Cá báo ơn
Ở Nhiêu Châu có một vị doanh nhân, khi đang đi ngang qua hồ Bà Dương, thì thấy một ngư dân đang câu được một con cá lớn nặng hơn trăm cân. Người đánh cá báo giá con cá một lượng bạc, thương nhân đồng ý mua con cá, mua xong bèn thả cá trở lại hồ.
Khoảng một tháng sau, vị thương nhân hoàn thành công việc kinh doanh, trở về nhà với số tiền kiếm được. Khi đi ngang qua hồ Bà Dương vào ban đêm, thuyền gặp phải đạo chích. Tên đạo chích nhảy lên cướp thuyền, kéo thuyền vào đám lau sậy, cướp hết tài vật của vị thương nhân, còn tính sẽ giết người diệt khẩu. Khi mạng sống của thương nhân đang treo trên sợi chỉ, một con cá lớn bất ngờ nhảy vào khoang thuyền, xòe vây, vung mình dũng cảm tấn công đạo chính. Đạo chích dù vung dao lên, nhưng cũng không thể làm hại được con cá.
Một lúc sau, thuyền quan tuần tra ngang qua nghe thấy tiếng động trong đám lau sậy, liền chạy tới quan sát, bắt giữ đạo chích. Con cá lại nhảy xuống sông và biến mất tung tích. Vị thương nhân liền nhớ lại con cá lớn mà mình đã cứu trước đó, chính là con cá lớn đó. Khi ông gặp nguy hiểm, nó đã nhảy lên khỏi mặt nước và cứu mạng ông, để báo đáp ân đức của ông! Tác giả cuốn sách “Tiểu Đậu Bằng” đã ghi lại rằng, việc này xảy ra vào tháng 7 năm Khang Hy thứ 36 (1697).
Con chim biết nghĩa
Có một người đàn ông họ Lục ở Nghi Hưng, trồng rất nhiều cây gỗ trong vườn nhà mình. Nhiều loài chim đã bị thu hút, lũ lượt tụ tập về làm tổ trên cây của ông. Hàng ngày vào buổi trưa và khi mặt trời lặn, từng đàn chim bay về rừng, khiến khu rừng trở nên náo nhiệt như một phiên chợ. Lục cấm bất cứ ai đuổi chim. Vào mùa đông lạnh giá, hoặc khi gặp mưa, tuyết, ông thường rải lúa vào rừng cho chim ăn.
Một ngày nọ, Lục mỗ bị một người ôm hận hãm hại vu cáo ông là thành viên của nghịch đảng, bị quan phủ bắt giữ và thẩm vấn. Ngày hôm đó có rất nhiều người tụ tập. Trong phiên tòa, đột nhiên hàng trăm con chim bất ngờ bay vào, đậu đầy sân, lũ chim kêu huyên náo vang trời. Đến khi quan tòa tra hỏi Lục mỗ, đột nhiên có một con chim bay xuống, quắp một tờ giấy trên án của quan tòa rồi bay đi, sau đó đàn chim cũng bay tứ tán. Quan viên ở phiên tòa thập phần kinh dị, tờ giấy đó chính là lời thú tội của tên đầu sỏ. Sau đó quan viên tòa án đã hình thẩm lại tên đầu sỏ, xác nhận Lục mỗ là bị vu cáo, oan khuất của ông đã được rửa sạch.
Để kỷ niệm sự kiện tuyệt vời này, Lục mỗ đã xây dựng “Đình nghĩa điểu” tại nhà của mình. Vào thời nhà Thanh, ngôi đình này vẫn ở trong thành Bì Lăng. Có người đã viết ra năm bài hát dân ca tên là “Lời chim” để ghi lại câu chuyện này, với những lời lẽ ngắn gọn, rõ ràng, miêu tả tâm ý báo đáp ân nhân của loài chim. Dưới đây là bài thơ thứ hai và thứ năm:
Nê hoạt hoạt, nê hoạt hoạt, bả hảo nhân, thụ oan khuất
Ngã tra tra, tha đốt đốt, bất bả cừu nhân khoái đả sát
Dục cứu ân nhân chân một pháp
Biện tương nhất chỉ thâu hàm khứ,
Phi phi tố ư thiên công thuyết.
Dịch là
Bùn trơn trơn, bùn trơn trơn, khiến người tốt phải chịu oan khuất
Tôi ríu rít, anh ríu rít, không để kẻ thù nhanh giết người
Muốn cứu ân nhân chỉ có một cách
Quắp lấy mảnh giấy đó mang đi
Bay về báo cáo ông Trời.
Và
Tần cát liễu, tần cát liễu, thụ gian minh, giai tiền táo.
Ân nhân mạc thượng tỏa, ân nhân mạc đả khảo, thủy lạc thạch xuất hàn vân tán, thanh thiên bạch nhật tự phân hiểu.
An đắc hoán tỉnh kính đài tiền, bả cá quan ti hoàn kết liễu.
“Tần cát liễu” là một loài chim trông giống như chim vẹt. Bạch Cư Dị đã viết một bài thơ mô tả: “Tần cát liễu, xuất từ Nam Trung, bộ lông sặc sỡ, cổ đỏ, tai thính, thông minh, lưỡi khéo léo, chim hiểu hết tiếng người.” Con chim đã tỏ ra rất “trí tuệ”, biết đến báo ơn. Người ta thường cho rằng loài chim đần độn, ký thực, vào những thời khắc then chốt, loài chim không hề “bối rối” chút nào mà lại có “trí tuệ”. “Vạn vật hữu linh” lẽ nào là dối trá?
Tăng Diễn Đông cũng kể lại một ví dụ về một người họ hàng của Điền Di Đình ở Bình Âm trong cuốn “Tiểu Dậu Bằng”. Bà cố của Điền Di Đình đã hơn bảy mươi tuổi và là một góa phụ. Cụ từng có lần nuôi một con chim chân đỏ thái sơn trên lầu trong nhà mình suốt sáu hoặc bảy năm. Con chim này có thể nói chuyện. Loài chim này coi lồng là tổ, đi ra ngoài vào sáng sớm và trở về vào buổi tối. Vào mùa xuân năm Càn Long Giáp Thân (1744), tình huống đột ngột thay đổi. Một đêm nọ, con chim đột nhiên nói với bà: “Bà ơi, ngày mai cháu đi chơi, e là cháu sẽ không quay lại được.” Bà lão nói: “Vậy không đi nữa không được sao?” Con chim nói: “Mệnh số không thể thoát.” Sau khi con chim bay ra ngoài vào ngày hôm sau, quả nhiên không quay trở lại.
Con chim này linh quá! Nó không những hiểu rõ “mệnh số”, mà còn biết trước “mệnh số” của mình sắp kết thúc, nên đã báo trước cho bà cụ và bình tĩnh chấp nhận số phận. Cho nên, con chim ở với bà cụ góa bụa sáu bảy năm, có lẽ cũng là để báo đáp ân tình! Ngược lại, bà cụ thương nhớ nó quá sâu, đau buồn thành bệnh, không lâu sau thì qua đời.
Người đàn ông và con vẹt
Có một vị thái học sinh họ Lý là người Duyện Châu, Kim Hương, tính cách cởi mở, yêu thích âm nhạc, nhưng cuộc sống nghèo khó, không có người thân để nương tựa. Chàng nuôi một con vẹt và dạy nó hát. Sau hơn một năm huấn luyện, con vẹt đã có thể hát theo nhịp điệu, giọng hát trong trẻo và duyên dáng. Lý thường cõng một chiếc khung nhỏ trên lưng, để con vẹt đậu trên đó và cưỡi trên một con lừa gầy gò, cùng nhau đi du lịch, thong thả ngắm núi sông. Khi tâm tình vui vẻ, chàng sẽ bắt con vẹt hát, còn bản thân thổi sáo đệm theo.
Sau một thời gian, người dân địa phương đều biết con vẹt này có bản sự gì. Huyện lệnh địa phương Mạch Tử Đình cưỡng hành mua con vẹt với giá một trăm đồng vàng. Lý không còn cách nào khác đành phải để huyện lệnh đem con vẹt đi, bản thân sau đó ném một trăm đồng vàng do huyện lệnh trả xuống đường, khóc lóc thảm thiết suốt một ngày mới rời đi.
Huyện lệnh nhận được con vẹt thì rất vui mừng. Ngày hôm sau, ông tổ chức tiệc chiêu đãi khách, đặc ý yêu cầu con vẹt hát để chiêu đãi khách. Tuy nhiên, con vẹt chỉ im lặng, thậm chí không chịu ăn gì, sau mấy ngày thì chết.
Báo đáp ân tình bằng hồ lô táo
Có một bà lão ở thôn Thất Lý, ngoại thành Quang Châu, trong nhà có trồng hai cây táo tàu. Khi táo chín, một đạo sĩ đi ngang qua và xin bà lão một ít táo để ăn. Bà lão hào phóng nói: “Muốn hái bao nhiêu cũng được!”
Đạo sĩ chọn hơn mười quả táo và ăn chúng. Trước khi đi, ông cởi chiếc bầu đang đeo trên người, treo lên cây táo tàu rồi nói với bà lão: “Cảm tạ lòng tốt của lão, năm sau táo cũng sẽ giống như hồ lô này.” Quả nhiên, sang năm sau, táo biến thành hình dạng giống hồ lô.
Sau khi đọc những câu chuyện kể trên, suy ngẫm về sự tương tụ giữa người với người, giữa người với vật ở nhân gian, nó dường như là sự giao hội của ân và tình? Ân và nợ đều có báo! Vạn vật hữu linh, thụ nhân chi ân dũng tuyền tương báo. Thiện duyên đời này đến từ thiện báo của thiện hành trong quá khứ, trái lại nếu rơi vào cái “tình”, bị hãm vào “mê” mà bị mất đi căn bản của sinh mệnh, thì chẳng phải đó là con vật không mê, mà người tự mê sao?
Nguồn: “Tiểu Đậu Bằng”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét