Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Các Trợ Cụ Đàn Áp Tôn Giáo Ở Việt Nam ( Phần 6) - Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo

 

Gs/Ts Heiner Bielefeldt, Bs. Nguyễn Thục-Quyên và Ông Nguyễn Bắc Truyển, ngày 09/10/2024, Berlin, Đức (nguồn: BPSOS)

CÁC TRỢ CỤ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (PHẦN 6) - BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Mạch Sống 

Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam (Phần 6) – Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hoà Hảo

2024-10-27

BPSOS, ngày 28 tháng 10, 2024

http://machsongmedia.org

LTS: Tài liệu nghiên cứu của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về Phật Giáo Hoà Hảo đã được trình bày tại buổi hội luận do BPSOS tổ chức ngày 9 tháng 10, 2024 ở Berlin, Đức. Diễn giả gồm 2 nhân vật đặc biệt: Tín đồ PGHH Nguyễn Bắc Truyển và cựu Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin GS/TS Heiner Bielefeldt. Năm 2014, Ông Bielefeldt đã huỷ phần cuối của chuyến thị sát Việt Nam vì công an sách nhiễu và đe doạ vợ chồng Ông Truyển để không thể dẫn đường cho Ông Bielefeldt đến thăm Quang Minh Tự, ngôi chùa PGHH duy nhất còn độc lập. Sau đó Ông Truyển đã bị bắt và bị án 11 năm tù. Sau 10 năm, Ông Truyển và GS/TS Bielefeldt đã gặp lại nhau ở Đức sau khi Ông Truyển được trả tự do và bị đẩy đi lưu vong cùng vợ tại Đức.      

5. CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO BỊ ĐẶT DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC

5.3. Ban Trị sự Trung ương GHPGHH 

Phần này đề cập đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam vào cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo thông qua BTS TƯ GHPGHH do chính phủ thành lập, vốn mang cùng tên với BTS TƯ GHPGHH gốc. Kể từ khi chính phủ thành lập Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo do chính phủ kiểm soát vào năm 1999, và sau đó mở rộng thành GHPGHH vào năm 2005, chính phủ đã theo đuổi sách lược thay thế để kiểm soát tôn giáo Hòa Hảo. Sách lược này bao gồm việc kiểm soát lãnh đạo của GHPGHH, can thiệp vào việc diễn giải và xuất bản kinh sách Hòa Hảo, nhắm vào và đàn áp GHPGHH độc lập cùng các thành viên của họ, và chuyển giao quyền kiểm soát tài sản của đạo cho GHPGHH được chính phủ công nhận.

Pic_1_-_10-28-2024.jpg

Hình 1 -- Gs/Ts Heiner Bielefeldt, Bs. Nguyễn Thục-Quyên và Ông Nguyễn Bắc Truyển, ngày 09/10/2024, Berlin, Đức (nguồn: BPSOS)

Bối Cảnh  

Theo thống kê của chính phủ năm 2021, khoảng 1,5 triệu người Việt Nam (1,5% dân số Việt Nam) đã đăng ký là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Cộng đồng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang ở miền Nam Việt Nam.[1]  Các nguồn khác cho rằng có ít nhất một số lượng tương đương tín đồ Hòa Hảo không đăng ký, nâng tổng số tín đồ lên khoảng ba triệu.[2]

Phật giáo Hòa Hảo được thành lập vào năm 1939 bởi Đức Huỳnh Phú Sổ, được các tín đồ biết đến với danh hiệu Đức Thầy. Tôn giáo này được tên đặt theo tên quê hương của ông: làng Hòa Hảo ở tỉnh An Giang, mà tín đồ coi là Thánh địa Hòa Hảo. Phật giáo Hòa Hảo đã phát triển từ 18.000 tín đồ ban đầu lên ít nhất hai triệu tín đồ vào năm 1965.[3] Tôn giáo này chủ yếu thu hút tầng lớp nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.[4]  Phật giáo Hòa Hảo không nhấn mạnh vai trò của chức sắc hay việc xây dựng các cơ sở thờ cúng vật chất như chùa chiền; thay vào đó, họ chú trọng vào việc thờ cúng hàng ngày tại nhà, hoạt động cộng đồng và công việc từ thiện. Những tín đồ Hoà Hảo khá giả thường cho xây dựng đạo tràng để làm nơi tụ họp học tập hoặc thiền định, tổ chức các sự kiện tôn giáo và hoạt động xã hội. Tại các làng có số lượng lớn tín đồ Hoà Hảo, cộng đồng đã dựng các độc giảng đường để người trong địa phương tụ họp ngoài trời nghe thuyết giảng.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975, chính phủ Việt Nam đã nhắm vào Phật giáo Hòa Hảo và ngay lập tức chiếm đóng làng Hòa Hảo. Năm 1979, chính phủ đã lập ra một chiến dịch nhằm tiêu diệt tôn giáo này trong vòng 10 đến 15 năm.[5] Chính phủ đã hạn chế các hoạt động thờ cúng bằng cách phá hủy kinh sách, bàn thờ và hình ảnh của Đức Thầy, cấm tổ chức các ngày lễ lớn của tôn giáo và không cho phép sử dụng thuật ngữ "Thánh địa Hoà Hảo," cũng như xuất bản tài liệu nhằm bôi nhọ các lãnh đạo và giáo lý của Hòa Hảo.[6]

Một tài liệu bị rò rỉ năm 1993 do Thiếu tướng Huỳnh Hữu Chiến, khi đó là Phó Giám đốc Cục An ninh của Bộ Công an, đã tiết lộ rằng chính phủ đã thay thế chiến dịch tiêu diệt ban đầu bằng một kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát tín đồ Hòa Hảo thông qua một tổ chức do chính phủ kiểm soát và đàn áp những ai chống lại tổ chức này.[7]

 

Pic_2_-_10-28-2024.jpg

Hình 2 - Độc giảng đường của PGHH (nguồn: Internet)

Kiểm Soát và Bổ Nhiệm Các Lãnh Đạo Tôn Giáo  

Phật giáo Hòa Hảo độc lập bao gồm một mạng lưới các cộng đồng tự trị có liên kết chặt chẽ và tự quản trị với ít cấp bậc. Tôn giáo này cũng không có cơ quan trung ương có quyền áp đặt ý chí hay kiểm soát đối với tín đồ. Năm 1999, chính phủ đã thành lập Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo, trong đó chín trong số mười một thành viên là đảng viên của ĐCSVN.[8]  Năm 2005, chính phủ đã mở rộng ủy ban này và biến nó thành GHPGHH chính thức (được chính phủ công nhận).

Nhiều lãnh đạo của GHPGHH được công nhận này cũng đã giữ các vị trí trong chính phủ và MTTQVN. Ví dụ, Hội trưởng Ban trị sự Trung ương GHPGHH hiện nay, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Hội trưởng Bùi Văn Dương và thành viên ủy ban Nguyễn Văn Thuận đều là thành viên của chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Điều này vi phạm điều lệ gốc của tôn giáo, trong đó cấm các thành viên của ban trị sự Giáo hội đồng thời giữ chức vụ trong chính phủ.[9]

Chính phủ sử dụng GHPGHH chính thức và ban lãnh đạo của tổ chức này để tạo hình ảnh ở nước ngoài về tự do tôn giáo. Ví dụ, Hội trưởng Ban trị sự Trung ương GHPGHH Nguyễn Tấn Đạt đã tham gia đoàn đại biểu của BTGCP trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2023 để vận động xóa tên Việt Nam ra khỏi Danh sách Theo dõi Đặc Biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trước đây, ông Đạt là đại biểu Quốc hội khóa 13 của Việt Nam (2011-2016). [10]

Can Thiệp Vào Việc Diễn Giải Các Giới Luật của Tôn Giáo  

Hiến chương của BTS TƯ GHPGHH độc lập bao gồm các tín lý cụ thể của tôn giáo, chẳng hạn như việc chỉ định nơi sinh của Đức Thầy là Thánh địa Hòa Hảo và cấu trúc lãnh đạo của tổ chức.[11]   Hiến chương này cũng đòi hỏi tín đồ Hoà Hảo học tập và truyền bá các tác phẩm "Sấm giảng và thi văn giáo lý " của Đức Thầy, cấm tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc quân sự, và yêu cầu các nhà quản lý tôn giáo từ chức khỏi ban trị sự trung ương nếu họ đảm nhiệm các chức vụ chính trị.

Tuy nhiên, hiến chương của GHPGHH do chính phủ thành lập đã loại bỏ các tín lý tôn giáo quan trọng này, gồm luôn cả lệnh cấm các thành viên ban trị sự hoạt động chính trị hoặc đảm nhiệm chức vụ trong chính phủ.[12]  Nó cũng không đề cập đến Thánh địa Hoà Hảo, và loại bỏ việc kỷ niệm ngày Đức Thầy vắng mặt.[13]  Hơn nữa, hiến chương quy định chỉ sử dụng các kinh sách đã được chính phủ phê duyệt, loại trừ các tác phẩm của Đức Thầy được viết từ năm 1943 đến 1947 mà chính phủ coi là "nhạy cảm." Chính phủ cấm lưu hành phiên bản đầy đủ của kinh sách quan trọng nhất của Phật giáo Hòa Hảo – các tác phẩm "Sấm giảng và thi văn giáo lý " của Đức Huỳnh Phú Sổ – tịch thu các bản sao của những cuốn sách này khi tìm thấy và bắt giữ bất kỳ ai phát tán tài liệu này.

Can Thiệp Vào Các Hoạt Động Tôn Giáo Của Phật giáo Hòa Hảo  

Chỉ có GHPGHH được chính phủ công nhận mới được tự do tổ chức các sự kiện công cộng lớn. Năm 1999, chính phủ cho phép Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật Đức Huỳnh Phú Sổ lần đầu tiên kể từ năm 1975 tại làng Hoà Hảo. Hơn một triệu tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đã tham gia. Trong những tháng tiếp theo, chính phủ bắt giữ 16 tín đồ Phật giáo Hoà Hảo mà họ cáo buộc là những người tổ chức sự kiện này và tuyên án họ từ sáu đến mười một năm tù.

Những tín đồ Phật giáo Hoà Hảo từ chối tham gia GHPGHH chính thức thường đối mặt với các biện pháp hạn chế và đe dọa từ chính quyền địa phương. Công an thường triệu tập các lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo độc lập cho các "buổi làm việc" và trong một số trường hợp đã bắt giữ và giam cầm họ. Tháng 5 năm 2017, Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ tín đồ Phật giáo Hoà Hảo độc lập Nguyễn Hữu Tấn với cáo buộc tuyên truyền chống chính phủ. Mười giờ sau, Công an tuyên bố ông đã tự tử bằng một con dao mà một điều tra viên sơ ý bỏ lại trong phòng thẩm vấn. Gia đình nạn nhân báo cáo nhiều vết thương cho thấy ông đã bị tra tấn và sát hại.[14]

Các buổi tụ họp của tín đồ Hòa Hảo độc lập trong các dịp đặc biệt thường bị cấm hoặc bị ngăn cản. Ngày 25 tháng 6 năm 2023, công an đã ngăn cản ban lãnh đạo của một cộng đồng Phật giáo Hoà Hảo độc lập tiếp cận trụ sở của họ để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 84 năm ngày khai đạo. Vào ngày 3 tháng 7, chính quyền đã phong tỏa toàn bộ địa điểm nơi diễn ra lễ kỷ niệm.[15]  Vào tháng 12 năm 2023, Công an tỉnh An Giang cấm các tín đồ Hòa Hảo độc lập tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ.[16]  Vào ngày 3 tháng 4 năm 2024, Công an đã phong tỏa văn phòng tạm thời của nhóm "Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy" để ngăn các tín đồ kỷ niệm ngày vắng mặt của người sáng lập tôn giáo.[17]

Chính quyền địa phương ngăn cản các tín đồ Hoà Hảo độc lập tham dự các sự kiện trong nước hoặc thậm chí rời khỏi nơi cư trú. Năm 2017, Công an địa phương tỉnh An Giang đã ngăn cản các tín đồ Hoà Hảo độc lập đến thăm gia đình ông Bùi Văn Trung để dự ngày giỗ của mẹ ông Trung. Các thành viên trong gia đình và các tín đồ Hoà Hảo khác đã phản đối hành động này. Tháng 2 năm 2018, Tòa án Nhân dân Huyện An Phú, tỉnh An Giang đã kết án ông Trung, các thành viên gia đình ông và hai tín đồ Hoà Hảo khác từ một đến sáu năm tù vì "gây rối trật tự công cộng."[18] Tháng 7 năm 2014, chính quyền đã ngăn cản ông Nguyễn Bắc Truyển, một luật gia thuộc Phật giáo Hoà Hảo và là nhà hoạt động cho nhân quyền, về thăm nhà ở tỉnh Đồng Tháp cùng với Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin Heiner Bielefeldt trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam.[19]  Vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, ông Truyển đã bị Công an bắt cóc. Ngày 5 tháng 4 năm 2018, chính quyền kết án ông 11 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân." Vào ngày 8 tháng 9 năm 2023, chính quyền đã thả ông Truyển và đưa ông đi lưu vong tại nước Đức cùng vợ.[20]

Vấn Đề Tài Sản 

Năm 1975, chính phủ đã tịch thu tài sản của Phật giáo Hoà Hảo, bao gồm hơn 800 độc giảng đường và khoảng 50 ngôi chùa.[21]  Chính quyền đã chuyển nhiều cơ sở này cho GHPGHH chính thức, bao gồm cả văn phòng trụ sở của BTS TƯ GHPGHH tại làng Hoà Hảo. Ngoài ra, một số cơ sở Phật giáo Hoà Hảo đã được sử dụng làm văn phòng của chính phủ. Không có chùa, không có trụ sở và quyền tiếp cận Thánh địa của mình, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo độc lập không thể thực hiện đầy đủ đức tin của họ. Họ bị giới hạn trong việc thực hành tôn giáo tại nhà riêng trừ khi họ tham gia GHPGHH được chính quyền công nhận.

Một ngôi chùa vẫn còn độc lập là chùa Quang Minh Tự ở tỉnh An Giang, do ông Võ Văn Thanh Liêm, một lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo độc lập, là chủ sở hữu. Theo các báo cáo từ cộng đồng, chính phủ đã nhắm vào ông Liêm và các thành viên trong gia đình ông sau khi không thể chiếm đoạt chùa của ông. Chính phủ đã bỏ tù ông 20 năm và cháu trai của ông là Võ Văn Thanh Long 5 năm.[22]  Chính phủ không cho phép sửa chữa chùa và ngăn cản cộng đồng của ông tập hợp vào các ngày lễ lớn của tôn giáo. Chính phủ cũng ngăn cản những ai muốn tiếp cận gia đình ông. Tháng 7 năm 2014, Công an đã ngăn cản cuộc gặp giữa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo và ông Heiner Bielefeldt.[23] Tháng 3 năm 2024, chính quyền địa phương đã đe dọa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thường xuyên lui tới chùa Quang Minh Tự để ngăn họ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt.[24]

 Pic_3_-_10-28-2024.jpg

Hình 3 - Kỷ niệm ngày đức Thầy vắng mặt, Chùa PGHH Quang Minh Tự, ngày 30/3/2019 (nguồn: Internet)

Bài liên quan:

Tiếng nói tự do tôn giáo cho Việt Nam tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Berlin, Đức

 

[1] Ban Tôn giáo Chính phủ, 2021.

[2] Chính phủ Anh quốc (Gov.uk),2024

[3] BPSOS, 2013.

[4] tuoitrephatgiaohoa hao.com, 2012

[5] Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, 1979; Việt Báo, 2016.

[6] Việt Báo, 2006.

[7] Đại học An ninh, Bộ Nội vụ, 1993; Việt Báo, 2006.

[8] Nguyễn Huỳnh Mai và Ts.Sergei Blagov.

[9] Hiến chương của Phật giáo Hoà Hảo, tháng 10 năm 1966.

[10] Ban Trị sự Trung ương PGHH, 2016; BTGCP, 2022; Quốc hội.

[11] BPSOS, 2002.

[12] Ban Trị sự Trung ương PGHH, 2015.

[13] Đức Huỳnh Phú Sổ mất tích vào năm 1947 sau khi dự một cuộc họp tổ chức bởi Mặt trận Việt Minh chống thực

    dân..

[14] Phúc trình của Uỷ hội Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ, 2018.

[15] Thông Luận, 2023.

[16] RFA, 2023.

[17] RFA, 2024.

[18] Hồ sơ nộp cho Buổi Rà soát Định kỳ phổ quát của LHQ.

[19] Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, công văn VNM 11/2014 (gửi VN)

[20] RFA, 2023.

[21] BPSOS, 2013

[22] BPSOS, 2013.

[23] Thông tin từ một tín đồ PGHH xin được ẩn danh.

[24].Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, VNM 11/2014.

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét