện cũng giản đơn như thế!

Mỗi người là một số phận. Nó quen với thân phận côi cút đói nghèo, nên vẫn hồn nhiên sống. Chỉ thương đứa em, vì thiếu thốn nên cọc còi.

***

Trời sụp tối rất nhanh. Nó ghé qua nhà bác tư hàng xóm, nơi gởi đứa em. Dắt em về nhà, hai chị em ướt đẫm nước mưa. Mò mẫm trong bóng đêm, nó đốt đèn lên. Nhà lạnh ngắt. Thay đồ cho em, lau khô nước mưa rồi lấy ra mấy củ khoai còn lại trong giỏ. Hai chị em ngồi dưới ánh đèn leo lét với hai cái bóng làm cho căn nhà có vẻ ấm hơn. Bữa ăn tối của hai đứa trẻ mồ côi là thế.

Tối hôm đó, em nó lên cơn sốt cao, mê sảng. Nó hoảng hốt, vừa khóc vừa cõng em chạy sang nhà bác tư trong cơn mưa tầm tã. Nó gào thét kêu cứu; nhưng giọng một cô bé 10 tuổi ốm yếu xanh xao làm sao át được tiếng mưa. Nó liên hồi đập cửa, nhưng chỉ có bóng đêm, tiếng mưa tuôn và cơn gió rít! Nó mệt lả, ôm em vào lòng ngồi khóc trong tuyệt vọng!

Đứa bé với thân hình gầy guộc, da mỗi lúc mỗi tím đi, hơi thở yếu dần rổi ngã đầu vào cánh tay yếu ớt của chị nó. Lặng im! Mưa ngừng tuôn, gió ngừng rít! Em bé ngừng thờ! Một sự im lặng đến tê tái. Em đã về với mẹ và cha!

Trong bóng đêm, bên thềm nhà chưa khô nước, hai đứa bé mồ côi quấn lấy nhau như để sưởi ấm cho nhau. Một tấm thân mỏng manh và một cái xác, lạnh dần...! 

ThuTuyet, 12/12/2023 

 



Các Trợ Cụ Đàn Áp Tôn Giáo Ở Việt Nam ( Phần 6) - Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo

 

Gs/Ts Heiner Bielefeldt, Bs. Nguyễn Thục-Quyên và Ông Nguyễn Bắc Truyển, ngày 09/10/2024, Berlin, Đức (nguồn: BPSOS)

CÁC TRỢ CỤ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (PHẦN 6) - BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Mạch Sống 

Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam (Phần 6) – Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hoà Hảo

2024-10-27

BPSOS, ngày 28 tháng 10, 2024

http://machsongmedia.org

LTS: Tài liệu nghiên cứu của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về Phật Giáo Hoà Hảo đã được trình bày tại buổi hội luận do BPSOS tổ chức ngày 9 tháng 10, 2024 ở Berlin, Đức. Diễn giả gồm 2 nhân vật đặc biệt: Tín đồ PGHH Nguyễn Bắc Truyển và cựu Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin GS/TS Heiner Bielefeldt. Năm 2014, Ông Bielefeldt đã huỷ phần cuối của chuyến thị sát Việt Nam vì công an sách nhiễu và đe doạ vợ chồng Ông Truyển để không thể dẫn đường cho Ông Bielefeldt đến thăm Quang Minh Tự, ngôi chùa PGHH duy nhất còn độc lập. Sau đó Ông Truyển đã bị bắt và bị án 11 năm tù. Sau 10 năm, Ông Truyển và GS/TS Bielefeldt đã gặp lại nhau ở Đức sau khi Ông Truyển được trả tự do và bị đẩy đi lưu vong cùng vợ tại Đức.      

5. CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO BỊ ĐẶT DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC

5.3. Ban Trị sự Trung ương GHPGHH 

Phần này đề cập đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam vào cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo thông qua BTS TƯ GHPGHH do chính phủ thành lập, vốn mang cùng tên với BTS TƯ GHPGHH gốc. Kể từ khi chính phủ thành lập Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo do chính phủ kiểm soát vào năm 1999, và sau đó mở rộng thành GHPGHH vào năm 2005, chính phủ đã theo đuổi sách lược thay thế để kiểm soát tôn giáo Hòa Hảo. Sách lược này bao gồm việc kiểm soát lãnh đạo của GHPGHH, can thiệp vào việc diễn giải và xuất bản kinh sách Hòa Hảo, nhắm vào và đàn áp GHPGHH độc lập cùng các thành viên của họ, và chuyển giao quyền kiểm soát tài sản của đạo cho GHPGHH được chính phủ công nhận.

Pic_1_-_10-28-2024.jpg

Hình 1 -- Gs/Ts Heiner Bielefeldt, Bs. Nguyễn Thục-Quyên và Ông Nguyễn Bắc Truyển, ngày 09/10/2024, Berlin, Đức (nguồn: BPSOS)

Bối Cảnh  

Theo thống kê của chính phủ năm 2021, khoảng 1,5 triệu người Việt Nam (1,5% dân số Việt Nam) đã đăng ký là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Cộng đồng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang ở miền Nam Việt Nam.[1]  Các nguồn khác cho rằng có ít nhất một số lượng tương đương tín đồ Hòa Hảo không đăng ký, nâng tổng số tín đồ lên khoảng ba triệu.[2]

Phật giáo Hòa Hảo được thành lập vào năm 1939 bởi Đức Huỳnh Phú Sổ, được các tín đồ biết đến với danh hiệu Đức Thầy. Tôn giáo này được tên đặt theo tên quê hương của ông: làng Hòa Hảo ở tỉnh An Giang, mà tín đồ coi là Thánh địa Hòa Hảo. Phật giáo Hòa Hảo đã phát triển từ 18.000 tín đồ ban đầu lên ít nhất hai triệu tín đồ vào năm 1965.[3] Tôn giáo này chủ yếu thu hút tầng lớp nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.[4]  Phật giáo Hòa Hảo không nhấn mạnh vai trò của chức sắc hay việc xây dựng các cơ sở thờ cúng vật chất như chùa chiền; thay vào đó, họ chú trọng vào việc thờ cúng hàng ngày tại nhà, hoạt động cộng đồng và công việc từ thiện. Những tín đồ Hoà Hảo khá giả thường cho xây dựng đạo tràng để làm nơi tụ họp học tập hoặc thiền định, tổ chức các sự kiện tôn giáo và hoạt động xã hội. Tại các làng có số lượng lớn tín đồ Hoà Hảo, cộng đồng đã dựng các độc giảng đường để người trong địa phương tụ họp ngoài trời nghe thuyết giảng.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975, chính phủ Việt Nam đã nhắm vào Phật giáo Hòa Hảo và ngay lập tức chiếm đóng làng Hòa Hảo. Năm 1979, chính phủ đã lập ra một chiến dịch nhằm tiêu diệt tôn giáo này trong vòng 10 đến 15 năm.[5] Chính phủ đã hạn chế các hoạt động thờ cúng bằng cách phá hủy kinh sách, bàn thờ và hình ảnh của Đức Thầy, cấm tổ chức các ngày lễ lớn của tôn giáo và không cho phép sử dụng thuật ngữ "Thánh địa Hoà Hảo," cũng như xuất bản tài liệu nhằm bôi nhọ các lãnh đạo và giáo lý của Hòa Hảo.[6]

Một tài liệu bị rò rỉ năm 1993 do Thiếu tướng Huỳnh Hữu Chiến, khi đó là Phó Giám đốc Cục An ninh của Bộ Công an, đã tiết lộ rằng chính phủ đã thay thế chiến dịch tiêu diệt ban đầu bằng một kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát tín đồ Hòa Hảo thông qua một tổ chức do chính phủ kiểm soát và đàn áp những ai chống lại tổ chức này.[7]

 

Pic_2_-_10-28-2024.jpg

Hình 2 - Độc giảng đường của PGHH (nguồn: Internet)

Kiểm Soát và Bổ Nhiệm Các Lãnh Đạo Tôn Giáo  

Phật giáo Hòa Hảo độc lập bao gồm một mạng lưới các cộng đồng tự trị có liên kết chặt chẽ và tự quản trị với ít cấp bậc. Tôn giáo này cũng không có cơ quan trung ương có quyền áp đặt ý chí hay kiểm soát đối với tín đồ. Năm 1999, chính phủ đã thành lập Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo, trong đó chín trong số mười một thành viên là đảng viên của ĐCSVN.[8]  Năm 2005, chính phủ đã mở rộng ủy ban này và biến nó thành GHPGHH chính thức (được chính phủ công nhận).

Nhiều lãnh đạo của GHPGHH được công nhận này cũng đã giữ các vị trí trong chính phủ và MTTQVN. Ví dụ, Hội trưởng Ban trị sự Trung ương GHPGHH hiện nay, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Hội trưởng Bùi Văn Dương và thành viên ủy ban Nguyễn Văn Thuận đều là thành viên của chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Điều này vi phạm điều lệ gốc của tôn giáo, trong đó cấm các thành viên của ban trị sự Giáo hội đồng thời giữ chức vụ trong chính phủ.[9]

Chính phủ sử dụng GHPGHH chính thức và ban lãnh đạo của tổ chức này để tạo hình ảnh ở nước ngoài về tự do tôn giáo. Ví dụ, Hội trưởng Ban trị sự Trung ương GHPGHH Nguyễn Tấn Đạt đã tham gia đoàn đại biểu của BTGCP trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2023 để vận động xóa tên Việt Nam ra khỏi Danh sách Theo dõi Đặc Biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trước đây, ông Đạt là đại biểu Quốc hội khóa 13 của Việt Nam (2011-2016). [10]

Can Thiệp Vào Việc Diễn Giải Các Giới Luật của Tôn Giáo  

Hiến chương của BTS TƯ GHPGHH độc lập bao gồm các tín lý cụ thể của tôn giáo, chẳng hạn như việc chỉ định nơi sinh của Đức Thầy là Thánh địa Hòa Hảo và cấu trúc lãnh đạo của tổ chức.[11]   Hiến chương này cũng đòi hỏi tín đồ Hoà Hảo học tập và truyền bá các tác phẩm "Sấm giảng và thi văn giáo lý " của Đức Thầy, cấm tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc quân sự, và yêu cầu các nhà quản lý tôn giáo từ chức khỏi ban trị sự trung ương nếu họ đảm nhiệm các chức vụ chính trị.

Tuy nhiên, hiến chương của GHPGHH do chính phủ thành lập đã loại bỏ các tín lý tôn giáo quan trọng này, gồm luôn cả lệnh cấm các thành viên ban trị sự hoạt động chính trị hoặc đảm nhiệm chức vụ trong chính phủ.[12]  Nó cũng không đề cập đến Thánh địa Hoà Hảo, và loại bỏ việc kỷ niệm ngày Đức Thầy vắng mặt.[13]  Hơn nữa, hiến chương quy định chỉ sử dụng các kinh sách đã được chính phủ phê duyệt, loại trừ các tác phẩm của Đức Thầy được viết từ năm 1943 đến 1947 mà chính phủ coi là "nhạy cảm." Chính phủ cấm lưu hành phiên bản đầy đủ của kinh sách quan trọng nhất của Phật giáo Hòa Hảo – các tác phẩm "Sấm giảng và thi văn giáo lý " của Đức Huỳnh Phú Sổ – tịch thu các bản sao của những cuốn sách này khi tìm thấy và bắt giữ bất kỳ ai phát tán tài liệu này.

Can Thiệp Vào Các Hoạt Động Tôn Giáo Của Phật giáo Hòa Hảo  

Chỉ có GHPGHH được chính phủ công nhận mới được tự do tổ chức các sự kiện công cộng lớn. Năm 1999, chính phủ cho phép Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật Đức Huỳnh Phú Sổ lần đầu tiên kể từ năm 1975 tại làng Hoà Hảo. Hơn một triệu tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đã tham gia. Trong những tháng tiếp theo, chính phủ bắt giữ 16 tín đồ Phật giáo Hoà Hảo mà họ cáo buộc là những người tổ chức sự kiện này và tuyên án họ từ sáu đến mười một năm tù.

Những tín đồ Phật giáo Hoà Hảo từ chối tham gia GHPGHH chính thức thường đối mặt với các biện pháp hạn chế và đe dọa từ chính quyền địa phương. Công an thường triệu tập các lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo độc lập cho các "buổi làm việc" và trong một số trường hợp đã bắt giữ và giam cầm họ. Tháng 5 năm 2017, Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ tín đồ Phật giáo Hoà Hảo độc lập Nguyễn Hữu Tấn với cáo buộc tuyên truyền chống chính phủ. Mười giờ sau, Công an tuyên bố ông đã tự tử bằng một con dao mà một điều tra viên sơ ý bỏ lại trong phòng thẩm vấn. Gia đình nạn nhân báo cáo nhiều vết thương cho thấy ông đã bị tra tấn và sát hại.[14]

Các buổi tụ họp của tín đồ Hòa Hảo độc lập trong các dịp đặc biệt thường bị cấm hoặc bị ngăn cản. Ngày 25 tháng 6 năm 2023, công an đã ngăn cản ban lãnh đạo của một cộng đồng Phật giáo Hoà Hảo độc lập tiếp cận trụ sở của họ để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 84 năm ngày khai đạo. Vào ngày 3 tháng 7, chính quyền đã phong tỏa toàn bộ địa điểm nơi diễn ra lễ kỷ niệm.[15]  Vào tháng 12 năm 2023, Công an tỉnh An Giang cấm các tín đồ Hòa Hảo độc lập tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ.[16]  Vào ngày 3 tháng 4 năm 2024, Công an đã phong tỏa văn phòng tạm thời của nhóm "Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy" để ngăn các tín đồ kỷ niệm ngày vắng mặt của người sáng lập tôn giáo.[17]

Chính quyền địa phương ngăn cản các tín đồ Hoà Hảo độc lập tham dự các sự kiện trong nước hoặc thậm chí rời khỏi nơi cư trú. Năm 2017, Công an địa phương tỉnh An Giang đã ngăn cản các tín đồ Hoà Hảo độc lập đến thăm gia đình ông Bùi Văn Trung để dự ngày giỗ của mẹ ông Trung. Các thành viên trong gia đình và các tín đồ Hoà Hảo khác đã phản đối hành động này. Tháng 2 năm 2018, Tòa án Nhân dân Huyện An Phú, tỉnh An Giang đã kết án ông Trung, các thành viên gia đình ông và hai tín đồ Hoà Hảo khác từ một đến sáu năm tù vì "gây rối trật tự công cộng."[18] Tháng 7 năm 2014, chính quyền đã ngăn cản ông Nguyễn Bắc Truyển, một luật gia thuộc Phật giáo Hoà Hảo và là nhà hoạt động cho nhân quyền, về thăm nhà ở tỉnh Đồng Tháp cùng với Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin Heiner Bielefeldt trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam.[19]  Vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, ông Truyển đã bị Công an bắt cóc. Ngày 5 tháng 4 năm 2018, chính quyền kết án ông 11 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân." Vào ngày 8 tháng 9 năm 2023, chính quyền đã thả ông Truyển và đưa ông đi lưu vong tại nước Đức cùng vợ.[20]

Vấn Đề Tài Sản 

Năm 1975, chính phủ đã tịch thu tài sản của Phật giáo Hoà Hảo, bao gồm hơn 800 độc giảng đường và khoảng 50 ngôi chùa.[21]  Chính quyền đã chuyển nhiều cơ sở này cho GHPGHH chính thức, bao gồm cả văn phòng trụ sở của BTS TƯ GHPGHH tại làng Hoà Hảo. Ngoài ra, một số cơ sở Phật giáo Hoà Hảo đã được sử dụng làm văn phòng của chính phủ. Không có chùa, không có trụ sở và quyền tiếp cận Thánh địa của mình, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo độc lập không thể thực hiện đầy đủ đức tin của họ. Họ bị giới hạn trong việc thực hành tôn giáo tại nhà riêng trừ khi họ tham gia GHPGHH được chính quyền công nhận.

Một ngôi chùa vẫn còn độc lập là chùa Quang Minh Tự ở tỉnh An Giang, do ông Võ Văn Thanh Liêm, một lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo độc lập, là chủ sở hữu. Theo các báo cáo từ cộng đồng, chính phủ đã nhắm vào ông Liêm và các thành viên trong gia đình ông sau khi không thể chiếm đoạt chùa của ông. Chính phủ đã bỏ tù ông 20 năm và cháu trai của ông là Võ Văn Thanh Long 5 năm.[22]  Chính phủ không cho phép sửa chữa chùa và ngăn cản cộng đồng của ông tập hợp vào các ngày lễ lớn của tôn giáo. Chính phủ cũng ngăn cản những ai muốn tiếp cận gia đình ông. Tháng 7 năm 2014, Công an đã ngăn cản cuộc gặp giữa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo và ông Heiner Bielefeldt.[23] Tháng 3 năm 2024, chính quyền địa phương đã đe dọa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thường xuyên lui tới chùa Quang Minh Tự để ngăn họ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt.[24]

 Pic_3_-_10-28-2024.jpg

Hình 3 - Kỷ niệm ngày đức Thầy vắng mặt, Chùa PGHH Quang Minh Tự, ngày 30/3/2019 (nguồn: Internet)

Bài liên quan:

Tiếng nói tự do tôn giáo cho Việt Nam tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Berlin, Đức

 

[1] Ban Tôn giáo Chính phủ, 2021.

[2] Chính phủ Anh quốc (Gov.uk),2024

[3] BPSOS, 2013.

[4] tuoitrephatgiaohoa hao.com, 2012

[5] Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, 1979; Việt Báo, 2016.

[6] Việt Báo, 2006.

[7] Đại học An ninh, Bộ Nội vụ, 1993; Việt Báo, 2006.

[8] Nguyễn Huỳnh Mai và Ts.Sergei Blagov.

[9] Hiến chương của Phật giáo Hoà Hảo, tháng 10 năm 1966.

[10] Ban Trị sự Trung ương PGHH, 2016; BTGCP, 2022; Quốc hội.

[11] BPSOS, 2002.

[12] Ban Trị sự Trung ương PGHH, 2015.

[13] Đức Huỳnh Phú Sổ mất tích vào năm 1947 sau khi dự một cuộc họp tổ chức bởi Mặt trận Việt Minh chống thực

    dân..

[14] Phúc trình của Uỷ hội Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ, 2018.

[15] Thông Luận, 2023.

[16] RFA, 2023.

[17] RFA, 2024.

[18] Hồ sơ nộp cho Buổi Rà soát Định kỳ phổ quát của LHQ.

[19] Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, công văn VNM 11/2014 (gửi VN)

[20] RFA, 2023.

[21] BPSOS, 2013

[22] BPSOS, 2013.

[23] Thông tin từ một tín đồ PGHH xin được ẩn danh.

[24].Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, VNM 11/2014.

Mạch Sống