Từ trái qua: Đại sứ Robert Rehak, bà Mariah Mercer, ông Nguyễn Bắc Truyển, và TS. Nguyễn Đình Thắng tại sự kiện của BPSOS ngày 9/10/2024. Hải Di Nguyễn Tháng 10/2024 tại Berlin, đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, với chủ đề chính là tự do tôn giáo và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, thường gọi AI). Nhân dịp đó, Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Roundtable, tức IRF Roundtable) đã tổ chức họp mặt tại Berlin; BPSOS cũng tổ chức hội luận riêng về Việt Nam, với sự tham gia của một số giới chức và chuyên gia quốc tế về tự do tôn giáo. Ngoài các hội luận của BPSOS riêng về Việt Nam, vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam cũng bị nêu ra tại Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế và Hội nghị cấp Bộ trưởng. Sau đây là tường thuật của tôi với tư cách một người có mặt tại các sự kiện này. Trước hết, vì sao nên quan tâm đến tự do tôn giáo? Một số người có thể hỏi, tôi không theo đạo, hoặc tôi có theo đạo nhưng chẳng bị cưỡng ép gì, tại sao phải quan tâm tới vấn đề tự do tôn giáo? Thứ nhất, đây là tự do tôn giáo hay niềm tin, bao gồm quyền theo đạo, bỏ đạo, cải đạo, và không theo đạo. Không chỉ cho người có niềm tin tôn giáo, mà cũng cho người vô thần (atheist) và người theo thuyết bất khả tri (agnostic). Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế – Khu vực châu Á (International Religious Freedom Summit – Asia) tại Nhật Bản tháng 7/2024 vừa qua, TS. Katrina Lantos Swett (Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF và Chủ tịch Lantos Foundation) nói con người là sinh vật duy nhất trên địa cầu đặt câu hỏi “Ta là ai? Vì sao ta tồn tại? Mục đích cuộc đời là gì?”. Mỗi nền văn hóa, mỗi tôn giáo, mỗi cá nhân có niềm tin khác nhau, nhưng “Mọi người đều có quyền đặt những câu hỏi đó và sống theo câu trả lời mình có được.” Tiếc thay, các chế độ độc tài và chế độ thần quyền—thậm chí đôi lúc ở một số nước tự do dân chủ—lại không tôn trọng cái quyền rất căn bản đó. Thứ hai, tự do tôn giáo cũng gắn chặt với tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet, tự do hội họp và lập hội, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, và các quyền căn bản khác. Tự do tôn giáo đôi khi cũng đi đôi với quyền người bản địa và người thiểu số, khi có đàn áp kép—như người Thượng và người H’mông theo đạo Tin lành hoặc người Khmer Krom theo Phật giáo Tiểu thừa ở Việt Nam. Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế ngày 8/10/2024: Các tổ chức tôn giáo bị nhà nước Việt Nam điều khiển bị nêu danh Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế tổ chức hội nghị tại Berlin đúng một ngày sau tưởng niệm một năm sự kiện Hamas tấn công Israel, thảm sát và bắt cóc dân thường. Càng đặc biệt ý nghĩa khi họ tổ chức bàn tròn ngay tại Khách sạn Adlon Kempinski Berlin, từ cửa sổ có thể thấy Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị tàn sát ở châu Âu (Memorial to the Murdered Jews of Europe, thường gọi tắt Holocaust Memorial). Riêng về Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Thắng của tổ chức BPSOS phát biểu về các tổ chức tôn giáo hoặc ngụy tôn giáo bị điều khiển. Du khách và thậm chí cả người Việt vẫn thường lầm tưởng về Việt Nam—Việt Nam cũng có đền, cũng có chùa, cũng có nhà thờ, chẳng phải là có tự do tôn giáo đấy sao? Khi nói tới đàn áp tôn giáo, người ta thường chỉ nghĩ tới những thứ rõ mồn một như các vụ trừng phạt vì báng bổ Hồi giáo ở Trung Đông hay Nam Á, hay cách nhà nước Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nghĩ (Uyghur) ở Trung Quốc. Người ta không mấy khi nghĩ tới Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 27/9/2024, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom, viết tắt USCIRF) đã công bố tài liệu nghiên cứu, chủ yếu nhờ BPSOS và các nhóm thân hữu cung cấp thông tin, về các tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo bị nhà nước điều khiển. Nhờ đó, thế giới có thể thấy nhà nước Việt Nam kìm kẹp và khống chế tôn giáo một cách tinh vi như thế nào: kiểm soát tín đồ, làm biến màu tôn giáo, mượn tay tôn giáo để đàn áp tôn giáo, nhưng vẫn tô vẽ hình ảnh Việt Nam đầy tự do. Ngoài ra, Cựu Đại sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees cũng phát biểu về Việt Nam: về trường hợp ông Y Quynh Bdap và vấn đề đàn áp xuyên quốc gia. Ông Y Quynh Bdap, người Êđê theo đạo Tin lành, đồng sáng lập tổ chức Hội Người Thượng vì Công lý, bị cáo buộc liên quan đến vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk. Cáo buộc này ông nhiều lần phủ nhận. Ông bị xử vắng mặt với bản án 10 năm tù giam, và đang đối mặt với rủi ro bị Thái Lan dẫn độ về Việt Nam, dù đã được Cao ủy Tỵ nạn cấp quy chế tỵ nạn. Theo tờ Washington Post, Bangkok Post, và một số tờ báo khác đưa tin, hơn 30 tổ chức nhân quyền, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã viết thư chung kêu gọi Thủ tướng Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bdap. Sự kiện của BPSOS ngày 9/10/2024: Các chuyên gia tự do tôn giáo quốc tế tại hội luận về Việt Nam Ngày 9/10, BPSOS có các hội luận về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, với người đại diện từ cộng đồng Phật giáo Khmer Krom, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Phật giáo Hòa Hảo, v.v. Đáng chú ý nhất trong số những người Việt có mặt tại đó có lẽ là ông Nguyễn Bắc Truyển, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và nhà hoạt động nhân quyền. Năm 2017, ông bị bắt và bị tuyên án 11 năm tù giam. Tháng 9/2023, nhờ áp lực quốc tế, ông được trả tự do và đi thẳng từ nhà tù sang Đức tỵ nạn cùng vợ. Ông có mặt để nói về Phật giáo Hòa Hảo. Hội ngộ với ông Nguyễn Bắc Truyển là Giáo sư Heiner Bielefeldt, cựu Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, là người cuối cùng trong chức năng đó đã thị sát Việt Nam và từng kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông Truyển. Cựu Đại sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees phát biểu về cách nhà nước Việt Nam điều khiển và đàn áp Công giáo và đạo Tin lành. Hội luận về cách các chính phủ hợp tác với tổ chức XHDS để bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo có sự tham gia của Đại sứ Robert Rehak, Chủ tịch Liên minh Quốc tế cho Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Quốc tế (International Religious Freedom or Belief Alliance, viết tắt IRFBA) và bà Mariah Mercer, Phó Giám đốc Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. BPSOS cũng có hội luận để tiếp tục nói về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển, và về tài liệu nghiên cứu của USCIRF, với sự tham gia của ông Nathan Wineinger từ chính USCIRF; Giáo sư Heiner Bielefeldt; và ông Ed Brown từ Stefanus Alliance International, tổ chức nhân quyền ở Na Uy. Stefanus Alliance International từng trao giải Stefanus cho ông Nguyễn Bắc Truyển năm 2020 vì tranh đấu cho nhân quyền, khi ông vẫn còn đang bị cầm tù ở Việt Nam. Tại Berlin, ông Bielefeldt nói trước đây đã biết về cách nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, nhưng sau tài liệu của USCIRF, mới thực sự hiểu rõ sách lược thay thế hoặc khuynh loát các tổ chức tôn giáo và làm biến màu tôn giáo ở Việt Nam. Về Phật giáo Hòa Hảo, ông cười và nói “Đằng này là cái chính thức [được nhà nước công nhận], còn kia mới là cái thật” – tay chỉ về phía ông Nguyễn Bắc Truyển. Ông cũng nói, Karl Marx bảo tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân; bây giờ chính Đảng Cộng sản Việt Nam cung cấp thuốc phiện ( ngụ ý là họ dựng lên các tổ chức tôn giáo giả để mê hoặc quần chúng). Hội nghị cấp Bộ trưởng ngày 10/10/2024: Việt Nam bị xướng tên Chủ đề năm nay tại Hội nghị cấp Bộ trưởng là tự do tôn giáo và AI. Mọi người có thể hỏi, hai thứ này có gì liên quan? Nhưng AI có thể tiếp tay tung tin giả về các cộng đồng tôn giáo thiểu số, hoặc trở thành công cụ đàn áp tôn giáo, chẳng hạn như trong công nghệ nhận diện của Trung Quốc. Thế thì luật quốc tế và các chính phủ phải làm gì để chặn trước? Các tổ chức XHDS và các nhà hoạt động phải làm thế nào để đối phó? Bản thân các công ty phát triển AI, như Meta, cần làm gì? Làm sao để cân bằng, một mặt kiểm soát AI để không gây hại, nhưng mặt khác vẫn bảo vệ tự do ngôn luận? Đó là các cuộc thảo luận năm nay. Hội nghị cấp Bộ trưởng không có hội luận hay bài diễn văn riêng về Việt Nam và vấn đề tự do tôn giáo và công nghệ, nhưng có vài lần nhắc tới Việt Nam là một trong các quốc gia đàn áp tôn giáo. Cũng tại đây, Nghị sĩ Frank Schwabe nói có thể sẽ triệu tập một buổi họp về hành vi đàn áp xuyên quốc gia của một số chính phủ, trong đó có Việt Nam. Đừng quên Berlin chính là nơi diễn ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là ba sự kiện về tự do tôn giáo tại Berlin vào tháng 10/2024. Quý vị có thể xem lại livestream hội luận của BPSOS tại: Phần 1 Phần 2 Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét