Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Việt Nam Trước Nguy Cơ "Tuột" Xuống Danh Sách CPC

 

Đoàn công tác của Ban Tôn Giáo Chính Phủ tại Cộng Hoà Sec, ngày 21/11/2024 (nguồn: ĐS Rehak)

VIỆT NAM TRƯỚC NGUY CƠ "TUỘT" XUỐNG DANH SÁCH CPC
Mạch Sống 

Việt Nam trước nguy cơ “tuột” xuống danh sách CPC

2024-12-01

  • Những vi phạm bởi nhà nước Việt nam cận ngày chỉ định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Mạch Sống, ngày 2 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Chẳng bao lâu nữa, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ công bố quyết định có hay không đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) và áp dụng các biện pháp chế tài theo luật định. Một số vi phạm nghiêm trọng ở Việt Nam trong mấy tuần gần đây đang đẩy Bộ Ngoại Giao vào tình thế khó xử dù muốn nương tay cho Việt Nam.

Vì ngày càng leo thang đàn áp quyền tự do tôn giáo, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL), nghĩa là mấp mé CPC, cho năm 2023. Tháng 10 năm 2023, Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, dẫn một đoàn hỗn hợp đến Hoa Kỳ vận động để được tháo gỡ khỏi danh sách này nhưng thất bại – Việt Nam tiếp tục bị Hoa Kỳ giứ trong danh sách SWL cho năm 2024.

Ngày 20 – 23 vừa qua, Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ, dẫn đoàn 6 người đến Cộng Hoà Séc, đang là Chủ Tịch liên minh 46 quốc gia phát huy quyền tự do tôn giáo toàn cầu, trong đó có Hoa Kỳ, để vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gián tiếp qua liên minh này. Cuộc vận động này có lẽ cũng sẽ thất bại.

No photo description available.

Hình 1 - Đoàn công tác của Ban Tôn Giáo Chính Phủ tại Cộng Hoà Sec, ngày 21/11/2024 (nguồn: ĐS Rehak)

Quy chế CPC

Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Act, IRFA), do Dân Biểu Frank Wolf (Cộng Hoà – Virgigina) là tác giả và được ban hành năm 1998, đòi hỏi Bộ Ngoại Giao chỉ định CPC quốc gia nào vi phạm hoặc dung dưỡng sự vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách: (1) nghiêm trọng, (2) có hệ thống, và (3) dài lâu. Luật này được ban hành ngày 27 tháng 10, 1998 ( Public Law No. 105-292).

Luật này đề ra 15 biện pháp chế tài đối với chính quyền bị chỉ định CPC, và cấm nhập cảnh Hoa Kỳ các giới chức chính quyền nào tham gia đàn áp một cách đặc biệt nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo; vợ, chồng, con (kể cả đã thành niên) của họ cũng bị cấm nhập cảnh.

Biện pháp cấm nhập cảnh này được gọi tắt là biện pháp “2G” vì mang mã số INA 212(a)(2)(G) trong Luật Di Dân và Quốc Tịch.

Danh Sách SWL

Năm 2016, DB Christopher Smith đề xướng luật bổ sung, mệnh danh “Frank Wolf International Religious Freedom Act” để ghi nhận DB Frank Wolf là tác giả của luật nguyên thuỷ.  Luật bổ sung này đề ra Danh Sách SWL dành cho các quốc gia hội đủ 2 trong 3 yếu tố: (1) nghiêm trọng, (2) có hệ thống, (3) dài lâu. Luật bổ sung này, do DB Christopher Smith là tác giả, được ban hành ngày 16 tháng 12, 2016 (Public Law No. 114-281).

Luật này cũng ấn định:

  • Tổng Thống có quyền đặc miễn cho một quốc gia được tạm hoãn chỉ định CPC nhưng không quá 6 tháng.
  • Bộ Ngoại Giao mỗi 6 tháng phải cung cấp cho Quốc Hội danh sách những cá nhân bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Triển vọng Việt Nam bị chỉ định CPC

Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998 ấn định chính quyền nào trực tiếp đàn áp hoặc dung dưỡng cho sự đàn áp quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và dài lâu thì Bộ Ngoại Giao phải đưa vào danh sách CPC. Các yếu tố sau đây đang được Bộ Ngoại Giao cân nhắc đối với Việt Nam:

  • Tính nghiêm trọng: Bộ Công An đàn áp tôn giáo trực tiếp và nghiêm trọng qua hình thức bắt giam, đánh đập, tra tấn, bỏ tù, giết chết. Trong năm 2024, thầy truyền đạo Y Bum Bya bị giết và treo cổ; thầy truyền đạo Nay Y Blang bị án 4.5 năm tù; thầy truyền đạo Y Krec Bya bị án tù 13 năm, Ông Y Thinh Nie bị bắt đi mất tích – họ thuộc Hội Thánh Đấng Christ Tây Nguyên độc lập với chính quyền. Bộ Công An vu khống Hội Người Thượng vì Công Lý là tổ chức khủng bố, tuyên án vắng mặt 10 năm tù đối với Ông Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập hội này, và yêu cầu Thái Lan dẫn độ. Công an bắt 6 nhà sư và 3 phật tử Khmer Krom; ngày 26 tháng 11, họ bị tuyên án từ 2 đến 6 năm tù.
  • Tính hệ thống: Hoạt động song song với Bộ Công An, Ban Tôn Giáo Chính Phủ không chỉ dung dưỡng mà chủ động sử dụng các tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo do nhà nước điều khiển để đấu tố, hành hung, chiếm đoạt tài sản, và ngăn cản sinh hoạt tôn giáo của các nhóm tôn giáo độc lập. Tuần vừa qua, Mục Sư Y Cuah (Choa) Hdok thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam, một tổ chức bị nhà nước điều khiển, đã đấu tố các tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, đe doạ cho họ đi tù nếu không gia nhập tổ chức tôn giáo của ông ta. Đầu tháng 11, các thành viên của Chi Phái Cao Đài do nhà nước tạo tác năm 1997 đã vô can khi tấn công tư gia của các tín đồ Cao Đài chơn truyền giữa tang lễ. Đầu năm nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, do nhà nước tạo tác năm 1981, đã lột áo tu hành của các vị sư Khmer Krom tuyên bố độc lập, mở đường cho công an bắt bớ và bỏ tù họ.
  • Tính dài lâu: Việt Nam đã 2 năm liền trong danh sách S Thay vì giảm bớt sự đàn áp, nhà nước Việt Nam lại liên tục leo thang trong suốt năm 2024, đến sát thời điểm mà Bộ Ngoại Giao, theo luật pháp, phải phân hạng Việt Nam vì đàn áp tự do tôn giáo.

Kế hoạch đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Như thường lệ, BPSOS tiếp tục báo cáo các vi phạm nghiêm trọng bởi chính quyền và các tổ chức tôn giáo và nguỵ  tôn giáo mà họ dùng làm trợ cụ đàn áp. Đặc biệt, trong năm 2024 BPSOS đã hỗ trợ Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) soạn tài liệu nghiên cứu về các tổ chức trợ cụ này. Tài liệu nghiên cứu được USCIRF công bố ngày 27 tháng 9 vừa qua: https://www.uscirf.gov/publications/state-controlled-religion-and-religious-freedom-vietnam

Ngày 21 tháng 11, BPSOS tổ chức buổi họp báo với sự tham gia của Chủ Tịch USCIRF, để giới thiệu và phát tán tài liệu này. Xem: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/582313674210058

Uỷ Hội USCIRF, thành lập năm 1999 theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của DB Frank Wolf, là cơ quan độc lập, lưỡng đảng tư vấn cho Quốc Hội, Ngoại Trưởng và Tổng Thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại nhằm bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Đây là cơ quan có uy tín không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên thế giới.

Tài liệu nghiên cứu kể trên quy kết nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các hành vi đàn áp, bách hại tôn giáo của các tổ chức trợ cụ mà họ điều khiển. Quít làm cam chịu, không tránh né vào đâu được nữa.

Cụ thể, các hành vi đàn áp tôn giáo của đám tín đồ Chi Phái Cao Đài 1997, của giới lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và của Mục Sư Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam như kể trên đều là yếu tố để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cân nhắc khi quyết định việc chỉ định Việt Nam trong năm nay.

 Pic_1_-_12-01-2024.jpg

Hình 2 - Họp báo về tài liệu nghiên cứu của Uỷ Hội USCIRF, ngày 21 tháng 11, 2024

Sau 2 năm giữ Việt Nam trong danh sách SWL mà tình hình ngày càng xấu đi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ còn 2 cách:

  • Chỉ định Việt Nam vào danh sách CPC.
  • Đặc miễn 6 tháng với điều kiện nhà nước Việt Nam phải thực hiện các cam kết cụ thể về tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

Tháng 4 đầu năm nay, BPSOS cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ danh sách các tiêu chí đề nghị, gồm có:

  • Cấp căn cước công dân cho khoảng 100 nghìn người Hmong không giấy tờ tuỳ thân, phần lớn do họ theo Đạo Tin Lành.
  • Chấm dứt mọi hành vi ép người Thượng theo Đạo Tin Lành cải đạo.
  • Ngưng đàn áp, bắt bớ các nhà sư và Phật tử người Khmer Krom không tuân phục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước dựng lên năm 1981.
  • Ngưng các hành vi đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các người Hmong và người Thượng đang lánh nạn ở Thái Lan hoặc đã định cư Hoa Kỳ.
  • Giao trả cho các tín đồ Cao Đài chơn truyền Toà Thánh Tây Ninh, các cơ ngơi tại Thánh Địa Tây Ninh, và các thành thất địa phương để họ kịp tưởng niệm 100 năm ngày khai đạo.
  • Gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo.
  • Trả tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo.

Bài liên quan:

Việt Nam trước nguy cơ “tuột” xuống danh sách CPC

Bộ Công An manh động, thêm đề tài cho Kiểm Định UPR đối với Việt Nam sắp đến

Văn bản đề nghị các tiêu chí đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam về tự do tôn giáo:
https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/04/FORB-benchmarks-to-assess-Vietnam-2024-without-hyperlinks.pdf

Mạch Sống 


Kỳ Tích Đóng Chương Sử Thuyền Nhân: Cuộc Chiến Cam Go Tại Hạ Viện Hoa Kỳ

 

Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh và Ts. Trần Văn Hải trong phái đoàn BPSOS vận động Quốc Hội chống cưỡng bức hồi hương thuyền nhân

KỲ TÍCH ĐÓNG CHƯƠNG SỬ THUYỀN NHÂN: CUỘC CHIẾN CAM GO TẠI HẠ VIỆN HOA KỲ
Mạch Sống 

Kỳ tích đóng chương sử thuyền nhân: Cuộc chiến cam go tại Hạ Viện Hoa Kỳ

2024-11-30

  • Bộ Ngoại Giao và Ông Lê Xuân Khoa hiệp sức nhằm đánh bại điều luật chống CPA của DB Christopher Smith

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 30 tháng 11, 2024

http://machsongmedia.org

Đầu tháng 2, 1995, DB Smith đưa vào Dự Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Đối Ngoại (H.R. 1561) điều khoản tu chính được mệnh danh là “điều luật chống CPA”, cấm tài trợ việc hồi hương thuyền nhân Việt Nam bằng ngân sách Hoa Kỳ cho đến khi mọi thuyền nhân ở các trại cấm được tái phỏng vấn tị nạn bởi nhân viên di trú Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ.

Điều luật này được Tiểu Ban Nhân Quyền và Hoạt Động Quốc Tế mà DB Smith là Chủ Tịch thông qua dễ dàng, nhưng gặp phải sự chống đối mãnh liệt khi được đưa ra biểu quyết trước Ủy Ban Đối Ngoại ngày 19 tháng 5, 1995. Để đánh bại nó, Bộ Ngoại Giao tìm được đồng minh nơi Dân Biểu Doug Bereuter, đảng Cộng Hòa - Nebraska, lúc ấy là Chủ Tịch Tiểu Ban Châu Á – Thái Bình Dương.

Cả bên ủng hộ lẫn bên chống đối đều dốc sức vận động từng thành viên của Uỷ Ban Đối Ngoại.

Pic_1_-_10-30-2024.jpg

Hình 1 -- Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh và Ts. Trần Văn Hải trong phái đoàn BPSOS vận động Quốc Hội chống cưỡng bức hồi hương thuyền nhân

Bản lập trường của BPSOS

Để phục vụ cuộc vận động, đầu tháng 5, Luật Sư Lê Chí Thảo và tôi cùng biên soạn Bản Lập Trường của BPSOS. Khởi đầu, chúng tôi nhận định về các khiếm khuyết nghiêm trọng trong thanh lọc dưới chương trình CPA và sự tắc trách của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ trước các khiếm khuyết này, làm cho hơn 90% thuyền nhân bị từ chối tư cách tị nạn. Kế đến, chúng tôi đề nghị “Giải Pháp Công Bằng và Nhân Đạo” bao gồm: (1) Tuyệt đối không dùng ngân sách của Hoa Kỳ để cưỡng ép thuyền nhân về nơi họ bị đàn áp, (2) dùng tiêu chuẩn luật tị nạn của Hoa Kỳ để cứu xét tư cách tị nạn của các thuyền nhân, và (3) tái định cư những ai được xét là tị nạn trong phạm vi số chỗ mà Hoa Kỳ dành sẵn cho người tị nạn trong khu vực Đông Á. Xem tài liệu tham khảo bên dưới.

Chúng tôi cùng lập trường với DB Smith: Thanh lọc dưới CPA hoàn toàn bất công, phải “xoá bài làm lại từ đầu”.

Bản lập trường của SEARAC

Ông Lê Xuân Khoa có chủ trương chống đối DB Smith, với quan điểm đăng trong ấn phẩm của SEARAC có tên là The Bridge, Số Hè 1995. Ông ta chỉ trích DB Smith, tuy xuất phát từ thiện chí, đã gây hại cho thuyền nhân ở các trại và gây phẫn nộ cho các quốc gia tạm dung vì làm cho Hoa Kỳ phải vi phạm cam kết quốc tế dưới chương trình CPA.

Theo Ông Lê Xuân Khoa, Việt Nam đã thay đổi và chính quyền nói chung không còn đàn áp nhân quyền có hệ thống:

“Riêng với tôi, tôi đã viếng thăm Việt Nam nhiều lần từ năm 1991. Tôi cũng không tin rằng có bất kỳ sự kỳ thị hay đàn áp có hệ thống nào. Rõ ràng chính quyền Việt Nam, với sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, đã chuyển từ lập trường Cộng sản cứng rắn sang nền kinh tế thị trường tự do.”

Ông ta cho biết từ năm 1993 SEARAC được Bộ Ngoại Giao cấp ngân khoản để mở văn phòng ở Việt Nam, giúp các thuyền nhân tái hội nhập sau khi hồi hương và, dựa trên kinh nghiệm ấy, tin rằng thuyền nhân đều an toàn khi hồi hương:

“Đối với trường hợp người hồi hương từ các quốc gia tạm dung, nhiều quan sát viên quốc tế -- kể cả các tổ chức nhân quyền và các nhà báo đã thăm viếng Việt Nam để điều tra vi phạm nhân quyền có thể đã xảy ra cho người hồi hương – không tìm thấy chứng cứ đàn áp nào...”

Đối nghịch với lập trường của BPSOS và DB Smith, Ông Lê Xuân Khoa chấp nhận kết quả thanh lọc CPA, khẳng định tuyệt đại đa số thuyền nhân có thể hồi hương an toàn, và chỉ cần “vớt vát” cho một ít hồ sơ bị bất công một cách tệ hại.  

Pic_2_-_10-30-2024.jpg

Hình 2 – Biểu tình chống cướng bức hồi hương ở trại cấm Hồng Kông

Phản bác thông điệp của Ông Lê Xuân Khoa và InterAction

Năm trước, Ông Lê Xuân Khoa hướng dẫn phái đoàn của Liên Minh InterAction đi Việt Nam. Khi trở về, Ông Lê Xuân Khoa phổ biến “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” nói lên quan điểm của số tổ chức này sau chuyến đi, đã được trình bày trong bài trước.

Đối phó lại, DB Smith thuyết phục DB Benjamin Gilman, Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại, cử phái đoàn nhân viên Quốc Hội thị sát tình hình thuyền nhân ở Thái Lan và Hồng Kông. Đầu tháng 4, 1995, phái đoàn lên đường gồm có Ông Paul B., nhân viên lập pháp của Uỷ Ban Đối Ngoại; Ông Rees, Cố Vấn Trưởng Tiểu Ban Nhân Quyền; và Luật Sư Trần Thái Văn do DB Ed Royce tiến cử và được BPSOS tài trợ -- LS Văn lúc ấy là thành viên của LAVAS, tổ chức trực thuộc BPSOS.

BPSOS cung cấp cho họ danh sách các hồ sơ bị từ chối tư cách tị nạn một cách hoàn toàn bất công. Chính phủ Thái Lan không cho phái đoàn tiếp xúc với thuyền nhân, nhưng ở Hồng Kông họ đã gặp được một số thuyền nhân mà BPSOS giới thiệu. Ông Rees thuật lại các cuộc tiếp xúc này trong bài phát biểu tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2009:

“Họ bao gồm một nhà thơ chống Cộng, một người cụt cả hai chân đã bị thương tích khi chiến đấu bên phe chúng ta trong chiến tranh, một nhà hoạt động người Thượng sau đó cho chúng tôi xem bảy lỗ đạn mà ông đã phải hứng chịu trong cuộc tấn công khiến ông phải chạy trốn khỏi đất nước, một nữ tu Công giáo có tu viện đã bị chính phủ phá hủy, và các nhà sư Phật giáo đã bị đàn áp vì họ thuộc về Giáo hội Phật giáo Thống nhất thay vì thuộc về tổ chức Phật giáo ‘chính thức’ do chính phủ lập ra. Tất cả đều đã bị sàng lọc là ‘những người di cư kinh tế’ đang cố gắng lợi dụng hệ thống [bảo vệ tị nạn], và tất cả sắp bị đưa trở lại vào tay chính phủ đã đàn áp họ.” Xem tài liệu tham khảo ở cuối bài.

Ít lâu sau, DB Smith đích thân đến trại cấm High Island ở Hồng Kông. Nơi đây, ông gặp gỡ nhiều thuyền nhân mà phái đoàn của Ông Rees đã gặp. Từ đó, phe chống đối không còn lập luận được nữa rằng DB Smith hành động vì nghe theo lý lẽ cường điệu một chiều của chúng tôi.

Mốc sinh tử

Ngày 19 tháng 5, Uỷ Ban Đối Ngoại biểu quyết điều luật chống CPA của DB Smith. Nếu không được thông qua thì điều luật xem như bị chết.

Trong những ngày trước đó, BPSOS gửi bản lập trường đến từng thành viên của uỷ ban này, đồng thời huy động các nhóm và hội đoàn người Việt cũng như các tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ ồ ạt gửi văn thư, gọi điện thoại, đánh fax đến các văn phòng dân biểu tại địa hạt cử tri của họ. Một số người Việt đã chia thành nhóm đến gặp từng văn phòng dân biểu.

Chúng tôi đã gặp trực tiếp DB Jerry Nadler, DB Howard Berman, nữ DB Nancy Pelosi, nữ DB Zoe Lofgren, v.v. tất cả đều thuộc đảng Dân Chủ. Họ là mục tiêu vận động của Bộ Ngoại Giao. Có hôm tôi gặp toán viên chức Bộ Ngoại Giao 4, 5 người ở hành lang Quốc Hội; tôi chỉ có một mình. Chúng tôi đều biết nhau và chào nhau dù lúc ấy đang ở hai chiến tuyến đối nghịch.

Một hôm, Ông Rees gọi điện thoại hỏi tôi có biết “Doctor Khoa” là ai không vì người này đi vận động tại các văn phòng dân biểu có khuynh hướng chống đối. Tôi kể sơ rằng “Doctor Khoa” là giám đốc SEARAC, tổ chức lãnh tiền của Bộ Ngoại Giao để tái hội nhập các thuyền nhân hồi hương.

Ngày 19 tháng 5, tôi bỏ việc sở để theo dõi tận nơi cuộc tranh luận nảy lửa giữa bên ủng hộ DB Smith và bên chống đối trong phiên họp biểu quyết của Uỷ Ban Đối Ngoại. Phòng chật kín người, phải đứng, trong đó có nhiều khuôn mặt viên chức Bộ Ngoại Giao. Thỉnh thoảng tôi ra ngoài hành lang gọi điện thoại nhắn “phe ta” đánh fax đến văn phòng của các dân biểu với lập trường chưa rõ nét.

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, gay cấn, phe ủng hộ DB Smith thắng thế. Bước kế tiếp là phiên biểu quyết bởi toàn thể Hạ Viện diễn ra ngay trong tuần sau.

Pic_3_-_10-30-2024.jpg

Hình 3 – Biểu tình chống cưỡng bức hồi hương ở trại Galang, Indonesia

Cuộc vận dộng bên ngoài

Ngày 24 tháng 5, 1995, điều khoản tu chính của Dân Biểu Smith được đưa ra trước toàn thể Hạ Viện Hoa Kỳ để biểu quyết.

Trong mấy ngày trước đó, chúng tôi chạy nước rút để vận động nhiều trăm dân biểu Hạ Viện. Hoà Thượng Thích Giác Lượng đã đến từ San Jose để cùng đi gõ cửa các văn phòng dân biểu. Hoà Thượng trước đây là thuyền nhân ở trại Palawan, Phiippines.

Ở các cộng đồng địa phương, nhiều nhân sĩ cũng tham gia như Ông Trần Tử Thanh, cựu tù cải tạo ở Virginia; Bà Kim Oanh Cook, một người hoạt động xã hội ở Virginia; BS Trượng Ngọc Tích, nhà hoạt động cộng đồng ở Texas; các thành viên thuộc tổ chức LAVAS ở Nam California; Ông Nguyễn Hữu Lục ở Bắc California; v.v.  Chúng tôi được nhiều tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ tiếp tay đánh fax hoặc gọi điện thoại đến văn phòng các dân biểu nơi địa hạt của họ.

Một cú đánh bất ngờ

Sáng sớm ngày 24 tháng 5, có người báo cho tôi biết bài báo trên trang nhất của tờ Washington Post, tờ báo hàng đầu vùng thủ đô Hoa Kỳ được các vị dân cử và nhân viên Quốc Hội theo dõi thường xuyên. Mở đầu, bài báo tấn công trực diện DB Smith:

“Các nỗ lực của Hoa Kỳ và các quốc gia khác để chấm dứt câu chuyện dài và buồn thảm của người tị nạn ‘thuyền nhân’ từ Việt Nam bằng cách gửi họ về lại nguyên quán có thể bị phá vỡ bởi một điều khoản gây tranh cãi trong luật chi tiêu cho các hoạt động đối ngoại đang được cứu xét ở Hạ Viện.”

Bài báo trích dẫn Ông Lê Xuân Khoa, giám đốc tổ chức SEARAC có văn phòng ở thủ đô Hoa Kỳ:

“Bất kỳ đòi hỏi nào rằng họ phải được thanh lọc trở lại để xem có đáp ứng các tiêu chí được thiết lập trong luật ở Hạ Viện sẽ chỉ kích động phản ứng mạnh ở Hồng Kông và Thái Lan, và các quốc gia ‘tạm dung’ nơi mà người tị nạn không được đón chào.”

“Chúng ta phải tránh gây thêm bạo động và mất mạng người trong các trại... Chọn lựa tốt nhất cho họ là quay về Việt Nam, như 70 nghìn người đã làm, và nộp đơn xin xuất cảnh từ đó.”

Bà Phyllis Oakley, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách tị nạn, được trích dẫn:

“Chúng tôi rất chống đối điều luật ở Hạ Viện vì như thế chúng tôi xem như phải huỷ bỏ một cam kết quốc tế đã đạt biết bao điều tốt lành.”

Bài báo nhắc đến lá thơ gửi thuyền nhân của một số tở chức thuộc InterAction, cho biết rằng không có lý do gì để trì hoãn việc hồi hương và chương trình tị nạn phải chấm dứt. Đó chính là nội dung của “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” mà Ông Lê Xuân Khoa phổ biến ngày 15 tháng 2, 1995.

Bài báo Washington Post kết luận:

“Theo Ông Khoa, Bà Oakley và các nhà ngoại giao của các quốc gia tái định cư, việc Hạ Viện thông qua văn bản luật [của DB Smith] sẽ phục hồi niềm hy vọng mà các người tị nạn đã được bảo từ năm ngoái là không còn nữa đâu, và sẽ củng cố sự cưỡng chống hồi hương tình nguyện.”

Tóm lại, bài báo đổ cho DB Smith chính là căn nguyên xảy ra bạo động và các vụ tự sát ở các trại cấm chứ không phải hệ thống thanh lọc bất công, chính sách thắt nghẹt đời sống, và chủ trương cưỡng bức hồi hương người tị nạn về nơi họ bị đàn áp.

Đối phó với ảnh hưởng tai hại của bài báo, tôi lại xin nghỉ việc sở để gấp rút huy động “phe ta” tiếp tục đánh fax, gọi điện thoại tới tấp cho từng vị dân biểu có khuynh hướng chống đối hoặc chưa chọn thái độ. Rất may là trước đó, BPSOS đã cùng với văn phòng DB Smith đổ công xây dựng một liên minh rộng lớn, nay có cơ hội phát huy tác dụng. Theo lời thuật lại của ĐS Rees trong bài phát biểu tại Thư Viện Quốc Hội năm 2009:

“Cuối cùng, chúng tôi đã có thể tập hợp một liên minh rộng lớn bao gồm hầu hết các nhóm tị nạn [người Việt], tổ chức American Legion và các tổ chức cựu chiến binh, các tổ chức tôn giáo và báo Wall Street Journal.

Pic_4_-_10-30-2024.jpg

Hình 4 – Biểu tình chống cưỡng bức hồi hương ở trại Sungei Besi, Malaysia

Trận chiến bên trong

Trong khi đó, cuộc tranh luận trong sảnh đường của Quốc Hội diễn ra gay cấn. DB Bereuter, đứng đầu phe chống đối, đưa ra điều luật tu chính xoá bỏ điều luật chống CPA của DB Smith. Ông Rees tường thuật trong bài phát biểu năm 2009 kể trên:

“Hành Pháp [Clinton] ủng hộ điều luật này [của DB Bereuter] một cách mạnh mẽ và có vẻ đã quy tụ được một liên minh thắng thế gồm các dân biểu trung thành với Hành Pháp, các dân biểu Cộng Hoà chống di dân, và các dân biểu Dân Chủ thiên tả đã từng chống chiến tranh [Việt Nam] và vẫn miến cưỡng không thừa nhận rằng chính quyền Việt Nam đã quá chuyên chế như thực tế chứng minh.”

Trong liên minh của họ có một nhân vật người Việt: Ông Lê Xuân Khoa, được Washington Post trích dẫn đúng thời khắc sinh tử cho điều luật chống CPA.

Điều bất ngờ cho họ là DB Smith, thay vì đối đầu với điều luật của DB Bereuter, đã đưa ra một điều khoản tu chính mới, được sự hậu thuẫn của một liên minh lưỡng đảng mạnh mẽ. Phía Cộng Hòa có các vị dân biểu kỳ cựu như Dick Armey, Henry Hyde, Dan Burton, Benjamin Gilman, Frank Wolf, Ileana Ros-Lehtinen, Robert Dornan, Steve Gunderson, Tom Davis, Ed Royce... Phía Dân Chủ có các dân biểu nổi tiếng như Tom Lantos, Howard Berman, Jerry Nadler, Zoe Lofgren, Henry Waxman, John Lewis, John Porter...

Điều luật chống CPA mới của DB Smith được thông qua với tỉ số áp đảo: 266 phiếu thuận, 156 phiếu chống, và 12 phiếu trắng. Một chiến thắng vẻ vang cho thuyền nhân. Góp phần cho chiến thắng bước đầu này là công sức của cả cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ với sự yểm trợ mạnh mẽ của các hội cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Ý nghĩa đằng sau các lá phiếu

Cuộc bỏ phiếu ngày 24 tháng 5 chứng kiến sự đảo lộn cách nhìn về 2 đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Có 178 dân biểu Cộng Hoà bỏ phiếu ủng hộ so với 46 bỏ phiếu chống. Bên dân chủ, 88 dân biểu ủng hộ so với 109 chống.

Hoá ra, đa số tuyệt đối bên đảng Cộng Hoà, thường bị mang tiếng chống di dân, đã ủng hộ việc bảo vệ và tái định cư thuyền nhân Việt Nam. Ngược lại, đa số bên đảng Dân Chủ, bình thường ủng hộ di dân và tị nạn, lại muốn đẩy thuyền nhân Việt Nam về với chế độ cộng sản. Tờ Washington Post, lúc nào cũng thể hiện quan điểm cấp tiến về di dân, lại lên án một cách cực đoan những người chống cưỡng bức hồi hương thuyền nhân. Tờ báo này đã có cả một loạt bài tấn công DB Smith – bài đăng trang nhất ngày 24 tháng 5, trích dẫn Ông Lê Xuân Khoa và Trợ Lý Ngoại Trưởng Phyllis Oakley, chỉ là một.

Thất bại ở Hạ Viện, không mất thời gian, Bộ Ngoại Giao và Ông Lê Xuân Khoa khởi động ngay nỗ lực đánh bại dự luật chống CPA của DB Smith ở Thượng Viện Hoa Kỳ.

Bài 3 – Cuộc chiến vừa đàm vừa đánh ở Thượng Viện

Tài liệu tham khảo:

Bản lập trường của BPSOS: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/CPA-problems-and-solution-BPSOS-May-1995-1.pdf

Bản lập trường của SEARAC: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/The-Bridge-Summer-1995.pdf

Văn thư DB Smith gửi DB Gilman ngày 27 tháng 3, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/Smith-to-Gilman-re-trip-to-Thailand-and-Hong-Kong.pdf

Văn khố Quốc Hội về cuộc tranh luận bỏ phiếu tại Uỷ Ban Đối Ngoại ngày 19 tháng 5, 1995: https://www.congress.gov/congressional-report/104th-congress/house-report/128/1

Văn Văn khố Quốc Hội về cuộc tranh luận bỏ phiếu tại Hạ Viện ngày 24 tháng 5, 1995: https://www.govinfo.gov/content/pkg/GPO-CRECB-1995-pt10/pdf/GPO-CRECB-1995-pt10-5-2.pdf

Bài báo Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/Washington-Post-05-24-1995.pdf

Phát biểu của ĐS Rees tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/Rees-remarks-on-CPA-ROVR-2009.pdf

Lịch sử bỏ phiếu Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Đối Ngoại, H.R. 1561: https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/1561/all-actions

Mạch Sống



Chuyện Tình Buồn


Nguyễn Thị Túy (thời trẻ)

CHUYỆN TÌNH BUỒN
Lê Hồng Minh

Trước tiên xin được nói ngay: người thiếu nữ trong tấm hình đăng kèm bài này, đó chính là chị Nguyễn Thị Túy thời trẻ, nguyên mẫu của nhân vật “em” trong ca khúc “Chuyện tình buồn” (nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình). Hình này do chị Túy gởi cho mình!

Mọi người đã quá biết “Chuyện tình buồn” là một trong những bản nhạc tình rất hay và cực kỳ lãng mạn của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Câu chuyện trong bài thơ hay bài hát đều kể về một thanh niên có gia đình theo đạo Phật, đem lòng yêu một cô gái rất đẹp theo đạo Công giáo. Hồi đó, những câu chuyện như thế này là không hề thiếu, và chắc chắn là luôn gặp phải trắc trở vì bị cả hai gia đình, thậm chí cả dòng họ ngăn cấm tới cùng!

Tôi được nghe ca khúc này lần đầu quãng những năm 1984–1985, khi vừa mới lớn. Từ đó đến cách đây 1 năm (năm 2023), vì nhiều lý do, có lúc tôi quên khuấy khúc ca mà mình đã từng thích ấy, hoặc cũng “5 thì 10 họa” mới có dịp nghe lai bản nhạc này. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây thôi, đã có quá nhiều điều, nếu nói là tình cờ ngẫu nhiên cũng được, mà nói là nhân duyên cũng đúng, đã đến với tôi, xoay quanh “Chuyện tình buồn”.

Ngày 1/4/2023, cách đây chẵn chòi 1 năm, tôi về vùng Cù Bị (Đồng Nai) nơi có nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn chơi, dừng xe máy chụp cái hình đăng Facebook. Lát sau thấy cậu bạn thời niên thiếu bình luận vui “Anh một đời rong ruổi”. Chuyện tưởng tới đó rồi thôi, ai dè lại là khởi nguồn của nhiều điều kỳ lạ.

Tới ngày 4/4/2023, tôi đọc được một bài viết trên Facebook có thêm nhiều thông tin về những người có liên quan tới nhạc phẩm này. Ngứa nghề, nên tôi có viết “Chuyện tình buồn 5 năm rồi không gặp”, ban đầu đăng báo… Facebook, sau được tờ saigonnews bên Hoa Kỳ đăng lại.

Ngày 5/4/2023, tài khoản “Tuy Nguyen” liên lạc, lúc đó mình mới biết đó là chị Nguyễn Thị Túy –  nguyên mẫu trong “Chuyện tình buồn” quá nổi tiếng, khi chị nhắn “Chị đọc bài viết của em, chị có cảm tưởng như em đang ở trong nhà chị hoặc nhà anh Bình. Em thân với anh Bình hay sao?” Chị Túy tưởng mình là người cùng thời, hoặc bà con, thậm chí có thể là người quen thân gia đình anh Bình, song thật sự không phải vậy. Tôi chỉ là kẻ hậu sinh, mọi thông tin để viết nên bài ấy, lớp tôi lục tìm tư liệu, lớp tôi hỏi thêm những người cùng thời với anh Bình, chị Túy, mà biên ra thôi.

Và kể từ đó, tôi và chị Túy, từ 2 người cách xa về tuổi tác, chẳng hề quen biết và cũng ở xa nhau đến nửa vòng trái đất, đã trở nên thân quen, thường hay hỏi thăm nhau.

Tới hôm nay, 1/4/2024, đúng 1 năm sau ngày “Chuyện tình buồn” được gợi nhớ lại, tình cờ chị Túy lại gọi điện từ Hoa Kỳ về nói chuyện với tôi!

Chị Túy kể, anh Phạm Văn Bình và chị có nhà ở chung trong một con hẻm trên đường Phan Bội Châu, thị trấn Đông Hà. Chị Túy có người anh trai là bạn cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, lại thấy người thiếu nữ này quá đẹp, học hành đàng hoàng (chị Túy không học ở Đông Hà mà học ở Huế), lại dễ nhìn, nên Phạm Văn Bình ưng quá ưng mà đem lòng yêu đương. Khi họ yêu nhau, có người ở Đông Hà ngày ấy nói rằng đôi trẻ quấn quýt không rời.

Đến giờ cũng không có nhiều người biết câu chuyện tình của thi sĩ Phạm Văn Bình và người thiếu nữ trong ca khúc “Chuyện tình buồn” này chớm nở từ lúc nào, nhưng lúc họ chia tay, có lẽ vào quãng giữa thập niên 60 của thế kỷ XX! Cũng có người phỏng đoán rằng năm 1963 anh Phạm Văn Bình 23 tuổi và chị Tuý mới 16 tuổi nên cũng có thể họ đã yêu nhau trong khoảng thời gian này.

Nhưng tôn giáo đã khiến họ phải xa nhau. Không lấy được anh Bình, lúc đó chị Túy đứng trước sự “tấn công dữ dội” của nhiều chàng trai, trong đó có 1 anh liên hồi hối thúc quá dữ dù khi ấy chị còn đi học và chỉ mới cỡ 18 tuổi, như chị nói “hồi đó chị nhác học và chỉ ưa đi chơi”. Lấy chồng xong đẻ con tới tới, nên tấm hình mà mọi người vừa xem, lúc đó đã “tay bế tay bồng” rồi. Phạm Văn Bình sau này gặp lại người yêu cũ đã viết “Anh một đời rong ruổi; em tay bế tay bồng” là vậy.

Trong câu chuyện, chị Túy cho rằng “Chuyện tình buồn” không còn là thân phận đau thương của riêng chị, mà cũng là câu chuyện của rất nhiều người con gái sống trong thời chiến tranh ly loạn.

Chị Túy kể rằng ngày trước nhà chị ở Huế, ngay cổng trước của trường Thiên Hựu (nay là đường Nguyễn Huệ chạy ngang trước Trường Đại học Tổng hợp Huế). Vì chiến tranh mà chị và gia đình bên chồng đã từng ở rất nhiều nơi, từ Huế vô Dĩ An, ra Nha Trang, lại vô Bình Tuy. Chị vẫn còn nhắc về vùng Quảng Biên, Trà Cổ, Trảng Bom, Cù Bị, Ngãi Giao… mà ngày ấy chị có nhiều người quen ở đó, cũng như từng qua lại nhiều lần. Sau 1975, chị chuyển vô vùng Bàu Cá (Long Khánh) có được hơn mẫu đất của mẹ chồng cho nên trồng mít, rồi hái mít, và đi bán mít trần ai lai khổ. Sau đó chị lên Sài Gòn ở, và năm 2006 qua Hoa Kỳ định cư với mấy người con. Và trùng hợp thay, thi sĩ Phạm Văn Bình cũng định cư ở đây, nhưng ông đã mất hồi năm 2018 rồi.

Giai nhân Nguyễn Thị Túy ngày nào còn nhắc về “một thời của những chàng trai đang lứa tuổi tràn đầy nhựa sống yêu đương, phải xếp bút nghiên, từ giã người yêu, lên đường chinh chiến, rồi có khi phải trở về trong chiếc poncho im lặng”.

Nhớ lại, hầu như những người yêu nhau trong thời buổi chinh chiến ấy đều dường như tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bài thơ. Lứa thanh niên ở nông thôn hay đô thị, ngồi trên giảng đường hay mưu sinh ngoài đường phố, trong đó nhiều nhất có lẽ là những chàng trai lính chiến, đều có thể “hát nghêu ngao” ít nhất vài câu của bản nhạc “Chuyện tình buồn” này, và không thiếu người xem như chính câu chuyện tình éo le đó là của chính mình vậy!

“Chuyện tình buồn” từ khi xuất hiện và đến tận bây giờ, hơn 50 năm đã qua, luôn được xem là một nhạc khúc không chỉ buồn, mà còn quá buồn cho một chuyện tình dang dở. Câu chuyện tình yêu đượm buồn của thời tuổi trẻ nhưng lại mang nhớ thương ray rứt mãi hoài, và có gì đau thương hơn khi người mà ta yêu thương nhất năm xưa, nay đã là góa phụ bồng con ngồi bên song cửa mà buồn…

Chiến tranh không chừa ra điều gì, nó mang lại bao nỗi đau thương, mất mát và nghịch cảnh đến rất, rất nhiều gia đình. Rất nhiều những goá phụ trạc tuổi như chị Túy còn đang xuân mà một nách mấy người con, là chuyện thường tình.

Bất chợt, tôi nhớ đến bà ngoại của các con tôi cũng vậy, có lẽ cùng lứa tuổi với chị Túy, cũng cùng cảnh ngộ một nách 2 con thơ lại còn mang bầu đứa thứ 3 lúc còn son trẻ khi ông ngoại các cháu tử trận tại chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971. Khi đó “bà cụ thân sinh” của 2 con tôi mới chỉ là bào thai nơi người thiếu phụ quê Cồn Hến ở Huế. Bà ngoại mấy cháu lúc đó chưa qua tuổi 30 mà chịu ở vậy nuôi 3 đứa con đến giờ. Ôi trời ơi chiến tranh: lắm khổ đau, nhiều mất mát và dư thừa nghịch cảnh!

Chiều thu năm nào đó chiếu xuống nơi xóm đạo an lành, theo đó là ánh thu buồn hắt hiu khi chuông nơi giáo đường năm ấy ngân nga. Thời gian vài ba năm cứ ngỡ là lâu, ai dè nay gặp lại thì tưởng chừng như mới vừa hôm qua.

Sau tất cả, chuyện tình giữa chàng trai và giai nhân ấy không thành, chàng trai cứ ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận chi hết. Mà trên đời ni không hề thiếu những chàng trai gặp cảnh ấy, và cũng chấp nhận vậy.

Ôi câu chuyện cả bên trong lẫn bên ngoài của bài ca ấy sao buồn quá, nó cứ đeo đuổi và vẫn ở mãi trong ký ức chúng ta, từ lần đầu tiên nghe bản ấy, tới tận bây giờ, mà chắc cũng sẽ mãi về sau!

Bữa nay lại miên man với “Chuyện tình buồn”, trong đầu cứ dồn dập với bao kỷ niệm chôn kín, dường như đã lãng quên…!

Lê hồng Minh

Bài thơ CHUYỆN TÌNH BUỒN

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông.

Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng
Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian.

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.

Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô.

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du.

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên.

Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Đêm goá phụ bên song.

Phạm Văn Bình


Kính mời quý vị thưởng thức