Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Các Trợ Cụ Đàn Áp Tôn Giáo Ở Việt Nam (Phần 4) - Các Sách Lược Kiểm Soát Tôn Giáo

 

(từ trái) Đại Sứ Robert Rehak (Czechia), Chủ Tịch Liên Minh Quốc Tế Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin; Bà Mariah Mercer, Phó Giám Đốc Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; Ông Nguyễn Bắc Truyển, tín đồ PGHH và cựu tù nhân lương tâm tôn giáo; Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, ngày 9/10/2024 (ảnh BPSOS)

CÁC TRỢ CỤ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (PHẦN 4) - CÁC SÁCH LƯỢC KIỂM SOÁT TÔN GIÁO 
Mạch Sống 

Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam (Phần 4) – Các sách lược kiểm soát tôn giáo

2024-10-18

BPSOS, ngày 18 tháng 10, 2024

http://machsongmedia.org

LTS: BPSOS tổ chức chuỗi hội luận do ngày 9 tháng 10 ở Berlin, Đức để giới thiệu tài liệu nghiên cứu của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về đề tài này với các tham dự viên Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo diễn ra ngày hôm sau. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo bị vô hiệu hoá, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng.  

4. Các Sách Lược Chính Mà Chính Phủ Sử Dụng Để Kiểm Soát Tôn Giáo  

Chính phủ theo đuổi ba sách lược để phát triển các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát: thay thế, thỏa hiệp và khuynh loát, và xâm nhập. Trong mỗi tổ chức tôn giáo, sự kết hợp của các sách lược này có thể diễn ra cùng một lúc.

WhatsApp_Image_2024-10-09_at_14.06.00_834b2118.jpg

Hình 1 – (từ trái) Đại Sứ Robert Rehak (Czechia), Chủ Tịch Liên Minh Quốc Tế Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin; Bà Mariah Mercer, Phó Giám Đốc Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; Ông Nguyễn Bắc Truyển, tín đồ PGHH và cựu tù nhân lương tâm tôn giáo; Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, ngày 9/10/2024 (ảnh BPSOS)

Sách Lược Thay Thế  

Chính phủ Việt Nam thực hiện sách lược thay thế thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo (BTS TƯ GHPGHH) được công nhận. Chính phủ đã sử dụng sách lược này để cấm các tổ chức tôn giáo độc lập có từ lâu đời của Việt Nam và thành lập các tổ chức thay thế do chính phủ kiểm soát. Chính quyền đã chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tôn giáo độc lập – thường là bằng vũ lực – và chuyển giao các tài sản này cho các tổ chức tôn giáo thay thế do chính phủ kiểm soát.

Ví dụ, vào năm 1981, chính phủ thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), tổ chức đại diện cho hầu hết các Phật tử Việt Nam tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. Chính phủ đã bỏ tù phần lớn lãnh đạo của GHPGVNTN, một số người trong số họ đã qua đời do bị tra tấn khi bị giam giữ. Các nhà sư từ chối gia nhập GHPGVN do chính phủ kiểm soát bị từ chối cấp giấy tờ cá nhân và bị hạn chế tự do đi lại.

Chính phủ đã có kế hoạch chiếm đoạt các ngôi chùa và tài sản của GHPGVNTN, phá hủy hoặc chuyển giao chúng cho GHPGVN hoặc biến chúng thành cơ sở của chính phủ.

Vào năm 1978, chính phủ bắt đầu một quá trình kéo dài 5 năm để loại bỏ Hội Thánh Cao Đài chơn truyền (Cao Đài độc lập) bằng cách thay thế nó bằng một cơ quan quản lý lâm thời. Năm 1997, Tỉnh ủy Tây Ninh thành lập một chi phái Cao Đài thông qua Kế hoạch 01-KH/TU. [1] Chính phủ đã sử dụng chi phái mới này để kiểm soát tín đồ Cao Đài và chuyển giao cho chi phái này hơn 300 thánh thất và tài sản của Hội Thánh Cao Đài chơn truyền, bao gồm cả trụ sở trung ương của Giáo Hội ở Tây Ninh.

Vào năm 1999, chính phủ thành lập Ban đại diện Phật Giáo Hòa Hảo với 11 thành viên, gồm đảng viên ĐCSVN và quan chức chính phủ. Năm 2005, chính phủ đã mở rộng Ban đại diện này thành BTS TƯ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (GHPGHH) được công nhận, trùng tên nhưng khác biệt với BTS TƯ GHPGHH nguyên thủy và độc lập. Chính phủ đã chuyển giao nhiều cơ sở tôn giáo của giáo hội độc lập cho giáo hội mới, bao gồm cả trụ sở của giáo hội độc lập ở làng Hòa Hảo, tỉnh An Giang. Chính phủ đã ngăn cản một cách có hệ thống các tín đồ PGHH độc lập tiến hành các nghi lễ tôn giáo công khai tại các địa điểm tôn giáo bị chiếm đoạt. Họ cũng đã bỏ tù các tín đồ PGHH độc lập không ủng hộ BTS TƯ GHPGHH được công nhận.

Sách Lược Thoả hiệp/Khuynh Loát  

Chính phủ Việt Nam thực hiện sách lược thoả hiệp và khuynh loát đối với Hội thánh Tin Lành Việt Nam - miền Bắc (HTTLVN-Bắc) và Hội thánh Tin Lành Việt Nam - miền Nam (HTTLVN-Nam). Chiến lược được áp dụng cho các tổ chức “lai,” không được chính phủ thành lập nhưng theo thời gian đã chấp nhận sự kiểm soát của chính phủ. Sự chấp nhận này có thể xuất phát từ cảm giác rằng hoạt động trong hệ thống kiểm soát chặt chẽ của chính phủ là cách duy nhất và/hoặc tốt nhất để các thành viên thực hành đức tin của họ tại Việt Nam. Các lãnh đạo của các tổ chức này thường hợp tác với chính phủ tại các khu vực được ĐCSVN coi là nhạy cảm về mặt chính trị, bao gồm hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

HTTLVN-Bắc và HTTLVN-Nam thường giữ im lặng về các vi phạm đối với thành viên của họ, ngay cả tình trạng vô quốc gia (không có quốc tịch) của hàng ngàn người H'Mông theo đạo Tin Lành, và cuộc đàn áp tàn bạo đối với các hội thánh tại gia của người Thượng.

Sách Lược Xâm Nhập 

Chính phủ Việt Nam thực hiện sách lược xâm nhập đối với Giáo hội Công giáo, tổ chức tôn giáo độc lập duy nhất mà họ công nhận hợp pháp. Năm 1955, ĐCSVN thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo Quốc gia, hiện nay được biết đến với tên gọi “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN)”, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam.[2] Tổ chức này được cải tổ vào tháng 11 năm 1983 và hoạt động như một tổ chức phi chính phủ do chính phủ thành lập. Chính phủ đã xâm nhập vào các giáo đoàn và hệ thống chức sắc của Công giáo thông qua các linh mục và giám mục có mối quan hệ thân thiết với ĐCSVN. Các thành viên của tổ chức tôn giáo giả mạo này đã tấn công các linh mục và giáo dân lên tiếng chống lại các bất công xã hội và môi trường, bảo vệ tự do tôn giáo, hoặc từ chối thỏa hiệp với chính phủ.

 

[1] Khối Nhơn sanh (Cao Đài) 2014.

[2] The Vietnamese Magazine (Tạp Chí Việt Nam), 2023.

Mạch Sống 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét